Giới kiến trúc & sáng tạo hợp lực biến nhà máy xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp không gian văn hoá sáng tạo

Với các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và không gian rộng mở của một di sản công nghiệp, Nhà máy xe lửa Gia Lâm được lựa chọn để trở thành nơi tổ chức chuỗi hoạt động chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023. Những nỗ lực nghiên cứu và tái thiết kế của giới kiến trúc, giới sáng tạo đã “biến hóa” di sản công nghiệp gần 120 năm tuổi này trở thành một tổ hợp không gian sáng tạo văn hóa đặc sắc.

Lễ hội quy tụ hơn 200 đơn vị và cá nhân cùng chung tay tái thiết kế Nhà máy

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề “Dòng chảy” kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo, sẽ diễn ra từ ngày 17- 26/11/2023. Lễ hội quy tụ hơn 200 đơn vị cùng các kiến trúc sư (KTS), nghệ sĩ gạo cội, các nhà sáng tạo trong và ngoài nước, cùng với đó là nhiều nhân tố trẻ nhiệt huyết, bao gồm cả giới underground tham gia thực hiện chương trình.

Đội ngũ các nhà sáng tạo góp mặt tại Lễ hội có thể kể đến như: KTS Nguyễn Hồng Quang, KTS Lê Quang Thạch, họa sĩ Nguyễn Tuấn Phương, KTS Mai Hưng Trung, nghệ sĩ – Giám tuyển – Nhà nghiên cứu Jennifer Vanderpool, nghệ sĩ điêu khắc Vy Trịnh, nghệ sĩ Trí Minh, nhiếp ảnh gia Đan, Nguyễn Minh Hoàng, giám tuyển Nguyễn Hải Nam…cùng rất nhiều nghệ sĩ, nhà sáng tạo khác tham gia thực hiện.

Các tổ chức và nhóm sáng tạo cùng quy tụ và chung tay với Lễ hội như: Hanoi Indie Troupe, Vạn Thiên Ý, VAN•HOA, Tò he, Think Playground, Á Space, Heritage Space, Hanoi Ad Hoc, TOOB Studio, ..v..v…hứa hẹn mang lại giá trị trải nghiệm đặc sắc cho công chúng tham gia.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm
Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Là đơn vị phối hợp tổ chức lễ hội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tham gia trực tiếp vào việc thực thi các hoạt động, tiêu biểu với “Tuyến tàu Di sản” tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm hành trình qua 3 nhà ga: ga Gia Lâm, ga Long Biên, ga Hà Nội. Lãnh đạo Tổng công ty cho biết đây là cơ hội tốt để truyền thông điệp, quảng bá hình ảnh ngành đường sắt với nhiều kiến trúc, di sản quý giá ghi dấu truyền thống vẻ vang, quá khứ hào hùng của dân tộc.

Năm nay kỷ niệm 142 năm hình thành đường sắt đầu tiên, 118 năm xây dựng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Qua những hoạt động như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, chúng tôi muốn truyền tải đến mọi người nhiều hơn về giá trị đích thực của sáng tạo từ di sản, khơi nguồn cho những sự sáng tạo tiếp nối về sau. Chúng tôi đề xuất phải duy trì những không gian nghệ thuật này lâu dài sau lễ hội để ngày càng nâng giá trị của chúng” – Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ.

Từ địa điểm gần 120 năm tuổi đến tổ hợp không gian văn hóa, sáng tạo bậc nhất Thủ đô

Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, giới kiến trúc sư và sáng tạo sẽ biến không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp không gian văn hóa, sáng tạo. Hệ sinh thái nhà máy bao gồm các phân xưởng như 3B1, 3B2, 5B hay trạm điện 33B,… sẽ được chuyển đổi trở thành các không gian triển lãm với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ.

Tại phân xưởng gia công nóng B1, TOOB Studio đã thiết kế pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” để trưng bày ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam. Tại đây, các chương trình nghệ thuật như: Trình diễn sân khấu Graffiti ”King Royal Pride 2023″ thực hiện bởi Diton King, Trình diễn âm thanh ‘ m cảnh Ga Hà Nội’ bởi Nghệ sĩ Trí Minh hay Trình diễn nghệ thuật “Đối thoại Đôi bờ” sẽ đem đến những trải nghiệm “đánh thức” di sản tại địa điểm này.

Hành trình biến đổi của trang phục Việt Nam tại show “Vân Long Lưu Vũ”.
Hành trình biến đổi của trang phục Việt Nam tại show “Vân Long Lưu Vũ”.

Không gian của phân xưởng gia công nóng B1 có diện tích 2000m2 được thiết kế với cảm hứng về sự di chuyển thời gian, như một dòng chảy vô tận không điểm dừng. Từng không gian kiến trúc nhỏ đưa người xem tới nhiều góc độ khác nhau bằng những nấc thang thăng tiến dần nhưng vẫn đảm bảo giữ được không gian xưởng một cách nguyên bản nhất.

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang – phụ trách vận hành không gian trưng bày tại Phân xưởng gia công nóng cho biết: “Mục tiêu của lễ hội là giúp mọi người yêu di sản hơn và phát triển nó trong tương lai. Đó là lý do đội ngũ thiết kế quyết định giữ nguyên hiện vật ở đây, hầu như không động gì vào, chỉ làm sạch và cung cấp những chú thích để công chúng hiểu về hoạt động của công xưởng. Qua đó, truyền tải thông điệp rằng, những máy móc này đã có thời kỳ phục vụ cho những người công nhân, cho nhà máy, là một phần lịch sử thú vị”.

Pavilion Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật PHÂN XƯỞNG NÓNG
Pavilion Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật PHÂN XƯỞNG NÓNG

Khu vực Cầu lăn chìm của nhà máy sẽ được biến thành không gian Kiến trúc Pavilion “Bến chờ”. Đây là một thiết kế sân khấu tương tác ngoài trời của các nghệ sĩ và công chúng và là nơi diễn ra chương trình nghệ thuật “Khơi dòng” tại lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra tối 17/11.

Kho 10B của Nhà máy cũng sẽ được Kiến trúc sư Mai Hưng Trung phối hợp cùng Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội để biến đổi trở thành Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”.

Một không gian sinh hoạt cộng đồng và gian hàng lễ hội bùng nổ

Hệ sinh thái Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thiết kế trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng, quy tụ các gian hàng, hội chợ với sự xuất hiện của các local brand và sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực (thủ công mỹ nghệ, sáng tạo, thời trang, truyền thông-quảng cáo,…).

Nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị, các hoạt động ứng dụng công nghệ như: vẽ tranh và học vẽ tranh 3 chiều, du lịch giả lập, đấu trường âm nhạc, các game tương tác 3D sống động khác cũng sẽ được tổ chức tại Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo 2023, qua các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường cập nhật nhất từ Duplicate: VR, AR, MR, XR với không gian “Random Techhub”.

Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường mang đến cho người chơi những trải nghiệm thú vị.
Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường mang đến cho người chơi những trải nghiệm thú vị.

Người tham gia cũng có thể lấp đầy chiếc bụng đói với “Món ăn của tôi, Bản sắc của tôi – Việt Nam ơi | My Food, My Identity – Vietnam” do Slow Food/Hiệp hội truyền thông Hà Nội, Megalink thực hiện; trải nghiệm trò chơi sáng tạo ‘Thả Ga Zone’ do TÒ HE và Think PlayGrounds tổ chức. Những tín đồ của đồ thủ công cũng có thể tham gia vào hoạt động làm gốm cùng “Về Làng”, trải nghiệm sản phẩm mây tre đan Phú Vinh…

Đem lại giá trị thực sự cho công chúng

Lễ hội năm nay là cơ hội để người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm năm giữa lòng Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác, mang đến một trải nghiệm độc đáo, thú vị như một hành trình “đánh thức” di sản.

Việc chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp sáng tạo thông qua Lễ hội 2023 chính là nền tảng, tiền đề thúc đẩy ý tưởng biến những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo, trở thành hiện thực trong tương lai gần. Sự đam mê sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cùng những khát khao được cống hiến của đội ngũ kiến trúc sư và giới nghệ sĩ, sáng tạo,… sẽ là động lực để phát triển hoạt động sáng tạo của Thủ đô ngày càng lớn mạnh, khẳng định Hà Nội thực sự là Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.

Chia sẻ về vấn đề này, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang – Tác giả Pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng Nóng” bày tỏ: “Với ai yêu thích nghệ thuật, mình tin mọi người sẽ có những cái nhìn, cảm nhận dễ dàng hơn đối với không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm này. Công chúng không hẳn ai cũng thích máy móc, ai cũng thích sắt thép; nên mục tiêu của chương trình là mang vẻ đẹp của nhà máy tới công chúng, tới số đông. Mình tin càng ngày mọi người càng nhìn nhận hơn về vẻ đẹp di sản và mong muốn phát triển nó trong đời sống mới”.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với danh nghĩa tổ chức bởi UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc triển khai với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hàng trăm nhà sáng tạo, nghệ sĩ… phối hợp thực hiện.

© Tạp chí Kiến trúc