Diễn đàn KTS: Cần có lý luận và phê bình để hiểu đúng về tác phẩm kiến trúc

“Để tác phẩm kiến trúc có giá trị phải có lý luận làm nền tảng. Để cộng đồng đánh giá và hiểu đúng giá trị của tác phẩm, đồng thời để tác giả không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo thì cần phải có phê bình kiến trúc!”

Đó là nội dung được trao đổi tại Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2018 (do Hội KTS Việt Nam tổ chức vào ngày 17/11/2018 tại TP Huế), được đánh giá là sự kiện quan trọng của giới nghề – Hội nghị đã nhìn nhận, đánh giá hoạt động Lý luận và phê bình của Hội KTS Việt Nam trong mấy nhiệm kỳ qua, đồng thời xác định cơ sở khoa học, nội dung và nhiệm vụ trong thời gian tới.

TCKT trân trọng giới thiệu với bạn đọc những ý kiến được ghi nhận tại hội nghị, góp phần thúc đẩy công tác lý luận – phê bình, hướng tới xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc!

 

Ông Phạm Hồng Hà – Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Tôi hoan nghênh Hội KTS Việt Nam tổ chức hội nghị quan trọng này. Công tác Lý luận và phê bình kiến trúc có vai trò to lớn, có tầm quan trọng to lớn, với sứ mệnh đi trước, mở đường, đối với các hoạt động kiến trúc, xây dựng đội ngũ KTS và mở rộng hơn là đối với xã hội; và làm dày thêm kho tàng kiến thức của dân tộc. Giới KTS đã nhận thức về việc này trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của ngành kiến trúc – quy hoạch nói riêng cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Yêu cầu phát triển và hội nhập đã đặt kiến trúc Việt Nam đứng trước những yêu cầu mới như: Thể hiện rõ yếu tố bản sắc văn hóa, kế thừa, phát huy những giá trị kiến trúc truyền thống, cách thức tiếp thu tinh hoa kiến trúc thế giới để đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc, bồi đắp và làm rõ thêm những giá trị cốt lõi, đặc trưng của kiến trúc Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu, phát triển xanh, bảo vệ và hòa nhập với môi trường sinh thái…

Đây cũng là mong muốn, yêu cầu của lãnh đạo nhà nước và cộng đồng xã hội mà chúng tôi đã tập hợp trong Dự thảo Luật kiến trúc trình Quốc hội trong thời gian gần đây. Đây cũng chính là yêu cầu đối với lý luận và phê bình kiến trúc, theo tôi lý luận phải được giải quyết, định hướng những hoạt động này một cách kịp thời, đúng đắn.

Với vai trò là người làm công tác quản lý, tôi rất quan tâm đến nội dung này. Cần tổ hợp các giải pháp được đề xuất trong hội nghị này trong một chiến lược dài hơi, trong một chương trình hành động để có thể tổ chức thực hiện. Việc này thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều giới, trong đó, trước hết là cấp quản lý Nhà nước, Hội KTS Việt Nam và giới KTS… Thời gian gần đây, cơ quan quản lý đã làm một số việc liên quan đến công tác lý luận và phê bình, phối hợp với Hội KTS và một số cơ quan soạn thảo Luật kiến trúc.. Tuy nhiên, chưa được nhiều, chưa có cái nhìn tổng thể.

Giới KTS đã có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng Luật Kiến trúc. Tôi rất hy vọng các giải pháp thúc đẩy công tác Lý luận phê bình kiến trúc sẽ được thảo luận chi tiết hơn nữa, có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật

Tổ chức của Hội KTS Việt Nam vừa sang trọng và đầm ấm. Tôi đến đây để học các anh em KTS, trong việc làm nghề, trong việc sáng tạo kiến trúc!
Chưa có ngành nào mang sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học và nghệ thuật như nghề kiến trúc. Tôi thấy nghề kiến trúc rất gần với lĩnh vực sáng tạo là nghệ thuật xiếc, đi giữa sợi dây mong manh giữa bình thường và phi thường, giữa tồn tại và không tồn tại. Kiến trúc cũng hàm chứa yếu tố bình thường và phi thường như vậy. Kiến trúc hiện đại phải giải quyết những vấn đề của khoa học và chưa có ngành nào tiếp thu nhanh về khoa học kỹ thuật và công nghệ nhanh như kiến trúc. Các KTS vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà cách mạng trong lĩnh vực công nghệ. Điều này cũng ảnh hưởng đến tác giả, đến phong thái của các KTS.

Ngoài ra, kiến trúc còn giải quyết vấn đề về sự hài hòa, hòa hợp giữa những tâm hồn, giữa kiến trúc – con người với thiên nhiên.

KTS Hoàng Thúc Hào

Lý luận – Phê bình bao giờ cũng được tổng kết từ thực tiễn, có những người nói đúng, nghĩ đúng nhưng làm sai. Ngay cả thế giới cũng vậy, ở các quốc gia có trình độ lý luận phát triển, thì hiện trạng đô thị cũng còn rất nhiều tồn tại.

Lý luận và phê bình rất cần những tác giả với những sáng tạo, thử nghiệm, Hội sẽ tổng kết, tôn vinh, khuyến khích những điển hình. Ý kiến phản biện chính thống của Hội là rất cần thiết. Cách mạng 4.0 cốt lõi là chính sách, cần có lý luận phê bình và qua có thực tiễn.
Chính những tác phẩm đỉnh cao mới tạo ra được bản sắc. Không nên quần chúng hoá nghệ thuật. Hội KTS Việt Nam cần phải “elite” hoá quần chúng với những tác giả, tác phẩm đỉnh cao với xu hướng kiến trúc giàu bản sắc.

KTS Tôn Đại

Lý luận phê bình Kiến trúc ở Việt Nam trước năm 1986 còn rất thô sơ. Ở miền Bắc đều hướng về XHCN. Trong một cuộc triển lãm thiết kế ở Cu Ba, sau đó có một chuyên gia nhận xét: “Việt Nam chưa biết thiết kế nhà”. Đại hội 10 năm 1975-1985 của Hội KTS có tổng kết rất đúng, rất mạnh dạn: “Kiến trúc có đường lối đúng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân nhưng tiến chậm. Có thể nói chúng ta làm kiến trúc chưa tốt, chưa trúng, nhiều khi hại lớn hơn lợi, kết quả thường thấp, thậm chí trên một số mặt rất thấp đối với yêu cầu, cả đối với khả năng hiện có của chúng ta.” Và có một nhận định chung là: Kiến trúc của ta dường như còn chưa định được cho mình một đường lối sáng tạo nào, một hướng đi nào rõ rệt.

Nhìn lại, đánh giá phần lý luận phê bình giai đoạn trước 1986 sẽ giúp chúng ta có những bước tiến khả quan hơn về mặt lý luận, phê bình kiến trúc.

KTS Trần Thanh Bình

Tôi muốn đặt ra những câu hỏi: Phê bình kiến trúc là gì? Nhà phê bình, anh là ai? Phải có ai để thực hiện Lý luận phê bình? Đến hội nghị này, Hội KTS Việt Nam đã tạo ra một sân chơi cho các nhà Lý luận phê bình. Phản biện xã hội không thay thế được phê bình kiến trúc..

Nhận diện: Không nên tách rời PB Kiến trúc với các loại hình nghệ thuật khác, nhưng nhấn mạnh những nét đặc thù. Sự khác biệt quan trọng: Sự hiện diện của đơn đặt hàng. Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, tính khoa học đc đặt ra như một nhu cầu tất yếu. Như các loại hình khác, cũng cần qua các bước phê bình: Miêu tả sản phẩm kiến trúc như một thực tiễn khách quan; giải mã ngôn ngữ kiến trúc; lý giải những thông điệp; đánh giá giá trị cơ bản: thích dụng, bền vững và thẩm mỹ. Cũng không nên đòi hỏi quá cao về tính khách quan.

Ngoài ra cũng cần phân biệt rõ các khái niệm: Lý luận kiến trúc và phê bình kiến trúc. Phương pháp tiếp cận: Tác giả – tác phẩm và những ng thụ hưởng. Với kiến trúc tôi cũng xin dẫn ý kiến của Nhà phê bình Thái Bá Vân:“Phê bình nghệ thuật bắt đầu từ thưởng thức và kết thúc cũng ở thưởng thức.”

GS Phạm Đình Việt

Trong số sách Lý luận – phê bình đa phần là từ nước ngoài. Tôi nghĩ cần có những tác phẩm của Việt Nam, viết về văn hoá Việt Nam một cách sâu sắc, làm nền tảng nhận thức. Làm sao phải khuyến khích được. Hội có thể kết hợp với các trường ĐH để khuyến khích việc viết sách, có tính chất tổng hợp, LL.

KTS trần Vũ Lâm – Công ty CP Kiến trúc Lập phương – CuBic

Kiến trúc Việt Nam đều theo dòng chảy, tôn trọng những dòng chảy xu hướng kiến trúc thế giới. Lý luận mang tính dẫn hướng.

Rõ ràng cần có tinh thần đấu tranh mới có thể hạn chế những công trình xấu. Lý luận – phê bình cần luôn song hành với việc hành nghề kiến trúc, góp phần quản trị sự thay đổi một cách tốt nhất.

KTS Nguyễn Văn Siêu- Hội KTS An Giang

Tôi cho rằng Khen chê – phê bình hay phản biện cần có những định tính, định lượng, tiêu chí rõ ràng, chuẩn mực. Giải thưởng Kiến trúc quốc gia cũng cần có hàm lượng phê bình rõ nét hơn. Có khen thì có chê. Đề nghị có giải Mâm xôi vàng cho các công trình chưa được tốt.

KTS Đỗ Trọng Khoa – Hội KTS Hưng Yên

Lý luận – phê bình kiến trúc có phải chỉ là kiến trúc, hay là phải phản biện về mặt xã hội nhiều hơn. Nhiều công trình, xu hướng đã hình thành rồi, phê bình – lý luận chỉ đi sau, khi mà sự đã rồi. Tôi cho rằng cần phản biện xã hội nhanh và kịp thời, và chủ động hơn thế. Để có thể dừng lại hoặc điều Tôi cho rằng lý luận luôn gắn với phê bình. Làm nghề kiến trúc nhiều năm tôi thấy một thực tế: Không phải lúc nào người ta cũng muốn nghe lời chê. Trước hết, cần khai thông nhận thức về lý luận phê bình, nâng cao kiến thức và cơ sở lý luận cho anh em KTS. chỉnh cho phù hợp.

KTS Hoàng Anh – Hội KTS Hà Tĩnh

Tôi cho rằng lý luận luôn gắn với phê bình. Làm nghề kiến trúc nhiều năm tôi thấy một thực tế: Không phải lúc nào người ta cũng muốn nghe lời chê. Trước hết, cần khai thông nhận thức về lý luận phê bình, nâng cao kiến thức và cơ sở lý luận cho anh em KTS.

KTS Nguyễn Văn Lộc – Hội KTS Khánh Hòa

Chúng ta đến dự hội nghị với mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa lý luận và phê bình ở Việt Nam. Lý luận đã có nhưng chưa đủ và kịp thời, phê bình thì yếu kém, hầu hết đều “sợ” phê bình. Lý luận phải có thời gian và thực tiễn, mới có thể chuyển thành lý luận. Đặt trong điều kiện hiện nay, giai đoạn cách mạng 4.0, biến đổi khí hậu. Trong khi đó, về kiến trúc xanh chúng ta cũng chưa đủ nền tảng lý luận. Chỉ có phê bình, phản biện mới có được lý luận phục vụ cho giới KTS nhận thức và thực hiện. Việc này sẽ có vai trò rất lớn của Hội KTS Việt Nam.

KTS Nguyễn Thu Phong

Câu hỏi đặt ra là: Gần đây có thực sự có công tác Lý luận và phê bình?- Theo tôi không hề có công tác Lý luận – phê bình đúng nghĩa. Nếu công trình kiến trúc ra đời mà không ai nói gì cả, chỉ khen thôi thì không đủ. Sáng tác mà không có phản hồi. Giải thưởng Kiến trúc quốc gia không kèm với bình luận chuẩn mực thì cũng ít tác dụng như mong muốn. Xã hội phát triển, rồi sẽ có những người dũng cảm trở thành nhà PB kiến trúc. Đó thực sự là điều cần thiết đối với sự phát triển kiến trúc Việt Nam

Qua hội thảo lần này, tôi hy vọng sẽ hình thành được xu hướng, một sự vận động để các thầy, các anh em mạnh dạn cổ xuý, tham gia vào công tác lý luận phê bình kiến trúc một cách hiệu quả, tích cực hơn.

Thảo Nguyên

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)