Ngân hàng Hội Phong Thượng Hải TQ. Kiến trúc nội thất – Phong cách Tân cổ điển Cận đại

Thành phố Thượng Hải có diện tích: 6.340,5 km2. Dân số thành phố là 23.019.148 người (năm 2010) GDP: 16872.42 tỷ Nhân dân tệ. Thượng Hải được xem là thủ đô kinh tế của Trung Quốc.

Toàn cảnh ngân hàng Hội Phong ngày nay

Thượng Hải có hải cảng sầm uất nhất thế giới, hơn cả cảng Singapore và Rotterdam. Xuất phát là từ một làng chài hẻo lánh, Thượng Hải đã trở thành một thành phố quan trọng, là trung tâm văn hóa phổ thông, các mưu đồ chính trị và nơi tụ họp của giới trí thức trong thời kỳ Trung Hoa dân quốc. Thượng Hải đã từng một thời là trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Thành phố New York và Luân Đôn, và là trung tâm thương mại lớn nhất Viễn Đông cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Ngân Hàng Hội Phong đang xây dựng

Thượng Hải đã trải qua một quá trình thay đổi sâu sắc về diện mạo đô thị, để trở thành một nhân chứng có giá trị đặc biệt nhờ chất lượng, kiến trúc trong đô thị, mật độ và sự đa dạng của không gian đô thị. Các di sản kiến trúc cận đại ở Thượng Hải không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị văn hoá, lịch sử, thẩm mỹ cao… Theo lịch sử kiến trúc Trung Quốc, Thượng Hải là nơi tập trung các công trình kiến trúc, nội thất cận đại nhiều nhất, lớn nhất và đẹp nhất với tên gọi: “Phương Đông của Pari” hay “Viễn Đông của New York”.
Ngân hàng Hội Phong (汇丰银行) được khởi công xây dựng ngày 5/5/ 1921 –  khánh thành ngày 23/6/1923, nằm trên đường Trung Sơn Trung, số 12 bến Thượng Hải( 外滩 中山中路). Tòa nhà được thiết kế bởi Palmer & Turner Architects and Surveyors của Anh Quốc. Với diện tích 23.415m2, Hội Phong là một trong những tòa nhà có kiến trúc và nội thất sang trọng nhất Thượng Hải – là ngân hàng lớn nhất vùng Viễn đông và là tòa nhà lớn thứ 2 trên thế giới lúc bấy giờ (chỉ sau Bank of Scotland của Anh).

Hình ảnh ngân hàng cũ

Đây là một trong những công trình mang phong cách Tân cổ điển điển hình, sử dụng nhiều đường nét, hoa văn mềm mại và lối thiết kế công năng tiện dụng, mang bản sắc địa phương, kết hợp với đặc trưng kiến trúc nhiều quốc gia khác nhau trong một tổng thể hài hoà.
Kiến trúc mặt chính của tòa nhà thể hiện rõ phong cách Tân cổ điển với mái vòm được trang trí bởi các hình tam giác – giống như các đền ở Hi Lạp. Phía dưới có 6 cột kiểu Ionic chạy suốt 4 tầng nhà. Tòa nhà chính có 5 tầng, phần trung tâm cao 7 tầng, ngoài ra có 1 tầng hầm. Tòa nhà chính có kết cấu khung thép, tường xây gạch, mặt bên ngoài được ốp bằng đá khối lớn nhỏ khác nhau, hình thức, đường nét trang trí rất nghiêm ngặt về tỷ lệ.

Chi tiết trang trí cửa Ngân hàng Hội Phong ngày nay

Cổng chính có 3 đường vào, cả 3 cánh cổng hai mặt đều có gắn phù điêu trang trí là đầu sư tử bằng đồng, được đúc rất đặc biệt theo phong cách của Anh Quốc, có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu (hiện nay, đầu sư tử đã được lấy để trưng bày trong Bảo tàng Thành phố Thượng Hải). Cửa chính có họa tiết trang trí rất cầu kỳ và tinh tế, hiện nay vẫn còn lưu giữ. Cửa xoay 4 cánh được giữ đỡ bằng hệ thống khung hộp kim loại, gắn kết với vòm cửa bằng đá, tạo sự vững chắc, bề thế cho công trình, các mảng đặc, rỗng, vuông, tròn được kết hợp một cách tinh tế và các mảng kính lấy sáng ghép trên các hình vuông đơn giản, tạo nên sự tương phản với hình thức trang trí cầu kỳ phía dưới, đồng thời làm nổi bật những hoa văn họa tiết trang trí mang đậm phong cách Tân cổ điển.

Không gian làm việc Ngân hàng Hội Phong ngày nay

Không gian nội thất bắt đầu từ  sảnh sàn hình tròn, trần hình bát giác giao thoa với nhau bởi hai hàng cột chạy suốt lên trên, cột đá cẩm thạch liền một khối hoa văn vân đá tự nhiên hoành tráng mà không nặng nề. Mảng tường phía dưới hai bên vòm cửa là 16 phù điêu người Hy Lạp cổ có ý nghĩa phân biệt là: Công bằng (Ivstitia); Điềm tĩnh (Temperantia); Cân bằng (Aeqvitas); Triết lý (Philosophia); Quang minh (Svbtilitas); Lao động (Labor); Trung thực (Fides); Chân lý (Veritas); Lịch sử (Historia); Trí tuệ (Sapientia); Kinh nghiệm (Experientia); Kiên trì (Fortitvdo); Chính trực (Probitas); Thận trọng (Prvdentia); Tri thức (Scientia); Trật tự, ngay ngắn (Ordinatio). Phía trên, phần tường vát chuyển tiếp lên không gian sảnh, trần được trang trí chất liệu mosaic – miêu tả 8 thành phố đầu thế kỷ XX là Thượng Hải, Hong Kong, London, Paris, New York, Tokyo, Bangkok, Calcutta với ý nghĩa: “Tất cả đều là anh em” biểu tượng thế kỷ hòa bình, thịnh vượng trên toàn thế giới.
Trần sảnh được thiết kế cầu kỳ, lộng lẫy, nhiều hoa văn trang trí ghép nghệ thuật mosaic, miêu tả bầu trời tự do, mùa màng bội thu. Biểu hiện cho sự tin tưởng, an toàn của ngân hàng này.

Chi tiết đầu cột và trang trí phía ngoài Ngân hàng Hội Phong

Không gian sảnh lễ tân tiếp sau đó được bảo tồn nghiêm ngặt nên phần trang trí kiến trúc và nội thất hầu như được bảo tồn nguyên vẹn. Sự kết hợp hai hàng cột vuông tròn chạy suốt không gian lễ tân làm nổi bật đặc điểm của phong cách Tân cổ điển là tính đối xứng đến từng chi tiết. Vật liệu trang trí kiến trúc trong không gian nội thất chủ yếu là đá, được chạm trổ và ghép mảnh tinh xảo, vòm cuốn kết cấu thép, phía trên là những mảng kính màu mờ lấy sáng. Trung tâm sảnh được sắp đặt một quầy lớn chất liệu gỗ có gắn phù điêu uốn lượn, nay được thay bằng quầy ốp đá granit vân đá xanh tự nhiên phía trên, mặt quầy cũng ốp đá granit màu đen có vân tự nhiên tạo nên sự chắc chắn, an toàn.

Cửa vào ngân hàng Hội Phong ngày nay

Với phương cách bố cục hình khối kiến trúc theo tinh thần Tân cổ điển một cách chuẩn mực, cùng các hình thức trang trí cầu kỳ tinh xảo, tổ chức không gian nội thất được cân nhắc kỹ lưỡng, Tòa nhà ngân hàng Hội Phong (HSBC bank) xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật điển hình cho phong cách Kiến trúc Tân cổ điển thời cận đại ở Thượng Hải.

Bến Thượng Hải ngày nay

NCS. Đỗ Việt Hưng