Chợ truyền thống tại Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh

Phần 1: Tổng quan về Chợ truyền thống Việt Nam và TP HCM

TP HCM trải qua hơn 300 năm hình thành và biến đổi luôn khẳng định vai trò là trung tâm thương mại, văn hóa năng động nhất của cả nước. Với đặc thù vị trí thuận lợi về giao thông liên kết cả bằng đường thủy lẫn đường bộ, hoạt động giao thương, mua bán trao đổi hàng hóa từ xưa tới nay luôn nhộn nhịp, sôi động. Kiến trúc chợ, do vậy, được phát triển với nhiều quy mô, hình thức đa dạng thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau. Bắt nguồn từ những “bến” bãi đất trống cặp sông rạch, các lều/bạt tạm bợ, đến hàng loạt công trình chợ kiên cố phân bố rộng khắp thành phố gắn liền với yếu tố sông nước, những dãy phố chợ điển hình, hoạt động mua bán mở rộng phạm vi xung quanh, hết mức có thể. Chợ không chỉ chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế mà nó còn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người dân khu vực. Kiến trúc chợ không chỉ để phục vụ nhu cầu buôn bán mà còn thể hiện dấu ấn, nét văn hóa rất riêng của một nơi chốn.

Trong giai đoạn hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố, không gian Chợ dần mất đi vị thế. Tình trạng nhếch nhác, xuống cấp, thậm chí biến mất chợ khá phổ biến bên cạnh cảnh đìu hiu, kém nhộn nhịp tại một số chợ vốn rất sầm uất ngày xưa. Sự ra đời của các siêu thị, trung tâm thương mại, tập đoàn bán lẻ, những cửa hàng tiện ích,… , cung cấp dịch vụ mua bán tiện nghi, trữ lượng và chất lượng hàng hóa đảm bảo, thời gian hoạt động, mở cửa linh hoạt (thậm chí 24/7), dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt… đã dần tạo sức hút và chiếm ưu thế hơn so với chợ. Ngoài ra, áp lực nâng cấp mở rộng đô thị trong các khu vực đô thị cũ hiện hữu với hàng loạt các dự án hạ tầng, phát triển nhà ở, công trình phức hợp,… trong điều kiện quỹ đất hạn chế đã và đang đe dọa chợ và không gian chợ: Bị di dời, giải tỏa, bị lấn chiếm, tranh chấp, bóp nghẹt… gây mất cân đối và ảnh hưởng tiêu cực đến không gian và mỹ quan đô thị.

Vậy, “Chợ truyền thống trong không gian đô thị Sài Gòn – TP HCM sẽ như thế nào trong bối cảnh phát triển mới hiện nay”? Điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận vai trò và giá trị của chợ truyền thống trong bối cảnh mới. Giải pháp ứng xử cần xem xét nhiều yếu tố giá trị lịch sử, hiện trạng, và tiềm năng của công trình, khả năng mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường,… Phần nghiên cứu làm rõ bối cảnh Chợ truyền thống tại TP HCM trong bức tranh tổng thể của đô thị Việt Nam.

Chợ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, chợ xuất hiện từ rất sớm tại các kinh thành thời Phong kiến. Thành Thăng Long những năm 1035 có chợ Tây Nhai và chợ cửa Đông (phố Hàng Buồm ngày nay). Đến năm 1149, ở vùng Lạng Sơn ngày nay có khu mậu dịch Văn Đồn, từng là một thương cảng lớn trong mậu dịch hải quan của nước ta với Trung Quốc và các nước láng giềng phía Nam, chủ yếu là trao đổi hiện vật có trong tự nhiên, tự cung tự cấp, sản phẩm các ngành thủ công nghiệp. Đến thế kỷ 15, sau khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, vua cho mở rộng kinh thành Thăng Long về phía Đông, khu vực này trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất nước Đại Việt và tên Chợ xuất hiện biểu hiện cho các khu buôn bán ngoài kinh thành. Vào thế kỷ 17, Thăng Long ngày càng đông đúc do dân làng nghề nhập cư vào nên mạng lưới chợ cũng phát triển nhanh chóng đáp ứng nhu cầu dân sinh và giao thương hàng hóa, thường họp ở cạnh các cửa ô xung quanh tường thành là 8 chợ: Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, Chợ Bà Đá, chợ Văn Cửu và chợ Ong Nước. Cứ thế chợ cứ hình thành theo các ô cửa thành và đến năm 1749 xây dựng thêm bức tường thành Đại Đô có thêm 8 cửa ô thì các chợ lại được hình thành, tiêu biểu là chợ Cầu Đông họp bên bờ sông Tô Lịch để bước đầu phát triển giao thông đường thủy với các khu vực khác trong nước [7]. Cũng trong giai đoạn này ở Huế, cũng hình thành hình thức họp chợ 4 đến 6 tháng liền ở khu phố chợ Dinh gần đó là nơi đóng quân của quận đội nhà Nguyễn, nơi đây diễn ra việc trao đổi mua bán rất nhộn nhịp và sôi động. Trong cùng thời gian đó tại miền Nam, nhà Nguyễn cho xây dựng thành Gia Định, xung quanh được bao bọc bởi kênh rạch và loạt các chợ và phố chợ được hình thành ở xung quanh thành và cạnh các con kênh để được quan lại bảo hộ tránh các bọn cướp hoành hành quanh thành như chợ Cây Đa, chợ phố Lịch Tân nằm ở bến Sạn-Bến Sỏi,…[9] (hình 10).

Đến giai đoạn Pháp thuộc từ 1860 đến 1954, nhiều đô thị khắp cả nước bắt đầu trở thành trung tâm thương mại lớn và sầm uất. Các chợ được đầu tư với quy mô lớn, hình thức không gian kiến trúc bắt mắt, kiên cố, nổi bật có Chợ Đồng Xuân ở Hà Nội (1889), Chợ Đông Ba ở Huế, Chợ Lớn, Chợ Bến Thành ở Sài Gòn, [10, 11]. Nhằm vận chuyển hàng hóa tới các tỉnh miền Tây lên được dễ dàng hơn, chợ ở các tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), Cần Thơ, Bến Tre cũng được xây dựng để thu gom lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long [12] (hình 10).

Sau năm 1954, do hậu quả của chiến tranh số lượng chợ không có nhiều thay đổi nhưng hàng hóa cung ứng cho nhân dân thiếu thốn, chợ cũng vắng người hơn. Ở ngoại thành, nông dân tổ chức nông nghiệp chuyên canh, hoặc trồng lúa, trồng rau, nuôi cá, nuôi lợn, gia cầm… để cung cấp thực phẩm cho nội thành. Từ đó bắt đầu hình thành phố phường và chợ tự phát là chợ họp trên hè phố chủ yếu bán rau củ quả.

Năm 1975, miền Nam mới được giải phóng, nền kinh tế bao cấp, kế hoạch làm hạn chế hoạt động thương mại, chợ dần xuống cấp và việc kinh doanh ở chợ không đủ để trang trải cuộc sống biến thành các chợ nghèo. Năm 1986, nền kinh tế mới mở cửa, thị trường tự do, chính sách đổi mới kinh tế khiến hoạt động thương mại khởi sắc. Một số chợ truyền thống đã được hồi sinh, nước ta tham gia WTO (2006), thị trường bán lẻ quốc tế loại hình thương mại mới xuất hiện ồ ạt với cửa hàng bán lẻ, cửa hàng thực phẩm, siêu thị, trung tâm thương mại lớn,… [7]. Chợ truyền thống đứng trước nguy cơ bị thu hẹp dần.

Chợ tại Sài Gòn –HCM

Bảng 1: Tiến trình biến đổi Chợ tại Việt Nam (Nguồn [7])
Hình 11: Hình ảnh chợ tại Việt Nam (Nguồn Tác giả)

Lịch sử hình thành chợ gắn liền với lịch sử hình thành TP HCM. Giai đoạn trước năm 1859, kể từ khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định vào năm 1698 thì thành phố Sài Gòn bắt đầu được khai sinh. Chợ là hình thức kinh doanh thương mại chủ yếu của người Việt và người Hoa, luôn gắn liền với sông nước, nằm dọc theo các con sông và nơi giao thương của người dân với các thuyền buôn nước ngoài; chủ yếu là lúa gạo, gỗ, trái cây và các mặt hàng thủ công truyền thống khác. Thời gian này, Chúa Nguyễn đã cho lập Dinh Điều Khiển để cũng cố bộ máy cái trị; bên ngoài Dinh Điều Khiển, các quan lại, viên chức,… đã ngăn ra từng khu rào và cho dân lập làng xóm, phố chợ. Từ khu trung tâm Gia Định là khu vực chợ Bến Thành chạy dài theo con đường dọc các kênh hàng loạt các chợ được hình thành như: Chợ Bến Sỏi (giáp sông Sài Gòn ngày nay), Chợ Tân Kiểng (1748), Chợ Cây Đa Dỏm (trước Viện Bảo tàng Cách mạng ngày nay), Chợ Thị Nghè (ngay kênh Thị Nghè), Chợ Thủ Thiêm ( 1751), Chợ Đêm (kênh Bến Nghé),… chợ hầu như hoạt động theo hình thức trên bến dưới thuyền. Chợ lớn nhất trong giai đoạn này là chợ Bến Thành ở ngay trung tâm thành phố. Bên cạnh đó còn có khu Chợ Lớn (gọi là Sài Gòn) được người Hoa thành lập vào năm 1778 [7].

Năm 1859, thực dân Pháp chiếm Sài Gòn, đến năm 1884 thì chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và cai trị đến năm 1954. Sau khi đã hình thành xong bộ máy hành chính cai trị, thực dân Pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, hệ thống chợ bắt đầu xây dựng với quy mô lớn, kiên cố và trở thành các trung tâm thương mại giao dịch quan trọng. Nhờ vị trí lợi thế sông nước và có cảng cập được các tàu lớn nên Sài Gòn dễ dàng giao lưu thông thương với các tàu buôn nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản. Lúc này phố chợ Bến Nghé, đặc biệt là Sài Gòn đã rất sầm uất mà Filayson đã mô tả là “to bằng cả kinh đô nước Xiêm” và “bố trí đường phố thì hơn nhiều thành thị phương Tây”. Sài Gòn có 62 ty thợ thuộc đủ các loại ngành nghề có sự quản lý của nhà nước, cùng với sự phát triển của loại hình chợ truyền thống thì ăn theo nó là thương mại phố chợ. Loại hình này càng về sau càng phát triển và cũng bám dọc theo chợ truyền thống và theo sông ngoài kênh rạch để tiện cho giao thông đường thủy) [13]

Phân bố Chợ truyền thống qua các giai đoạn trên địa bàn Sài Gòn – HCM (Nguồn: [7]
Đến năm 1905, sự phát triển đô thị nhanh làm các khu dân cư hình thành vượt qua khung quy hoạch của Coffyn, làm cho các chợ mới hình thành không còn gắn liền với hình ảnh sông nước nữa. Thời kỳ này chỉ các chợ nhỏ ven kênh rạch. Hàng loạt các chợ có quy mô lớn như chợ Sài Gòn, chợ Bình Phước, Chợ Bến Thành được dời vào khu vực trung tâm, xây dựng mới ở vị trí hiện nay [14]. Kênh rạch xung quan một số khu vực Chợ cũ cũng được lấp hoặc lấn chiếm, ví dụ khu vực Chợ Bình Tây. Phong cách kiến trúc Chợ đa dạng: Chợ Bến Thành theo phong cách kỹ thuật mới, chợ Bình Phước theo phong cách tiền thực dân. (Hình 13)

Giai đoạn năm 1955-1975, các loại hình khu công nghiệp đã dần được hình thành tại Biên Hòa và Thủ Đức, đánh dấu một thời kỳ mới của kinh tế Sài Gòn chỉ còn là thương mại giao dịch., tuy nhiên, không làm mất đi giá trị kinh tế của chợ truyền thống. Do vậy, nhiều chợ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân như Chợ Vườn Chuối (1952) quận 3, Chợ Nguyễn Chế Nghĩa (1957) quận 8, Chợ Phạm Thế Hiển (1968) quận 8,… Quy hoạch thành phố phát triển dân cư theo dạng tuyến, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng được nâng cấp hệ thống giao thông nên chợ không còn nằm ở gần giao thông đường thuỷ nữa mà dịch chuyển về các con đường giao thông.

Giai đoạn những năm 1970s, hoạt động kinh tế suy giảm do hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh. Nhiều khu chợ trở thành chợ bỏ hoang, hoạt động kinh doanh giảm sút nghiêm trọng, việc bỏ số tiền lớn để xây dựng chợ mới rất hiếm thay vào đó là các chợ tự phát trong các con hẻm, dãy nhà phố.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, sự độc quyền của các thương nghiệp quốc doanh (1978 – 1985) với tình trạng ngăn sông cấm chợ (1984) đã làm cho lưu thông hàng hóa giữa các thành phố và các tỉnh bị chia cắt. Nguồn cung cấp khan hiếm và nhu cầu tăng lên, nên việc dân nhập cư từ các tỉnh khác trong cả nước ồ ạt vào Sài Gòn dẫn đến việc các chợ lại được xây dựng mới nhưng không có nguồn để nhập vào làm kinh tế trì trệ. Các chợ hình thành trong không gian đô thị mới được quy hoạch chợ và dãy phố chợ hoàn chỉnh: Chợ Tân Sơn Nhất (1990), Chợ An Nhơn (1993), Chợ Xóm Chiếu (1994),… Có thể nói rằng, chợ trong giai đoạn này phát hiện đa dạng từ phong cách kiến trúc hiện đại, đến chợ theo kiểu nhà xưởng, chợ tự phát,…Vì hiện tượng phát triển nhanh làm mất kiểm soát, quá trình quản lý, cách tổ chức và nhu cầu Chợ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân đã làm cho các hộ kinh doanh hoạt động tự do tràn lan dẫn đến tình trạng không gian chợ đầy rẫy khối rác thải, các bãi nước đọng, các ống cống bị nghẹt,… bốc mùi hôi thối, gây khó chịu bất tiện cho người dân. Hơn nữa, các trung tâm thương mại và các siêu thị không có tình trạng đông đúc, chen lấn nhau để giành mua mặt hàng, không gian sạch đẹp và tiện nghi cho người mua và người phục vụ,… đời sống văn minh hiện đại đã làm cho những đối tượng người dân có thu nhập khá trở lên không còn muốn đi chợ nữa, làm giảm nhu cầu tiêu thụ gây ảnh hưởng lớn đến Chợ truyền thống.

Chợ ‘cũ’ Bến Thành
Hình ảnh chợ truyền thống tại HCM hiện nay (Nguồn: Tác giả sưu tầm)

Lời kết

So với các đế chế và các nền văn minh vĩ đại khác trên thế giới như La Mã, Trung Hoa, quá trình phát triển chợ truyền thống tại Việt Nam muộn hơn và ít thành tựu còn tồn tại đến ngày nay hơn. Không vì thế mà vai trò của Chợ truyền thống tại Việt Nam nói chung và tại Sài Gòn (TP HCM) có phần thua kém. Theo suốt bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, Chợ – nơi diễn ra các hoạt động trao đổi hàng hóa (kinh tế, thương mại), thu thuế (hành chính), và giao tiếp xã hội luôn là động lực phát triển kinh tế, và chứa đựng nhiều nét văn hóa đời sống của người dân địa phương trong từng giai đoạn biến đổi của bối cảnh chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật; đặc điểm hình thức cũng biến đổi tương ứng (Hình 16). Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mới, dưới tác động của công nghệ, vai trò chợ truyền thống với hình thức giao tiếp trực tiếp, dần trở nên lỗi thời. Có nhiều nỗ lực chuyển đổi công năng, cải tạo hình thức, phân bố lại gian hàng, nội thất,… nhằm tiếp tục thu hút tiểu thương, người mua, kẻ bán, khách tham quan,… Tuy nhiên, dường như nó chỉ thành công tại các Chợ và khu vực chợ có truyền thống và lịch sử lâu đời, tại các khu vực lõi trung tâm cũ (ví dụ Chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba ở Huế, Hội An, Bến Thành, Bình Tây ở Sài Gòn,…). Dấu hiệu chợ truyền thống dần trở nên thiếu sức sống, đìu hiu ngày càng phổ biến hơn. Do vậy, việc nhìn nhận, đánh giá vai trò và giá trị nhiều mặt của Chợ truyền thống là cần thiết, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho các đề xuất thích ứng hợp lý hơn, bảo tồn mà cản trở phát triển.

TS.KTS Vũ Thị Hồng Hạnh  – Trường Đại Học Kiến trúc TP HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)


Tài liệu tham khảo

  1. L. Lancaster, “Building Trajan’s Markets,” American Journal of rchaeology 102.2 (Apr., 1998), pp. 283-308.
  2. Jeffrey Becker (2007) Forum and Markets of Trajan, https://www.khanacademy.org/humanities/ap-art-history/ancient-mediterranean-ap/ap-ancient-rome/a/forum-and-market-of-trajan
  3. L. Ungaro et al. (2007) The Museum of the Imperial Forums in Trajan’s market (Milan: Electa, 2007).
  4. Lương Minh, Cát Ngọc (2007), Đời chợ, Nhà xuất bản Trẻ.
  5. Nishijima (1986) Imperial tombs of the Former Han dynasty, Cambridge university Press pp. 575–576.
  6. The Hong Kong Institute of Architects (2005), A study on historical and architectural context of Central Market.
  7. Phạm Nguyen Phu, (2017) Chợ truyền thống tại Sài gòn HCM, Luận văn Thạc sỹ, Trường ĐH Kiến trúc tp Hồ Chí Minh
  8. Nguyễn Quốc Thông (2000), Lịch sử xây dựng đô thị cổ đại và trung đại phương Tây, Nhà xuất bản xây dựng Hà Nội.
  9. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, người dịch Lý Việt Dũng, NXB Tổng Hợp Đồng Nai (2004)
  10. Nguyễn Minh Hòa (2006), Vùng đô thị Châu Á và thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tp.HCM
  11. Đàm Trung Phường (2005), Đô thị Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội
  12. Sơn Nam (2000), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nhà xuất bản trẻ Tp.HCM
  13. Nhiều tác giả (2013), Sài Gòn xưa và nay, Nhà xuất bản Hồng Đức.
  14. Thúy Hải (2009), Thực trạng chợ tại thành phố Hồ Chí Minh, http://www.sggp.org.vn/thuc-trang-cho-tai-tphcm-292140.html, Ngày 29, tháng 9, 2017