Giới KTS luôn đóng góp trí lực vì sự phát triển của Đà Nẵng

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Tại thời điểm cách nay chưa lâu, Đà Nẵng được đánh giá là thành phố đáng sống nhất Việt Nam! Có thể nói về mặt định tính, khi đó thành phố chính là đã tìm thấy con đường xây dựng mô hình đô thị phù hợp nhất của mình. Thời gian trôi đi, có thể vì sự phát triển không được dung hòa và cân bằng các yếu tố, nên thành phố đang nguy cơ mai một danh hiệu này. Đó là điều rất đáng suy ngẫm ở cả thể chế quản lý phát triển và thực tiễn vận động trong quá trình liên tục đổi mới hội nhập.

Ngày 15/3/2021, một tin thật vui đến với Đà Nẵng: Thủ Tướng Chính phủ đã có quyết định 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Có thể nói với 4 tính chất chức năng đô thị, 5 mục tiêu phát triển rõ ràng, để 2045 trở thành ĐÔ THỊ LỚN, THÔNG MINH, SÁNG TẠO, BẢN SẮC, BỀN VỮNG, với quy hoạch sử dụng đất phân định cụ thể, mô hình cấu trúc và phát triển không gian rõ ràng, thực tiễn cao đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng nhất, làm bệ phóng cho Đà Nẵng tiếp tục tung cánh bay về phía trước mạnh mẽ. Ở mục thiết kế đô thị (mục 9 QĐ) cũng đã có thể hình dung một không gian đô thị Đà Nẵng phát triển có tầng bậc và khoa học.

Vậy vấn đề cần bàn thêm ở đây là gì? Về tổng quan, theo tôi đó chính là khía cạnh giải quyết quy hoạch tổng thể gắn với tổ chức không gian kiến trúc từng vùng, từng khu, từng vị trí trong bài toán “Kiến tạo nơi chốn hấp dẫn” để Đà Nẵng trở lại là Thành phố đáng sống, Phát triển Bền vững! Tôi không tán thành lắm khi Đà Nẵng do đất đai hạn hẹp và xu thế nào đó, lại chọn cho mình dạng đô thị “nén”. Đô thị Đà Nẵng có lẽ thích hợp hơn với mô hình đô thị tích hợp – sinh thái và Kiến tạo nơi chốn. Tại vùng sân bay, việc cần định dạng đô thị riêng là rất hợp lý, khai thác hiệu quả được quỹ đất quý ở một vùng lõi quý của thành phố đang có nhu cầu lớn, nhưng phải có tiêu chí rõ ràng để không trùng lặp, hao hao các đô thị sân bay đã có trên thế giới, ở đó phải nhấn mạnh được yếu tố bản sắc nhiệt đới và đáng sống của Đà Nẵng. Những vùng đô thị mật độ còn “lỏng”, chưa đóng khung định hình còn có thể bùng bổ nhiều hơn những sáng tạo không gian kiến trúc như Hòa Vang lại cần một cách ứng xử khác, có cơ hội đậm đặc chất văn hóa vùng miền. Tại vùng đô thị đang đà phát triển mạnh, đã lấp công trình khá kín, cần biết dành những khoảng trống còn lại để nghe ngóng, tính toán, tạo lập cảm xúc để chọn lọc sự phát triển phù hợp. Việc “thanh toán” hậu quả thời “Vũ Nhôm” là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cần kiên quyết thực hiện sớm tránh cho việc phát triển bị loang lổ và dang dở.

Giải Nhì Cuộc thi tuyển chọn “Ý tưởng Quy hoạch và Thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn” (Nguồn ảnh: Sở XD Đà Nẵng)

Một vài ý kiến góp về giải quyết vấn đề cụ thể: Tôi tán thành với ý tưởng tạo lập Bảo tàng sống ở một vùng đô thị đặc sắc cổ xưa nhất của thành phố là quận Hải Châu. Nhưng cần thận trọng khoanh vùng để có chỗ gìn giữ nguyên vẹn, có chỗ tiếp biến làm mới. Tránh tình trạng mênh mang cả vùng thành Đô thị di sản như thành phố lân cận sẽ rất nhiều ràng buộc, khiến cho đô thị rất khó khăn trong phát triển hội nhập. Việc ồ ạt xây dựng cả “bức tường” nhà cao tầng, thiếu vắng nhịp điệu tổng phổ và bản sắc dọc đại lộ ven biển Mỹ khê đang kéo Đà Nẵng lại gần mô hình Nha Trang cũng là một điều đáng tiếc. Ở đây, theo ý kiến tôi cũng không nên đặt nặng tính riêng biệt lập, thật đặc sắc theo kiểu cát cứ vùng miền. Đà Nẵng nên gắn tính bản địa, bản sắc nhẹ nhàng với hiện đại trong hình thái. Vấn đề bản sắc ở đây cần chú ý hơn là phần hồn cốt “nơi chốn” trong tạo lập một môi trường vi diệu cho thiết kế, kiến thiết nhất quán, trung thành với mô hình thành phố đáng sống. Rõ ràng cảnh sắc cũ mới, con người muôn thủa mang tính cởi mở, tạo nên thành phố đáng sống hàng đầu Việt Nam như đã từng, chính là thế mạnh về vùng đất, con người Đà Nẵng mà nơi khác không có được.

Về phía Hội KTS Việt Nam, sự phát triển Đà Nẵng trong thời gian trước đây và vừa qua đã luôn được tâm huyết, quan tâm góp phần về trí tuệ và tình cảm của giới KTS cả nước, nhất là những chuyên gia đầu ngành của Hội. Có rất nhiều chuyên gia đâu phải là người Đà Nẵng, nhưng họ hiểu và trải lòng, thử sức với Đà Nẵng thật thâm sâu và bền bỉ. Hội cũng đã, đang và sẽ có những chương trình rất thiết thực thường xuyên gắn kết về chuyên môn với thành phố này, thiết tha mong muốn góp tiếng nói hữu ích và công sức cho phát triển và quảng bá thành phố ra giới nghề quốc tế, như: Liên hoan KTS châu Á (Arcasia) 2011, Hội thảo Phát triển đô thị toàn quốc 2017, Liên hoan Sinh viên kiến trúc toàn quốc 2020, các đợt diễn đàn trải nghiệm chuyên sâu…

Bãi biển Mỹ khê Đà Nẵng
Ảnh: Đinh Huấn

Tới đây, khi Thành phố tiếp tục hành trình dựng xây trên nền tảng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, Hội KTS đang đầy hào sảng mong đợi, kỳ vọng những chương trình nhập cuộc thiết thực tiếp theo. Rất mong được Lãnh đạo và nhân dân thành phố tạo điều kiện cho điều đó sớm đến và đầy đặn.
Hội KTS Đà Nẵng cũng là Hội thường xuyên phối kết, ủng hộ cho Hội KTS Việt Nam trong việc tạo lập trung tâm hoạt động vùng, kết nối miền Trung và Tây Nguyên. Trong thời gian tới, với sự quan tâm sâu sắc rõ rệt của Lãnh đạo các cấp Thành phố, Lãnh đạo Hội KTS Việt Nam cùng Hội KTS Đà Nẵng sẽ chủ động tiếp cận, tiếp tục tham gia với sự sẵn sàng cao nhất cho phát triển Đà Nẵng.

Đó là một vài nông ý của tôi xin bộc bạch về Đà Nẵng, với một mong muốn chân thành cho sự phát triển rực rỡ của thành phố mà tôi vô cùng mến yêu. Khi có cơ hội, tôi xin được đề cập sâu và toàn diện hơn.

Toàn cảnh Đà Nẵng – Ảnh: Lê Hải Sơn

TS.KTS Phan Đăng Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2021)