Di sản kiến trúc Pháp tại Quận 1 – TP HCM: Giá trị, thực trạng và định hướng quản lý

Giá trị di sản của những kiến trúc Pháp tại quận I, TP HCM

Kiến trúc thuộc địa là kiến trúc được hình thành tại các nước thuộc địa của các nước đế quốc. Sự tiếp xúc văn hoá mang tới những ảnh hưởng khác nhau theo không gian và thời gian cho các kiến trúc truyền thống bản địa tại các nước thuộc địa, tạo nên một dòng kiến trúc thuộc địa kết hợp giữa 2 yếu tố trên. Thông thường, kiến trúc thuộc địa tại các nước thuộc địa sẽ trải qua 2 giai đoạn cơ bản:(1) Giai đoạn áp đặt: Khi các nước đế quốc mang đến các nước thuộc địa kiến trúc nguyên bản của chính mình nhằm thể hiện tính áp chế, uy quyền và sự tiến bộ, giàu có của họ. Kiến trúc thuộc địa lúc này thể hiện việc áp đặt để xác lập chính quyền thực dân thông qua việc đem nguyên xi nghệ thuật công trình của họ vào áp dụng tại thuộc địa – Một nghệ thuật khác hẳn nghệ thuật truyền thống hiện hữu của quốc gia thuộc địa vốn bị xem thường.(2) Giai đoạn kết hợp: Khi các nước đế quốc nghiên cứu các điều kiện bản địa để có những điều chỉnh cơ bản về kiến trúc nhằm tối ưu hoá và địa phương hoá, cải biến kiến trúc nguyên bản phù hợp hơn với các điều kiện địa phương mới. Lúc này kiến trúc thuộc địa lại đóng vai trò thể hiện đường lối chính sách “thân thiện”và “tôn trọng” hơn các yếu tố bản địa, nhằm phục vụ cho việc khai thác thuộc địa lâu dài.

A1149-tckt-001
Một bản đồ của thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn với hình ảnh những công trình kiến trúc đô thị quan trọng, mà hiện nay, chúng trở thành những di sản kiến trúc đô thị gắn liền với quá trình tạo thị và “phương Tây hoá” thành phố

Năm 1859, sau khi chiếm được thành Gia Định, người Pháp đã xây dựng một Sài Gòn hoàn toàn mới – “Thành phố Sài Gòn”. Ngày 08/01/1877, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh chính thức thành lập Thành phố Sài Gòn, được xếp vào loại “Thành phố lớn” (Grande Municipalité) hay là “Thành phố cấp I” (Municipalité de première classe), tiền đề để Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, không chỉ hành chính mà còn kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả Liên bang Đông Dương, được Pháp mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” (“La Perle de l’Extrême-Orient”) hoặc một “Paris nhỏ ở Viễn Đông” (“Le petit Paris de l’Extrême-Orient”).

Gắn với quá trình tạo thị theo hướng hiện đại kiểu phương Tây, người Pháp xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc lớn, cho đến bây giờ chúng vẫn còn tồn tại và trở thành những yếu tố đô thị quan trọng trong quá trình phát triển không gian của thành phố. Tương ứng với thời kỳ thuộc địa Pháp 1859-1954, các dấu ấn hình thái kiến trúc đô thị có thể chia ra 3 giai đoạn như sau:

A1149-tckt-002(1) Giai đoạn thứ nhất – giai đoạn các Đô đốc – từ 1860 đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20: Công trình mang tính cách quân sự, đường sá và nhà cửa chia lô ngay ngắn, vuông vức. Phương án quy hoạch đầu tiên cho Sài Gòn là của Đại tá công binh Coffyn, làm theo dạng đường sá ô vuông bàn cờ với các đại lộ, quảng trường vốn là xu hướng thời thượng ở châu Âulúc bấy giờ. Giai đoạn này, người Pháp nặng về phần phô trương quyền lực thực dân với trục đường hoành tráng, cửa nhà khang trang nhưng lại chưa xây dựng được hạ tầng kỹ thuật đô thị và nhất là đẩy người bản xứ vào các khu ở chật chội, lầy lội, thiếu vệ sinh. Các công trình điển hình phô trương thanh thế như Dinh Norodom, Nhà thờ, Bưu điện, Dinh Thống soái Nam Kỳ, Nhà hát, Dinh Xã tây, Chợ Bến Thành… Phong cách kiến trúc là kiểu tân-cổ điển pha chế kiểu Baroque, Rococo thời Đế chế Napoleon III và Cộng hòa Pháp cuối thế kỷ 19, thể hiện qua hàng cột Hy Lạp-La Mã, phù điêu trang trí, hình tượng thần thoại phương Tây, chạm trổ hoa lá diêm dúa mặt tiền…

(2) Giai đoạn thứ hai – từ đầu thế kỷ 20 đến hết Thế chiến I: Nét Kiến trúc được thay đổi theo các trào lưu mới kiểu “Arts-Nouveaux”, “Art-Déco”. Đường nét kiến trúc, trang trí giản dị hơn, sử dụng nhiều hình kỷ hà, sắt uốn, có pha chế thêm mỹ thuật bản địa Kh’mer, Chăm, Hoa…, thể hiện rõ nhất ở các công trình điển hình như Ngân hàng Quốc gia (ở bến Chương Dương), Khách sạn Majestic, Nhà Chú Hỏa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật)…Sau Thế chiến I, đạo luật Cornulet ra đời nhằm quy hoạch lại các thành phố sau chiến tranh. Đô thị và kiến trúc ở Đông Dương từ đó cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt, kể từ những năm 1920 xuất hiện một số công trình mang phong cách “Kiến trúc Đông Dương” pha trộn kiến trúc phương Tây lẫn phương Đông. Tại Sài Gòn xuất hiện các công trình như Nhà Bảo tàng Cổ vật (nay là Bảo tàng Lịch sử) trong Sở thú, trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong)…

(3) Giai đoạn thứ ba – kể từ những năm 1930 – 1940: Kiến trúc Pháp ở Sài Gòn lại theo trào lưu chung nghiêng về “kiến trúc hiện đại” sơ kỳ, mang tính công nghiệp thời đại, sử dụng bê tông cốt thép và hình khối vuông vức, không còn trang trí phù điêu mặt tiền. Phương án quy hoạch kỳ vọng gắn liền hai cực phát triển Sài Gòn-Chợ Lớn do KTS Cerutti đề ra quá trễ vào năm 1943 không thực hiện được. Vào giai đoạn cuối, người Pháp còn bận lo chiến tranh nên không xây dựng được gì cho đến năm 1954.

Sài Gòn-Chợ Lớn được hình thành từ 2 thành phần là Sài Gòn và Chợ Lớn. Q1, Q3 (ngày nay) – trung tâm của Sài Gòn cùng với Q5 (ngày nay) – trung tâm của Chợ Lớn, trở thành những hạt nhân tạo thị cho tổng thể Sài Gòn-Chợ Lớn nói chung. Người Pháp xác định đẩy mạnh xây dựng và kiến tạo khu vực Sài Gòn cũ trở thành trung tâm chung cho toàn thành phố mới. Qua phân tích bản đồ biến đổi địa giới hành chính giai đoạn 1878 -1942, so với Chợ Lớn, sự lan toả này mạnh hơn và chiếm ưu thế rõ rệt hơn từ phía Sài Gòn. Gánh vác trọng trách và mang nhiều dấu ấn biến đổi hình thái đô thị nhất, khu vực trung tâm Sài Gòn cũ hiện phân bố trên địa bàn 2 quận:(1) Quận 1 chiếm phần quan trọng hơn cả về diện tích và vai trò khi nó tập hợp nhiều công trình, trang thiết bị đô thị quan trọng mà người Pháp xây dựng, thiết lập cho thành phố;(2) Quận 3 chứa đựng một số lượng lớn các công trình nhà ở phục vụ cho các quan lại trong bộ máy thuộc địa cũng như những người dân giàu có, có địa vị xã hội và quan hệ tốt với người Pháp.

Một cách ứng xử “lưu giữ ký ức” với di sản được đánh giá cao khi phần công trình mới được thiết kế khéo léo tôn trọng và làm nền cho phần công trình di sản nguyên gốc tạo nên một tổng thể công trình hoà hợp giữa các yếu tố cũ-mới
Một cách ứng xử “lưu giữ ký ức” với di sản được đánh giá cao khi phần công trình mới được thiết kế khéo léo tôn trọng và làm nền cho phần công trình di sản nguyên gốc tạo nên một tổng thể công trình hoà hợp giữa các yếu tố cũ-mới

Bên cạnh việc tạo dựng một không gian vật lý khởi đầu cho Sài Gòn, người Pháp cũng mang đến cho thành phố này một phương cách quản lý và quy hoạch đô thị theo kiểu phương Tây. Cùng với vị trí địa chính trị – địa kinh tế – địa văn hoá của mình, chính thời kỳ khởi đầu của thành phố đã làm Sài Gòn sau này phát triển theo hướng mở hơn các thành phố lớn khác của Việt Nam, nơi mà những yếu tố “tây” tạo bởi quá trình tiếp biến văn hoá mạnh mẽ của các thời kỳ lại trở thành những đặc trưng, tạo nên cái hồn và sức hấp dẫn đô thị.Tuy nhiên, cũng do chính người Pháp mà vùng đất này lại trở thành “không có gốc” hơn khi các yếu tố Việt Nam truyền thống bị lu mờ do các biến động và bối cảnh lịch sử. Đây cũng chính là điều mà người Pháp mong muốn khi thiết lập chế độ thuộc địa tại thành phố này. Cho đến nay, nhìn lại các không gian kiến trúc đô thị lịch sử mang tính biểu tượng còn lại, có thể thấy những gì người Pháp làm cách đây hơn một thế kỷ vẫn còn hiển hiện rõ ràng trong cuộc sống đương đại của thành phố.

Cách ứng xử với di sản kiến trúc…

Việc ứng xử với di sản ở các thành phố lớn tại Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại. Đã có quá nhiều công trình cổ bị phá bỏ để xây mới; việc trùng tu, tu bổ có nhiều sai phạm, thiếu dữ liệu lịch sử; hay sử dụng di sản đô thị như một tài nguyên du lịch nhưng khai thác chưa hiệu quả. Tình trạng bê tông hóa, nhà ống, ngập úng, ô nhiễm trầm trọng đang tàn phá kiến trúc di sản đô thị. Riêng với TP HCM, tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển đô thị bền vững” do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức, theo TS. Fanny Quertamp Nguyễn, năm 1993, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Lyon và TP HCM, PADDI đã khảo sát hàng loạt công trình có giá trị di sản ở khu vực trung tâm, cụ thể là tại Quận 1 và Quận 3. Trong 377 công trình xác định có giá trị di sản, tái khảo sát năm 2013, ngoài 9 công trình chưa xác định được tình trạng, thì có 14 công trình được trùng tu, 96 công trình được giữ gìn, 35 công trình ít biến đổi, 9 công trình xuống cấp, và có 207 công trình bị phá bỏ hoặc biến dạng (chiếm 56,3%).

Trên phương diện quản lý các di sản, do chưa có một cơ chế hiệu quả, TP HCM vẫn đang lúng túng trong việc điều tiết các phát sinh thực tế liên quan đến công tác khai thác, sử dụng hay bảo tồn, nâng cấp, tôn tạo các di sản này. Điều này dẫn đến mỗi chủ sở hữu di sản có một phương cách ứng xử khác nhau và chính quyền thành phố thì lại rất bị động trong việc kiểm soát các phương cách này. Nhiều dự án liên quan đến các di sản, chỉ đến khi được cộng đồng và các cơ quan truyền thông, báo chí phát hiện, chính quyền thành phố mới “biết” đến và sau đó vội vã cho ra những quyết định để xoa dịu dư luận, thay đổi phương cách, lập hội đồng thẩm định lại dự án hay tìm cách khắc phục hậu quả trước những “việc đã rồi”. Ba ví dụ điển hình nhất là việc sơn lại mặt ngoài toà nhà Bưu điện trung tâm, xây dựng lại Thương xá Tax hay đề xuất ý tưởng xây dựng lại UBND Quận 1. Rõ ràng đây không phải là một cách quản lý tốt trước một quỹ di sản ngày càng mong manh trong làn sóng đô thị hoá mạnh mẽ của thành phố được xem là năng động nhất của Việt Nam.

Không chỉ với di sản, những yếu tố đô thị khác gắn liền với ký ức của cộng đồng, góp phần tạo nên cảnh quan đặc thù của các công trình di sản kiến trúc đô thị kế cận cũng đang bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho những yếu tố đô thị mới. Hàng loạt cây xanh có tuổi đời gần 1 thế kỷ tại khu vực trung tâm bị đốn hạ, di dời để phục vụ thi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Người dân tỏ ra nuối tiếc và vẫn hy vọng có một biện pháp gì đó để họ có thể lưu giữ được ký ức của mình về những hàng cây xanh cổ thụ này. Tuy nhiên, họ đã buộc phải “hy sinh” những ký ức này để nhường chỗ cho nhu cầu hiện đại hoá thành phố. Như vậy, trong tương lai, cảnh quan gắn liền với ký ức của thành phố sẽ dần dần biến mất, thay vào đó là những yếu tố mới, hiện đại và chúng sẽ làm “nền” cho những công trình tại khu trung tâm.

Tất cả những ví dụ điển hình trên cho thấy, chính quyền thành phố vẫn chưa thực sự chú ý đến tầm quan trọng của di sản trong sự phát triển tất yếu của đô thị để từ đó chủ động đề ra được những định hướng phát triển, đảm bảo cho sự xuất hiện của những yếu tố mới và sự bảo tồn những yếu tố cũ thay vì là sự đánh đổi cái cũ để lấy cái mới như hiện nay.

A1149-tckt-004
Bản thân công trình UBND TP. Hồ Chí Minh tuy được bảo tồn nguyên vẹn nhưng lại trở nên “mất hút” trong một khung cảnh đô thị mới của khu vực trung tâm thành phố được tạo ra bởi hàng loạt các dự án công trình cao tầng, khối tích lớn bao quanh

Nghĩ về giải pháp bảo tồn

Tại khu vực trung tâm thành phố, cũng đã có một số công trình được bảo tồn theo cách giữ lại cơ bản khung kiến trúc cũ và chỉ nâng cấp, chuyển đổi công năng cho công trình, thay vì các công trình kiến trúc cũ thường bị đập bỏ hoàn toàn và thay vào đó là công trình mới. Một số công trình mới cố gắng lưu giữ lại dấu ấn xưa bằng cách tái hiện lại một vài điểm nhấn kiến trúc độc đáo cũ. Đây cũng là một trong những phương thức bảo tồn đảm bảo được yếu tố “lưu giữ ký ức”.

Hiện TP HCM phân vân hai sự lựa chọn trong vấn đề quản lý công trình di sản:

(1) Quản lý công trình di sảntrong mối tương quan với cảnh quan xung quanh nhằm bảo đảm sự hài hòa cũng như giá trị của toàn bộ khu vực. Điều đó có nghĩa là phải tìm một mô hình quản lý làm cho công trình không bị thay đổi (nhiều) so với nguyên bản, duy trì mối quan hệ hài hòa với cảnh quan xung quanh , không làm ảnh hưởng tiêu cực đến công trình.

(2) Quản lý di sản chỉ đặt trọng tâm vào công trình, nhằm bảo tồn chính công trình, cố gắng làm sao cho chúng không bị hư hỏng, xuống cấp còn cảnh quan xung quanh không nằm trong mối quan tâm của nhà quản lý.
Thực tế cho thấy, dù vô tình hay cố ý thì các nhà quản lý (di sản) đô thị và các nhà quy hoạch tại TP HCM đã lựa chọn cách thức thứ hai và đưa đến hệ quả là các công trình còn nguyên vẹn, nhưng giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị thẩm thấu đô thị bị giảm đi nhiều, chưa kể một vài trường hợp do sơ suất mà còn bị mất hẳn đi. Như vậy, yêu cầu mới trong việc quản lý các công trình di sản kiến thúc đô thị thuộc địa Pháp ở TP HCM phải là cách thức thứ nhất. Không thể phủ nhận nhu cầu phát triển của các (khu vực) di sản nhưng vấn đề phải gắn kết các công trình di sản riêng lẻ và dung hoà tối đa phát triển các yếu tố đô thị mới trong khu vực này để đảm bảo và cân bằng các hoạt động can thiệp di sản.

Lời kết

TP HCM hiện đối mặt nhiều vấn đề về quản lý và bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển không gian đô thị. Thực tế cho thấy thành phố vẫn đang loay hoay trong việc tìm những định hướng phát triển bền vững hơn cho quỹ di sản đô thị nói chung và quỹ di sản kiến trúc thuộc địa Pháp nói riêng. Rõ ràng là giá trị của quỹ di sản này không thể bàn cãi, tuy nhiên những giá trị này cần phải được hệ thống lại, khẳng định và phổ biến không chỉ trong giới chuyên môn mà truyền thông đến cộng đồng. TP HCM cũng đã có nhiều động thái trong việc đánh giá quỹ di sản kiến trúc thuộc địa Pháp, vốn được xem là một yếu tố tạo thị hấp dẫn của thành phố này, tuy nhiên có vẻ như những phương cách thực hiện cần phải chủ động hơn và trở thành một tiêu chí cần thiết để đánh giá sự phát triển không gian đô thị. Những cách làm mới đang được thử nghiệm, ít nhiều cũng mang đến những thành công nhưng cũng đi kèm với những vấn đề phát sinh mới. Do đó những định hướng quản lý di sản cũng cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, dưới sự đánh giá của nhiều chủ thể, đồng thời dựa trên sự tham khảo kinh nghiệm từ các thành phố khác của Việt Nam cũng như trên thế giới có tương đồng.

Trong thời đại toàn cầu hoá, di sản kiến trúc đô thị đang dần trở thành những yếu tố chiến lược để phân biệt bản sắc địa phương của từng thành phố. TP HCM, đô thị được xem là chịu ảnh hưởng nhiều nhất của quá trình toàn cầu hoá tại Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế phát triển của mình không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn trong khu vực. Do đó, việc tạo bản sắc cho thành phố, thông qua lõi trung tâm lịch sử, với những công trình di sản kiến trúc đô thị thuộc địa Pháp gắn liền với quá trình tạo thị của thành phố, trở thành một nhiệm vụ cấp bách để thành phố có thể phát triển bền vững trong tương lại dựa trên những giá trị đặc thù của lịch sử. Xác định được các giá trị để chọn lựa được những phương cách ứng xử phù hợp với các di sản kiến trúc đô thị cũng là một phần chiến lược quan trọng trong sự phát triển chung của toàn thành phố.

Xem thêm: Kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo thời Pháp thuộc trong không gian đô thị Hà Nội

ThS. KTS. Trần Anh Tuấn
Công ty Tu bổ Di tích Trung ương – Chi nhánh miền Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2016)