Sống theo chiều thẳng đứng

Bây giờ với mọi người, khái niệm “Chung cư cao tầng” không còn xa lạ nữa. Khoảng mười lăm năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là sự xuất hiện hàng loạt các khu đô thị mới với hàng trăm chung cư cao tầng hiện đại. Nếu như những năm 80 của thế kỷ trước, công trình 11 tầng ở khu tập thể Giảng Võ ( Hà Nội) nay là khách sạn Thăng Long, đã là sự đột khởi của kiến trúc Hà Nội, là niềm tự hào của giới kiến trúc miền Bắc thời bao cấp, thì bây giờ, các tòa nhà chung cư thời đổi mới cao 15-16 tầng… thậm chí còn trên 30 tầng đã không còn là xa lạ.Với công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu mới, chung cư cao tầng- với những căn hộ rộng rãi, tiện nghi, sang trọng, có thang máy, siêu thị, tầng hầm để xe… cùng hệ thống kỹ thuật đồng bộ- đang là biểu tượng của nền kiến trúc thời mở cửa, là đích đến của những người trung lưu, khá giả, là niềm mơ ước khát khao của lớp người làm công ăn lương mà xã hội gọi là người có thu nhập thấp (chứ không phải nghèo)

Nghiên cứu về nhà ở có thể xếp chung cư cao tầng hiện nay là thế hệ nhà ở tập thể thứ tư. Bắt đầu từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên… với thiết kế căn hộ đơn điệu, công trình phụ dùng chung được xây dựng sau khi miền Bắc giải phóng. Tiếp theo là loại nhà ở căn hộ khép kín có tiện nghi tối thiểu, xây dựng hàng loạt theo phương pháp bê tông lắp ghép cấu kiện nhỏ như các khu Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn… những năm 60-70. Và thế hệ thứ ba là loại nhà ở lắp ghép tấm lớn ở khu tập thể Thanh Xuân. Nhà ở những giai đoạn này chủ yếu là 5-6 tầng. Những ai đã từng được sống và lớn lên trong những căn hộ khép kín, rộng 24 m2, chiều cao không quá 2,5m, cửa sổ, cửa đi hẹp đến mức ( nói dại) nhà có người chết cũng không có lối để khiêng quan tài, nếu như không phá cửa (!), thì mới thấu hiểu cái khoảng cách về văn minh ở giữa các khu tập thể trước kia với thế hệ chung cư cao tầng hôm nay khác nhau thế nào. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh bằng phép tính toán học vô hồn, khô cứng giữa những căn hộ tập thể chật hẹp, buồn tẻ, đơn điệu thời bao cấp với những căn hộ rộng hơn trăm m2 đầy đủ tiện nghi của những chung cư hiện đại thời đổi mới. Đất nước ta đang CNH,HĐH, sự phát triển nhanh mạnh của nền kinh tế đã làm cho mức sống người dân thay đổi. Cuộc sống ngày một khá hơn. Con người đã biết tính nhiều cho sự hưởng thụ. Ngôi nhà không chỉ mang ý niệm đơn giản là “ Cỗ máy để ở” ( Le Corbusier) mà hơn thế nữa, theo nhiều người, nó còn là một thứ thương hiệu cho chủ nhân, là sự khẳng định sự giàu có và thành đạt trong xã hội ?! Ai đó có một căn hộ trong khu chung cư cao tầng kiểu như Trung Hòa-Nhân Chính đã có thể tự hào, hãnh diện. Điều đó đúng thôi, bởi giá một căn hộ cỡ trăm m2 ở đấy không hề rẻ, cứ phải ngót nghét 3 tỷ đồng. Đấy là chưa kể khi đến ở, người ta còn phải bỏ ra vài trăm triệu để sắm sửa nội thất xịn cho xứng với căn hộ của mình…
Tôi đã từng đi nước ngoài, đã may mắn được vào ra nhiều khách sạn sang trọng ở trong và ngoài nước. Vậy mà khi lần đầu bước vào buồng thang máy để lên căn hộ tầng 9 thăm một người bạn ở khu đô thị mới Linh Đàm vẫn không khỏi xúc động. Xúc động bởi sự tiện nghi của căn hộ, của không gian chung với hành lang rộng rãi, thoáng đãng, yên tĩnh và sạch sẽ. Tôi đem cái cảm xúc của mình kể với bạn. Anh cười bảo rằng, đó là cái xúc động trước sự thay đổi, sự phát triển của văn minh nhà ở. Còn cái sự ở kia, cái lối sống kia lại là vấn đề khác. Rồi anh kể cho tôi nghe một chuyện khôi hài, có ông bố nựng con vào thang máy ấn nút cho chạy lên xuống hàng chục phút đồng hồ. Khi bảo vệ tòa nhà hỏi, ông bố trẻ cười hồn nhiên: “ Tại cháu nó thích thế!”. Hay chuyện nhà kia con cái là công chức, ngày đi làm từ sáng sớm cho đến tối mịt. Ở nhà chỉ có bà mẹ già mới ở quê ra. Nhà trên tầng 14, cửa sổ to rộng, nhưng lại là cửa kính khung nhôm kín mít, điều hòa nhiệt độ không biết sử dụng, trời nóng, mở cửa thì gió thổi vào ào ạt đổ cả lọ hoa. Đóng vào thì ngột ngạt, lại thêm cửa không khít nên gió cứ rin rít như nhà có ma! Vốn quen sống ở quê, đi lại thoải mái, có bà con làng xóm, nay ở trên cao, mới nhìn xuống đất đã thấy hoa mắt. Nhà căn hộ, tất cả khép kín, nhà nào biết nhà nấy. muốn ăn gì, uống gì các con đã mua sẵn ở siêu thị cạnh nhà để trong tủ lạnh. Thằng cháu đích tôn đi học về, chào bà, rồi vội vào phòng riêng đóng sập cửa lại bật máy vi tính chơi điện tử. Người già vốn cả nghĩ và sợ cô đơn. Thế là ở được dăm bữa nữa tháng, mặc cho con cháu nài nỉ, bà nhất quyết “khăn gói quả mướp” về quê. Bà bảo, lên đây cho các con đỡ tủi, cho biết thế nào là chung cư. Giờ biết rồi và cũng chán rồi, suốt ngày ru rú trong nhà tao không chịu được. Khi nào nghỉ hè, cho cháu về quê với bà tha hồ mà chạy nhảy… Cô con dâu có cái đầu nhuộm hoe hoe vàng nguýt một cái rõ dài: “ Bà cứ nói thế, ở quê người ta cũng sắp làm sân gôn rồi. Khi nào họ lấy nhà, lấy đất, bà lên đây với con với cháu. Tiền đền bù bà để dưỡng già cho khỏe, tội gì!”
Nghe chuyện của anh, tôi cứ lắc đầu. Cuộc đời có nhiều cái bi hài. Khi đang ở dưới đất lại thích lên cao và khát khao được lên đấy. Đến khi lên được rồi, nhìn xuống lại thấy sợ. Cái cảm giác sợ độ cao nó ập đến tự lúc nào. Khi nhà ở trong ngõ yên tĩnh, không tiếng còi xe rú rít thì lại ao ước được nhoài ra mặt phố để treo cái biển hiệu dẫu có phải ở chật chội, chịu ồn ào, bụi bậm. Người tỉnh lẻ, do gặp thời vận buôn bán, hay khi Nhà nước mở đường, lấy đất làm khu công nghiệp…được tiền đền bù liền ra Hà Nội sắm nhà chung cư. Không có hộ khẩu, không quen biết, đành chấp nhận mua lại, giá chênh lệch so với giá gốc vài ba triệu đồng/m2. Thế là từ dân nhà quê, dân tỉnh lẻ trở thành cư dân đô thị thời mở cửa?! Khổ nỗi, tiền nhiều nhưng thói quen sống tùy tiện thâm căn cố đế ở làng không dễ mà bỏ được. Thế nên mới coi cái thang máy của chung cư như của riêng nhà mình. Ở trên tầng cao ăn quả chuối tiện tay vứt vỏ qua cửa sổ xuống đất là chuyện thường. Hành lang chung tùy tiện chiếm dụng làm nơi để đồ, đặt bếp than tổ ong, mỗi lần nhóm lò khói mù mịt như hun. Căn hộ để ở lại biến thành nơi bán cháo lòng tiết canh, hay cửa hàng thực phẩm tươi sống. Mồng một, ngày rằm, thắp hương đốt vàng mã rồi vô tư đổ tro nóng vào ống thu rác, thế nên mới xảy ra hỏa hoạn như ở khu Mỹ Đình, chung cư JSC 34 (Lê Văn Lương-Hà Nội) làm người chết, người bị thương.v.v và v.v. Một nhà nghiên cứu kiến trúc đã cho rằng, nhà chung cư cao tầng chỉ phù hợp với người có nhiều tiền và có văn hóa cao. Những đối tượng khác nếu ở sẽ đem lại sự hỗn loạn và nhộn nhạo cho nhà ở (Đặng Thái Hoàng- Chung cư cao tầng Hà Nội, niềm hy vọng và sự bất cập).

Tôi không phải là người có nhiều tiền và cũng không dám tự nhận mình đã có văn hóa cao, nên không có ước mơ được ở trong những chung cư cao tầng hiện đại như bạn tôi. Chỉ mong sao Nhà nước sớm có các khu nhà ở ít tầng, tiện nghi đơn giản phù hợp với khả năng kinh tế của những người thu nhập thấp, trình độ vừa phải, trong đó có tôi, để có thể mua được và ở được.  
Còn bây giờ, ngày ngày những chung cư cao tầng vẫn đang tiếp tục mọc lên trông xa như những cái cột khổng lồ đầy hấp dẫn, mời gọi… Và cũng ngày ngày, hàng ngàn, hàng vạn người đi qua vẫn ngước mắt nhìn và khát khao được sống trên những tầng cao vời vợi ấy!

KTS Phạm Thanh Tùng

Ảnh trong bài lấy từ nguồn tư lệu và internet