Hội KTS Việt Nam với những dấu mốc đáng nhớ

Tôi đã có hơn 20 năm làm công tác Hội (từ năm 1983 đến 2005). Khoảng thời gian đó thật sôi nổi và nhiều kỷ niệm đáng nhớ, gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Hội KTS.

1
Tháng 4/1989, KTS Huỳnh Tấn Phát tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng toàn thể Đại hội KTS Việt Nam lần thứ IV vẫn bầu ông làm Chủ tịch Danh dự

Khi Đại hội 3 (năm 1983) diễn ra, tôi còn đang ở Liên Xô, cùng các chuyên gia bạn thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh, đến khi về nước mới biết mình được bầu vào Ban Chấp hành với cương vị Tổng thư ký. Phải nói rằng Đại hội Hội KTS Việt Nam lần thứ III rất đặc biệt, bởi nhiều lẽ: Đây là Đại hội thống nhất giới KTS cả nước với sự tham gia của KTS hai miền Nam – Bắc; Đây cũng là Đại hội đầu tiên được tổ chức sau nhiều năm bị gián đoạn do chiến tranh. Mặt khác, ngay trước Đại hội, KTS Huỳnh Tấn Phát trước khi nhận nhiệm vụ phụ trách Hội đã có buổi làm việc với Ban Tuyên huấn, đề nghị chuyển Hội về Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật (trước đó là Đoàn KTS Việt Nam – tổ chức tiền thân Hội KTS Việt Nam trực thuộc Bộ Xây dựng có cơ chế hoạt động và tiếng nói hạn chế hơn). Đại hội lần thứ 3 cũng thông qua quyết định đổi tên Đoàn KTS Việt Nam thành Hội KTS Việt Nam với quy chế hoạt động mở rộng hơn, linh hoạt hơn, hướng tới kiện toàn tổ chức, trở thành “mái nhà chung” của giới KTS cả nước. KTS Huỳnh Tấn Phát đã mở đầu hoạt động Hội khóa III bằng việc chuyển đổi thế hệ KTS làm công tác Hội. Trước đó, Đoàn KTS do các KTS thế hệ thứ nhất chỉ đạo vận hành. Đến ĐH III, các KTS lão thành lui về Ban Cố vấn, giao công việc cho thế hệ KTS thứ 2 và thành lập Ban Thư ký. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thư ký thống nhất chủ trương và đổi mới nhiều hoạt động. Hàng tuần, vào chiều thứ 3, Ban thư ký tiến hành họp giao ban, cập nhật tình hình kiến trúc xây dựng, nhờ vậy mà nhiều vấn đề được phản ánh kịp thời, “vỡ” ra nhiều việc cần làm.

1
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự Đại hội KTS lần thứ III

Việc đầu tiên, Hội chú trọng việc phát hành Tạp chí Kiến trúc, lúc đó còn là nội san phát hành theo quý, tiến đến phát hành 2 tháng/số rồi 1 tháng/số… Từ năm 1986, Tạp chí mở thêm phụ trương Tạp chí Kiến trúc – Nhà đẹp, phục vụ nhu cầu của xã hội. Hai Tạp chí “sống” đến tận bây giờ, có vai trò quan trọng, một mặt phản ánh hoạt động của Hội, mặt khác theo sát đời sống kiến trúc – xây dựng và sáng tác của anh chị em KTS.

Cũng từ sau Đại hội III, “Bằng sáng tạo Kiến trúc” của Hội được chuyển thành Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, phối hợp với Bộ Văn hóa và Bộ Xây dựng tổ chức 2 năm/lần để tôn vinh những tác giả – tác phẩm tốt. Giải thưởng Loa Thành cũng được tổ chức hàng năm để khuyến khích Thày – trò cùng nhau Dạy tốt – Học tốt… Bắt đầu từ Đại hội III, rất nhiều hoạt động đã được khởi xướng và duy trì, đặt nề nếp hoạt động Hội cho đến tận bây giờ.

Sau năm 1986, tình hình hoạt động kiến trúc xây dựng mở rộng, Hội KTS Việt Nam bàn với Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý hành nghề, cấp chứng chỉ KTS Chủ nhiệm đồ án với mục tiêu nâng cao chất lượng hành nghề, bảo vệ quyền lợi cho KTS. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao vai trò tư vấn, phản biện của Hội KTS Việt Nam, đặc biệt là với việc thành lập Hội đồng kiến trúc Quy hoạch ở các địa phương mà Hội KTS là Phó Chủ tịch. Việc thành lập Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng (lúc đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gặp nhiều rào cản, riêng việc ký quyết định thành lập, tuyển nhân sự đã mất cả năm. Sau đó, Hội đồng đã tham gia tư vấn phản biện, tham mưu cho Thủ tướng ứng xử với nhiều công trình như KS Hà Nội Vàng (Hà Nội), Hàm Cá Mập (Hà Nội), Tòa nhà PDD (TPHCM), Thủy cung Thăng Long (Hà Nội), lựa chọn thiết kế Đài tưởng niệm Liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội)… Sau này, khi hết nhiệm kỳ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời cơm Hội đồng tư vấn kiến trúc. Trước sự băn khoăn có phần lo lắng của các thành viên Hội đồng, ông nói: “Chính phủ có nhiệm kỳ, Thủ tướng sẽ thay đổi còn kiến trúc thì không, hoạt động của Hội đồng luôn cần thiết trong việc định hướng phát triển kiến trúc – quy hoạch”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau đó Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng bị giải thể, các hội đồng ở địa phương cũng bị ảnh hưởng và tất nhiên là ảnh hưởng đến tình hình kiến trúc nói chung. Phải nói rằng, gặp được Thủ tướng Võ Văn Kiệt quả là “cơ hội vàng” đối với ngành kiến trúc – xây dựng.

Nhiều năm qua và cho đến tận bây giờ, Hội KTS Việt Nam luôn coi trọng và làm tốt nhiệm vụ là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp sáng tạo tự nguyện của giới KTS cả nước. Hội đã trở thành mái nhà chung, nơi tập hợp và phát huy tài năng, trí tuệ của giới nghề trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trước thềm Đại hội IX, tôi muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp những kỷ niệm một thời gắn bó với Hội. Tôi mong rằng Hội KTS Việt Nam luôn đồng hành với anh em KTS, tiếp tục quy tụ lực lượng tư vấn kiến trúc, vừa động viên anh em bằng việc làm nghề, vừa hỗ trợ anh em xây dựng “Luật hoạt động kiến trúc”, tạo hành lang pháp lý, môi trường làm nghề lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của giới nghề trong thời hội nhập. Làm được như vậy, một mặt Hội tăng cường chức năng tư vấn – phản biện với xã hội, mặt khác cũng tiếp cận thực tiễn làm nghề, tạo sức hút với đông đảo KTS trẻ, hướng tới xây dựng nền kiến trúc Việt Nam, hiện đại và giàu bản sắc.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

KTS Nguyễn Trực Luyện
Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (từ năm 1983-2005)

TCKT số 03/2015