Di sản kiến trúc và luật kiến trúc – Bản sắc văn hóa

Cuộc sống con người vốn muôn vạn sắc màu, nhưng từng mạch sống ấy không bao giờ là mớ hỗn độn – Luôn có những lớp trầm tích nhân văn, trầm tích có tên văn hóa, nghệ thuật, tập quán, truyền thống… Đó là những giá trị bền vững với thời gian. Những giá trị bền vững đó đều do con người tạo ra, nhưng hoàn toàn không thể chủ quan mong muốn duy trì hay không duy trì, càng không thể ngăn cản sự chuyển biến và phát triển của nó. Nhưng tai họa thay, con người lại có thể hủy hoại những thứ đó trong một lúc nông cạn hay bất cẩn. Và trong nhiều trường hợp, sự mất mát là không thể cứu gỡ. Đặc biệt là đối với di sản kiến trúc.

Di sản kiến trúc cận – hiện đại, bảo tồn & tạo dựng bản sắc

 

Bản sắc kiến trúc là tồn tại khách quan

Dù được biểu hiện vô cùng đa dạng, nhưng mỗi một không gian và thời gian cụ thể của kiến trúc đều xác định một bản sắc riêng. Mỗi KTS đều biết đến bản sắc kiến trúc theo góc độ địa lý vùng miền: Nhiệt đới, hàn đới, sa mạc, núi đồi…; bản sắc theo tập quán xây dựng: Đá, gỗ, gạch, kính, kim loại; bản sắc theo mưu sinh: Nông dân, ngư dân, du mục, thành thị, nông thôn… Biểu hiện của bản sắc kiến trúc càng tinh tế và nhiều khác biệt khi gắn với tính nơi chốn của kiến trúc, với điều kiện kinh tế xã hội của từng cộng đồng cư dân bản địa.

Chỉ có sự khác biệt rất “người’ trong bản sắc địa lý mới làm rõ hơn và làm phong phú vô cùng bản sắc kiến trúc. Bởi vì sự khác biệt hình thức, thuộc tính vùng miền địa lý, chỉ là vài khía cạnh nhỏ so với sự khác nhau cực kỳ phong phú ở phong tục, tập quán, truyền thống… nội hàm của bản sắc kiến trúc – Thêm nữa, bản sắc kiến trúc, thuộc nội hàm phi vật thể, có sự tương tác chằng chịt theo dòng lịch sử phát triển của văn hóa xã hội nói chung, làm đậm thêm giá trị các mặt của bản sắc. Ví dụ như sự tự hào lịch sử, ký ức sống, lòng tri ân tiền nhân… thúc đẩy sự nhìn nhận các giá trị bản sắc kiến trúc đúng mực và tích cực nhất có thể.
Bản sắc kiến trúc dù là một phạm trù khách quan, nhưng nhận biết đúng giá trị bản chất của bản sắc lại tùy thuộc quan điểm nhìn nhận của con người trong hoàn cảnh xã hội nhất định. Và thái độ ứng xử với giá trị bản sắc kiến trúc được quyết định theo cách nhìn nhận đó. Chính vì đặc tính này mà một số giá trị bản sắc bị đánh giá sai, bị lãng quên đến mức gần như mai một nhưng lại có may mắn được nhìn nhận lại ở một thời điểm rất xa ở thì lương lai.

Và có khi, giá trị bản sắc được nhìn nhận lại đó có sự hỗ trợ của chính sách xã hội hiệu quả mà phục hồi dần và rực rỡ. Nhiều khi chỉ được ghi nhận với sự tiếc nuối muộn màng…!

Cụ thể ở một vùng nông thôn Việt Nam nào đó, những cây đa, bến nước, sân đình, đường làng, ao bèo, lũy tre,… đã có từ bao đời như những nét chấm phá của bản sắc nông thôn Việt. Cần nhìn nhận xem chúng có chỗ đứng nghiễm nhiên nào trong cuộc sống đương đại? hoặc chỉ kéo dài một phần công năng vào đời sống hiện tại? Được gìn giữ như một niềm tự hào trong sự tồn tại hợp lý? Hay chỉ được giữ như một ký ức đẹp trong đời sống văn hoá cộng đồng?

Từ bản sắc đến di sản: một quá trình

Những đặc điểm được lập đi lập lại một cách khách quan trong phạm trù bản sắc được hoàn thiện dần, theo nhu cầu, thói quen, kỹ năng lẫn tình cảm. Đến mức vừa là phương tiện, vừa là mục đích, vừa là đại diện cho các mặt giá trị của một nền kiến trúc, thì nó sẽ thành di sản. Di sản có sự thôi thúc không chỉ sự gìn giữ mà còn là quảng bá, giáo dục lòng tự hào, tiếp sức sống tinh thần cho nhiều thế hệ con cháu muôn đời sau.

Bản sắc nặng về biểu hiện. Di sản có đời sống riêng, phát huy ảnh hưởng tốt đẹp tới dòng chảy của văn hóa kiến trúc.

Đã là di sản thì đồng nghĩa với một giá trị được xác định. Di sản cần một thái độ và kỹ năng ứng xử đúng đắn để có hiệu quả bảo tồn và phát triển tốt nhất. Đặc điểm nổi bật nhất của di sản kiến trúc, vì vậy, là yếu tố động. Động vì nó phụ thuộc vào hệ sinh thái địa lý lẫn nhân văn, kinh tế lẫn xã hội. Trên yếu tố động căn bản này, di sản kiến trúc của ngày hôm nay là đương đại của bao thế kỷ trước. Và đến lượt những tốt đẹp của đương đại sẽ là di sản trăm năm sau. Mỗi thế hệ đều có nghĩa vụ đối với quá khứ kiến trúc ở việc nhìn nhận và bảo tồn đúng mực nhất những giá trị di sản.Đồng thời, mỗi thế hệ đương đại cũng cần ý thức rằng mình đang cần làm đúng nhất, tốt nhất đối với nhiều di sản kiến trúc cho tương lai thông qua trách nhiệm làm nghề, trách nhiệm đạo đức trong cuộc mưu sinh nghề nghiệp, không xô bồ, dễ dãi,… vãi “rác xây dựng” cho nhiều đời sau dọn dẹp !

Và luật kiến trúc

Mục đích cuối cùng của Luật kiến trúc, nói ngắn gọn là “vì một nền kiến trúc Việt Nam phát triển lành mạnh”.

Phát huy bản sắc, bảo tồn di sản kiến trúc là một khía cạnh quan trọng trong nhiều nội dung quan trọng của Luật kiến trúc.
Và bước đi cơ bản đầu tiên chính là xác định đúng đắn và đầy đủ các mặt giá trị bản sắc của di sản kiến trúc. Vì nói cho cùng ra, phải biết chính xác mình có gì để giữ hay đánh đổi với một giá trị khác.

Thời gian qua, rất nhiều cuộc tranh luận nóng đã diễn ra trên truyền thông đại chúng mỗi khi có một dự án đầu tư mới mà cái giá đầu tiên phải trả là xoá sổ một công trình kiến trúc cũ. Công trình bị xoá sổ, đến lúc ấy, mới bắt đầu bàn luận xem nó có nên hay không. Và đa phần câu chuyện dừng lại ở “ông mù đi xem voi”. Nghĩa là xem ra ai cũng có lý với phần biện luận của mình. Không có một kết luận độc lập đáng tin cậy của một nghiên cứu bài bản và chuyên nghiệp trước đó. Cuối cùng cái lý cũng sẽ thuộc về phía nào có thế lực “mạnh” hơn, quyết định số phận của di sản.
Vậy nên, rất cần Luật kiến trúc buộc quản lý nhà nước phải có những chương trình và dự án dài hạn, nhằm đánh giá độc lập các giá trị bản sắc và di sản kiến trúc, làm cơ sở thước đo giá trị khi bắt buộc phải cân nhắc cách thức bảo vệ sự tồn tại của di sản trước áp lực phát triển của thời đại. Có như vậy mới không bị áp lực của lợi ích phát triễn đè nặng, gây nhiễu thông tin, dẫn đến việc bỏ lững một cách trì trệ hoặc quyết định vội vàng.

Và, nội dung thứ hai không kém phần quan trọng của Luật là thái độ và chính sách tạo nguồn bản sắc và di sản kiến trúc cho tương lai. Ở góc độ nhận thức, công trình hôm nay có thể là di sản tương lai. Cho nên cần có chính sách quản lý kiến trúc xây dựng hợp lý và hiệu quả để tạo sự hưng phấn và điều kiện khuyến khích làm việc hiệu quả nhất với những nhà chuyên môn chân chính trong các cuộc thi kiến trúc, quản lý dự án, đấu thầu và thi công xây dựng… để đón đầu các công trình chất lượng ra đời. Khi đã có sự gạn lọc một bước thông qua các cuộc thi kiến trúc, các giải thưởng kiến trúc, các công trình được dư luận xã hội tôn vinh… cần có chính sách bảo vệ nguồn, tránh sự buông thả hoàn toàn số phận các công trình kiến trúc tốt vào tay chủ sở hữu, dẫn đến sự chủ quan thay đổi, méo mó các giá trị kiến trúc trong tay họ (bao gồm cả công trình nhà nước lẫn tư nhân). Một sự việc dễ thấy là hơn 20 năm nay, Giải thưởng kiến trúc quốc gia, Giải thưởng văn học nghệ thuật nhà nước, đã công phu sàng lọc để công nhận giá trị nhiều công trình kiến trúc. Thế nhưng một thông tư rõ ràng, cụ thể để có hàng rào bảo vệ ở mức độ cần thiết giá trị nguyên bản công trình vẫn đang bỏ trống. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư thiếu hiệu quả vì lãng phí cơ hội trong việc tạo nguồn cho giá trị di sản.

Luật kiến trúc đã được thông qua với hơn 20 năm trăn trở. Và trước mắt còn quá nhiều điều cấp bách phải thực hiện. Một chút luận bàn về góc độ bảo tồn giá trị bản sắc và di sản kiến trúc như trên, mong có thể góp vài ý tốt cho các thông tư, nghị định trong thời gian không còn nhiều trước ngày Luật kiến trúc đi vào cuộc sống.

*KTS Nguyễn Văn Tất

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)