Thượng Hải Xưa và Nay

Thượng Hải, thành phố lớn và hiện đại bậc nhất của đất nước Trung Quốc, xưa kia vốn chỉ là một làng chài ven biển thuộc miền trung Trung Quốc. Vào khoảng thế kỷ 11, đời nhà Tống (960–1279), làng chài nhỏ bé này được xây dựng và phát triển thành một hải cảng nhằm phục vụ nhu cầu giao thương buôn bán của vùng.Tên gọi Thượng Hải (Shanghai, chữ Hán: ), mang đầy đủ ý nghĩa về vị trí địa lý và đặc điểm của vùng đất ven biển: Thượng, tiếng Hán là “shàng”, có nghĩa là trên; Hải, tiếng Hán cũng đọc là “hải”, có nghĩa là biển. Shanghai ngày đó có nghĩa là Làng chài trên biển, và ngày nay được hiểu là Đô thị trên biển. Con sông Hoàng Phố (Huang pu) nổi tiếng trong những câu chuyện và điện ảnh ngăn chia Thượng Hải thành hai nửa, khu phía Đông và khu phía Tây.

Thượng Hải năm 1930…..
 
Với vai trò quan trọng của một cảng biển lớn, từ thế kỷ 19 Thượng Hải đã bị các đế quốc phương Tây và Nhật Bản nhòm ngó và xâm chiếm, lập ra các khu “Tô giới” dưới hình thức nhượng địa, là nơi mà người phương Tây được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi, được bảo hộ bằng pháp luật của bản quốc, và họ sống cuộc sống đầy đủ như ở chính quốc. Trong khi người dân bản địa phải chịu cảnh mất nước, không có bất kỳ quyền lợi nào và được coi là “Đông Á bệnh phu” có nghĩa là người Đông Á yếu đuối.

Cây cầu Garden Bridge năm 1907

Một thành phố Thượng Hải xa hoa, bất ổn với những băng nhóm xã hội đen, bị Tây hóa vào những năm đầu thế kỷ 20, lúc đó nằm hoàn toàn bên bờ Tây của con sông Hoàng Phố, đối lập với cảnh bần hàn, khổ hạnh của người dân lao động bên phía bờ Đông. Câu chuyện về sự chênh lệch và khác biệt của cuộc sống ở phố Đông – phố Tây cho đến ngày nay vẫn được người Thượng Hải nói đến. Tuy nhiên, lịch sử đã hoàn toàn thay đổi sau những nỗ lực phi thường của con người.
Ngày nay với diện tích trên 7.100 km2, có tới hơn 19.2 triệu dân (2009), Thượng Hải là thành phố lớn nhất, đông dân nhất và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất của Trung Quốc trong suốt 3 thập kỷ qua. Quá khứ đen tối đã trở thành động lực để Thượng Hải bứt phá ngoạn mục, nhanh chóng trở thành một trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại, công nghiệp và là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc. Phố Tây ngày nay vẫn giữ nguyên dáng dấp của một đô thị cổ phương Tây xen lẫn nét truyền thống Á Đông duyên dáng, quyến rũ; còn phố Đông đã vươn mình trở thành một đô thị trẻ, năng động và hiện đại. Khu phố Đông ngày nay được coi như biểu tượng của Thành phố về sự giàu có, thịnh vượng và phát triển không ngừng với những công trình kiến trúc đồ sộ, đường sá giao thông ngày càng hiện đại với những con đường rộng 10-12 làn xe ô tô, vô số cầu vượt dành cho người đi bộ… Nổi bật hơn cả trong số các công trình kiến trúc cao tầng là tòa nhà 101 tầng của Trung tâm Tài chính Toàn cầu Á châu cao 496m (tòa nhà cao nhất Trung Quốc hiện nay, và cao nhất thế giới cho đến năm 2004); Tháp truyền hình Phương Đông Minh châu cao 468m (tháp truyền hình cao nhất chấu Á). Năm 2014, thành phố sẽ có thêm tòa tháp Shanghai Tower cao 632m, có vị trí nằm ngay bên cạnh tòa nhà Trung tâm Tài chính châu Á.

Tòa tháp Trung tâm Tài chính Châu Á (496m) và tòa nhà Shanghai Tower (632m – 2014)

Ngoài ra, một trong những minh chứng cho sự phát triển thần tốc của Thượng Hải đó là việc quy hoạch, xây dựng và phát triển nhanh chóng hệ thống tàu điện ngầm (Shanghai metro). Hiện tại, thành phố đã có 12 tuyến tàu điện ngầm với tổng chiều dài 420 km, mỗi ngày đảm nhiệm việc chuyên chở tới 4.78 triệu lượt hành khách. Hệ thống tàu điện ngầm vẫn đang tiếp tục được nối dài và phát triển không ngừng, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 22 tuyến metro, với tổng chiều dài lên tới 877 km.

                                          Hệ thống tàu điện ngầm

Những năm gần đây, Thượng Hải cùng với nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc đã xây dựng được một nét đẹp đáng trân trọng, đó là ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan đô thị xanh sạch đẹp. Trên đường phố và tại các công trình công cộng không còn cảnh hút thuốc lá, vứt rác thải và khạc nhổ bừa bãi như trước đây. Đường phố, vỉa hè, ga tàu điện ngầm… luôn được lau quét sạch sẽ. Trường học, bệnh viện luôn được giữ gìn và vệ sinh hàng ngày. Đặc biệt tại khu phố Đông, chính quyền thành phố đã chú ý lập quy hoạch và xây dựng nhiều không gian công cộng lớn phục vụ nhân dân. Các khu nhà ở mới, các trung tâm thương mại lớn đều được giữ gìn sạch sẽ và được bao bọc bởi những hàng cây xanh mát. Cây xanh trồng ngăn cách giữa công trình và lối đi của người bộ hành, và cũng ngăn cách giữa người đi bộ trên vỉa hè với xe cộ dưới lòng đường.
Rõ ràng, các không gian xanh và không gian công cộng lớn đã tạo cảnh quan đẹp, đem lại một bộ mặt mới và hiện đại cho Thành phố, khẳng định một cuộc sống văn minh và ngày càng tốt đẹp hơn của nhân dân Thượng Hải.

                                         Thượng Hải ngày nay

Năm 2010 có ý nghĩa đặc biệt đối với Thành phố này, khi Thượng Hải thay mặt Trung Quốc đăng cai tổ chức Expo. Đây được coi là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của Thượng Hải, mà công tác chuẩn bị đã được bắt đầu cách đây 10 năm. World Expo được đánh giá là cuộc triển lãm lớn nhất thế giới về kinh tế, khoa học-kỹ thuật, công nghệ và trao đổi văn hóa, là sân chơi quan trọng để cả thế giới trưng bày các kinh nghiệm từ lịch sử đến hiện tại, trao đổi những ý tưởng sáng tạo hướng tới tương lai. Dưới góc nhìn của người làm nghề kiến trúc thì World Expo là nơi trưng bày và thể hiện những ý tưởng về không gian, hình tượng kiến trúc mới lạ nhất của nhân loại, cũng như các lĩnh vực kết cấu, vật liệu xây dựng, trang trí nội – ngoại thất,…

Biểu tượng của Shanghai Expo 2010 có hình tượng mô phỏng ba người : Bạn – Tôi – và Người bạn của chúng ta cùng nắm tay nhau, tượng trưng cho một gia đình lớn của nhân loại. Bản thân ba hình người đứng bên nhau cũng tạo nên chữ cái W (world), có nghĩa là thế giới, để gửi gắm ý tưởng của nhà tổ chức là mong muốn đem lại một sự kiện lớn, một không gian mang tính toàn cầu.

 

Chủ đề chính của Shanghai Expo 2010 là «Better City, Better Life» – Đô thị tốt đẹp hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn. Chủ đề này thể hiện mong muốn của toàn thể nhân loại về những môi trường sống đô thị ngày càng hoàn thiện hơn trong tương lai, giàu tính nhân văn và phát triển bền vững. Đây là dịp để các quốc gia trưng bày và giới thiệu những kinh nghiệm phát triển đô thị, những mô hình ở – làm việc – sinh hoạt mới trong những siêu đô thị; đồng thời tìm hiểu, trải nghiệm và phát huy  những điều kiện sống và làm việc mới của dân cư đô thị, nhằm tạo nên một xã hội của con người thân thiện với môi trường.

KTS.NCS Ngô Lê Minh