Daniel Libeskind: Trân trọng quá khứ để dựng xây tương lai

Với Daniel Libeskind, hướng về tương lai cũng đồng nghĩa với việc ngoái nhìn lại quá khứ. Với ông, hoài niệm là thứ động lực thúc đẩy để tạo nên nền tảng tương lai.

Tôi nghĩ rằng kỷ niệm là một chiều cơ bản của kiến trúc. Đó chẳng phải là lời chú thích… mà với tôi đó là những quy tắc định hướng. Ký ức là thứ tạo dựng nền tảng cơ bản cho sự liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai… Tôi cho rằng đó chính là một phần bản chất của kiến trúc, cũng là phần quan trọng nhất, vì khi ta không biết mình đang ở đâu, ta sẽ chẳng định hướng nổi mình sẽ đi đến đâu”.

Bảo tàng Do Thái, Berlin, Đức (2001)

Những ký ức và hoài niệm hiển hiện trong hầu hết các thiết kế của Libeskind, bắt đầu với Bảo tàng Do Thái tại Berlin. Tòa kiến trúc với những thanh kim loại uốn cong tái dựng biểu tượng ngôi sao sáu cánh của đạo Do Thái (Star of David) này cũng có lẽ là công trình nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà thiết kế người Ba Lan, công trình này mở ra những trải nghiệm mới cho công chúng, và đón nhận nhiều luồng ý kiến nhận xét trái chiều. Dù dự án này đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi trong suốt một thời gian dài, nhưng không ai có thể phủ nhận tính độc đáo của nó. Và công trình này vẫn đứng sừng sững tại Berlin ngày hôm nay như một lời tuyên bố đầy mạnh mẽ về sức sáng tạo của nhà thiết kế tài ba Daniel Libeskind, về một kỷ nguyên mới của nền kiến trúc hiện đại.

Kiến trúc đối với Libeskind không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật tạo dựng không gian từ bê tông, kính và sắt thép… mà đó còn là việc tạo ra một môi trường sống trong lòng thành phố. Các kiến trúc sư, chủ đầu tư và cả lãnh đạo thành phố hãy tự hỏi bản thân mình xem “Có tồn tại không gian công cộng nào để người dân có thể tìm đến sử dụng, tận tưởng, phát triển bản thân và trở nên sáng tạo hay chưa? Đó là những gì tạo nên một đô thị đích thực, chứ không chỉ là ở những con số thể hiện bao nhiêu tòa nhà chọc trời được xây dựng lên mỗi năm”. (Theo TLQ Media)

Lấy ý tưởng thiết kế từ ngôi sao Do Thái 6 cánh (Star of David), trải dài khắp bề mặt kiến trúc bảo tàng là hình tượng chiết tách của ngôi sao này. Khuôn dáng của công trình được sáng tạo ra qua một quá trình kết nối các sự kiện lịch sử giúp hình thành nên hình dạng zig zag như ta hiện thấy.

(Ảnh: Mal Booth)
(Ảnh: Mal Booth)

Bảo tàng lịch sử quân sự Dresden, Đức (2011)

Công trình này tiền thân là bảo tàng quân sự Đông Đức. Sau khi nước Đức hợp nhất, nơi này được cải tạo lại và thiết kế mở rộng với khối kiến trúc gồm kính, bê tông và thép cắt xuyên qua tòa nhà 135 năm tuổi. Với tầm nhìn bao quát cả không gian đẹp đến choáng ngợp của vùng Dresden, trong khi đầu nhọn vẫn hướng về trận địa bom trong chiến tranh thế giới thứ hai xưa kia, tòa kiến trúc ấn tượng này tạo nên một không gian kịch tính cho sự phản chiếu lịch sử.

(Ảnh: Bitter Bredt, Studio Libeskind)
(Ảnh: Bitter Bredt, Studio Libeskind)

Bảo tàng Nghệ Thuật Denver, Mỹ (2006)

Công trình này được thiết kế với cảm hứng kết nối truyền thống nghệ thuật Denver vào thế kỷ thứ 21. Hình khối kiến trúc vững chắc kết hợp với việc sử dụng hiệu quả loại vật liệu thời thượng titanium trong không gian đẹp lãng mạn của bầu trời và khung cảnh rặng núi Rocky đã tạo nên công trình có một không hai trên thế giới này.

(Ảnh: Bitter Bredt)
(Ảnh: Bitter Bredt)

Công trình Reflections, Keppel Bay, Singapore (2011)

Tọa lạc tại lối vào của cảng Keppel lịch sử, công trình là khu dân cư phức hợp gồm dãy nhà villa nhìn ra phía cảng và các tòa tháp bao quát cảnh phía xa. Nơi đây mang dáng dấp của những tinh thể pha lê chọc trời vươn cao. Cách phối hợp bố trí không gian sống thể hiện sự tài tình của Daniel Libeskind khi ông tạo ra được một nơi ở mang tầm cao mới trong thiết kế, nơi mà hai căn hộ liền kề không nhìn thấy được nhau và có tầm nhìn ra hai khung cảnh hoàn toàn khác biệt. Nhờ đó mà vẫn d uy trì được tính cá nhân và sự khác biệt, riêng tư của mỗi cư dân trong khu nhà này.

(Ảnh: Keppel Bay Pte Ltd-A)
(Ảnh: Keppel Bay Pte Ltd-A)

Theo Tạp chí Kiến trúc & Đời sống