Kiến trúc cổng

Cái cổng xuất hiện từ thời thượng cổ, là đầu mối giao tiếp giữa công trình, quần thể kiến trúc với đất, với người. Chức năng cổng ngày càng phong phú; ý nghĩa của nó ngày càng hệ trọng, tình ý của nó ngày càng sâu xa. Trên hết sứ mạng của cổng là che chắn, kiểm soát, đưa rước; kể cả là chỗ dừng chân ngắm nghía, tưởng thưởng cái hay thuần phong mỹ tục. Mỗi thành thị, làng xã, nếp nhà là một thế giới riêng. Bàn dân thiên hạ, người ngựa, xe pháo muốn lọt qua tường vây, hàng rào, để ra vào nhà cửa, quần thể kiến trúc, điểm dân cư, vùng lãnh thổ, cương thổ quốc gia…nhất nhất phải qua cổng.

Cái cổng như một mắt xích kết nối, khiến cho các hạng mục kiến trúc cùng nơi chốn tôn nhau lên và cùng hát vang bài ca đất nước con người. Kiểu dáng kiến trúc cổng bao giờ cũng dây mơ rễ má tới nghệ thuật truyền thống. Từ ngoài nhìn vào, cái cổng sang trọng đẹp đẽ khác chi khúc dạo đầu kiến trúc thi vị. Bước qua cổng là đã vào nhà, ắt được đón nhận, chia sẻ. Ai chả yên lòng vững dạ khi nhà mình kín cổng cao tường, cho dù vì thế một phần căn nhà bị che khuất. Khi ấy cái cổng thêm nhiệm vụ làm tấm thiệp kiến trúc. Cổng có thể đóng mở bằng một hay nhiều cánh cửa lớn nhỏ gắn với khung cổng, vòm cổng hay trụ cổng. Cũng có thể gá đỡ, neo buộc cánh cổng trực tiếp lên hàng rào, mép tường bằng bản lề, vòng sắt, dây chão…Có trường hợp lắp thêm cánh cửa nhỏ trong cánh cổng lớn, để người đi bộ dễ qua lại. Cổng có nhiều kiểu dáng: cổng đơn, tam quan hay liên hoàn nhiều cổng; có mái, không mái, làm tam cấp lên xuống, khung chữ nhật, cuốn tò vò…Lại còn chuyện đèn đóm cho cái cổng, tưởng dễ mà khó.

Cho đến một ngày kia, khi con người thực thà với nhau, khỏi cần giữ kẽ, che chắn khư khư thì cái cổng vẫn không tiêu biến mà trái lại càng thêm duyên dáng, đẹp hơn lên vì một lẽ thường tình, đến muôn năm nó vẫn là…cái cổng.

Cổng làng Việt

Bao đời nay, dân quê đổ công xây dựng cổng làng khang trang, bền chắc. Lại treo trống cái ở đấy để thúc thuế, hộ đê, giục bắt phu, bắt lính hay báo động khi cần. Có làng xây hẳn hai, ba cổng lớn, đào lạch nước sâu liền bờ ao chuôm hai bên, trên bờ trồng tre ken dày làm luỹ. Sớm sớm mở cổng cho bà con ra đồng, chạy chợ, công kia việc nọ, tối đến, người và trâu bò về thôn cả rồi thì đóng lại. Nội bất xuất ngoại bất nhập, đạo tặc giặc giã khó bề gây ác. Giữ làng cũng là giữ nước. Cổng làng xưa cũ nay còn lại khá nhiều ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Trong đó Hà Tây gìn giữ được hàng trăm cổng làng trác tuyệt. Có làng thuần nông, làng nghề, có làng khoa bảng. Làng nghèo thì một tấm phên dày dặn tre kéo lên sập xuống; khá hơn thì xây đá ong vữa vôi hay kiến trúc gạch, gỗ lợp ngói đàng hoàng. Dù thế nào, cổng làng cũng bề thế, cao rộng, cuốn vòm hoặc không; cốt sao người xe, trâu bò dễ qua lại. Áp cổng là các trụ giữa, trụ nanh; sát mặt đường là chân trụ cổ lâu hay cổ bồng, thân trụ đắp vẽ công phu. Bên trên, trên nữa là cổ trụ, lồng đèn, đầu trụ. Lồng đèn là một ô hộc hình chữ nhật đứng gọi là lồng đèn. Đầu trụ có thể đắp hình con nghê, con uyên ương, con giống hoặc quả dành dành. Bề mặt cổng đắp nổi gờ chỉ, tứ linh tứ quý, hoa lá cách điệu, hai mặt sau trước như nhau. Thường cổng làng gồm một cửa chính hai cửa phụ giống như cửa mã của đình hay tam quan chùa, thậm chí giống giống cổng thành. Cổng làng có thể được lắp cửa cánh gỗ dày dặn cài then chắc hay cửa sập.

Cái cổng làng dẫu sang hèn thế nào thì vẫn thực sự là một kiến trúc, một biểu hiện. Rồi đồ sộ, nặng nề, kín mít, thưa thoáng, to nhỏ, cao thấp, trang trí, tô vẽ cũng theo đó mà ra. Cổng nào cổng nấy có nét đẹp riêng của mình. Lại tương khí tương cầu với tường bao, hàng rào, khuôn viên, đường đi lối lại. Có được làm đẹp hay không, trước sau gì cổng làng cũng phải bền chắc cái đã, bởi quanh năm suốt tháng nó dãi dầu nắng mưa, phôi pha cùng tuế nguyệt. Còn lại thì tùy; cổng xây gạch, cổng đúc bê tông cốt sắt, cổng sắt, cổng gỗ, cổng tre, cổng lá… Có làm thì so đo khiêm kiệm, cốt nhấn nhá cái độc đáo, thân thương. Đôi bên cổng làng đặt tượng chó đá ngồi ngay lưng ngày đêm canh chừng. Không mấy khi đặt rồng chầu, sấu đá vì muốn thế phải tôn nền, giật cấp kiểu tam quan, xe cộ, trâu bò khó qua lại. Chưa kể làm vậy là phạm thượng. Mái cổng làng thường kiến trúc nhiều lớp, đủ lệ bộ và công phu không kém mái đình chùa. Lại có cổng làng kiểu thượng gia hạ môn (trên là nhà dưới là cổng). Cá biệt như làng Lệ Mật (Long Biên – Hà Nội) lấy cổng đình làm cổng làng. Ngày dưng muốn mua con cá lá rau, cái tôm cái tép chỉ cần chạy ù ra cổng làng là có; lúc nào ở đấy chả họp cái chợ con con, túm năm tụm ba thơm thảo, kẻ bán người mua là chỗ xóm giáp tắt lửa tối đèn; dây mơ rễ má nội ngoại. Lại sẵn quà vặt: tấm đường phèn, thỏi chè lam, phong kẹo bỏng, kẹo bột, bánh nếp bánh tẻ, bánh do, bánh đa bánh đúc, đẫn mía và mấy củ khoai, bắp ngô nướng cháy. Ăn quà xong chiêu bát nước vối ủ nóng bỏng mồm, chép miệng ăn nữa. Mùa nào thức ấy thơm thảo như đồng đất người cày. Gần cổng làng tiện cắm lều cắt tóc, bày mẹt hàng xén, dựng bễ lò rèn. Thời Dân chủ Cộng hòa, đám chức sắc hương thôn còn sáng kiến quét vôi mấy vạt tường nhà gần đấy để trưng khẩu hiệu, dán bích chương hô hào chính sách, loan tin thời sự. Thành thử cổng làng xôm tụ cả ngày. Cổng làng còn là nơi trẻ mỏ tụ tập, đám trẻ trai chơi khăng, đánh đáo, đuổi bắt nhau, đám bé gái chơi ô ăn quan, chơi chuyền, trồng nụ chồng hoa. Những đêm trăng sáng chả thiếu trò tuổi thơ: đi trốn đi tìm, bịt mắt bắt dê. Đám rồng rắn lên mây chỉ quanh quẩn ở cổng làng mà mải chơi tận khi trăng lặn…Trẻ mỏ có về hết thì vẫn còn đôi ba cặp gái trai tình tự, thề non hẹn biển. Gì cũng được, trừ trai trên gái dưới, kẻo các bậc tiền hiền hậu hiền về vật chết có ngày! Già trẻ gái trai giáp mặt nhau chỗ cổng làng cứ gọi là là líu tíu hỏi han, vồ vập như thể lâu ngày gặp lại. Chả kể, chuyện trẻ mỏ nhà ai mau ăn chóng lớn, ngỗ ngược hay ngoan hiền, học hành đến đâu. Nhà nào may trúng mùa được vụ, cưới xin ma chay làm sao, nhà nọ có cô sinh con kháu bụ, mỗi tội không giống bố nó… Tất tần tật mọi chuyện bao đồng, hoang đường, giật gân trên trời rơi xuống dễ cũng từ cổng làng rồi bay đi tứ tung khắp hàng xã hàng tổng; lại thêm thắt bằng năm bằng mười là ít! Được manh áo mới cũng chạy ù ra cổng làng khoe cho bõ.

Cổng làng là chỗ qua lại, dừng chân, tụ bạ của bao thế hệ người làng. Quả là một kiến trúc vừa thi vị vừa có hồn, lại như một đốm “phồn hoa thôn dã”. Dân quê hồn hậu, chất phác, tắt lửa tối đèn, ríu rít bên cổng làng mỗi buổi sớm mai ra đồng, hay chiều muộn ngày mùa thủng thẳng theo trâu hay gánh lúa về nhà. Những trầy xước tróc lở, rêu phong cũ kỹ như nhắc nhủ bao ký ức không thể xoá nhoà. Ông Đặng Văn Tu, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Hà Tây có công ghi chép nhiều chữ nho tô vẽ trên nhiều cổng làng của tỉnh này. Cổ văn phơi bày lẽ sống, tâm tư, ước nguyện của con người xứ sở: Phong Vân bảo hộ (làng Tê Quả, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), được trời phật cho mưa thuận gió hoà thì mùa màng khấm khá; Trung chính đạo – Trực đạo hành (làng Phùng Xá, tức làng Bựng, huyện Thạch Thất) răn người ta ứng xử trung trực, chính danh như hạng quân tử tiến bước trên con đường thẳng; Thế hữu hưng nghi đại (làng Mông Phụ, thị xã Sơn Tây) nghĩa là muốn ăn nên làm ra cần lấy thích nghi làm trọng; Mỹ tục khả gia (làng Hà Trì, thị xã Hà Đông) – nhà nào nhà nấy lo giữ gia phong nền nếp thì cả làng theo được thuần phong mỹ tục; Thiểu cao đại (làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) – cổng làng có cao rộng thì ngày sau con cháu mới đỗ đạt làm quan to, ngựa xe mới đi lọt. Cổng làng khác thấy đề Nhân vi mỹ (Coi đức nhân là cao đẹp) hay Thượng khoán (Khoán ước của làng là trên hết)… Cổng làng quả là vừa thi vị vừa có hồn. Cùng với bao nếp nhà một nắng hai sương, cây đa bến nước, đền miếu chùa đình, cổng làng đã làm nên hình ảnh làng xã độc nhất vô nhị bởi nó trữ tình. Xa quê lâu ngày về thăm, vừa thấy cổng làng thấp thoáng đằng xa lòng dạ bất giác bồi hồi, như được hơi ấm vòng tay người thân.

Cổng Mẫn

Cổng mẫn, gọi nôm na là điếm canh, điếm làng; chắc lẽ xuất hiện từ thuở mở làng lập ấp; Điếm canh thường được dựng ở rìa làng hay gần cổng làng, có khi tách xa hẳn một quãng kiểu như trạm tiền tiêu. Tuy mỗi làng đều có cổng, nhưng người ta vẫn làm cổng mẫn vì vai trò không thể thay thế được của nó. Đó là nơi dân binh, trai làng đổi phiên thay gác. Điếm canh dựng ngoài làng, nếu là làng miền xuôi gần đê điều thì thường được dựng trực tiếp trên nền đất, sát liền và cao ngang mặt đê. Đắp đê, tiện thể đắp nền dựng điếm. Do được xây dựng ở nơi có địa thế cao hay giữa đồng không mông quạnh nên từ điếm canh dễ quan sát mọi động tĩnh.Điếm không quá xa làng, vừa dễ canh chừng đê điều vừa tiện cứu hộ khẩn cấp những khi bão lụt. Khi ấy, điếm canh trở thành nơi chứa phương tiện, tập hợp dân công hay đầu mối chỉ huy hộ đê. Người ta rinh trống cái ra cổng mẫn để thúc lệnh kịp thời. Có làng kết hợp sử dụng cổng làng có vọng lâu bên trên hay dùng miếu cổ, miếu hoang làm điếm. Làng to có thể dựng hai điếm canh, một ở đầu làng, một ở cuối làng. Gần điếm canh thường không để đất vườn; khoảnh trống cũng hạn chế nên người ta thường trồng gần đấy một đôi cây lưu niên tán rộng, bóng cả như đa, lan, muỗm, nhãn toả bóng mát cho người, che nắng che mưa cho điếm.Điếm canh còn là chỗ dừng chân, nghỉ buổi của bà con đi làm đồng, khách vãng lai. Tại đấy thường đèo thêm chút hàng quán tí teo đồng quà tấm bánh. Bởi thế điếm canh còn tên gọi nữa là quán điếm. Điếm canh chẳng to tát gì, người thôn quê xưa làm nhà thế nào dựng điếm canh thế ấy. Đơn sơ thì bằng nứa lá, tre pheo. Khá ra thì kèo gỗ, tường gạch hay đỏ ong, mái lợp ngói. Có lớn đến mấy điếm canh cũng không quá 3 gian (gian nhỏ) tường hồi bít đốc, trong ngoài giản tiện. Mặt trước, hoặc cả mặt trước lẫn mặt sau chỉ xây tường lửng, có khi để trống. Cũng vì tường thấp, mái lợp gọn gàng nên điếm canh dẻo dai chịu gió bão, ít xiêu vẹo. Thoạt nhìn tưởng chừng điếm canh bỏ qua một việc hệ trọng của kiến trúc là trang trí. Nhưng không phải vậy, mọi tình tiết của nó khúc triết đến tượng trưng. Tìm kiếm cái thừa ở điếm canh chỉ uổng công. Chẳng thấy củng đệm rườm rà, chỉ thuần bộ vì cánh ác hay chồng rường giản lược. Cái nào cái nấy cứ như hơi quá cỡ so với khung nhà; thưa thoáng mà chắc chắn. Chúng nằm đâu đó rất gần tầm với, vươn tay là có thể sờ mó vỗ về gỗ lạt.

Cổng Bắc thành Bắc Ninh nhìn từ cột cờ (1895)

Quan ải

Cửa khẩu quốc gia. Quan ải hùng cứ nơi địa đầu đất nước hay vùng miền, thường khi ở tận thâm sơn cùng cốc, nơi địch quân dễ lợi dụng sơ hở địa hình địa mạo tràn qua xâm lấn. Thời xưa hễ dựng quan ải là người ta đắp luôn trường thành. Có khi người trong một nước cũng dựng quan ải, giữa những tháng năm nội chiến, phân xẻ giang sơn xã tắc thành nhiều tiểu quốc, tiểu vùng chống đối lẫn nhau. Quốc gia nào cũng muốn khuếch trương nền độc lập tự chủ, quốc phòng hùng mạnh, xã hội thái hòa, kinh tế phồn thịnh; vì vậy quan ải, cửa khẩu quốc gia luôn là kiến trúc hệ trọng và rất đồ sộ; thiết xây dựng công phu, tốn kém và được hoàn thiện hết đời này qua đời khác. Đó là những quần thể lớn, thậm chí kỳ vĩ vô cùng, vì ngoài cổng ra còn rất nhiều công trình khác như trạm thuế quan, đồn binh, nhà sở kiểm soát an ninh, xuất nhập cảnh, trạm liên lạc, nhà dịch vụ, thương xá, nhà xưởng, kho bãi… Nhiều khi người ta còn họp chợ sát chân quan môn, làm thành chợ biên giới… Quan ải càng hiểm yếu thì càng được xây dựng to lớn, vĩnh cửu. Lại thêm nhiều hạng mục phụ trợ an ninh quốc phòng, hạng mục dân sinh, công trình công cộng. Với thời gian, khu vực quan ải có thể phát triển từ một thị trấn nhỏ bé heo hút tới một đô thị sầm uất, hiện đại. Vì thế người xưa hay gọi ghép thành “trấn quan ải”

  • Hữu Nghị quan (友誼關). Cửa khẩu biên giới của Trung Quốc nằm trên đất biên giới Việt – Trung; nay nằm ở thôn Ải Khẩu (隘口), trấn Hữu Nghị (友誼), thành phố Bằng Tường (憑祥), địa cấp thị Sùng Tả (崇左), Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (廣西), cách Bằng Tường 15km2 về phía Tây và cách Đồng Đăng của Việt Nam 5 kilômét về phía Bắc. Sử sách nói Trấn Nam Quan xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm Tuyên Đức thứ ba triều Minh đến năm Gia Tĩnh thứ 18 triều Minh; tức là trong khoảng 1428 – 1539. Tuy nhiên tên gọi Trấn Nam Quan (鎮南關) là theo chữ đề năm 1728. Thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1787), đốc trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang cho sửa lại Ngưỡng đức đài (仰德台) ở phía Nam, lập bia ghi rằng: “Nước Việt ta có Ngũ Lĩnh, quan ải trước ở đâu không rõ, là vì diên cách thế nào không ghi đủ”. Phía trên cửa ải có trùng đài (dựng 1781) đề 4 chữ Trung ngoại Nhất gia (中外一傢). Phía Bắc có cửa Chiêu đức đài, sau đài này có đình Tham đường (nhà giữ ngựa); Bên tả bên hữu có hai dãy hành lang. Mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ. Thời Nguyễn, lấy địa giới châu Văn Uyên – trấn Lạng Sơn, làm cửa quan. Đại thể Trấn Nam Quan gồm hai phần kiến trúc: 1) Phần do phía Trung Quốc xây dựng gồm quan ải và những hạng mục phía Bắc; 2) Phần do Việt Nam xây dựng ở phía Nam gồm Ngưỡng đức đài, hai dãy hành lang tả hữu và bia đá đề chữ định rõ địa giới hai nước. Tháng 10 năm 1954 Chính vụ viện Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn đổi tên thành Mục Nam Quan (睦南關); Tháng 1 năm 1965 Quốc vụ viện Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn đổi tên Trấn Nam Quan thành Hữu Nghị Quan (友誼關). Về căn cứ pháp lý, đường biên giới Việt – Trung đi qua tuyến đường bộ đã được mô tả trong Biên bản hoạch định năm 1886 giữa Pháp và nhà Thanh là “đường biên nằm ở phía Nam Ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. Như vậy, dựa trên các tư liệu có giá trị pháp lý, thì đường biên giới Việt – Trung nằm về phía Nam Hữu Nghị Quan quãng độ mấy trăm mét, chứ không phải cắt ngang qua đó như nhiều người vẫn nghĩ.
    Đông môn thành Sơn Tây
    Quảng Bình Quan, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: kientruc.net.vn)
    Một số cônge ở Đại Nội Huế

  • Hải Vân Quan – Địa điểm: đỉnh đèo Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên – Huế; Xây dựng 1826.
    Đường thiên lý, đoạn vượt đèo Hải Vân dài 39 dặm, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Quanh co gấp khúc, lúc ngược lên cao khi đổ dốc, gập ghềnh xuyên mây; đi bộ vượt đèo phải mất hơn ba ngày trời. Năm 1774, khi quân Trịnh vừa chiếm được Phú Xuân thì hay tin Tây Sơn tiến đánh dinh trấn Quảng Nam. Đề phòng quân Tây Sơn thừa thắng Bắc tiến, tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc bèn ra lệnh cấp tốc đắp một luỹ cao chặn ngang cửa ải trên đỉnh đèo Hải Vân gọi là ải Đỉnh Luỹ (ngày nay không còn dấu vết). Năm 1826 vua Minh Mạng cho mở rộng đường, xếp đá làm bậc cho dễ đi và đặt 3 cửa ải canh phòng. Tường thành được đắp thêm, thành ra cao 6 thước, dày hơn 4 thước, trổ cửa tò vò cao 4,3 thước, rộng 3,2 thước làm lối băng qua đường thiên lý. Phía trên cửa tò vò trông về bắc gắn một tấm biển to bằng đá cẩm thạch khắc chữ lớn: Hải Vân Quan. Còn phía trên cửa này, đằng mặt Nam thì gắn biển đá đề Thiên hạ Đệ nhất Hùng quan. Dựng xong Hải Vân Quan, triều đình nhà Nguyễn rất khuyến khích dân hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam đến khu vực này khai phá, lập nghiệp lâu dài. Năm 1842 vua Thiệu Trị còn ra chỉ dụ cho quan Phủ doãn kinh đô và Tổng đốc Quảng Nam lấp kín các lối đi tắt để phòng giặc cướp
  •  Hoành Sơn Quan – Địa điểm: Đèo Ngang, Bắc giáp Hà Tĩnh, Nam giáp Quảng Bình, xây dựng 1833. Hoành Sơn Quan nay, tuy không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi phong trần nơi đầu núi góc biển lắm. Công trình trấn ngự vời vợi trên núi Hoành Sơn (cao 256m) của đèo Ngang. Dải đèo Ngang được tách ra từ dãy Trường Sơn, vắt ngang Tây sang Đông và chạy ra tận mép biển, ngày xưa là biên giới tự nhiên giữa Đại Việt và Champa. Theo sử cũ, Lê Đại Hành từng mở đường qua đây, tấn công Champa cứu sứ giả Đại Việt. Từ TK XVII Đèo Ngang được biết đến như ranh giới chính thức chia cắt đàng Trong với đàng Ngoài. Bấy giờ quân Trịnh đã cho xây dựng hệ thống đồn luỹ tại đây, gọi là luỹ Đèo Ngang hay luỹ ông Ninh. Năm 1833 vua Minh Mạng cho xây dựng Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo. Quan ải cao hơn 4m, mỗi bên lại xây nối thêm tường thành dày đặc dăng dài 30m nữa. Muốn qua quan ải phải lên xuống 1.000 bậc đá ở cả hai hướng Bắc Nam. Ngược lên chân đèo phía Tây người ta đào đắp một hồ nước lớn, còn dưới chân đèo phía Bắc xây dựng cửa biển Xích Mộ (nay đã bị bồi lấp).
  • Cổng thành. Một hạng mục kiến trúc thuộc loại hàng đầu về kỹ thuật xây dựng. Bao giờ cũng bề thế, đa năng và được xây dựng bằng gỗ tốt, gạch nung, đá tảng rất bền vững, vừa tiện sử dụng cho ngày thường vừa dễ phòng ngự khi có biến. Thời chiến, cổng thành để chống giặc, thời bình giữ trị an cho thành phố, cũng là để kiểm soát người ra vào. Trong một nước, nơi giáp ranh các vùng, các tỉnh, địa hạt, cửa ngõ ra vào thành phố, dù không cần thiết về an ninh người ta vẫn dựng những cổng chào rất lớn; trước là để giới thiệu cương thổ sau là thu hút khách thập phương, đẩy mạnh giao thương. Người Babylonie xưa từng làm nhân loại thán phục những cổng thành tuyệt vời của họ. Ví như 8 cổng thành Babylonie, mà mỗi cổng thành trong đó chứa đựng một ý nghĩa biểu trưng. Cổng nào cũng trông ra một đường phố rộng rãi, rải bê tông (tro núi lửa trộn đá dăm kết) từ đó dẫn một đền thờ hoặc dẫn các thành phố khác của đế chế. Mỗi cổng thành, đền thờ ở Babylonie đều được gọi theo tên vị thần mà cư dân thành phố kính trọng. Trong số cổng thành Babylonie thì cổng mang tên nữ thần Ishtar là cổng chính được trang trí lộng lẫy, trang nghiêm và đẹp. Các đám rước lễ do hoàng đế tổ chức đều diễn ra trên tuyến phố xuyên qua cổng Istar. Hoàng đế La Mã xây dựng nhiều nghị trường, khải hoàn môn khi đương độc tài để ghi lại dấu ấn của mình. Hoàng đế thường làm lễ xuất chinh ở khải hoàn môn, khi thắng trận trở về ngài cùng các chiến binh anh hùng tiến vào thành phố trong tiếng hò reo của dân chúng và những thiếu nữ à vào đoàn quân, choàng lên cổ họ vòng nguyệt quế – tượng trưng Chiến thắng. Biểu tượng hùng mạnh của khải hoàn môn La Mã khiến nhiều quân vương châu Âu và thế giới ngưỡng mộ; về sau nhiều khải hoàn môn đã được xây dựng ở Âu Tây, Phương Đông. Thời trung cổ hầu như đô thị châu Âu nào cũng có thành lũy tường cao hào sâu vây bọc. Cổng thành có nhiều lớp, mà lớp cửa ngoài cùng có thể là chính là cây cầu, có thể dùng tời kéo lên che kín cổng thành. Tường thành của người Trung Hoa thời xưa thường rất cao, cổng thành lại còn cao hơn, đến mức gần như che khuất các nóc nhà trong thành. Trên mặt thành có nhiều vọng lâu, tháp canh. Thành xây theo lối cổ, rộng rãi với hai con đường rộng, thẳng tắp giao cắt chữ thập, chia thành phố thành bốn khu vực bằng nhau. Các cổng thành trông ra bốn phương tám hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Cả thảy có 12 cổng (Minh đường Thập nhị môn) theo hướng xa giá khứ hồi của nhà vua; ứng với 12 tháng trong năm, 12 giờ tốt xấu mỗi ngày.

    Hải Vân Quan

Cửa ô

Ngày xưa Thăng Long – Kẻ Chợ có rất nhiều cửa ô. Nhiều sự kiện lịch sử và các trận huyết chiến từng diễn ra ở đầu ô. Có lẽ tên gọi Cửa ô liên can tới công cuộc xây đắp phòng thủ Thăng Long. Thời trước không rõ thế nào, đến năm 1749 chúa Trịnh Doanh cho đắp một tòa thành đất bao bọc kinh đô Thăng Long gọi là thành Đại Độ, lại cho mở 8 cửa ô để qua lại. Ban đầu hẳn là xây dựng kiên cố nghiêm ngặt lắm vì Trịnh doanh làm vậy nhằm ngăn chặn các đợt tấn công của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu. Ngoài khả năng phòng thủ lợi hại khi có biến, vòng thành đất ngoài cùng còn tiện chống lũ lụt, đặc biệt làm đường giao thông vành đai. Dân gian nói “đường đê La thành”, “đường đê Yên Phụ”…hẳn là vì thế. Đại thể người ta gọi cái cửa trổ qua vòng thành đất bao bọc kinh thành Thăng Long bấy giờ là cửa ô. Không nghi ngờ gì, cửa ô ra đời với tư cách cổng thành. Năm 1782 Lê Hữu Trác từ Hà Tĩnh ra Thăng Long, qua cửa Vũ Quan (ô Chợ Dừa). Vũ Quan đã được ông mô tả trong Thượng kinh ký sự: “một thành đất không cao lắm, bên cạnh là một tường nhỏ, mặt trên là đường xe ngựa đi, mé ngoài có hàng rào tre dày kín. Dưới có hào sâu, trong hào rải đầy chông chà, rất kiên cố. Thành có 3 lần cổng ngăn, lần cổng nào cũng có lính gác hai bên, gươm giáo sáng loáng.” (Từ điển Bách khoa thư Việt Nam; Tập I, trang 716. NXB TĐBK – 1995). Số lượng và sự toạ hướng cửa ô không nhất thiết như cổng ra vào Hoàng thành hay Tử Cấm thành. Chúng được bố trí mau thưa tuỳ thuộc vào độ xung yếu của mỗi đoạn thành vòng ngoài cùng và đầu ô gần hay xa bến thuyền, cốt thông thoáng lưu lượng người xe qua lại… Lâu dần, nói đến cửa ô người ta hình dung ra một khu đô thị trù mật, sôi động mà đằng sau đó là lịch sử xây dựng kinh thành. Các cửa ô, từ chỗ ban đầu chỉ là những đồn trạm canh phòng và kiểm soát dần dần trở thành những đầu mối dân sự hết sức quan trọng. Mặt khác cũng do vì đắp đất, lâu ngày không được tu bổ, lún sụt, hễ lơi lỏng quản lý một tí là người dân tự xẻ La thành lấy lối đi lại, họp chợ. Sự tự phát ấy dẫn đến tình trạng gần như mỗi cửa ô kèm theo một cái chợ – Chợ đầu ô, thân thiết với người Hà Thành. Chỉ cần điểm qua tên tuổi các cửa ô, hậu thế có thể hình dung phần nào sức sống và hình ảnh Thăng Long – Kẻ Chợ cuối TK XVIII đầu TK XX: mặt Nam vòng thành ngoài chỉ có 3 cửa ô là ô Cầu Dền, ô Đông Mác và ô Kim Hoa (tức ô Chợ Dừa hoăc ô Cầu Dừa). Cửa ô này chính là một cổng thành gọi là Dã thị thành môn (cửa thành Chợ Dừa) trổ qua vòng thành đất phía Nam. Năm 1782, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác qua cửa này để vào phủ chúa chữa bệnh cho Trịnh Cán, sau này ông ghi lại trong Thượng kinh Ký sự: “Đi qua cửa võ quan vào thành. Nhìn thấy một dãy thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một tường nhỏ, mặt trên là đường xe ngựa đi, mé ngoài có hàng rào tre dày che kín, dưới có hào sâu. Trong hào rải chông trà rất kiên cố. Thành có ba lần cổng ngăn, cổng nào cũng có lính gác hai bên, giáo gươm sáng loáng” (Trần Huy Bá, Nguyễn Vinh Phúc, Đường phố Hà Nội, NXB Hà Nội – 1979, trang 151). Thế nhưng chỉ riêng một đoạn phía đông, từ bến Tây Long (chỗ nhà hát Lớn ngày nay) ngược lên chỗ đầu dốc Yên Phụ đã có đến 9 cửa ô, hầu hết được bố trí ngay đầu các con phố đâm ra đê sông Hồng như Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Nguyễn Hữu Huân, Chợ Gạo, Mã Mây, Hàng Đậu…Đến đầu thế kỷ 19 sách Bắc thành Dư địa chí cho biết Hà Nội có những 21 cửa ô, nhưng đến Bản đồ Hoài Đức phủ 1831 lại thấy chỉ còn 16. Cửa ô được đặt tên theo làng theo tổng ngày mở đêm đóng, tuần đinh canh phòng đạo chích và dè chừng hỏa hoạn khá cẩn mật. Ông Trần Huy Bá, nhân viên Viễn Đông Bác Cổ ngày xưa có lẽ là người nhớ được nhiều và chính xác nhất tên các cửa ô Hà Nội: Tây Luông (chỗ sau Nhà hát Lớn ngày nay) Thuỵ Chương (đầu Quan Thánh – Thụy Khuê), Đông Yên (Hàng Cau – Hàng Bố) Mỹ Lộc (đầu phố Hàng Bạc) Trừng Thanh (Hàng Mắm) Phúc Lâm (Hàng Đậu) Thạch Khối (Hàng Than) Yên Tỉnh (dốc Hàng Than) Nhân Hoà (Hàn Thuyên), Yên Phụ, Đồng Lầm (ngã tư Đại Cồ Viêt – Kim Liên), Chợ Dừa, Cầu Dền, Đống Mác, Cầu Giấy và Ô Quan Chưởng. Cả thảy vừa đủ 16 cửa ô thời Minh Mạng. Bẵng đi ba chục năm, Hà Nội chỉ còn lại 10 cửa ô. Năm 1862 Tổng đốc Hà Nội cho dựng thêm (hay dựng lại?) 6 cửa ô, nâng tổng số lên 16. Đầu thập kỷ 1880, các cửa ô và cổng phường phố bị phá bỏ hàng loạt. “Trước khi Pháp hạ thành Hà Nội lần II, trên lũy đất Đại La vẫn còn 15 cửa ô (trước là 16 nhưng cửa ô Nhân Hòa ở khu Đồn Thủy đã bị mất, có thể do bị sụt lở xuống sông Hồng). Năm 1886 cửa ô Tây Luông (Tràng Tiền) mà trước đó có thể là một vòm cuốn uốn cong rộng lớn xây gạch, chắc chắn, vuông vắn đã bị phá hủy, được thay bằng một cửa ô mới đơn giản hơn nhiều, gọi là cửa Pháp quốc ở lối đi vào khu nhượng địa, với hai cột trụ xây thẳng đứng, trên có đắp hình hai con lân” (Nguyễn Thừa Hỷ, bài Vẽ lại diện mạo Hà Nội những năm bị Pháp đô hộ, báo Pháp luật Bốn phương, ngày 14/5/2018, trang 5). Nội trong mấy năm 1892 – 1894, người Pháp đã phá bỏ 14 trong số 15 cửa ô. Năm 1906 tính chuyện phá nốt cửa ô cuối cùng – ô Thanh Hà (tức ô Quan Chưởng) thì mắc mớ kiến nghị từ Trường Viễn Đông Bác Cổ nên dừng lại. Ngày nay người Hà Nội vẫn luôn nhắc tên 7 cửa ô: Yên Phụ, Cầu Giấy, Chợ Dừa, Đồng Lầm, Cầu Dền, Đông Mác và ô Quan Chưởng. Nay chỉ còn lại Ô Quan Chưởng.

Thành Đại Đô 1749 với các của ô
Mặt bằng và mặt đứngÔ Quan Chưởng
Hình trong sách Vẽ ghi công trình cổ Bắc Bộ của Louis Bezacier (Paris – 1959)

Ô Quan Chưởng, phố Hàng Chiếu Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội năm 1817

Cổng phường & các loại cổng khác.

Sau cửa ô, nhỏ và nhiều hơn, là đến các cổng phường. Thời Lý, kinh đô Thăng Long có 61, cuối Lê đầu Nguyễn có 36 phường. Mỗi phường có cổng riêng, ngăn cách với phường khác. Ban ngày mở cho người qua lại, ban đêm đóng lại phòng ngừa kẻ gian. Còn có một loại cổng khác nữa mà số lượng có thể tính bằng…số nóc nhà trong một thành thị. Số là ở các đô thị phong kiến trừ phần Hoàng thành, Tử Cấm thành được quy hoạch, trù tính cẩn thận khi xây dựng, có đường tuyến hẳn hoi, còn ở khu vực Kinh thành, nơi trú ngụ, làm ăn buôn bán của tiểu thị dân thì chính sân của các ngôi nhà kề nhau liên tiếp tạo thành một tuyến phố đặc biệt, có vô số cổng ngăn cách là các cổng ở hai đầu mỗi sân nhà. Còn Tử Cấm thành thì khỏi nói, vốn là nơi có rất nhiều cổng phân chia giới hạn các cung điện quây quần theo vô số sân trong kiểu bố cục tứ hợp viên, rồi lại còn cổng thông các khu vực trong Hoàng thành nữa…Ngay trong một quần thể kiến trúc cũng không phải chỉ có một, hai cổng. Ví như Văn Miếu Hà Nội từ ngoài vào trong cũng có đến 5 cổng lớn: Tam Quan, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các (cũng là một cổng thực sự), Đại Thành Môn, Khải Thánh Môn. Chưa kể Bí Văn Môn và Súc Văn Môn hai bên tả hữu Đại Trung môn…Ở Việt Nam đâu cũng có đình, chùa. Cổng chùa hay làm tam quan, trông giống một ngôi nhà với ba cửa vào. Rất phổ biến là loại một tam quan vào chùa (chùa Bát Tháp, chùa Một Cột, Hà Nội; chùa Thái Lạc, Hưng Yên; chùa Phổ Minh, Nam Định…) Lại có chùa có đến hai tam quan, tam quan ngoại và tam quan nội (chùa Láng, Hà Nội). Có khi đơn giản chỉ là bốn cột trụ hoặc kết hợp bốn cột trụ phía ngoài với tam quan phía trong, hoặc kết hợp tam quan và gác chuông (chùa Đậu, Hà Tây), kể cả thay thế tam quan bằng gác chuông như chùa Trăm Gian ở Hà Tây… Một số chùa lớn có cổng lầu ngũ môn với 5 cửa dăng hàng như chùa Sái, Đông Anh, Hà Nội, chùa Bối Khê – Hà Tây, chùa Dạm – Bắc Ninh…Còn như ở thành phố, mỗi ngày làm việc bắt đầu ta đến cổng công sở, nhà máy xí nghiệp, trường học; rồi tan tầm lại lũ lượt qua đó trở về tổ ấm của mình. Những chiếc cổng ấy thật gắn bó, thân quen. Ta như thuộc lòng từng mảng rêu phong, vết tường ố, sơn tróc…cả tiếng rít ken két năm tháng vui buồn mở ra đóng vào. Ngày lễ, ngày nghỉ cùng gia đình, họ mạc, bạn hữu dạo chơi, thư giãn, giải trí, thưởng thức nghệ thuật ta qua lại không biết bao nhiêu cái cổng kiến trúc khang trang, lộng lẫy, tân cổ giao duyên của các nhà hát, bảo tàng, thư viện, công viên, công trình văn hóa thể thao… Những chiếc cổng này vừa đẹp vừa tiện đón khách, thoát người. Nào cổng chính, cổng phụ, cổng hậu, giờ còn thêm cả loại “cổng VIP ”! Cổng đóng im ỉm, cổng mở toang và có loại cổng… không bao giờ đóng như cổng hội chợ, triển lãm ngoài trời, trại hè, lễ hội hay do các tòa nhà lớn nằm vắt ngang hai bên đường phố mà thành. Rồi cổng dẫn xuống các công trình nằm sâu dưới đất như ga tầu điện ngầm, tuy nen, đường sắt hay đường bộ xuyên qua núi hay chui ngầm đáy sông. Rồi loại cổng giả, thường bắt gặp ở những đoạn tường quá dài, quá dầy bao quanh công trình mà do nguyên nhân an ninh, phong thủy hay sở thích mà người ta không muốn mở cửa, trổ lỗ…

Cổng nhà ở

Nhà cổ truyền mái tranh, vách đất, tre pheo, bàn ghế mây tre, giường tre, chõng tre, bàn thờ bằng tre, đồ dùng, thức đựng cũng bằng tre. Có cái võng đay chéo gian kẽo kẹt trưa hè. Sau nhà vườn chuối, bờ ao bụi tre mát mắt…Và cổng. Cổng chính, cổng con hàng dậu bằng tre vén lá, ríu ngọn cả cây thân thấp tươi nguyên, ăn rễ vào đất quê. Lâu dần cổng nhà lại thêm hàng dương sỉ mọc bám chân tường, như đường viền diệp lục, tỏ vẻ an cư thanh bần.

Mưa bay trắng lá rau Tần,
Thuyền ai thấp thoáng xa gần bến mưa.
Đợi người về khép song thưa,
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
(Thơ Trần Huyền Trân).

Cổng phường ở Hà Nội
Cổng phủ Ninh Giang (Hải Dương) ngày xưa

Nhà khá giả hàng xã hàng Tổng hay ven đô dựng vì gỗ, lợp mái ngói, xây tường gạch quanh nhà, cũng dành công sức xây trụ, tôn tam cấp, trụ nanh, cấp tai tượng. Lại lợp mái cho cổng, làm sống mái hơi cong trũng, gắn gá phủ việt, đao nguỷnh, giả tàu lá mái, đắp ngoã con xi con vẫn, điểm tô màu sắc thắm tình chân quê. Nhất là cuốn cái vòm gạch cho ra dáng, trát vữa kẻ viền, tô vẽ câu đối, hoành phi, cuốn thư. Cửa gỗ hai cánh chững chạc lắm. Xưa thường không dùng khóa ổ, chỉ đóng cổng cài then. Khách vừa đánh tiếng, bước qua cổng là thấy mấy cây na, cây lựu tán thưa thoáng quả sum suê trong khuôn viên, khéo khoe nết phong lưu, hiếu khách của chủ nhà. Cổng trở thành hạng mục kiến trúc không thể thiếu của mỗi nếp nhà, ngõ xóm. Duyên dáng, xinh xắn, nặng tình nặng nghĩa đưa đón người khuya sớm đi về.

KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)