Giá trị thẩm mỹ truyền thống trong Kiến trúc nhà ở Đô thị Việt Nam hiện nay

Nội dung của bài viết đề cập đến phương thức tiếp cận Mỹ học (Aesthetic) và Mỹ học Kiến trúc (Aesthetic of Architecture) nhằm định dạng vai trò giá trị thẩm mỹ truyền thống, thông qua đó xây dựng các thiết chế thẩm mỹ để kế thừa và phát huy tính dân tộc trong kiến trúc nhà ở đô thị Việt Nam hiện nay.

Nhà cổ 87 Mã Mây – Hà Nội
[Nguồn: http://mytour.vn /location/9196]

Tiếp cận quan điểm Mỹ học (Aesthetic) và Mỹ học Kiến trúc (Aesthetic of Architecture)

Thẩm mỹ được xem là một trong những mục tiêu chính của kiến trúc. Theo Vitruvius (80 – 15 TCN), một công trình kiến trúc tốt phải đáp ứng 3 yêu cầu: Vẻ đẹp (venustas) – Tiện ích (utilitas) – Vững chắc (firmitas). Ngày nay, chúng được hiểu theo nghĩa: Hình thức – Công năng – Kết cấu. Trong đó, hình thức đề cập đến khía cạnh thẩm mỹ của tòa nhà và việc nghiên cứu được hỗ trợ bởi lý luận của Mỹ học và Mỹ học kiến trúc.

Plato (427 – 347 TCN), người đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết về cái Đẹp (Beauty), xem nó thuộc đối tượng của nhận thức hơn là của thế giới hiện tượng; và sự hiểu biết cái đẹp đòi hỏi phải được tư duy phân tích triết học. Giai đoạn về sau, từ Descartes đến Hume và Collingwood tiếp tục làm rõ ý nghĩa “Thẩm mỹ như là phạm trù tinh thần của con người 1.”

Theo quan điểm của I. Kant (1724 – 1804), sai lầm của các nhà siêu hình học cũ kể từ Aristote đến Bacon, Descartes, Spinoza… khi nhận thức thế giới thường hoặc rơi vào Chủ nghĩa kinh nghiệm (Empiricism) – tuyệt đối hóa vai trò của cảm giác, kinh nghiệm; hoặc rơi vào Chủ nghĩa duy lý (Rationalism), đề cao vai trò của lý tính, tư duy trong quá trình nhận thức. Để khắc phục hạn chế đó, trong tác phẩm “Phê phán năng lực phán đoán”, Kant đề xuất quan điểm dung hòa: “Cái đẹp là một phạm trù không xác định, vừa mang tính phổ quát tất yếu, vừa mang tính chủ quan cá thể 2; đồng thời xây dựng năng lực phán đoán thẩm mỹ dựa trên 4 phương diện: Chất lượng, số lượng, quan hệ và tình thái”.

Nhà cổ làng Đường Lâm – Sơn Tây – Hà Nội
[Nguồn: http://panoramio.com/photo/60732059]
Đối với Hegel (1770 – 1831), vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật là sự kết hợp 2 mặt: Nội dung của nghệ thuật là ý niệm; Hình dáng của nghệ thuật là hình dáng dễ cảm nhận và giàu sức tưởng tượng 3. Nghệ thuật còn được hiểu là: Lý tính của cái hiện thực.

Với tác phẩm “Beauty and Illusion” (Cái đẹp và Ảo giác), Samuel Alexander trình bày khái niệm “tính phù du” của cái đẹp trong nghệ thuật như là khả năng truyền đạt những gì không tồn tại (hoặc mô tả một cách rõ ràng). Ông ví dụ: “Câu từ của một bài thơ không chỉ đơn thuần để mô tả mà còn tràn ngập các cảm xúc và ý nghĩa. Vì như vậy, một mô tả khoa học đơn thuần sẽ không có 4”. Điều này dường như tương đồng với kiến trúc, bởi ngoài chức năng sử dụng nó còn là đối tượng mang thông tin, chuyển tải những “câu chuyện về lịch sử, văn hóa” thông qua ngôn ngữ của hình thức và không gian.

Đầu thế kỷ 20, Le Corbusier (1887 – 1965) bàn về sự khác biệt và liên quan giữa tính thẩm mỹ kỹ thuật với kiến trúc, ông cho rằng kỹ thuật lấy cảm hứng từ nguyên tắc kinh tế và điều chỉnh nó thông qua những phép tính toán học để phù hợp qui luật phổ quát, từ đó đạt được sự hài hòa. Nhưng kiến trúc thì không chỉ có hài hòa mà còn gợi lên cảm xúc, và do đó đạt được vẻ đẹp: “Kiến trúc là một vật thể nghệ thuật, một hiện tượng của những cảm xúc và nằm ngoài vấn đề xây dựng 5”.

Susanne Langer (1895 – 1985) lần đầu tiên đề cập khái niệm “vùng dân tộc” (ethnic domain) trong việc tìm hiểu thẩm mỹ kiến trúc bằng lập luận: Hình ảnh của cuộc sống được tạo ra trong các tòa nhà. Thông qua sự biểu hiện và tác động lẫn nhau của các hình thức có thể nhận thấy “vùng dân tộc” hay các biểu tượng của nhân loại. Langer cho rằng kinh nghiệm thẩm mỹ kiến trúc phụ thuộc vào sự tham gia tích cực vào cuộc sống; và nhờ đó, KTS sáng tạo ra hình ảnh công trình: Một thể vật lý của môi trường hiện tại, phản ánh đặc tính có qui luật của các hình mẫu chức năng được cấu thành văn hóa 6.

Theo Roger Scruton (1944): “Thẩm mỹ kiến trúc trước tiên phải đến từ hiểu biết về tính tiện ích, và nó là sự hợp nhất các kinh nghiệm của tư duy phân tích 7”. Ông đánh giá kiến trúc như là một đối tượng của nghệ thuật (bên cạnh tính tiện ích) và khẳng định phong cách kiến trúc cổ điển (Phục hưng Ý) có “đạo đức” vượt trội hơn phong cách Hiện đại. Quan điểm này thống nhất với xu hướng Hậu hiện đại. Trong tác phẩm “Complexity and Contradiction in Architecture” (Sự phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc), Robert Venturi cho rằng việc sử dụng trang trí và “ngôn từ biểu tượng” (symbolic rhetoric) là cần thiết, từ đó đặt trọng tâm khai thác kiến trúc vào giá trị lịch sử, văn hóa địa phương nhằm gợi lên các ý nghĩa và cảm xúc.

Nhà cổ Tấn Ký – Hội An
[Nguồn: http://mytour.vn/location/9371]
Một số trích dẫn trên đây cho thấy thẩm mỹ là đề tài có tính bao quát rộng và việc trình bày các khái niệm liên tục được cập nhật, sáng tạo bởi nhiều học giả trong các khía cạnh nghiên cứu khác nhau. Mỹ học kiến trúc là một phân nhánh của mỹ học thực dụng 8; nó không giống với vẻ đẹp của các bộ môn nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa…. Trong cái đẹp kiến trúc chứa đựng tính kỹ thuật vật chất và hiệu quả xã hội không thể chia tách. Mỹ học kiến trúc được giải thích bằng một số lý thuyết (tóm lược) như sau 9:

Thuyết Ích Mỹ: Hữu dụng tức là đẹp. Chủ nghĩa công năng là một trong những tư tưởng có sức ảnh hưởng mạnh nhất, điển hình của “ích mỹ” cận đại. Có 2 hình thức biểu hiện: 1) Vẻ đẹp của sự “so sánh với sinh vật” (Kiến trúc hữu cơ – Frank Lloyd Wright); 2) Vẻ đẹp so sánh với máy móc (Nhà là cái máy để ở – Le Corbusier);

Thuyết Vui sướng: Cái đẹp chỉ có thể nhìn thấy trong hình tượng (công trình kiến trúc tự nó có quy luật riêng tồn tại khách quan). Lý thuyết này tìm kiếm vẻ đẹp từ mối quan hệ tương hỗ của các yếu tố như: Hình thể, kết cấu, tính cơ lý,… bằng sự nhịp nhàng của tỷ lệ, sự hài hòa giữa các bộ phận, màu sắc tươi sáng. Theo Le Corbusier: “Đường khống chế là loại đường làm thỏa mãn yêu cầu tinh thần, giúp tìm được quan hệ hài hòa tuyệt diệu và đem đến một tác phẩm có hồn. Đó cũng là nguyên nhân sự tồn tại vẻ đẹp của tác phẩm”;

Nhà vườn An Hiên – Huế
[Nguồn: http://mytour.vn/location/2540-nha-vuon-an-hien.]
Thuyết Biểu hiện:

Biểu hiện chủ quan: Hình thức kiến trúc chuyển tải ý nghĩa và quan điểm nào đó, thể hiện tình cảm con người và môi trường thiên nhiên nhất định. Theo Susanne Langer thì kiến trúc cần thông qua “lĩnh vực khu vực, phạm vi, nơi chốn, không gian” để biểu thị dấu hiệu tình cảm 10. Ngoài ra, thuyết biểu hiện chủ quan còn nhấn mạnh đến hình thái kết hợp từ các bộ phận và vật liệu như: Mái nhà, tường đỡ, cột, dầm, xà, cửa, nền và gạch, gỗ, ngói, đá,… Ở đây, hình thức kiến trúc như “một hệ thống ngôn ngữ” mà Chales Jencks đề xuất đó là thức cổ điển 11 và đặc tính của vật liệu.

Biểu hiện khách quan: Thể hiện thế giới khách quan của tự nhiên và xã hội 12. Tiêu biểu: Chủ nghĩa biểu hiện Đức, Chủ nghĩa công năng Hoa Kỳ, Chủ nghĩa phong cách Hà Lan, Chủ nghĩa kết cấu Nga, Chủ nghĩa vị lai Ý, kiến trúc High-tech… Chúng nặng về thể hiện đối tượng khách quan mà không phải thể hiện chủ quan tự mình (biểu hiện “vật” mà không biểu hiện “người”).

Thuyết Lưỡng tầng: Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc có thể chia thành 2 cấp độ:

Đẹp hình thức: đề cập đến các yếu tố của hình thức như tỷ lệ, sự hài hòa, cân bằng, đối xứng, hư thực, màu sắc và cảm quan.

Đẹp nghệ thuật: Ngoài các yếu tố nêu trên còn đề cập đến tính tư tưởng và tính nghệ thuật, làm cho công trình có sức truyền cảm, có sáng tạo “ý cảnh” (thể hiện nội dung qua hình ảnh).
Vai trò của giá trị thẩm mỹ truyền thống trong hình thức kiến trúc nhà ở đô thị Việt Nam
Từ việc phân tích các lý thuyết trên đây có thể nhận thấy 3 xu hướng thẩm mỹ như sau:

Xu hướng chủ quan: Quan điểm cái đẹp thuộc về phạm trù tinh thần hay lý tính chủ quan khi xem xét một đối tượng bên ngoài – kiến trúc. Nói cách khác, tác phẩm kiến trúc là phương tiện thể hiện ý chí, tình cảm, tư tưởng của con người và được sáng tạo bởi mỹ cảm 13. Khi đó, kiến trúc có thể không tuân theo qui luật tạo hình thẩm mỹ nào. Để cảm thụ được ý nghĩa của nó đòi hỏi người xem phải có một thái độ thẩm mỹ nhất định, kinh nghiệm sống và trình độ văn hóa… Một số tác giả đại diện cho quan điểm này như: Plato, Bacon, Descartes, Susanne Langer, Roger Scruton, Chales Jecnks…;

Xu hướng khách quan: Quan điểm cái đẹp thuộc về đối tượng/khách thể hay vẻ đẹp tự thân của kiến trúc. Điều kiện đặt ra khi đó là, kiến trúc phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, tuân theo các qui luật của tạo hình thẩm mỹ (có tính chất khách quan) như: Tính hài hòa, biến hóa và thống nhất, đối xứng, tỷ lệ, cân bằng, các qui luật số học… Xu hướng khách quan dẫn đến sự ra đời chủ nghĩa hình thức và các qui luật hình thức 14. Những qui luật này tương đồng với bản chất tự nhiên của con người, vì vậy gây nên sự rung cảm trước vẻ đẹp nhưng không truyền đạt một tư tưởng hay lý giải nào. “Vấn đề chính của chủ nghĩa hình thức, trong hình thái tiêu chuẩn của nó, không phải là ở chỗ nó bỏ qua nội dung biểu hiện – dù đó cũng là một lỗi nghiêm trọng – mà ở chỗ nó khăng khăng cho rằng điều quan trọng nhất của tác phẩm là hình thức bề ngoài, chứ không phải lịch sử hình thành 15”. Ngoài ra, “Khi tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mất đi công dụng xã hội, chỉ còn dành để thưởng thức thẩm mỹ thôi, nó trở thành “cái đẹp thuần túy”, một thứ trang sức hoàn mỹ và có xu hướng suy vong16”. Một số tác giả đại diện cho quan điểm này như: Oscar Wlide 17, Le Corbusier, Ludwig Mies Van Der Rohe…;

Xu hướng kết hợp (thống nhất chủ – khách quan): “Để đạt được vẻ đẹp thì đối tượng thẩm mỹ – kiến trúc phải có những tố chất khách quan phù hợp với hình thái ý thức chủ quan 18. Vì vậy, kiến trúc được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và thống nhất với mỹ cảm; thể hiện tư tưởng, tình cảm, tư duy của con người. Bản thể tình cảm hay cấu trúc tâm lý thẩm mỹ với tư cách là bộ phận quan trọng của việc nhân hóa tự nhiên nội tại của con người, tác phẩm nghệ thuật chính là sản phẩm đối ứng vật thể hóa của nó 19. Một số tác giả đại diện cho quan điểm này như: Immanuel Kant, Theodor Lipps, Samuel Alexander, Kisho Kurokawa,…

Xét theo cách phân loại trên đây thì kiến trúc nhà ở truyền thống là đối tượng thẩm mỹ thuộc xu hướng thứ 3 (thống nhất chủ – khách quan), được tạo tác theo các qui luật hình thức (vần luật, nhịp điệu, cân bằng, hài hòa…). Hình thể mà nó mang lại tác động tới bản thể tình cảm của con người, khơi gợi nên ý nghĩa về nơi chốn, các truyền thống gia đình, triết lý vũ trụ quan, tư tưởng xã hội, văn hóa cộng đồng… Chính vì vậy, kiến trúc nhà ở truyền thống còn là một tác phẩm nghệ thuật 20, tổng hòa của vẻ đẹp tự thân và mỹ cảm.

Nhà cổ họ Trần – Bình Dương
[Nguồn: http://www.binhduong.gov.vn/gioi-thieu/2010/08/123.]

Kết luận

Tóm lại, giá trị văn hóa truyền thống đóng góp cho hình thức kiến trúc nhà ở đô thị 3 vai trò sau đây:

– Xây dựng cấu trúc thẩm mỹ: Gồm 3 yếu tố: Nghệ thuật tạo hình (tính hình học, tính đối xứng, tỷ lệ hài hòa, tính vần điệu), kỹ thuật truyền thống (vật liệu tự nhiên, cấu trúc cơ động), giải pháp dung hòa với tự nhiên (hình thức che nắng, thông gió, tạo bóng râm). Đây là những yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến vẻ đẹp của ngôi nhà, đại diện bởi các thuộc tính vật thể và phi vật thể.

– Nhận dạng hình thái ý thức: thông qua cấu trúc thẩm mỹ để truyền đạt nội dung tinh thần, tư tưởng của người Việt. Đó là: Tính dung hòa với tự nhiên, tính linh hoạt/đa năng, tính cộng đồng, tính tư hữu, truyền thống gia đình Việt (tính trật tự);
Hai vai trò trên có nhiều điểm tương đồng với cách tiếp cận theo lý thuyết Ký hiệu học (Semiology), gồm cái biểu đạt (cấu trúc thẩm mỹ) và cái được biểu đạt (hình thái ý thức). Tuy nhiên, tổng hòa của chúng đưa đến sự xuất hiện vai trò thứ 3, đó là:

– Thiết chế thẩm mỹ 21 của kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam: Vừa mang tính khách quan của đối tượng (hình thức kiến trúc nhà ở) vừa mang tính chủ quan của con người (tư duy, tình cảm, mỹ cảm…), thể hiện trên 5 nguyên tắc:

– Đẹp – Đẹp hài hòa với tự nhiên: Vẻ đẹp của ngôi nhà không tách rời với khung cảnh, môi trường thiên nhiên xung quanh;

– Đẹp – Đẹp đa dạng: Vẻ đẹp của ngôi nhà mang tính biến đổi bởi sự cơ động của các hình thức cấu trúc (phên, giại, cửa, khung cột)

– Đẹp – Đẹp tổng thể: Vẻ đẹp của ngôi nhà được nâng cao bởi sự thống nhất với bối cảnh kiến trúc xung quanh, hay còn gọi là vẻ đẹp phố phường.

– Đẹp – Đẹp thành tố: Vẻ đẹp tự thân của kiến trúc đặc trưng bởi các thành phần có thuộc tính không gian 2 chiều 22: Đường (đường thẳng của cột, đường xiên của mái…), đường bao, mặt lưới (hình thức của phên, giại, nan cửa), bóng râm (tạo thành dưới mái che, hàng hiên, ô văng), chi tiết cấu kiện (hoa văn trang trí đầu cột, đỉnh mái, cửa…).

– Đẹp – Đẹp trật tự: Vẻ đẹp của ngôi nhà có tính thứ tự trước – sau, chính – phụ theo các nguyên tắc đối xứng hoặc cân bằng;

Như vậy, thiết chế thẩm mỹ là cơ sở định hướng cho sự vận hành, chuyển đổi các giá trị văn hóa truyền thống trong hình thức kiến trúc nhà ở đô thị theo một nguyên tắc thống nhất, đảm bảo việc ứng dụng không vượt ra khỏi đặc trưng thẩm mỹ của kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam. Nghĩa là, giá trị văn hóa dù chuyển đổi theo phương thức nào (nguyên gốc, một phần hay tương ứng) đều có thể nhận biết được “tính dân tộc” trong các hình thức biểu hiện của nó thông qua mô tả, gợi ý và phán đoán thẩm mỹ.

ThS.KTS Nguyễn Song Hoàn Nguyên
Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2016)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

1. Brian Gardner, Ordering the Aesthetic (A+) in Architecture: Advancing a Theory of Modular computation, http://repository.cmu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1048&context=architecture;
2. Lê Cộng Sự, Giá trị người hay sự thống nhất giữa chân, thiện, và mỹ trong triết học I. Kant, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 3 (12) 2014;
3. Kiêm Thêm, Đại cương về mỹ học, Http://newvietart.com/index4.1552.html;
4. Trích từ: David Barrett Douglass, Defining a sustainable aesthetic: A new paradigm for architecture, A thesis presented to Architecture University of Southern California, 2008.
5. Le Corbusier, Towards a New Architecture. Translated from the thirteenth French edition by Frederick Etchells. New York: Dover Publications, Inc, 1986.
6. Langer, Susanne K. Feeling and Form. New York: Charles Scribner’s Sons, 1953.
7. Scruton, Roger, The Aesthetics of Architecture. Princeton, NJ: Princeton University Press, 1979.
8. Theo cách phân loại của Lý Trạch Hậu, Bốn bài giảng Mỹ học, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, (Trần Đình Sử & Lê Tẩm dịch), Hà Nội, 2002, tr20;
9. Uông Chính Chương, Mỹ học Kiến trúc, NXB Xây Dựng, (Nguyễn Văn Nam dịch), Hà Nội, 2002, tr (55 – 78);
10. Ví dụ: nhà ở là biểu tượng của gia đình; chùa miếu là dấu hiệu của “thiên đường thượng giới”…
11. Ví dụ: kiểu dáng cột Doric thể hiện vẻ đẹp của đàn ông tráng kiện, mạnh mẽ; kiểu cột Korinth thể hiện vẻ đẹp nữ tính, tinh tế, diễm lệ…
12. Ví dụ: biểu hiện sức sống thịnh vượng của thiên nhiên, hiện tại và tương lai, “lực” vận động và thời gian, công năng vật liệu và kết cấu, sự phát triển của kỹ thuật hiện đại…
13. Mỹ cảm: ý thức thẩm mỹ, tâm lý thẩm mỹ, thái độ thẩm mỹ, lập trường thẩm mỹ, kinh nghiệm thẩm mỹ.
14. Qui luật hình thức: tạo hình theo qui luật của cái đẹp và là thuộc tính tự nhiên của vật chất;
15. Peter Lamarque, The Uselessness of Art, The Journal of Aesthetics and Art Criticism, Summer 2010, pg 205-214.
16. Lý Trạch Hậu, Sđd, tr180;
17. Oscar Wlide (1854 – 1900): nhà mỹ học nổi tiếng Ireland, người khai sáng phong trào nghệ thuật vị nghệ thuật;
18. “Thuyết đồng cấu” trong tâm lý học Gestal giải thích: do “lực” của thế giới bên ngoài (vật lý) và thế giới bên trong (tâm lý) về cấu trúc hình thức có quan hệ “đồng cấu”, giữa chúng có một sự đối ứng với nhau về mặt cấu trúc, gây nên trong đại não một xung động điện mạch. Vì vậy, đối tượng bên ngoài và tình cảm bên trong hòa thành một nhịp, chủ khách hợp điệu, sự vật và cái tôi thống nhất…nảy sinh niềm thích thú mỹ cảm.
19. Lý Trạch Hậu, Sđd, tr183;
20. Theo định nghĩa của Lý Trạch Hậu (sđd, tr180): Chỉ khi một đối tượng vật chất được chế tác nhân tạo với hình thể tồn tại của riêng nó tác động tới bản thể tình cảm của con người thì tác phẩm nghệ thuật mới xuất hiện và tồn tại một cách hiện thực.
21. Thiết chế thẩm mỹ: thiết lập các định chế, khuôn mẫu để nhận thức thẩm mỹ;
22. Hình thức KTNO truyền thống Việt Nam có tính “mặt đứng”;