Đổi mới thiết kế kiến trúc trường học đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông

Vai trò của xây dựng cơ sở vật chất trường học đối với chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông

Ngày 04/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đánh giá tình hình và nguyên nhân về những bất cập và yếu kém trong giáo dục; đồng thời đưa ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Sơ đồ tổ chức các bộ phận chức năng trường học

Cần hiểu rõ khái niệm đổi mới căn bản và toàn diện trong chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông. Đổi mới căn bản là đổi mới những vấn đề cốt lõi, cấp thiết về giáo dục con người, tạo chuyển biến sâu sắc về chất lượng giáo dục nhằm phát triển và phát huy tốt nhất tiềm năng người học, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân từ nhân cách đến trình độ, từ lý thuyết đến thực tiễn. Đổi mới toàn diện là phát triển năng lực và phẩm chất người học về mọi mặt đáp ứng các yêu cầu ngày càng mở của thời đại – Học phải đi đôi với hành; lý luận phải gắn liền với thực tiễn; giáo dục nhà trường phải kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. Đổi mới toàn diện liên quan tới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, liên quan đến trình độ và các phương thức giáo dục, đào tạo.

Đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới không gian kiến trúc trường học

Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại tức là chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Khoảng cách giữa thầy và trò trên lớp thay đổi. Sự tương tác giữa các học sinh, và các nhóm học sinh cũng thay đổi. Bàn ghế có thể phải linh hoạt sắp xếp lại theo các kịch bản của môn học hoặc các tình huống dạy học. Thầy và trò thay đổi cách học trong một không gian học cố định sang nhiều không gian học khác nhau, có thể rộng hơn hoặc hẹp hơn, có thể ở trong nhà (hoàn toàn đóng), ở ngoài trời (hoàn toàn mở), hoặc ngoài hiên (bán mở). Đây là những trạng thái học tập mở kết hợp các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học… Điều đó đòi hỏi không gian trường học phải thay đổi theo hướng xanh, linh hoạt và đa dạng. Yếu tố công nghệ trong trường phổ thông ngày càng được đẩy mạnh theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học – đòi hỏi các không gian học tập phải chấp nhận sự biến đổi linh hoạt tùy theo yêu cầu của các môn học gắn liền với trang thiết bị dạy học tiên tiến.

Thực trạng xây dựng trường học

Nhìn chung, việc xây dựng trường học hiện nay đang có nhiều bất cập. Về quy hoạch tổng thể đang thể hiện sự lãng phí đất đai, không gian hạ tầng, kéo dài khoảng cách kết nối, không tạo được không gian học tập tập trung và khả năng ứng dụng công nghệ mới. Không gian khuôn viên trường học thiếu sự kết nối giữa các khu vực chức năng. Trong giải pháp quy hoạch chưa thể hiện rõ tính chất đặc thù của các cấp học, chưa thể hiện rõ đặc điểm địa phương vùng miền, sử dụng địa hình tự nhiên như một yếu tố cấu thành cảnh quan phục vụ học tập theo phương thức mới. Giải pháp kiến trúc trường học liên cấp chưa có sự hài hòa trong việc sử dụng không gian chung và riêng phù hợp với lứa tuổi.

Đặc biệt, đối những vùng núi, vùng biển, chưa có những nghiên cứu xây dựng đặc thù phù hợp với điều kiện địa phương. Việc quy hoạch xây dựng trường học tại các vùng thấp và vùng cao đang đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của chương trình lương thực thế giới (FAO), Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão và lũ lụt. Các giải pháp quy hoạch xây dựng hiện nay chưa đề cập và xem xét kỹ vấn đề này – để sao cho các khu đất dự kiến xây dựng trường học không bị ngập úng do lũ lụt, mưa lớn và không bị ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở. Điều đó buộc chúng ta phải nghĩ tới các vấn đề: Chọn đất xây dựng, chọn cao độ xây dựng hợp lý, thiết kế hệ thống tiêu thoát nước, kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thủy lợi….

Về thiết kế hạ tầng kỹ thuật, xuất phát từ đặc điểm địa lý và những thách thức từ các hiểm họa thiên tai, thiết kế hạ tầng chưa đảm bảo các điều kiện về xây dựng hệ thống giao thông đến trường, hệ thống thoát lũ, chống ngập lụt, chống sạt lở. Chính vì vậy, nhiều nơi không đảm bảo điều kiện an toàn và vệ sinh cho các lớp học, đặc biệt sân trường đầy bùn đất đọng lại trong và sau các đợt thiên tai. Vấn đề vệ sinh trường học và sân chơi học đường chưa được quan tâm đúng mức, cần được đầu tư. Sự kết hợp giữa xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức cảnh quan là một nội dung quan trọng cần được quan tâm thích đáng trong xây dựng trường học.

Về giải pháp thiết kế kiến trúc trường học, hiện nay chủ yếu theo các nguyên lý truyền thống, với những dãy nhà dài, hành lang bên, kiến trúc thấp tầng được phân chia thành các lớp học đều đặn. Vì tuân thủ theo nguyên lý tận dụng triệt để hướng ánh sáng tự nhiên, hướng gió chủ đạo nên bố cục các tòa nhà lớp học đều là các tuyến chạy song song và tách biệt, khoảng trống xen kẽ giữa các dãy nhà học chưa được nghiên cứu sử dụng cho việc học ngoài trời. Bố cục không gian kiến trúc theo mô hình học thụ động, học trong nhà, thiếu sự kết nối với không gian mở, các không gian cộng đồng trải nghiệm thực hành các môn học. Kiến trúc trường học ngày nay đòi hỏi sự đa dạng của các bộ phận cấu thành không gian học tập, với các giải pháp kiến trúc linh hoạt và các không gian đa chức năng, có khả năng tạo sự biến đổi môi trường của lớp học tùy theo môn học, với các kiểu ghép nhóm, ghép lớp, đảm bảo chuẩn không gian lớp học và phục vụ học tập.

Việc đổi mới kiến trúc trường học gắn liền với các xu hướng kiến trúc hiện đại, trong đó tiết kiệm năng lượng, xu hướng kiến trúc xanh cần được nghiên cứu ứng dụng hơn nữa trong các giải pháp thiết kế kiến trúc, đồng thời thể hiện rõ bản sắc địa phương.

Sự biến đổi các bộ phận chức năng trường học tùy theo cấp học

Không gian kiến trúc trường học phổ thông hiện nay, về nguyên tắc được xây dựng dựa theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8793:2011 đối với trường tiểu học và TCVN 8794:2011 đối với trường trung học, bao gồm 6 khối chức năng cơ bản – Đó là khối học tập (1), khối hành chính (2), khối phục vụ học tập (3), khối phục vụ sinh hoạt (4), khu vực sân vườn (5), khu vực giao thông, bãi đỗ xe, và khu vực bảo vệ (cổng hàng rào) (6).

Sơ đồ tổ chức Tổng mặt bằng theo vùng miền
  1. Khối học tập là khối chức năng quan trọng nhất của trường học, bao gồm các phòng học trên lớp (cho các trường tiểu học), thêm phòng học bộ môn (trường Trung học cơ sở ), thêm phòng học nghề (trường Trung học phổ thông). Tính tích hợp của các cấp học nhỏ được chuyển hóa thành tính chuyên biệt của các môn học chuyên sâu của các cấp học trên. Trong quy hoạch tổng thể, đây là khu vực chức năng được ưu tiên nhất về mặt tiện nghi trong không gian trường học: Hướng gió, hướng nhìn, hướng giao thông. Ngoài ra, nhằm tránh những rủi ro từ thiên tại bão lũ thì cần ưu tiên về độ cao trong quy hoạch hạ tầng.
  2. Khối phục vụ học tập gắn liền với khối học tập, bao gồm: Thư viện, phòng giáo cụ, hội trường đa chức năng, các phòng phục vụ thực hành nghề…Với phương thức giảng dạy mới thì cần chú trọng ưu tiên các phòng chức năng này nhằm đảm bảo hạ tầng phục vụ việc giảng dạy, ưu tiên sử dụng công nghệ tin học. Cần tách biệt các phòng chức năng giáo dục và đào tạo. Các phòng truyền thống, phòng sinh hoạt Đoàn – Đội thuộc chức năng phục vụ giáo dục. Trong khi đó, các phòng thư viện, thư viện điện tử, trao đổi trực tuyến… là các phòng phục vụ đào tạo rất cần được quan tâm như một không gian học tập chủ động.
  3. Khối phục vụ sinh hoạt là khối chức năng phục vụ việc dạy và học, với các đối tượng là giáo viên, học sinh và nhân viên nhà trường. Việc học tập của học sinh có thể kéo dài cả ngày, có thể làm việc theo nhóm. Điều đó đòi hỏi các nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần phải được nâng cao – Đó là các khu vực căng tin, phòng ăn, bếp, Một số trường có dạy học bán trú thì đòi hỏi các phòng ngủ cho các học sinh được bố trí tách biệt với khu học tập.
  4. Khối hành chính là khối chức năng đảm nhận việc phục vụ và quản lý dạy và học của giáo viên và học sinh. Các phòng chức năng của bộ máy hành chính, các phòng sinh hoạt giáo viên, phòng hội đồng chiếm một tỷ lệ không lớn trong không gian trường học nhưng lại cần phải liên kết với các khối chức năng khác để đảm nhận vai trò theo dõi và quản lý.
    Bốn khối chức năng trên thuộc về không gian xây dựng gắn liền với các hoạt động trong nhà. Theo tiêu chuẩn, nó chỉ được phép chiếm 40% diện tích khu đất, để nhường 60% đất còn lại cho 2 chức năng ngoài trời.
  5. Khu vực sân vườn, cảnh quan ngoài nhà là một bộ phận rất quan trọng trong thiết kế xây dựng đảm bảo các yêu cầu đổi mới giáo dục. Chức năng sân khá đa dạng bao gồm: Sân tập trung chào cờ, sân chơi (học sinh tiểu học), sân thể thao (học sinh trung học), vườn thực vật, vườn cảnh quan… Trong đổi mới giáo dục, nhiều môn học được thực hiện ngoài trời. Vì vậy, có thể coi đây là một không gian học tập bổ sung.
  6. Không gian hạ tầng giao thông, bãi xe kết hợp cổng, hàng rào – Là bộ phận chức năng bảo vệ cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là đối với trường học trong các đô thị. Đối với các trường tiểu học, bãi xe dành cho phụ huynh đón con không được tính vào diện tích này, nên hậu quả là bố mẹ phải đón con bên ngoài hàng rào trường làm tắc nghẽn giao thông.

Ngoài ra, với mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học theo lộ trình, từng bước có sự tham gia của cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải đánh giá thực trạng các công trình hiện có, để có kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang cải tạo, hay xây dựng mới… Điều đó đòi hỏi các giải pháp xây dựng phải được nghiên cứu một cách đồng bộ và toàn diện.

Giải pháp sử dụng nước hiệu quả

Sự biến đổi linh hoạt giải pháp kiến trúc trường học tùy theo vùng miền

Tại các đô thị lớn tập trung đông dân cư như Hà Nội, TPHCM, đất đai xây dựng là vấn đề đặt ra cho các giải pháp thiết kế. Thực tế cho thấy các trường ở khu vực trung tâm đã trở nên quá tải. Tiêu chuẩn đất xây dựng 6m2/ 1 học sinh trở nên xa lạ với các trường tại các thành phố đông dân. Tại Hà Nội, các trường nội đô không đạt được tiêu chuẩn này. Trường Trung học Phương Mai có 24 lớp x 50 học sinh trên khu đất 1100 m2, tính ra 0,9m2/ học sinh. Đổi mới giáo dục phổ thông đòi hỏi không chỉ không gian trong lớp mà cả không gian ngoài trời. Với đất đai có diện tích eo hẹp, hình thù có thể phi hình học, việc tổ chức sân vườn cần phải nghĩ tới các giải pháp linh hoạt trong tổ chức hạ tầng, cảnh quan với các sân chơi linh hoạt, vườn treo, vườn mái…

Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có độ cao địa hình thấp so với mực nước biển và hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, đòi hỏi giải pháp kiến trúc trường học cần được nghiên cứu theo hướng thích ứng. Lũ lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc chủ yếu vào lũ thượng nguồn sông Mê Kông, mưa nội đồng và thủy triều biển. Các yêu cầu trong quy hoạch trường học phòng chống lũ lụt của vùng này chủ yếu xử lý theo hướng: Chọn vùng đất cao để xây dựng trường học; không xây dựng trường sát bờ sông để tránh sạt lở. Đối với vùng ngập nước dưới 2m, cần áp dụng giải pháp đắp đất nền trước khi xây trường. Đối với vùng ngập trên 2m cần chọn giải pháp bao đê, khoanh vùng. Tùy theo tính chất vùng miền, đặc điểm thiên tai mà có thể phải chấp nhận trường học sống chung với lũ. Giải pháp kiến trúc kiến trúc trường học cần phải nghiên cứu để giảm thiểu thiệt hại nhiều nhất.

Tại vùng Trung bộ và các thành phố ven biển, với đặc thù địa hình chia cắt mạnh, sông suối ngắn và dốc, chịu ảnh hưởng của khí hậu Đông Trường Sơn nên thiên tai lũ lụt ở đây rất khốc liệt, thường để lại hậu quả nặng nề. Các dạng lũ điển hình là lũ quét, lũ sông với tốc độ nhanh và mạnh, lũ rút cũng nhanh, tại các vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển và cửa sông tới cao độ ứng chuẩn cho từng cấp đô thị. Đối với các TP ven biển như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa… chủ yếu chịu ảnh hưởng của thủy triều, nguy cơ khi mưa từ các sông tràn về trùng với thủy triều lên sẽ gây ngập úng. Vì vậy, xây dựng trường học cần quan tâm đến chế độ thủy triều, triều cường, nước dâng trong gió bão. Các khu vực dự kiến xây mới cần được tôn nền và tạo độ dốc thích hợp.

Tiêu chí xây dựng cơ sở về trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

Nguyên tắc của các tiêu chí xây dựng trường học phổ thông bao gồm 2 vấn đề:

  • Tiêu chí kỹ thuật (tối thiểu) đảm bảo các yêu cầu theo TCXD 8793-2011 và 8794-2011 áp dụng cho trường Tiểu học và Trung học;
  • Tiêu chí linh hoạt (đổi mới giáo dục phổ thông) đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế và đặc điểm của các vùng miền. Theo đó, có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông ở 3 cấp độ khác nhau ( mạnh, vừa và yếu), và 3 cấp học khác nhau.

Nội dung của các tiêu chí xây dựng trường học liên quan tới 5 vấn đề:

  • Đối tượng học (các cấp học): Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, liên cấp. Trong đó các tiêu chuẩn ứng dụng cho xây dựng cơ sở vật chất là khác nhau, đối tượng học và chương trình học tác động tới không gian trường lớp;
  • Khả năng kinh tế xã hội (đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa…). Đây là yếu tố quan trọng cho giải pháp quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc trường học. Với các nguồn vốn xây dựng trường học (Vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn xã hội hóa) cần được phân chia theo từng giai đoạn với sự ưu tiên cho các công trình quan trọng được đầu tư trước;
  • Đặc điểm địa lý và môi trường thiên nhiên (vùng cao, thấp, ngập…) và yếu tố thiên tai (bão, lũ, ngập, sụt lở, ngập mặn..) tác động tới giải pháp quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc trường học;
  • Thực trạng kiến trúc – quy hoạch, cơ sở hạ tầng bao quanh công trình;
  • Khả năng ứng dụng và kết hợp giữa công nghệ xây dựng mới và Công nghệ giáo dục mới trong tổ chức không gian kiến trúc trường học.

Nghiên cứu các giải pháp quy hoạch tổng thể và quy hoạch tổng mặt bằng

Trước hết, cần phải đưa ra các luận cứ để hình thành các điểm trường và dồn dịch các điểm trường nhỏ lẻ thành điểm trường lớn hơn. Việc lựa chọn vị trí địa điểm liên quan tới môi cảnh bao quanh và các ưu đãi của thiên nhiên. Việc kết hợp tổ chức dây chuyền công năng trong một khuôn viên trường học có kích thước và hình thái khác nhau, có hướng nhìn và biểu đồ chuyển động của mặt trời khác nhau cần được nghiên cứu. Các chỉ tiêu xây dựng dựa theo tiêu chuẩn quốc gia nhưng cần áp dụng phù hợp tùy theo đặc điểm của các vùng miền. Những không gian xây dựng và không gian trống liên quan tới công năng chung và riêng – Đó là các Khu học, khu ngủ, sân chơi …

Nghiên cứu các giải pháp Hạ tầng kỹ thuật trường học

  • Hệ thống cấp thoát nước (giếng khoan, bể chứa…);
  • Hệ thống vườn, cảnh quan: Vườn lịch sử, vườn địa lí, vườn thực vật;
  • Hệ thống sân: Sân tập trung, sân chơi, sân thể thao;
  • Vật liệu, chất liệu, các trang thiết bị kỹ thuật;
  • Nhà vệ sinh công cộng.

Nghiên cứu các giải pháp Kiến trúc trường học

  • Đề xuất phương án Kiến trúc cho những công trình mới và những công trình cải tạo trên cơ sở chương trình đổi mới GD phổ thông, nghiên cứu sự tương đồng và khác biệt của các bộ phận chức năng để có các giải pháp quy hoạch, kiến trúc tích hợp đa chức năng, thiết kế điển hình cho từng cấp học;
  • Thiết kế điển hình các mô hình quy hoạch kiến trúc cho từng vùng miền với các điều kiện thiên tai khác nhau;
  • Đề xuất vật liệu dựa trên phương án cụ thể đưa vào và những ứng dụng xanh trong công trình, tạo những không gian linh hoạt và có sự kết nối, giúp tăng tương tác trong môi trường học tập.

Kết luận

Chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông đã đưa ra nhiều chính sách vĩ mô trong quản lý, đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Tuy nhiên, vấn đề cơ sở vật chất là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu, vì chính nó tác động trực tiếp tới đổi mới giáo dục phổ thông. Kiến trúc trường học đòi hỏi sự nghiên cứu quy mô theo cả chiều rộng và chiều sâu, với sự đóng góp không chỉ của các chuyên gia, những người trực tiếp và gián tiếp tham gia công tác nghiên cứu và đào tạo, mà còn phải có sự quan tâm của toàn xã hội.

Kiến trúc trường học hiện đại, xanh (Trường THCS Nguyễn Văn Tố, TPHCM)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết Số: 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo;
2. Bộ GD & ĐT, Đề án Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025 (Ban hành theo QĐ số 1336/QĐ – TTg ngày 29/10/2018);
3. Phạm Văn Nam – Nghiên cứu định hướng đổi mới giáo dục căn bản toàn diện và những yêu cầu đối với tổ chức kiến trúc quy hoạch hạ tầng trường phổ thông. Kỷ yếu Hội thảo Kiến trúc trường học, Viện QHKT Uai , ĐHXD ,

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc UAI – ĐH Xây dựng;
Ths.KTS Doãn Thanh Bình
Giảng viên khoa KTQH trường ĐH Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)