“Luật kiến trúc sư” – Một tất yếu cho việc tổ chức, quản lý hoạt động và hành nghề của kiến trúc sư

Việt Nam là một đất nước chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của quá trình đô thị hoá, với gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, kiến trúc Việt Nam trong những năm qua đã giữ vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy đột phá trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đất nước giàu đẹp xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Trên cơ sở quan điểm phát triển kiến trúc, có những nội dung cơ bản sau:
– Kiến trúc phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
– Kiến trúc phục vụ đường lối phát triển văn hoá – nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của Đảng;
– Kiến trúc đáp ứng nhu cầu tiến bộ của khoa học và công nghệ thế giới;
– Phát triển kiến trúc phù hợp với thiên nhiên, địa hình, khí hậu của các vùng lãnh thổ;
– Kiến trúc phát triển bền vững trong môi trường sinh thái;
– Kiến trúc phục vụ công tác an ninh – quốc phòng nhằm giữ vững ổn định chính trị – xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ thành quả XHCN.
Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với những đặc điểm thiên nhiên và xã hội Việt Nam, đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tạo môi trường hành nghề lành mạnh, có kỷ cương, có pháp luật và thuận lợi cho sáng tạo của KTS… thì cơ chế quản lý kiến trúc phải được hình thành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đội ngũ quản lý có trình độ, đủ khả năng theo dõi quản lý các hoạt động kiến trúc, trên cơ sở thực hiện đầy đủ các điều khoản của pháp luật, các quy chế hành nghề, phát huy quyền dân chủ, tự do trong sáng tác của KTS.

TỪ THỰC TRẠNG
Với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 và xa hơn nữa, yêu cầu cao nhất của sáng tạo kiến trúc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tạo ra các không gian kiến trúc ở đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tốt những tiến bộ, văn minh thế giới, đồng thời phải đảm bảo phát huy tốt những đặc trưng của bản sắc văn hoá dân tộc. Những người làm kiến trúc cần biết kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp để tạo ra các không gian kiến trúc hiện đại, có bản sắc, tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường cân bằng sinh thái, thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần ngày một cao của nhân dân.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, kiến trúc Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức, bất cập lớn trong việc tổ chức, quản lý hoạt động và hành nghề của kiến trúc sư (KTS). Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, mô hình đào tạo chưa tương thích với xu thế hội nhập quốc tế, chương trình đào tạo chưa được quốc tế công nhận… Bên cạnh đó, KTS Việt Nam phần lớn chưa có cá tính sáng tạo, chưa tạo được trường phái riêng cho mình, thiếu những người khởi xướng mang tính đột phá, đề ra những ý tưởng táo bạo đồng thời sẵn sàng đón nhận thách thức khi bảo vệ quan điểm. Mặt khác, cơ chế chung về quản lý hiện nay đã tạo ra nhiều bất cập trong hành nghề KTS, đó là:
– Môi trường hành nghề thiếu lành mạnh, chưa tương thích với kinh tế thị trường, dư âm của hệ thống quản lý bao cấp còn quá nặng, tư tưởng xem nhẹ nhà tư vấn trong nước so với tư vấn nước ngoài vẫn còn phổ biến. Các chủ đầu tư thường mời tư vấn nước ngoài tham gia nhưng lại thiếu cân nhắc khi tiếp nhận kiến trúc có chất lượng thấp du nhập từ bên ngoài vào, hiện tượng vận động hành lang trong các mối quan hệ hành nghề còn khá phổ biến…
– Để hoàn thành một tác phẩm kiến trúc, KTS cần phải xử lý rất nhiều mối quan hệ như: cơ chế quản lý nhà nước; chủ đầu tư, quan hệ phối hợp với những nhà tư vấn chuyên nghiệp (quản lý dự án; kỹ sư kết cấu, điện nước, điện lạnh, an toàn, môi trường, phòng cháy, nhà cung cấp vật liệu, nhà thầu thi công…); trong đó có những mối quan hệ đối đầu về mặt lợi ích. Các mối quan hệ này chưa được chuẩn hóa hay quy định rõ ràng nên KTS phải chịu nhiều sức ép (về lợi ích kinh tế, về tính thực dụng, về thời gian hoàn thành và thậm chí xâm phạm quyền tác giả…) làm ảnh hưởng tới chất lượng của công trình, giảm giá trị sáng tạo trong tác phẩm, gây tổn hại cho giá trị đầu tư cũng như những thiệt hại khó lường cho xã hội.
– Ngoài ra, tính chất hành chính trong quản lý nhà nước về hành nghề KTS thời gian qua không hiệu quả, chỉ quản lý được về mặt hành chính, không thể quản lý đạo đức nghề nghiệp KTS cũng như các vi phạm về đạo đức trong hành nghề. Không có định chế để bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp và hoạt động của giới KTS trước áp lực từ nhiều phía (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu, sự dễ dãi trong sáng tác nhằm chiều theo ý khách hàng…), không kích thích sự sáng tạo trong hoạt động mang ý nghĩa thẩm mỹ cao này, từ đó dẫn đến lãng phí gây thiệt hại tổn thất lớn cho xã hội.
Các hoạt động hành nghề của KTS hiện nay cơ bản được quản lý bởi các văn bản dưới luật, các tiêu chuẩn quy phạm chuyên môn, điều chỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung là rải rác, tản mạn, và thiếu đồng bộ, dẫn đến việc bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm kiến trúc còn lỏng lẻo, số vụ kiện liên quan đến bản quyền trong lĩnh vực kiến trúc hầu như chưa được quan tâm (trong khi trên thực tế tình trạng vi phạm bản quyền trong kiến trúc lại phổ biến và khá phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức trong các khâu từ thiết kế đến thi công công trình) Chuẩn mực đạo đức cho hoạt động hành nghề KTS chưa có, hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, văn hóa kiến trúc, cạnh tranh nghề nghiệp mang tính thương mại không lành mạnh, không lấy chất lượng chuyên môn làm chuẩn, thiếu trung thực nghề nghiệp, gây mất đoàn kết, làm giảm lòng tin của xã hội đối với giới KTS… Bên cạnh đó, nghề kiến trúc đang vận hành trong nền kinh tế thị trường với sự đa dạng hóa nguồn vốn, hoạt động nghề nghiệp của KTS bị tác động bởi lợi ích kinh tế, chất lượng sáng tác kiến trúc bị chi phối theo hướng xấu… Nguyên nhân của những bất cập này là: do các văn bản pháp luật liên quan đến hành nghề KTS chưa được thống nhất thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở đặt nền tảng pháp lý cho việc tổ chức các hoạt động và hành nghề kiến trúc, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển tương lai của nền kiến trúc Việt Nam;
– Chưa có một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đúng tầm với vị thế của nghề kiến trúc để đảm nhiệm vai trò quản lý hoạt động của KTS và việc hành nghề kiến trúc theo thông lệ quốc tế. Các KTS nước ngoài tham gia thiết kế ở Việt Nam với các mẫu thiết kế không phải do mình sáng tác đã vi phạm bản quyền ở nước ngoài nhưng chưa có biện pháp để giải quyết ở Việt Nam.
– Nghề KTS đang đứng trước những thách thức và cơ hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, do đó cần chủ động thích ứng với những thay đổi. Điển hình nhất, trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, những bất cấp về thiết kế phí ngày càng lộ rõ. Hiện nay, thiết kế phí giá chưa đánh được một cách đầy đủ chất xám của những người làm nghề, gây ra những bất cập giữa sức và lực, dẫn đến sự lép vế của đội ngũ KTS trong nước ngay trên sân nhà.
– Việc điều phối hài hoà giữa các công trình phục vụ an ninh quốc phòng (các công trình phòng thủ, khống chế chiều cao công trình tại những khu vực liên quan đến tầm bay, sóng vô tuyến… trong vấn đề an ninh – quốc phòng) với kiến trúc cảnh quan đô thị chưa có một quy định cụ thể, nhằm bảo đảm quan điểm kiến trúc phục vụ công tác an ninh – quốc phòng, bảo vệ thành quả XHCN.

NHU CẦU TẤT YẾU: XÂY DỰNG LUẬT HÀNH NGHỀ KTS
Để đáp ứng mục tiêu và định hướng chung cho nền kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới, khắc phục những yếu kém bất cập trong tổ chức, quản lý hoạt động và hành nghề KTS đòi hỏi cần thiết ban hành Luật KTS – Việc ban hành Luật KTS trong bối cảnh hiện nay là đòi hỏi của thực tiễn đổi mới, hội nhập và cũng là yêu cầu cấp bách. Bởi những lý do sau đây:
1) Kiến trúc vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học tổ chức không gian sống cho con người, nó vừa thuộc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, mà cũng là khoa học kỹ thuật. Sản phẩm của kiến trúc là sản phẩm trí tuệ và tồn tại lâu bền. Trong quá trình hoàn thành, người ta đã sử dụng nguồn vốn xã hội và hiệu quả có được là sản phẩm mang giá trị xã hội, giá trị văn hoá, sự bền vững của môi trường, tính tiện nghi trong phục vụ cuộc sống, đồng thời kiến lập sự an toàn cho con người.
2) Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng sự nghiệp phát triển đô thị và kiến trúc nước nhà, cũng như nhiệm vụ xây dựng đội ngũ KTS có đức, có tài, có đủ khả năng xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam ngang tầm với các nền kiến trúc tiến bộ trên thế giới. Nghị quyết hội nghị lần thứ V, BCH TW Đảng khoá VIII; Nghị quyết BCH TW Đảng khoá IX,… là những tiền đề để từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém, nhằm phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI một lần nữa khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức…” và ” … Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại…”. Tại định hướng  phát triển nền kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt theo QĐ số 112/2002/QĐ – TTg ngày 03/9/2002 khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế hành nghề KTS trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chế độ KTS đăng ký; quy định về đạo đức người đăng ký, năng lực nghề nghiệp để xin đăng ký; trình tự thủ tục đăng ký; quy định chế độ hành nghề KTS, cho phép kết hợp tư cách đơn vị thiết kế và tư cách cá nhân KTS đăng ký”.
3) Hội KTS Việt Nam là thành viên Hội KTS Quốc tế (UIA). Tổ chức này rất quan tâm đến chất lượng hành nghề kiến trúc của KTS. Cụ thể là: “Quy ước quốc tế tiêu chuẩn hành nghề Kiến trúc” đã được Đại hội UIA lần thứ XXI thông qua tại Bắc Kinh năm 1999; ” Khuyến nghị hành nghề” được Đại hội XXII thông qua tại Berlin năm 2002 (Khuyến nghị hành nghề này đã được ban hành với sự thỏa hiệp công nhận của Tổ chức thương mại thế giới WTO). Điều đó đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh thể chế pháp luật liên quan đến vấn đề tổ chức và quản lý hành nghề kiến trúc theo hướng phù hợp với những nguyên tắc, thông lệ của khu vực và thế giới, cụ thể là phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên của WTO, đồng thời phù hợp với “Khuyến nghị hành nghề” của UIA.
4) Trong thời gian qua, ngành kiến trúc và KTS đã đóng góp rất nhiều vào quá trình đô thị hoá cũng như góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước. Hiện nay, mọi hoạt động của kiến trúc đều chịu sự  điều tiết của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản dưới luật. Đây là một khoảng trống trong quản lý, từ đó dẫn đến tình trạng mất ổn định trong phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn, đặc biệt là ở các thành phố lớn – Kiến trúc phát triển nhanh về khối lượng nhưng lại kém về chất lượng và thẩm mỹ; kiến trúc đô thị phát triển manh mún và lộn xộn dần mất đi bản sắc kiến trúc Việt Nam. Bên cạnh đó, KTS còn phải hành nghề theo Luật Doanh nghiệp, từ đó thiếu chế tài để kiểm soát về năng lực chuyên môn, đạo đức làm nghề, cũng như quyền lợi của KTS, từ đó sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
– Việc ban hành Luật Kiến trúc sư – một văn bản quy phạm pháp Luật có hiệu lực pháp lý cao để thống nhất điều chỉnh về hoạt động hành nghề của KTS Việt Nam và KTS nước ngoài hoạt động tại VN là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng xu thế chung của thế giới và phù hợp với cam kết quốc tế. Xây dựng Luật KTS cần chú trọng những nội dung sau:
1. Việc xây dựng và ban hành Luật KTS nhằm tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của KTS trong hành nghề. Luật KTS với sự kế thừa các quy định của pháp luật hiện nay, với những sửa đổi, bổ sung, có tính pháp lý cao, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc tổ chức và quản lý hành nghề của KTS; đồng thời thống nhất điều chỉnh về hoạt động hành nghề của KTS và KTS nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO…
2. Công nhận tính pháp lý của Đoàn KTS giống như Đoàn Luật sư, (được quy định trong Luật Luật sư); xem Đoàn KTS là tổ chức quản lý KTS đang làm nghề. Hội KTS và Đoàn KTS hoạt động độc lập, nhưng có mối quan hệ gắn bó về nghề nghiệp.
3.  Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm trong việc tạo môi trường, hành lang pháp lý cho hành nghề KTS trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch đô thị, nhưng nhìn chung vẫn thiếu hệ thống và không làm rõ được những đặc thù riêng của nghề KTS, đặc biệt là không đề cập được những vấn đề then chốt như: Kiến trúc và hành nghề kiến trúc đối với KTS trong nước và KTS nước ngoài làm việc ở Việt Nam; Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc; Quy chế sửa đổi thiết kế kiến trúc và công trình kiến trúc; Chi phí thiết kế kiến trúc, quy hoạch; Xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp; Quản lý Nhà nước về hành nghề kiến trúc sư… Bên cạnh đó, lao động của KTS cần phải có tổ chức, được quản lý để hình thành những tác phẩm tốt. Những người có tài năng, kinh nghiệm cần được ủng hộ, tạo điều kiện hoạt động, đồng thời hạn chế những người năng lực yếu kém, mới ra trường, mới tập sự chưa có bề dày kinh nghiệm… Như vậy, sẽ không làm lãng phí tiền của xã hội cũng như hạn chế những công trình chưa đạt về mặt chất lượng và mỹ thuật.
KẾT LUẬN
Với những lý do nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật KTS trong bối cảnh hiện nay, là một đòi hỏi của thực tiễn đổi mới và hội nhập, đồng thời là yêu cấp bách nhằm:
–  Hoàn thiện thể chế pháp luật theo quan điểm của Đảng;
– Tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của KTS;
– Đưa ra một phương thức quản lý mới, nhằm tạo cơ chế quản lý hành nghề KTS với sự phối hợp giữa quản lý Nhà nước với tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo hướng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Đây sẽ là một nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển các quan hệ  kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng nhất là trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta hiện nay;
– Đây là sự kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức và hành nghề KTS với những sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành Luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và quản lý hoạt động hành nghề KTS, đồng thời điều chỉnh hợp lý các chính sách hỗ trợ đồng bộ, thể hiện một cách rõ nét sự công nhận của xã hội với những đóng góp của đội ngũ KTS, xóa nhòa khoảng cách giữa KTS trong nước và nước ngoài, tạo nên một sân chơi công bằng, có chất lượng, góp phần mang lại hiệu quả cao cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó cũng góp phần phát triển hệ thống pháp luật nước ta, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu phát triển Kinh tế – Xã hội và xây dựng đất nước trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

KTS Trịnh Ngọc Phương
Đại biểu Quốc Hội đương nhiệm
Giám đốc Sở Xây dựng Tây Ninh – Chủ tịch Hội KTS Tây Ninh

* Tài liệu tham khảo:
– Đề án Sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc sư – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tháng 3/2009;
– Toàn cảnh ngành xây dựng – 50 năm hội nhập và phát triển Bộ Xây dựng;
– Một số Tạp chí Kiến trúc Việt Nam;
– Văn kiện Đại hội Đảng các nhiệm kỳ.
– (1) Trích Đê án xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc sư.
– (2)Trích Văn bản của KTS Trịnh Ngọc Phương – ĐBQH khóa XIII (đơn vị tỉnh Tây Ninh) đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật Quốc hội  bổ sung vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016 Luật Kiến trúc sư do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trình (Ngày 29/02/2012)