Một Thượng Hải hiện đại bên bờ sông Hoàng Phố
Cách đây 10 năm, vào tháng 10/2000, một cuộc thi thiết kế quốc tế về quy hoạch đô thị mang tên “A World Fair in Shanghai in 2010” – Triển lãm thế giới tại Thượng Hải, 2010 đã được tổ chức tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Cuộc thi diễn ra trong 4 tuần và được tổ chức bởi Sở Quy hoạch đô thị Thượng Hải, Viện Nghiên cứu và thiết kế đô thị Thượng Hải, Trường đại học Quy hoạch đô thị châu Âu (Pháp) và Trường đại học Tổng hợp Đồng Tế (Thượng Hải).
Tham dự cuộc thi thiết kế có hơn 100 thí sinh đến từ nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Italia, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia,… Toàn bộ số thí sinh trên được chia theo từng nhóm từ 5-7 người, không phân biệt quốc gia, mỗi nhóm có một nhóm trưởng. “EXPO LAB- A laboratory in the city ” (tạm dịch : Expo Lab – Không gian trao đổi trong đô thị) là một trong số 18 nhóm thiết kế. Nhóm có 6 thí sinh, gồm hai nhà thiết kế cảnh quan người Pháp, một KTS Trung Quốc, một nhà thiết kế đô thị Thái Lan, một KTS Campuchia, và một KTS Việt Nam (tác giả của bài viết).
Ngôn ngữ sử dụng trong cuộc thi là tiếng Anh và Pháp.
World Expo luôn được xem là cuộc triển lãm lớn nhất thế giới về mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học – kỹ thuật, công nghệ và giao lưu văn hóa, là dịp để các nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới giới thiệu và trao đổi những kinh nghiệm phát triển, những ý tưởng sáng tạo hướng tới tương lai. Trên lĩnh vực kiến trúc, thì World Expo là dịp để chính phủ các nước cũng như các KTS thể hiện những khát vọng, ý tưởng về không gian và hình tượng kiến trúc, cũng như các hình thức kết cấu mới lạ nhất của nhân loại.
Ngay từ năm 2000, chính quyền thành phố Thượng Hải đã coi World Expo không chỉ là một cuộc triển lãm quốc tế thông thường mà còn coi đó là một cơ hội rất tốt cho việc quảng bá, thể hiện hình ảnh một đô thị lớn trong một đất nước Trung Quốc lớn mạnh, giàu tiềm năng và thân thiện với cả thế giới. Không chỉ có vậy, các nhà quy hoạch Thượng Hải còn cho rằng, Expo 2010 sẽ là một động lực to lớn cho việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (không gian công cộng, đường sá giao thông, thông tin liên lạc,…), hoàn chỉnh mạng lưới giao thông hiện đại nối hai bờ Đông – Tây của Thượng Hải. Khu vực lựa chọn cho cuộc thi thiết kế là khu đất rộng hơn 300ha, nằm bên khu phố Đông của sông Hoàng Phố, cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Nam, bên cạnh cầu Lư Phố (Lupu), và nằm trên tuyến đường nối thành phố với sân bay mới Pudong sắp đưa vào sử dụng.
Expo Lab đề xuất cây cầu Lư Phố sẽ là điểm nhấn mạnh mẽ cho sự kết nối giữa khu Đông (Pudong) và khu Tây (Puxi). Một trục không gian xanh trong khu vực Expo xuất phát từ bờ sông chạy theo chiều Tây Bắc – Đông Nam. Trên trục chính đó, du khách có thể tham quan các công trình của Expo bằng thuyền dọc theo con kênh đào có sẵn, hoặc theo hệ thống đường dạo trên mặt đất.
Đối với các tòa nhà triển lãm của các nước (pavilion), Expo Lab cũng đề xuất tận dụng các loại vật liệu gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn mang tính bền vững, để sử dụng sau Expo. Dưới góc nhìn của nhóm Expo Lab, thì Shanghai Expo không chỉ là một cuộc triển lãm thông thường, mà nó sẽ phải được hình thành trên cơ sở hai câu hỏi lớn : Một là Thượng Hải mong muốn sẽ trình diễn gì với thế giới? hai là Thế giới sẽ thể hiện điều gì với Thượng Hải nói riêng và với Trung Quốc nói chung? Và nhóm Expo Lab đã đưa ra câu trả lời chung cho hai câu hỏi trên của Shanghai Expo, đó là vấn đề Chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Điều này được thể hiện trong việc trưng bày các tòa nhà – pavilion – của các nước. Mỗi một pavilion sẽ là một tác phẩm nghệ thuật mang tính đặc trưng riêng của từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ, trong đó là những không gian mở như một Workshop để mọi người có thể trao đổi, thảo luận và giao lưu tự do với nhau. Các chủ đề được định hướng đề cập đến là : Cảnh quan đô thị trong các siêu đô thị; Môi trường sống và làm việc trong các đô thị lớn; Phong cách sống trong đô thị hiện đại, và vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ban giám khảo cuộc thi đã trao Giải Nhất cho nhóm Expo Lab với những đánh giá cao về ý tưởng kiến trúc, về cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mang tính nhân văn, đồng thời ghi nhận những gợi ý của Expo Lab ngày hôm nay sẽ được xem xét định hướng cho Shanghai Expo 2010.
“Nếu Thượng Hải cần, chúng tôi sẽ rất vinh dự được quay trở lại đây với tư cách là những nhà tư vấn cho Expo 2010” – đó là lời cảm ơn của Expo Lab khi lên nhận giải thưởng.
Sau 10 năm, những ngày tháng 4/2010 này, Thượng Hải đang gấp rút hoàn thành các công việc chuẩn bị cuối cùng cho Lễ khai mạc Expo 2010, diễn ra ngày 1/5/2010. Hòa trong không khí khẩn trương và náo nhiệt của thành phố, tôi cũng cảm nhận sự may mắn khi được học tập và nghiên cứu về quy hoạch-kiến trúc tại Thượng Hải, và chứng kiến quá trình hoàn thiện khu triển lãm Expo 2010. Sự hiểu biết về Thượng Hải và Expo trong mười năm qua đã giúp kiểm chứng những điều mà nhóm nghiên cứu Expo Lab đã làm năm xưa. Nay, mọi điều mong ước đã thành hiện thực và thực tế còn tốt đẹp hơn, hoành tráng hơn những gì mà tất cả thí sinh và Ban Giám khảo cuộc thi thiết kế năm 2000 có thể tưởng tượng và mong đợi.
Hiện nay, vị trí khu Expo 2010 cách trung tâm thành phố khoảng 16km, được chọn nằm dọc hai bên bờ sông Hoàng Phố, khu phía Đông là khu chính và khu phía Tây là phụ. Toàn bộ khu Expo có diện tích khoảng 5,28 km², có cây cầu Nam Phố (Nanpu) là giới hạn phía Bắc và cầu Lư Phố (Lupu) là giới hạn phía Nam.
Với chủ đề chính «Better City, Better Life» – Đô thị tươi đẹp hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn, Shanghai Expo 2010 thể hiện mong muốn tạo nên một đô thị thân thiện với môi trường, và còn hơn thế nữa. Các nhà tổ chức của Thượng Hải mong muốn làm nên một Expo xanh đầu tiên trên thế giới, có nghĩa là chú trọng quy hoạch và xây dựng các công trình thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời một cách tối đa, tái tạo và sử dụng nước mưa, đưa vào sử dụng hệ thống xe bus kiểu hybrid-engine (kiểu xe có động cơ được thiết kế kết hợp từ 2 dạng máy trở lên, dùng năng lượng xăng kết hợp điện), xe ôtô điện và xe đạp điện cũng được dùng làm phương tiện đi lại trong khu Expo. Hệ thống ánh sáng dùng chiếu sáng buổi tối được thiết kế theo công nghệ ánh sáng đi-ốt hai cực, (light emitting diode – LED), và cũng được cung cấp từ nguồn năng lượng mặt trời.
“Thải ít khí carbonic nhất” đã trở thành yêu cầu và khẩu hiệu chung trong việc xây dựng các công trình, thiết kế ánh sáng và giao thông của Expo 2010.
Điểm nhấn nổi bật trong khu triển lãm chính phía Đông của Expo là trục không gian kiến trúc rất đẹp mắt và sinh động với tên gọi Thung lũng mặt trời (Sun Valley), có kết cấu dây treo kết hợp màng căng tổng hợp lớn nhất thế giới, có chiều cao 40m. Hệ kết cấu này được thiết kế bởi Cty SBA (Đức) và do hai nhà thầu Knippers Helbig và Shanghai Mechanized Construction thi công, bao gồm 6 “phễu” kết cấu thép + màng căng bố trí trên một trục dọc kéo dài 1000m. Vật liệu màng căng mỏng của mỗi “phễu” cho phép lấy ánh sáng tự nhiên từ trên cao xuống tận không gian dưới cùng. Các kỹ sư tham gia thi công công trình cho biết đây là một trong những hạng mục khó nhất của Expo vì việc thi công lắp ráp mỗi chiếc “phễu” phải đảm bảo độ chính xác đến từng milimet.
Kết cấu không gian hiện đại của trục tham quan chính
Một lãnh đạo thành phố Thượng Hải cho biết công tác chuẩn bị cho World Expo 2010 gần như đã hoàn tất, cho dù lúc ban đầu đã có nhiều khó khăn về việc tái định cư cho người dân trong khu vực diễn ra Expo. Để có được khu vực rộng 5,28 km² phục vụ hội chợ, Thượng Hải phải tìm nơi định cư mới cho 18.000 hộ gia đình, những hộ phải tái định cư được tạo điều kiện đến những căn nhà có diện tích lớn gấp hai lần nhà cũ, cộng với điều kiện sinh hoạt xung quanh khu nhà mới hiện đại hơn. Ngoài ra ngành công nghiệp của thành phố cũng chịu không ít ảnh hưởng khi có tới 272 nhà máy bị di chuyển hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động, trong đó có cả xưởng đóng tàu Giang Nam tồn tại 142 năm – cái nôi của nền công nghiệp Thượng Hải hiện đại.
Lãnh đạo thành phố khẳng định sự kiện thế giới Expo 2010 kéo dài trong 6 tháng này sẽ không chỉ là một kỳ tích của riêng Thượng Hải mà còn là động lực thúc đẩy cả nền kinh tế của đất nước Trung Quốc sau thời gian Expo. Chỉ riêng việc đảm bảo giao thông đi lại, và sắp xếp nơi ăn chốn ở cho khoảng 70 triệu du khách đến tham quan hội chợ tại trung tâm của một thành phố đông dân như Thượng Hải cũng đã là một thách thức to lớn. Thượng Hải đã tham khảo kinh nghiệm của một số thành phố từng đăng cai tổ chức Expo nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu để biến sự kiện này thành ngày hội lớn nhất của World Expo từ trước đến nay.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Thượng Hải còn tập trung tuyên truyền giáo dục người dân đô thị cách ứng xử văn minh, lịch sự trong thời gian diễn ra hội chợ. Từ năm 2006, chính quyền thành phố đã có chính sách khuyến khích người dân học tiếng Anh, làm quen với Internet cũng như duy trì giữ gìn cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp. Tất cả những nỗ lực đó nhằm đem lại một bộ mặt mới và hiện đại cho thành phố Thượng Hải, đồng thời tạo nên một Expo 2010 qui mô lớn nhất, xanh nhất và thân thiện nhất cho toàn thế giới.
KTS.NCS Ngô Lê Minh