Từ Yangon hướng về Hà Nội

Yangon là cố đô nhưng là thành phố lớn nhất và đông dân cư nhất của Myanmar. Lần đầu tiên đến Yangon, tôi có cảm giác như mình đi xa lâu ngày trở về Hà Nội. Hai thành phố Hà Nội và Yangon tuy có nhiều khác biệt nhưng cũng  có những nét tương đồng thú vị. Yangon nằm ở ngã ba sông Bago và sông Yangon, với dân số hơn 5 triệu dân (2011) diện tích khoảng 600km2, bao gồm 32 hạt (townchip) là một thành phố lớn trong khu vực. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì Yangon là một thành phố kém phát triển.
Chùa Shwedagon nhìn từ tòa nhà Sakura – Một điểm nhấn kiến trúc quan trọng của Yangon
Yangon không phát triển theo kiểu vành đai như Hà Nội mà theo các trục hướng về trung tâm nằm ở phía Nam. Các trục giao thông chính, kết hợp với các tuyến đường sắt hướng ra phía Đông, Tây và Bắc. Khu trung tâm của TP nằm bên bờ sông Yangon là hạt Lanmadaw – có nhiều nét tương đồng với khu phố cổ của Hà Nội. Các khu vực phát triển mở rộng bám theo các trục đại lộ, hướng về phía Đông và phía Bắc của Thành phố, không gian kiến trúc có nhiều nét giống với các khu đô thị mới phía Tây của Hà Nội (khu vực Hà Tây cũ). Giao thông tĩnh tại Yangon tốt hơn Hà Nội rất nhiều, các điểm đỗ xe dọc hai bên đường khá hợp lý, các tòa nhà công cộng luôn dành những khoảng lùi nhất định cho việc đỗ xe. Đường xá trong khu trung tâm rộng hơn Hà Nội, ít thấy cảnh tắc đường mặc dù dân số của Yangon không thua kém mấy. Thành phố cấm xe máy lưu thông nên hình ảnh giao thông đô thị không lộn xộn và ngột ngạt như giao thông Hà Nội giờ tan tầm. Trải qua gần 100 năm đô hộ, người Anh đã để lại cho khu trung tâm Thành phố Yangon một quy hoạch rất ngăn nắp với những nét đặc trưng riêng. Họ dành nhiều diện tích cho giao thông, quy hoạch theo dạng ô cờ nhưng không có ngõ, ngách như khu phố cổ Hà Nội. Tuy diện tích dành cho nhà ở ít đi, nhưng về giao thông rất tốt, đường phố rất đẹp và thông thoáng, nó sẽ hạn chế hình thành các khu làng trong phố như ở Hà Nội.
Trục trung tâm của thành phố Yangon
Có nhiều nét tương đồng về cảnh quan chung của Yangon với Hà Nội. Đầu tiên phải kể đến  những con đường rợp bóng cây, trong thành phố có những nhánh sông nhỏ uốn lượn chạy qua các khu dân cư, có hai hồ lớn là hồ Kandawgyi ở khu trung tâm giống như hồ Hoàn Kiếm và hồ Inya rộng lớn – giống Hồ Tây của Hà Nội. Về không gian kiến trúc của Yangon có thể chia ra làm 3 mảng chính:
1.Kiến trúc các khu phố cũ: Trong thời gian thực dân Anh đô hộ Myanmar (thế kỷ XIX) đã biến Yangon thành một thương cảng sầm uất, đồng thời đã để lại rất nhiều công trình kiến trúc theo phong cách đa văn hóa: Gothic, Baroque, Moor.., đi trong không gian khu phố này rất giống với không gian của khu phố cổ Hà Nội. Các công trình kiến trúc công cộng, các dãy nhà ống trong khu phố cũ mang nhiều giá trị về mặt kiến trúc. Tuy nhiên, các công trình này chưa thực sự nhận được sự quan tâm và có kế hoạch gìn giữ thỏa đáng. Bên cạnh những công trình cũ mang dấu ấn thời gian, xuất hiện rất nhiều công trình mới xây chen tùy tiện và không có quy hoạch. Một số công trình trong khu phố cũ có giá trị về kiến trúc phải kể đến như: Tòa án Tối cao, Tòa thị chính, Chợ Bogyoke, Bệnh viện đa khoa, các dãy nhà phân lô trong các khu phố cũ… Kiến trúc thuộc địa đã làm nên một bản sắc riêng cho khu vực trung tâm của Yangon.
Chợ Bogyoke là khu chợ nổi tiếng nhất Yangon, ở đây mặt hàng chủ yếu là đá quý và đồ trang sức. Không gian chợ được ngăn chia bởi nhiều gian hàng nhỏ, mỗi gian hàng chỉ khoảng 10m2. Chợ Bogyoke được xây dựng từ thời thuộc địa Anh nhưng đến nay vẫn còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo.
2. Kiến trúc mới từ thời mở của: Từ khi được nới lỏng lệnh cấm vận từ các nước phương Tây, mấy năm gần đây Myanmar được kỳ vọng như mỏ vàng cuối cùng của châu Á. Sự gia tăng bất thường của các công ty đa quốc gia đổ bộ vào Myanmar và sự lựa chọn đầu tiên nhắm tới vẫn là thành phố Yangon. Cùng với sự mở cửa và hội nhập là sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng, mang đến cho Yangon diện mạo mới đổi thay từng ngày. Các tòa nhà cao tầng đang được triển khai xây dựng trên những mảnh đất vàng ở khu trung tâm, đa số do các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Singapore… Tuy nhiên, các công trình cao tầng không chú ý nhiều đến yếu tố bản địa mà vẫn theo xu hướng toàn cầu hóa thường thấy ở các đô thị đang phát triển. Một vài công trình đáng chú ý như: Traders Hotel, Sakura building, The Grand Meeyahta, Yuzana Centrer, Khách sạn Sakura Residence, …
3.Kiến trúc các công trình tôn giáo: Có lẽ không nơi đâu các công trình tôn giáo được đề cao như ở Myanmar. Có tới 85% dân số theo Đạo Phật, vì thế các công trình kiến trúc Chùa được đặc biệt chú ý và chăm sóc tỷ mỉ. Nổi tiếng nhất phải kể đến ngôi chùa Shwedagon (Chùa Vàng) được xây dựng vào khoảng thế kỷ VI đến thế kỷ X. Đây được coi là ngôi chùa đẹp và linh thiêng nhất Myanmar, trở thành biểu tượng của đất nước Myanmar và là niềm tự hào của người dân Yangon. Chùa Shwedagon nằm trên đồi Singuttara, vây quanh tháp chính cao hơn 100m là một rừng các tháp nhỏ, ngôi chùa là điểm nhấn không gian cho toàn thành phố. Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp sư tử thần canh gác, phía ngoài tháp chính được dát bằng vàng lá, đỉnh tháp được gắn một viên kim cương 76 carat. Khi vào Chùa mọi người phải cởi giày dép và đi vòng quanh tháp chính theo chiều kim đồng hồ. Đa phần người dân Myanmar đều hướng tới Phật với lòng thành kính và đức tin sâu sắc – họ coi chùa như nhà, như trường học và cũng là nơi tĩnh tâm sau những giờ làm việc. Bên cạnh các công trình kiến trúc chùa nổi tiếng và độc đáo, Yangon cũng có những công trình tôn giáo khác được xây dựng từ thời thuộc địa và có nhiều giá trị về mặt lịch sử kiến trúc, đáng chú ý là nhà thờ Hồi giáo Narsapuri Moja được xây dựng từ năm 1855 nằm trong khu phố cũ của Yangon, Nhà thờ Cơ đốc giáo; nhà thờ cho đạo Hindu đều nằm trên trục đường chính Bogyoke Aung San.
Yangon còn rất nhiều điều thú vị về cuộc sống và con người nơi đây mà hành trình khám phá là vô tận. Hãy đến và cảm nhận về một thành phố mà đàn ông mặc váy, ăn trầu, một đô thị quy định đi xe bên phải nhưng cho phép xe ô tô chạy cả tay lái bên phải và bên trái. Myanmar là một đất nước tuy còn nghèo và kém phát triển về hạ tầng đô thị và hạ tầng viễn thông nhưng lôi cuốn bằng sự thân thiện của người dân – đất nước của Chùa Vàng và những giá trị nhân văn quý hơn Vàng.
KTS Nguyễn Đăng Trường Lâm