Chiêm ngưỡng kiến trúc cổ ở Palermo

Muốn tra thời tiết thành phố Palermo của Ý thì phải chú thích thêm (sau dấu phẩy) – Sicilia để khỏi nhầm với Palermo ở Mỹ hay là ở Colombia. Với cộng đồng khách du lịch toàn cầu thì thủ phủ của hòn đảo lớn nhất Ý quá nổi tiếng vì lịch sử hàng nghìn năm với các công trình kiến trúc còn bảo tồn rất tốt, những phong tục truyền thống đẹp đẽ, nếp sinh hoạt đời thường sinh động và được biết đến cả vì tai tiếng nhiều thập niên trước gắn với nạn mafia.

Cuối tuần ở Palermo

Nhà hát đẹp nhất nhì nước Ý Teatro Massimo

Mới ngồi chờ trong sảnh nối chuyến đi Palermo tại sân bay Roma, xung quanh náo nhiệt dân Sicilia trở về nhà phần đông ăn mặc xoàng xĩnh, tay cầm hộp bánh ngọt cỡ lớn mang về làm quà, bỗng thấy có vẻ như mình đang sắp “dấn thân” vào một xứ sở khác hẳn với nước Ý đỏm dáng, trau chuốt. Ừ nhưng chỉ có một cuối tuần tại Palermo thôi mà, đến cho biết thành phốấy hình hài ra sao, cuộc sống thế nào chứ cứ chỉ “nghe nói thế…” thì khó hình dung cụ thể

Chiêm ngưỡng kiến trúc cổ
Palermo không đem lại cảm xúc dạt dào cho khách thăm từ cái nhìn đầu tiên.Ồn ào, lộn xộn, nhiều khối nhà cũ kỹ xuống cấp thậm chí một số khu phố hoen gỉ, tồi tàn chẳng khác gì khu ổ chuột, giao thông hỗn loạn, rác rến vương vãi và những điều khó hiểu ẩn giấu đằng sau hoạt động ngầm lẫn công khai của hệ thống băng đảng gia đình.
Thế nên khách thăm nên tiếp cận Palermo thật thong thả và kỳ nghỉ cần kéo dài ít nhất là một cuối tuần với ba ngày hai đêm. Khi đã vào trong nhà thờ cổ kính, ngước mắt nhìn lên vòm trần phủ đầy các mảng ghép mosaic mạ vàng lóng lánh, bạn sẽ thấy không còn có kiệt tác nội thất mosaic nào đẹp hơn thế nữa.


Quảng trường Pretoria đẹp lộng lẫy

Từ từ chiêm ngưỡng, khám phá các công trình kiến trúc trải qua ba thời kỳ hoàng kim của thành phố: Byzantine, Ả Rập, Norman và lộng lẫy phong cách baroque, người ta dần ngỡ ngàng trước kho báu Palermo.
Phần đông du khách hay tìm đến trước tiên khu quần thể kiến trúc đồ sộ trên đại lộ Via Vittorio Emanuele để có cảm giác choáng ngợp trước quang cảnh quảng trường rộng lớn sừng sững nhà thờ Chính nguy nga, bảo tàng Diozesano kế bên.
Rồi đi thêm chút đến cung điện Normanni, một trong những cung điện đẹp nhất nước Ý, một tuyệt tác kiến trúc của người Norman. Tất nhiên không thể bỏ qua nhà nguyện Palatina ở đấy để thán phục trước những vòm trần, mảng tường phủ kín mosaic phong cách byzantine.
Một màu vàng rực rỡ lan tỏa ánh lấp lánh diệu kỳ từ các mảnh ghép mosaic ấn tượng mạnh tới mức ra đến Cổng Mới (Porta Nouva) chốt cuối của đại lộ mà tâm trí vẫn ngập ánh vàng rực rỡ ấy.


Nhà thờ Chính của Palermođồ sộ đứng trên quảng trường rộng thênh thang

Nhưng để làm quen dần với Palermo, có lẽ nên bắt đầu chuyến tham quan trong kỳ nghỉ cuối tuần từ nhà hát Teatro Politeama, thong thả dạo bộ trong trung tâm thành phố hơn 800 ngàn dân, băng qua nhà hát lừng danh Teatro Massimo chụp ảnh ngoại cảnh.
Chặng dừng đầu tiên ở ngã tư Quatro Canti, điểm giao cắt giữa phố Maqueda với đại lộ Vittorio Emanuele. Quảng trường nhỏ này đầy ắp các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp.
Tượng và phù điêu đường nét tinh tếở mặt tiền các tòa dinh thự bốn góc phố được sắp xếp đối xứng nhau đúng phong cách baroque đặc trưng. Dòng xe cộ lưu thông trên hai tuyến phố chính này ngày ngày xuôi ngược tấp nập xuyên qua không gian kiến trúc lâu đời.
Quảng trường Pretoria và đài phun nước Pretoria gần đó cũng khiến người ta nán lại vì các cụm tượng bằng đá cẩm thạch trắng, những bức tượng và phù điêu bằng sa thạch ở các tòa nhà bao quanh quảng trường. Ngay sát ngã tư Canti ồn ào náo nhiệt là thế nhưng không gian quảng trường này lại thoáng đãng, yên ả lạ.


Khách tham quan dễ hoa mắt bên trong nhà thờ San Giuseppe dei Teatini (ngã tư Canti)

Nếu muốn lánh khỏi bầu không khí ồn ã nhiều khói xe cộ một lúc thì có thể vào trong các nhà thờ ngay khu trung tâm phố cổ này. Người ta vẫn thường nói, đến Ý mà không vào trong một nhà thờ hoành tráng thì chuyến đi thật là chưa trọn vẹn.
Nhà thờ San Giuseppe dei Teatini (thế kỷ XVII) ở ngã tư Canti khiến bạn ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng phần bên trong. Nhà thờ La Martorana (thế kỷ XII) ở quảng trường Bellini còn làm bạn thậm chí choáng váng trước nội thất lộng lẫy dát toàn bằng mosaic.
Một buổi chiều thứ Sáu xem ngần đó công trình kiến trúc là quá no nê rồi, vậy nên sẽ để dành việc thăm thú phố xá cổ kính có đôi khi khiến ta liên tưởng tới hình ảnh của thủ đô Havanna, Cuba và đi thăm các bảo tàng, dinh thự khác vào ngày thứ Bảy.


Ngã tư Quatro Canti nổi tiếng với các ngôi nhà theo phong cách Baroque trang trí cầu kỳ và đối xứng nhau

Làm quen với nhịp sống địa phương
Tuy là thành phố cảng, nhưng khó nhìn thấy biển ở khu vực trung tâm nơi tập trung chủ yếu dân cư. Không đại lộ ven biển, không có mùi mặn mòi do gió biển thổi sát bờ, không bóng dáng hải đăng, thuyền chài… nhưng hơi thở đại dương vẫn đầy ắp. Đấy là khi ra chợ.
Người Sicilia vẫn thích đi chợ truyền thống. Cũng có lẽ phần nào do nghề cá và trồng trọt rất phát triển trên đảo, nhu cầu tiêu thụ cá tươi mới đánh bắt buổi sớm, rau quả mới hái thường xuyên và ổn định.
Chợ thường tấp nập vào buổi sáng, đến trưa đã vãn dần và chiều thì thưa hẳn, sạp hàng bán đồ tươi giảm quá nửa. Khu bán cá, hải sản không ê hề như ban sáng nhưng vẫn đầy đủ những lát cá kiếm đỏ hồng, cá ngừ đại dương khổng lồ đỏ sẫm, cua ốc mực sò…


Chợ ngoài trời gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Palermo

Nếu đi chợ sáng sẽ có cơ hội húp hàu tươi rưới nước chanh đánh soạt, ngọt lịm và mát lạnh, khoan khoái vô cùng. Nhum biển thì ngầy ngậy, mực tươi và bạch tuộc ướp gia vị nướng ngay tại chỗ trên than hoa thơm phưng phức.
Trong khi chờ món của mình có thể ngó nghiêng, tham gia vào màn đối đáp, hát rao mời chào của những người bán hàng bên cạnh, không khí rất vui nhộn.
Thứ Bảy đan xen tham quan và mua sắm, kỳ nghỉ của bạn sẽ lý thú hơn nhiều. Cũng giống như phố cổ ở Hà Nội và Sài Gòn, nhà mặt phố đều là cửa hàng cửa hiệu. Giá cả mềm mại hơn rất nhiều so với các thành phố khác của Ý và không khó tìm được đồ độc đáo do thợ thủ công địa phương chế tác.
Nhưng để chắc chắn tiền mua hàng của mình không bị phần nào chui vào túi các băng nhóm mafia, nên tìm đến các cửa hàng hưởng ứng phong trào Addiopizzo (phản đối nộp tiền bảo kê) có khoảng 400 cửa hàng, cửa hiệu đã được đánh dấu trong bản đồ du lịch thành phố, phát miễn phí ở Trung tâm thông tin du lịch nằm trên quảng trường Castel Nouvo.

Ảnh bên: Sáng và tối ở Palermo

Ám ảnh về chuyện băng nhóm tại Palermođến nỗi đi mua kem cũng tự hỏi bao nhiêu muỗng kem thuộc về Cosa Nostra và đám tay chân. Nhưng những đám khói thức ăn nóng sốt cùng mùi gia vị Địa Trung Hải nồng nàn đã xua đi hết những băn khoăn nghi ngại nửa vời của du khách thông thường.
Mối quan tâm ăn gì, ở đâu có khiến bạn nhăn trán nhíu mày tra cứu ở địa danh khác trên thế giới, thì trái lại tại Palermo không ai coi đấy là vấn đề phải suy nghĩ. Hàng quán khắp nơi, đủ phong cách và mức giá tiền.
Có đủ món ăn các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải, từ couscous cơm ngô tấm nấu cùng hoa nghệ tây của Bắc Phi, kebab thịt nướng của Thổ Nhĩ Kỳ, salad Hy Lạp tới những món trứ danh của người Ý như mì dẹt với sò vongole, cơm risotto hải sản thơm ngon, cá kiếm nướng cả khoanh, sườn cừu, tôm hùm,… uống với vang trắng, vang đỏ các nhà tự nấu.


Đường phố chật hẹp ở thành phố khoảng 800.000 dân của Sicilia

Ngày Chủ nhật trước khi rời khỏi Palermo, chạy ù lên núi Monte Pellegrino (606 mét) tại bờ bắc của vịnh để ngắm thành phố từ trên cao. Đại văn hào người Đức Goethe cũng đã từng lượm hóa thạch cho bộ sưu tập của mình ở đây.
Với người muốn để dành khám phá tiếp Palermo lần khác, ngày cuối này đi xe bus đến thị trấn Monreal cách đó chục cây số chiêm ngưỡng nhà thờ to lớn phủ kín các bức họa bằng mosaic dát vàng lộng lẫy.
Thật ra, một cuối tuần ở Palermo ngắn ngủi lắm! Vừa mới thư thả ngắm nghía, bắt đầu hơi quen đường đi lối lại từ khách sạn tới các điểm tham quan chính thì đã đến ngày chia tay. Có lẽ lần sau sẽ sắp xếp một kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài e là mới tạm hài lòng!

My Anh – Tổng Hợp từ Internet