Kiến trúc đương đại Hà Nội, con đường để đi tìm một hình tượng mới cho Hà Nội

Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ” 
Tạm dịch là “Chuyến đi nghìn dặm là do những bước chân đầu tiên”
(Đạo đức kinh – Lão Tử 600. BC)
Hà Nội là mảnh đất vốn sinh ra từ những dòng nước, và vì thế mà ngay từ thuở hồng hoang đã là khác biệt so với các vùng đất khác. “… Thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng… Xem khắp đất Việt ta chỉ có nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…”
(Chiếu dời đô – Lý Thái Tổ 1010)
 
Trong suốt 1000 năm phát triển của Hà Nội, người Việt chúng ta đã liên tục khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước có hơn 4000 năm lịch sử qua những gì mà Hà Nội có được của ngày hôm nay, nhừng gì đã đang và sẽ luôn là hình tượng của Hà Nội: 
Khu Hoàng thành Hà Nội (1010), nơi các bậc đế vương nuôi hy vọng “gây dựng sự nghiệp cho hàng vạn thế hệ mai sau”  
Khu Văn Miếu, Quốc Tử Giám (1070 – 1076) ghi dấu một dân tộc Việt có truyền thống coi trọng việc học và đào tạo người hiền tài để làm nguyên khí cho đất nước.
Khu phố cổ 36 phố phường là dấu ấn của một kinh thành với những phường thợ làm ăn tấp nập mà như Samuel Baron, một người Anh đến thăm Hà Nội khi đó đã miêu tả: “hoạt động náo nhiệt hơn hầu hết các thành phố Châu Á khác bởi rất đông người, đặc biệt vào ngày mùng một và hôm rằm hàng tháng theo âm lịch, vốn là những ngày có phiên chợ chính, khi dân cư từ các làng lân cận đổ về đây với các loại hàng hoá buôn bán nhiều vô kể. Nhiều đường phố lúc bình thường rộng rãi, nhưng vào những ngày đó trở nên chật chội tới mức người ta sẽ cảm thấy may mắn nếu có thể lách qua được đám đông để đi được khoảng một trăm bước chân mà chỉ mất nửa giờ”.
Hà Nội còn đặc sắc và quyến rũ khi bao quanh nó là các làng nghề với những sản vật đã đi vào lịch sử như làng đúc đồng Ngũ Xá, làng giấy Yên Thái, làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá, làng đào Nhật Tân, làng gốm Bát Tràng…
Hà Nội e ấp và xúc động với những “phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm Hoa sữa thơm nồng” và với những Biệt thự kiểu thuộc địa lãng mạn và đầy chất thơ.
Hà Nội có ngưòi Hà Nội thanh lịch, khéo tay hay nghề đất lề kẻ chợ. Người Hà Nội nổi tiếng về sự tinh tế trong cuộc sống, trong ẩm thực, thẩm mỹ. Các món ăn Hà Nội nhẹ nhàng, những không gian Hà Nội ẩn chứa cuộc sống nội tâm sâu sắc.
Tất cả những điều này đã làm nên một Hà Nội ăn sâu vào tiềm thức của ngươì dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Hà Nội trở thành nguồn cảm hứng trong văn thơ nhạc họa và kiến trúc. 
Hà Nội hầu như không thay đổi kể từ khi chấm dứt thời Pháp thuộc.
Trong 20 năm gần đây nhất của lịch sử 1000 năm phát triển của mình, với sứ mệnh là trái tim của cả nước, Hà Nội đã đi đầu trong công cuộc đổi mới, là một trong những tâm điểm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hà Nội là nơi mà có thể thấy rõ nhất sự hiện diện của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, và Hà Nội cũng là cái nôi của quá trình đô thị hóa với một tốc độ xưa nay chưa từng có. Đây là những điều kiên hết sức thuận lợi để người Việt Nam lại có cơ hội khẳng định một lần nữa sức mạnh của bản sắc văn hóa dân tộc.
Sự thay đổi về cơ cấu sinh hoạt và sử dụng của các Khu nhà tập thể đã cho thấy một Hà Nội uyển chuyển và đầy sức sống. Người Hà Nội đã chứng tỏ được khả năng thích ứng với môi trường và sự linh hoạt qua những cải thiện không gian sống của riêng mình. Các khu tập thể là các không gian đô thị luôn đầy ắp sự sống, là một hình thái mới của không gian 36 phố phường đã đi vào huyền thoại dù rằng các Khu nhà tập thể này dựa trên mô hình của các nước XHCN không được thiết kế để tạo nên các không gian đó. Tuy nhiên do việc thay đổi chức năng sử dụng tầng 1 (từ ở sang kinh doanh và ở) của các Khu nhà tập thể này đã hình thành nên cuộc sống đô thị theo cách riêng của nó. Trong hơn 30 năm xây dựng (từ sau năm 54 đến thập kỷ 90 của Thế kỷ 20) phục vụ cho công cuộc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, các khu nhà tập thể đã liên tục được thay đổi để phù hợp với nếp sống sinh hoạt của người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. 
Việc cơi nới các không gian ở trên cao để cải thiện cuộc sống đã chứng minh cho một ý chí khát khao vươn lên thay đổi cuộc sống của người Việt Nam. Bên cạnh đó các không gian mà được gọi là “chuồng cọp” này vô tình đã đem lại một diện mạo Kiến trúc và không gian hết sức đặc sắc cho đô thị. Những người dân của các khu tập thể này có thể sẽ ngạc nhiên và tìm thấy những nét thân quen khi nhìn những công trình nhà ở của người Hà Lan xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 21 – những cấu trúc tương tự như những gì người Hà Nội đã sáng tạo ra vào thế kỷ trước.
 
Nhà ống và biệt thự vốn đã là những công trình Kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội. Khu phố cổ (36 phố phường) được tạo nên từ những dãy phố của nhà ống đã thành công trong việc tạo ra không gian đô thị và phản ánh chân thật những triết lý sống và bản sắc văn hóa của người Hà Nội xưa. Các khu biệt thự kiến trúc kiểu thuộc địa đã trở thành huyền thoại và cho đến bây giờ vẫn luôn là hình mẫu lý tưởng để người Hà Nội nơi riêng và Việt Nam nói chung cố gắng làm theo, dù rằng chúng được sinh ra ở những thời đại khác nhau. Cũng như ở tất cả các đô thị khác của Việt Nam, trong quá trình đô thị hóa, nhà ống vẫn luôn là một trong những bộ phận chủ đạo cấu thành của các đường phố và hoạt động tương tự như khu phố cổ 36 phố phường. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, tại bất cứ đâu có nhà ống thì ở đấy sẽ hình thành nên không gian và cuộc sống đô thị. Cũng không thể bỏ qua việc hầu hết các đô thị Việt Nam đều hình thành từ những dãy nhà ống dọc theo hai bên một trục đường chính.
Các nhà chuyên môn và giới học thuật đã không ngớt chê trách những trào lưu mới của Kiến trúc nhà tư nhân bao gồm biệt thự và nhà ống. Các dãy nhà ống của thời kỳ phát triển này mang một tầm vóc và diện mạo mới. Cuộc sống và các trang thiết bị hiện đại cho sinh hoạt gia đình đã làm cơ bản thay đổi cơ cấu nhà ống. Có thể còn có rất nhiều những điều đáng phải tranh luận về Kiến trúc của mô hình nhà ở này, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận về những cố gắng của chủ nhân trong việc tô điểm trau chuốt không gian sống cho riêng mình và cho đô thị. Hà Nội có thể sẽ mất đi bản sắc riêng nếu không có những không gian đô thị kiểu đó.
Hầu như tất cả các công trình biệt thự đều (phải) it nhiều mang âm hưởng của kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội. Nếu nghĩ đễn sự thật về bản tính con người muôn hình vạn trạng và quan niệm về cái đẹp rất không đồng nhất thì đây đúng là một hiện tượng và sự thành công của người Pháp khi đã sáng tạo ra một loại hình Kiến trúc có thể ăn sâu vào tâm trí của người Hà Nội và Việt Nam đến như vậy. Rất tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể tìm ra được một hình mẫu nào khác mang tính thời đại của ngày nay và có giá trị tương đương như vậy. Việc xây dựng sao chép các biệt thự cổ đã làm mất đi giá trị của kiến trúc – đó là tính thời đại và cũng tạo ra một thứ chủ nghĩa hình thức giả dối.  
Người ta nói rằng một đô thị hiện đại không thể thiếu các công trình cao tầng. Trên khía cạnh thực dụng thì nhà cao tầng là hướng đi hoàn toàn đúng đắn khi mà dân số đô thị ra tăng, và quỹ đất hạn hẹp cần phải ưu tiên cho các không gian công cộng. Mô hình đô thị theo chiều đứng với các tầng dưới phục vụ cho thương mại, và các tầng trên để ở đã được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và các nước phát triển tại Châu Á. Mặc dù đây là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nhưng đã được người dân chào đón rất nồng nhiệt do việc sở hữu một căn hộ cao cấp khẳng định đẳng cấp theo cách hiểu của phần lớn cũng như giá của một căn hộ cao cấp cũng không phải là thấp không chỉ so với thu nhập của người Việt Nam mà ngay cả so với mặt bằng giá của các nước phát triển. Ngoại trừ một vài công trình nhà ở cao tầng được xây dựng đan xen trong các khu phố cũ thì hầu hết các khu nhà cao tầng đều nằm trong Khu đô thị mới. Khuôn mẫu thiết kế cho các khu đô thị này được lấy từ các nước phát triển trong khu vực như Malaysia, Singapore, Hongkong, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một điều đáng chú ý khi đến các khu đô thị này là ở đó không còn tồn tại một không gian đô thị đặc trưng của Hà Nội nữa. Ở đó tồn tại một không gian đô thị khép kín hướng nội nhiều hơn hướng ngoại, ngược hẳn lại với nếp sống của các nước nhiệt đới. 
 
Trong khi ở các nước phương Tây, việc tạo ra sức sống đô thị luôn là mục tiêu hàng đầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế thi tại các Khu đô thị mới của Hà Nội các không gian khép kín đã vô tình làm giảm bớt đi sức sống và ngắt đoạn dòng chảy đô thị. Việc duy trì trật tự đô thị bằng các hàng rào cứng và cổng ngăn cách là không thể áp dụng khi muốn duy trì một đô thị liền mạch và trong một xã hội dân chủ. Hơn nữa hình thức kiến trúc cổng của các Khu đô thị này cho thấy một tư tưởng hãnh tiến, ngộ nhận và thiếu bản sắc của lớp người Hà Nội mới. “Những khu đô thị mới dường như chỉ dành riêng cho những người thắng cuộc của quá trình chuyển đổi, vì giá rất cao mà chỉ có họ mới có khả năng mua. Những người này đang đặt ra các xu hướng mới của xã hội. Những ranh giới ngăn cách xã hội đô thị và không gian đang trở nên ngày càng không khắc phục được” (Claas Doernte)
Cũng như vậy đối với việc tổ chức các căn hộ. Ở đây đòi hỏi các KTS cần có một hiểu biết thật sự sâu sắc về văn hóa bản địa và các tập quán xã hội của người sử dụng cuối cùng: người dân. 
Điều cuối cùng trong kiến trúc của các công trình cao tầng là sự thiếu vắng không gian cảnh quan đặc trưng của Hà Nội và tính ngẫu hứng của mặt nhà. Nét đặc trưng của không gian cảnh quan Hà Nội cũ là sự đan xen và đa dạng của không gian mặt nước và cây xanh. Các không gian cảnh quan của các Khu đô thị mới Hà Nội đêu thiếu tính bền vững và mất cân bằng. Có qua nhiều diện tích sân đường bị kiên cố hóa (lát bằng vật liệu cứng), có quá nhiều sân vườn cảnh, cây cảnh như cau vua, mà thiếu các không gian sân vườn tự nhiên, thiếu không gian mặt nước, thiếu không gian thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em. Ngược lại với những tiết tấu ngẫu hứng và rất Hà Nội của các khu nhà tập thể cũ, hình ảnh của các toà nhà cao tầng tại các khu đô thị mới là một sự buồn tẻ và đơn điệu cả về không gian lẫn vật liệu.  
 
Hà Nội là một thành phố gồm nhiều thành phần đô thị ghép lại với nhau. Mỗi một thành phần đều mang dấu ấn vật chất và văn hóa của một giai đoạn phát triển đô thị và trở thành bản sắc văn hóa. Kiến trúc đương đại Hà Nội cũng đang mang trên mình những dấu ấn vật chất của thời kỳ đô thị hóa diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, nhưng để có thể trở thành những hình tượng mới cho Hà Nội như Khu phố cổ, Khu Pháp thuộc… thì còn là một chặng đường rất dài, không chỉ của các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư, mà còn là của mỗi một người dân Hà Nội bởi vì bản sắc văn hóa không phải ở hình thức mà trước hết phải được xác định trong tiềm thức.
 
Finko Nguyễn Thế phương