Sự phát triển của TP Hạ Long phải gắn với sự tôn vinh giá trị của di sản – kỳ quan Vịnh Hạ Long!

Xin kể một chút về câu chuyện Hạ Long, không phải về Vịnh kỳ quan thiên nhiên hay những huyền thoại vẫn được kể về vùng biển này – đây là câu chuyện về TP Hạ Long mới. Tiền thân của TP Hạ Long là hai thị xã: Hòn Gai và Khu Du lịch Bãi Cháy. Quá trình đô thị hoá đã đặt ra yêu cầu tất yếu phải liên kết hai đơn vị hành chính này với hàng loạt công việc: xây dựng quy hoạch vùng, xây dựng cảng Cái Lân ở giữa, mở rộng địa giới hành chính, đưa thị xã phát triển thành TP… Khi thực hiện việc sát nhập hai thị xã này, lãnh đạo địa phương ít nhiều có những lúng túng trong việc chọn tên cho TP mới. Để tháo gỡ cho địa phương, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn cách đặt tên TP theo Vịnh Hạ Long để ngay khi ra đời, TP Hạ Long đã có “thương hiệu” trên bản đồ thế giới. Với tôi, đây là câu chuyện có ý nghĩa đặc biệt đối với một đô thị đặc biệt – một cách rất tinh tế và nhân văn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gắn TP với tinh thần của di sản thiên nhiên tầm thế giới – đó cũng là mục tiêu lớn dành cho TP Hạ Long ngay từ khi mới thành lập.
Khu đô thị Cột 5. Nguồn CLB nhiếp ảnh Hạ Long
Chính bởi vậy, chủ trương quy hoạch phát triển TP Hạ Long phải gắn với sự phát triển, tôn vinh những giá trị của Vịnh Hạ Long. Trong tương lai, chính TP cũng sẽ trở thành di sản văn hoá của nhân loại. Trong quá trình phát triển bền vững và bảo tồn di sản, Vịnh Hạ Long phải luôn là chủ thể, là trung tâm của mọi hoạt động, công tác quy hoạch và quản lý di sản phải luôn đồng bộ, thống nhất: từ các cầu tàu, bến ca nô, tất cả các công trình, dịch vụ… phải nằm trong một tổng thể hài hoà, gắn bó với cảnh quan, không gian, với biển….
Nhìn nhận lại sự phát triển của TP Hạ Long, từ năm 1981 đến nay, bên cạnh những thành tựu, những phát triển và mở mang, thì còn rất nhiều vấn đề riêng của Hạ Long, cần đặc biệt quan tâm, đó là:
– Cần xem xét hệ thống cảng, cửa biển, các ngành công nghiệp khai thác, đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng… để cân đối phát triển công nghiệp và du lịch. Đây chính là bài toán khó để phát triển TP Hạ Long xanh và bền vững.
– Các đảo, khu du lịch như Tuần Châu, Hùng Thắng, Cái Răm và các khu cải tạo đầm lầy “lấn biển”… dù là không gian biển đảo nhưng lại thiếu bãi tắm công cộng, cần sớm tổ chức lại để phục vụ người dân.
– Chúng ta ít quan tâm đến diện mạo TP Hạ Long nhìn từ phía biển vào, đến lúc cần thay đổi quan điểm xây dựng đô thị hướng biển để tạo được bóng dáng – “silhouette” cho đô thị, nhìn từ phía biển. Về điều này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn đã làm rất tốt, như: Vancouver, Hongkong….
+ Về tổ chức giao thông, cần lưu ý:
– Tổ chức bến thuyền, du thuyền cao cấp, chú trọng an toàn giao thông biển;
– Giao thông đường bộ: các phương tiện công cộng như bus, taxi, đường sắt trên cao… nghiên cứu đề xuất hình thức giao thông phù hợp cho TP;
– Cần xác lập sân bay cho TP Hạ Long, để khai thác thương hiệu du lịch tầm thế giới (hiện nay dự án xây dựng sân bay dự kiến sẽ ở Vân Đồn);
– Tổ hợp các công trình kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh phải được chú trọng từ khâu lập quy hoạch, thiết kế đến triển khai thực hiện;
Việc phát triển TP di sản Hạ Long không chỉ là việc của TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh mà Nhà nước phải có cơ chế, chính sách, đầu tư thoả đáng, Chính phủ phải chỉ đạo sát sao cho việc tập trung ngân sách để xây dựng TP Hạ Long, khai thác Vịnh Hạ Long xứng tầm di sản – kỳ quan thế giới. Đã đến lúc nhìn nhận lại những gì làm được cho TP này, để cả nước cùng vào cuộc, cùng đóng góp sức mình cho vị thế của Hạ Long. Đó cũng là một khâu then chốt trong lộ trình phát triển công nghiệp văn hoá – quảng bá hình ảnh của Vịnh Hạ Long – Việt Nam đến với bạn bè bốn phương… 
Cột đồng hô. Nguồn CLB nhiếp ảnh Hạ Long
Bức tranh tổng thể về tỉnh Quảng Ninh với vị trí chiến lược đặc biệt
Do có những lợi thế riêng, có thể nói Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất nước ta. Đó là những đặc điểm nổi bật:
– Vị trí địa lý tự nhiên, cảnh quan, địa chính trị – kinh tế – xã hội đặc biệt: mỏ than của cả nước với trữ lượng “vàng đen” hàng đầu Việt Nam, do đó, công nghiệp khai thác than phát triển; có không gian biển, kinh tế biển đặc biệt phát triển: bãi biển dài, nhiều bãi tắm, đảo, nhiều nơi có cảng biển… Với di sản – kỳ quan thế giới mới Vịnh Hạ Long, cùng với Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh có điều kiện phát triển công nghiệp du lịch, kinh tế biển một cách phong phú và sôi động.
– Quảng Ninh là một trong những vùng có biên giới giáp với Trung Quốc, cửa khẩu Móng Cái – lượng hàng hoá lưu thông và khách du lịch. Điều này khiến Quảng Ninh có ý nghĩa đặc biệt về an ninh, quốc phòng.
– Đây là tỉnh duy nhất có 4 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí. Tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt, là một trong những địa phương có đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ đổi mới.
– Quảng Ninh là địa phương có nhiều di tích lịch sử quan trọng: Bạch Đằng Giang, đền Cửa Ông, Yên Tử… với nhiều nét đặc thù về văn hoá miền biển – nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước.
– Với tốc độ đô thị hoá nhanh, Quảng Ninh có điều kiện để hình thành nhiều khu CN, các Khu đô thị mới….
KTS Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam