Giải pháp cho quy hoạch, xây dựng và quản lý cầu trong đô thị

Đô thị Việt Nam đa phần gắn liền với sông nước nên cây cầu cũng trở thành câu chuyện – kí ức của đô thị, gắn với tâm trí mỗi người khi nghĩ về nơi chốn, quê hương.B1222-tapchikientruc-1

Không phải đến bây giờ cầu trong đô thị mới được nhắc đến, đặc biệt là về kiến trúc cầu. Từ những thế kỷ XIX – XX, khi hình thành những đô thị nhỏ, ông cha ta đã chuyên tâm sáng tạo, dựng lên nhiều tác phẩm đẹp, thậm chí kết hợp cả các không gian tâm linh, tín ngưỡng để tạo thành những cây cầu làm điểm nhấn chuyên biệt nổi trội, quyến rũ và thu hút du khách như chùa cầu Hội An (Quảng Nam), cầu Kim Sơn (Ninh Bình), cầu Thê Húc (Hà Nội)… thậm chí là các cây cầu lớn như cầu Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế) với công nghệ cầu thép tiên tiến thời bấy giờ mà đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp, có giá trị về kiến trúc, cảnh quan và trở thành di sản của đô thị.

Các yêu cầu đối với cầu trong đô thị

Cầu trong đô thị ngày nay bao gồm nhiều loại hình: Cầu vượt sông, nước, cầu vượt nút giao thông và cả cầu bộ hành, cầu cảnh quan trong công viên và trên các tuyến giao thông. Xét về vai trò trong tổng thể cấu trúc chung của đô thị thì cầu trong đô thị có ý nghĩa và trọng trách đối với đô thị lớn hơn cầu giao thông thông thường. Nhưng dù là thể loại nào và ở tại vị trí nào thì cầu cũng phải đáp ứng hai yêu cầu chính, đó là về giao thông và kiến trúc.

Về giao thông, đáp ứng được các yêu cầu kết nối giao thông, liên kết địa bàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, phương tiện di chuyển của cư dân sở tại cũng như của khu vực, TP. Về kiến trúc, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ: Kiến trúc cảnh quan, kiến trúc đô thị và kiến trúc công trình giao thông, đặc biệt là đối với các cây cầu có không gian lớn và vị trí quan sát tốt.

Nhưng với cả hai yêu cầu trên thì việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phương tiện lưu thông vẫn là yêu cầu tiên quyết, nhiệm vụ hàng đầu để được đặc biệt lưu ý khi thiết kế, thi công cầu trong đô thị. Ví như cầu bộ hành hay cầu có lối dành cho người đi bộ thì các hạng mục liên quan đến an toàn sử dụng đều phải được coi trọng: Từ chiều cao lan can, khoảng cách giữa các họa tiết hoa văn, khoảng cách và các loại hình ngăn cách giữa lối đi bộ với các không gian giao thông dành cho các phương tiện tham gia giao thông trên cầu, chưa kể đến việc tính toán đến cốt cao độ tại điểm giao cắt giữa các loại hình cầu, đường của các loại phương tiện giao thông (ôtô, metro…) với luồng người đi bộ tại khu vực đường dẫn lên cầu.

Hiện trạng cầu tại Hà Nội

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều loại hình cầu: Cầu vượt sông, cầu vượt tại các nút giao thông, cầu bộ hành và các tuyến đường giao thông vành đai trên cao, giao thông metro. Trên địa bàn TP đã xuất hiện những cây cầu thế kỷ, kiến trúc mang dáng dấp thời đại, thể hiện sự vươn mình hội nhập, trở thành điểm nhấn cảnh quan cho đô thị như cầu Đông Trù và đặc biệt là cầu Nhật Tân.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm bất cập trong việc kiểm soát, điều tiết và triển khai đầu tư xây dựng hệ thống các loại cầu tại Hà Nội: Sau khi đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011 đến nay hơn 4 năm nhưng Quy hoạch giao thông vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, chưa xác định được cụ thể các đầu nút giao thông giữa các loại hình cầu vượt nổi hay chìm. Trừ các cây cầu lớn vượt sông được xác định theo đồ án quy hoạch chung, còn lại nhiều cầu vượt, đường hầm xuyên ngầm hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời, giải quyết tình thế cấp bách, góp phần giảm thiểu ùn tắc cục bộ. Các điểm giao của các tuyến đường sắt trên cao hiện nay cũng chưa có sự phối hợp giữa các chủ đầu tư, nhà thầu để xác định độ cao, mức độ ưu tiên giữa các tuyến tại điểm giao kết nối, trung chuyển này mà hiện chỉ nhà thầu nào mạnh ai người đấy triển khai dự án của mình mà thôi. Nhiều cây cầu vượt, cầu bộ hành áp dụng đại trà mẫu với hình thức đơn giản, không lưu ý đến cảnh quan, đặc thù của khu vực…

Các cầu vượt sông để lại dấu ấn trước đây như cầu Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, lại chưa có hệ thống chiếu sáng cảnh quan để làm tăng giá trị đô thị về đêm hoặc một số bộ phận chưa hoàn chỉnh (như phần hai cột lửng trơ thép trên cầu Thăng Long, biểu tượng hai đầu cầu Nhật Tân chưa được xây dựng, việc tổ chức thi tuyển phương án lại không đủ công khai để có những sáng tạo tương thích với giá trị của cầu – biểu tượng của Hà Nội phát triển, hiện đại)… Tuy nhiên khác với các TP khác không phải lo đến yếu tố ngập lụt từ dòng sông, thì cầu vượt sông của Hà Nội cũng không có điều kiện để chiêm ngưỡng do cốt cao độ của đê, bề rộng quá lớn của sông (nhỏ nhất 1,8km, lớn nhất hơn 3,5km).

Kiến trúc cầu vượt, nhìn chung, hiện nay phổ biến mới ở dạng thể hiện cấu tạo, kết cấu chứ chưa thực sự quan tâm đến thẩm mỹ, hài hoà với khu vực.

Một số kiến trúc cầu bộ hành có sự kết nối các chiều hướng quanh nút giao thông như khu Kim Liên, có được kiến trúc tốt và sử dụng hiệu quả như khu vực Trường Đại học GTVT. Còn lại, nhìn chung, nhiều điểm cầu bộ hành chưa được tính toán hợp lý: Cách xa, khó quan sát từ nút giao cắt giao thông, không liền kề các cơ sở tập trung đông người, trung tâm công cộng hoặc không thiết kế tổ chức giao thông cầu bộ hành chưa đồng bộ, không kết hợp giải phân cách cưỡng bức nên sử dụng không hiệu quả. Việc bố trí phân bổ khoảng cách cầu bộ hành chưa được nghiên cứu trên cơ sở tổng thể các loại hình giao thông, cầu vượt, phương tiện lưu thông khu vực, TP nên dẫn đến việc thay đổi vị trí hay dỡ bỏ, gây lãng phí như cầu bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh. Cầu bộ hành hiện nay cũng chưa lưu tâm đến người tàn tật và an toàn sử dụng, các vị trí cũng chưa liên kết đến phương tiện giao thông trung chuyển khác như bến bus, metro để khai thác sử dụng tối đa nhất.

Giải pháp nâng cao chất lượng cầu trong đô thị

Cầu làm nhiệm vụ liên kết địa bàn, kết nối giao thông. Vì vậy với bất kể loại hình nào cầu đi bộ hay cầu giao thông vượt sông cũng cần lưu ý để tạo cảnh quan, dấu ấn kiến trúc hai đầu cầu. Trong thiết kế cầu cũng cần được xem xét đến các yếu tố: Lưu lượng giao thông khu vực; Không gian xung quanh khu vực; Độ cao hạng mục cầu, số lượng tầng cầu; Kiến trúc, đặc trưng khu vực.

Về giao thông, phải nhanh chóng hoàn thiện để phê duyệt Quy hoạch hệ thống giao thông Hà Nội, trong đó xác định hệ thống các cây cầu vượt các điểm nút giao giữa các loại hình giao thông, các nút giao thông trọng điểm, khác cốt để chuẩn bị thiết kế kiến trúc cầu đô thị theo hướng văn minh, bản sắc. Xác định các khu vực trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư các khu vực ưu tiên, xác định các khu vực cần quan tâm về kiến trúc cảnh quan, hình ảnh các cây cầu. Các yêu cầu cụ thể đối với yêu cầu về giao thông: Thì độ dốc, độ nghiêng của các đường cua, đường dẫn đối với mọi loại hình phương tiện quy định sử dụng trên cầu để khắc phục việc nghiêng đổ các xe tải toa dài, xe bus…

Về kiến trúc, thường thì các cầu vượt sông được lưu tâm hơn với việc bố trí cảnh quan, biểu tượng cầu. Nhưng trong thiết kế cũng cần nghiên cứu kết hợp cả không gian sử dụng dành cho công đồng dưới gầm cầu, tạo nên một tiểu cảnh hoàn chỉnh, đồng bộ, tương ứng với cầu, các cầu vượt sông có thể bố trí các dụng cụ thể thao để người dân tham gia thể dục thể thao dọc hai bờ sông sử dụng bất kể khí hậu, mưa nắng.

Đặc biệt cầu trong đô thị với cốt cao độ cao hơn cốt chung của khu vực nên yêu cầu về thẩm mỹ, kiến trúc phải được đặt ra trong thiết kế cầu trong đô thị, nhất là các cầu trong các khu vực có tầm nhìn lớn, dễ dàng cảm nhận thụ cảm thẩm mỹ.

KTS Nguyễn Phú Đức