Kiến trúc sư và sự kiến tạo Mùa xuân

Mỗi người dân Việt Nam trên khắp năm châu bốn bể đến thời khắc giao mùa này vẫn nao nao mong chờ, những bận bịu của ngày thường dường như được giản lược tới tối thiểu. Vì sao? Mùa xuân của tự nhiên được kiến tạo bảo bởi sự giao thoa của Trời Đất, của Thiên nhiên. Mùa xuân của con người còn hơn thế nữa vì nó được kiến tạo bằng âm nhạc, bằng nghệ thuật…

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về…”

Vậy là mùa xuân đã về. Những tháng ngày mệt nhòai với công việc lại được giãn ra bằng một điệu valse nhẹ nhàng, êm ái: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về / Mùa bình thường mùa vui nay đã về / Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên / Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông / Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.”

Điệu nhạc đó đã đi vào lòng người Việt từ vài thập kỷ qua từ cái “Mùa Xuân đầu tiên” ấy của đất nước. Khi Đất Trời đang khoan thai khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của mùa xuân và chúng ta hình dung lại hình ảnh những ngón tay khô gầy của nhạc sỹ Văn Cao trên những phím dương cầm vàng ố màu thời gian đang kiến tạo nên những vần điệu mùa xuân tuyệt diệu, chắc rằng mỗi kiến trúc sư sẽ tự đặt cho mình câu hỏi “Ta có đang kiến tạo điều gì đó cho mùa xuân không?

Mùa xuân của Văn Cao dặt dìu theo con én về, mênh mang, mơ màng và tưởng chừng như Xuân thật đơn giản với tiếng gà gáy xa xa, khi những giọt nắng trưa vàng cùng những sợi khói bềnh bồng len nhè nhẹ qua vòm cây, kẽ lá song lại có sức biểu cảm vô vàn, lay động lòng người.

Cái “mùa bình thường” của Văn Cao đã là sự mong mỏi của biết bao thế hệ. Ngày hôm nay tuy những hình ảnh xao xuyến trong sự bỡ ngỡ trước cảnh mùa xuân tươi mới của những người mẹ đón những đứa con về sau cuộc chiến, nước mắt, niềm hạnh phúc, những giây phút trùng phùng thiêng liêng ấy đã là lịch sử thì những niềm vui, niềm hạnh phúc được sống trong cảnh thanh bình, sự hưng vượng của xã hội là điều mỗi chúng ta đều phải hết sức trân trọng: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về / Người mẹ nhìn đàn con nay đã về / Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên / Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh.”

Mỗi người dân Việt Nam trên khắp năm châu bốn bể đến thời khắc giao mùa này vẫn nao nao mong chờ, những bận bịu của ngày thường dường như được giản lược tới tối thiểu. Vì sao? Mùa xuân của tự nhiên được kiến tạo bảo bởi sự giao thoa của Trời Đất, của Thiên nhiên. Mùa xuân của con người còn hơn thế nữa vì nó được kiến tạo bằng âm nhạc, bằng nghệ thuật… Mùa xuân của chúng ta còn được kiến tạo từ tâm đạo của dân tộc, của bản tính con người, của thói quen ứng xử, của mỗi hành động và hành vi của tôi, của anh và của chúng ta. Văn Cao kiến tạo một mùa xuân bằng những vần điệu ca từ cho bản thân ông và gửi đến trong lòng mọi người một “mùa xuân đầu tiên” tuyệt diệu một cách “bình thường” nhất. Chợt xoay lại những dòng suy ngẫm đó, lòng chúng ta lại không thể không khỏi băn khoăn: “Thế chúng ta đã kiến tạo gì cho mùa xuân?”. Về nguyên tắc, kiến trúc sư chúng ta, trên một góc độ nào đó, được xã hội giao cho một quyền năng kiến tạo hình ảnh biểu trưng của xã hội. Nhưng hiện nay, những bài tóan quy họach của chúng ta đang còn nhiều uẩn khúc, những công trình kiến trúc còn vương vấn những ấm ức, những công trường xây dựng còn ngổn ngang như đang vô tình trêu ghẹo mùa xuân… thì đó phải là câu hỏi của mỗi chúng ta!

Lời nhạc của Văn Cao mượt mà, sang trọng và cũng không hẳn chỉ là như thế, trong tác phẩm của mình, bằng xúc cảm của người nghệ sỹ, ngày ấy ông đã tinh tế chuyển tải đến chúng ta những cảm xúc một cách chân thành tuyệt đối, những giá trị nhân văn: “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ là mùa xuân của hoan ca mà còn là mùa xuân của sự bừng tỉnh của tính nhân bản được đánh thức trong mỗi con người: “Từ đây người biết quê người / Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người.”

Ấy vậy mà câu ca từ này lại như một lới cầu thị cho xã hội chúng ta hiện nay. Từ sự bon chen trong bần hàn của cuộc sống cơm áo gạo tiền và những mối lợi cá nhân dường như đang làm người ta quên mất đi tình yêu thương của “người biết thương người”, của “người biết yêu người”. Mùa xuân mới đang dần tới, trong sắc xuân rực rỡ trên những phố phường từ nông thôn đến thành thị, cây cỏ giang cành lá quấn quít với gió xuân, mỗi chúng ta chắc hẳn lòng tràn ngập niềm vui sướng trong sự thanh bình, chợt lặng nghe những lời ca giản dị của người nhạc sỹ kỳ tài, mong mỏi tin tưởng vào những giá trị chân thật của con người sẽ quay trở lại.

Người ta nói, trong âm nhạc, Văn Cao là người tự do và hạnh phúc. Thế với chúng ta, ai đã là người được tự do và hạnh phúc trong kiến trúc để có thể góp niềm hứng khởi “kiến tạo mùa xuân”?

Mượn lòng của nhạc sỹ, chúng ta thầm nghĩ, như một cuốn phim, cuộc đời từ những ngày thơ dại đến những cam khó, gian nan, những lời hứa không hoàn thành, những bổn phận nhiệm vụ còn dở dang trở về bên cạnh những hạnh phúc, hân hoan những vun đắp tràn đầy… Có lẽ những thời khắc chuyển mùa tống cựu nghinh tân này đang nhắc chúng ta về dĩ vãng, về tương lai, về những kỳ vọng của nghề và nghiệp.

Mùa xuân là mùa của Đất Trời giao hòa, mùa của hy vọng và ước mơ, mùa của mùa màng no ấm và xum họp… khi thực sự cảm nhận hết ý nghĩa kiến tạo của “Mùa xuân đầu tiên” thì cũng là lúc chúng ta tiếp tục trả lời cho câu hỏi: “Mỗi chúng ta đã có kiến tạo điều gì đó cho mùa xuân chưa?”.

 TS.KTS Hoàng Anh Tú