Ai đã từng đến thăm Khu phố cổ Hội An – những kiến trúc bằng gỗ – là chùa, đình, miếu, hội quán, là những ngôi nhà xưa … đậm nét linh hồn của phố cổ đã tồn tại hàng trăm năm. Đi về vùng nông thôn xứ Quảng thỉnh thoảng bắt gặp những ngôi nhà cổ bằng gỗ mà ta quen gọi là nhà rường. Tất cả những kiến trúc ấy đã được góp dựng nên bởi hai làng thợ mộc nổi tiếng ngày xưa Kim Bồng và Văn Hà.
I. Thợ Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu) thuộc xã Cẩm Kim, thị xã Hội An, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua phố cổ Hội An. Tổ tiên nghề mộc Kim Bồng vốn có gốc gác từ nhiều vùng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh đã di cư đến Hội An làm nơi sinh sống từ thế kỷ XV. Gồm có 8 họ chính: Huỳnh, Nguyễn, Phan, Trương, Phạm, Trần, Lê, Đỗ. Với nghề mộc chính, làng chia ra Kim Bồng Đông làm đồ gia dụng, chạm trổ đồ gỗ và Kim Bồng Tây đóng ghe thuyền.
Mặt khác, khi Hội An phát triển thành đô thị thương cảng quan trọng của xứ Đàng Trong Việt Nam, cũng như việc xây dựng cung điện của triều Nguyễn thì các nghề thủ công, trong đó nghề mộc được phát triển nhờ sự giao lưu, tiếp thu, trao đổi, chắc lọc để hình thành phong cách riêng của nghề mộc Kim Bồng.
A. PHONG CÁCH LÀM KHUNG NHÀ (Bộ GIÀN TRÒ):
Sử dụng các loại gỗ rừng và gỗ vườn. Ở thượng lưu của sông Thu Bồn là nơi có nhiều cánh rừng cung cấp những loại gỗ tốt để dựng nhà như lim, kiền kiền, sơn…Hai bên vườn đồi của vùng Quế Sơn, Đại Lộc thích hợp các loại mít, xoan (thầu đâu) đặc biệt loại mít mật, mít nghệ với lõi vàng sẫm, mối mọt không thể huỷ hoại (ảnh 1).
Với nguyên lý “vật liệu thế nào thì kiến trúc thế ấy”, người thợ mộc Kim Bồng đã khéo phát huy tính ưu việt của chất liệu gỗ để thiết kế và chọn các giải pháp kỹ thuật liên kết các cấu kiện trong bộ khung nhà (giàn trò):
1. Cột: Ưu điểm của gỗ lim, kiền kiền, sơn muông có chiều dài lớn nên nhà của thợ Kim Bồng có cột cao, kéo theo nhà có chiều cao lớn. Nếu so chiều cao nhà (từ nền nhà đến đòn đông) với đường kính của cột thì dáng cột thanh nhỏ (ảnh 2).
2. Đế đá kê cột hay chân đá tán /đá tảng: Nhiều kiểu dáng như hình vuông, hình cầu, bát giác, lục giác, quả bí có nhiều tầng…(ảnh 3) được chế tác từ 2 loại đá: Cẩm Thạch và Sa thạch.
3. Kèo luôn (kèo suốt): Để nối liên tục các cột theo hàng ngang từ nóc xuống cột cuối cùng (cột hàng ba, cột muốn) bằng cột thanh kèo dài và dĩ nhiên loại gỗ có đủ chiều dài thường là Lim, Kiền kiền hoặc Sơn (ảnh 4).
4. Kèo chồng (kẻ chuyền): với vật liệu gỗ là mít không thể có chiều dài nên phải phân đoạn để nối các hàng ngang với kỹ thuật đầu kèo nhì gối lên đuôi kèo nhất. Nếu trong lòng nhà được nối 2 đoạn (tiền hoặc hậu) gọi là lưỡng đoạn; được nối 3 đoạn gọi là tam đoạn (ảnh 5 và bản vẽ).
5. Kèo nóc đơn giản: Trong ý nghĩa của không gian, vị trí làm nhà ở nông thôn (vùng hay bị lũ lụt), việc nâng khung đỡ nóc mái nhà của người thợ Kim Bồng đơn giản với 2 kiểu thức:
– Giao nguyên không có cột chống (cây trỏng) hay trụ trốn – trụ tiêu: Ở vị trí đỡ đòn đông gồm có 2 kèo nóc (thượng tiền và thượng hậu) bắt chéo nhau gọi là giao nguyên (nguyên: là đầu) liên kết bằng mộng âm dương và chốt giữ bằng một con sẻ, con xỏ. Không có cây gỗ ngắn từ nơi lưng trính vươn lên đỡ ở vị trí giao nguyên này (ảnh 6).
– Giao nguyên có trụ trốn – trụ tiêu: Trường hợp này với khoảng cách giữa 2 cột nhất tiền (cái tiền) và cột nhất hậu (cái hậu) lớn người ta tăng thêm một cây đỡ kèo nóc ở vị trí giao nguyên. Cột đỡ nầy đơn giản có một đế đặt trên lưng trính/tránh nối tiếp là một đoạn gỗ tiết diện hình cầu hoặc chữ nhật vươn đỡ nóc. Để tăng thêm phần đỡ kèo, người thợ thêm hai cánh ác (cánh dơi) ăn mộng ở đầu đoạn gỗ đỡ 2 lưng kèo tiền và hậu (ảnh 7). Tại Hội An một số nhà cổ, hội quán, nhà thờ tộc, chùa… bộ phận chống đỡ – trụ trốn – được chạm trổ công phu.
6. Vì nóc phức tạp:
Kiểu thức chồng trính con đội/trính chồng trụ đội/chồng rường con đội. Có nhiều cách gọi, nhưng có thể giải thích là giải pháp giảm khoảng cách hai cột cái tiền hậu và nâng cao mái nhà (nóc) bằng kỷ thuật trính chồng trính.
Để việc liên kết vừa có công năng đỡ hoành (đòn tay). Vừa liên kết các trính với nhau (trính trường ở dưới trính thượng phía trên) bằng các con đội với kiểu thức nầy không thấy xuất hiện các công trình nhà tư nhân ở nông thôn Quảng Nam. Tuy nhiên lại xuất hiện thường xuyên mọi công trình trong phố cổ, đến cả ngôi chùa tại Cù lao Chàm (chùa Hải Tạng xã Tân Hiệp – Hội An ), Những người thợ mộc đã giành nhiều thời gian sao cho các liên kết, lổ mộng ăn khớp đến khít rịt giữa các thanh trính với con đội đồng thời nâng cao thẩm mỹ bằng những nét chạm lấy đất (gờ nổi) mãnh trên thân và bụng trính, thêm những tai, cánh gọi là bông tai tạo sự duyên dáng cho con đội (ảnh 8). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bạt Tuỵ đây là kiểu thức trính Nhật Bổn – còn gọi là vì thảo bạc (ở hiên) (bản vẽ), kiểu thức này có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc.
– Kiểu thức biến thể giá chiêng: Là kiểu thức đỡ nóc với mục đích như kiểu thức trên. Những thanh trính ngang và con đội đứng liên kết theo kiểu giá treo chiêng nên gọi là giá chiêng. Kiểu thức nầy cũng có nguồn gốc từ phía bắc vào và ít phổ biến ở Hội An (ảnh 9 – Bộ vì nóc tầng 2, nhà 117 Nguyễn Thái Học là kiểu thức biến thể giá chiêng với kỹ thuật “chồng rường con nhị” ), cũng chưa tìm thấy tại nhà ở nông thôn Quảng Nam.
Ngoài ra còn nhiều kiểu thức đỡ vì (vài) nóc ở công trình cộng đồng của người Hoa. Ví dụ, kèo nóc cổng vào hội quán Quảng Triệu (ảnh 10) (176 đường Trần Phú) của người Triều Châu với nhiều thanh gỗ đứng có tiết diện hình chữ nhật đỡ mái. Tôi cho rằng nó mang đậm nét yếu tố kết cấu gỗ của người Hoa, nếu thợ Kim Bồng có thi công cũng chỉ theo “ đơn đặt hàng “ của người chủ.
7. Kèo hiên, góc Hồi:
– Kiểu thức vỏ cua: là một tấm gỗ mái dùng từ 7cm – 10cm có hình cong phỏng như mai cua chúng ta dễ dàng bắt gặp kiểu đỡ mái hiên (trước nhà), phía sau nhà là một mái giả trang trí trên là mái hiên tại những ngôi nhà ở phố cổ Hội An. Ở Huế gọi là vì thừa lưu dùng đặt dưới vị trí nối hai mái, trên là máng xối được sử dụng một số công trình thuộc cung điện (ảnh số…) không thấy xuất hiện ở các ngôi nhà ở dân gian Quảng Nam, nhưng lại xuất hiện ở Quảng Trị (ảnh số 11). Hình cong như vỏ cua được nhiều người nhìn thấy nên đa số đa số được chạm trổ cả hai mặt với nhiều kỹ thuật khó như chạm lộng, chạm thủng gồm các đề tài: song ngư, song kiếm, hoa lá vần mây cách điệu, các hình kỹ hà gãy góc hoặc các đề tài mang ý nghĩa cát tường, phúc (ảnh số 12).
– Chồng trính con đội: Nhìn vào có hình thức như chồng trính con đội ở kèo nóc nhưng ở vị trí đỡ mái hiên và mái đầu hồi (phần tiền, hậu). Và chỉ đỡ một chiều của mái xuôi xuống nên là một nữa của kèo nóc, xem như những thanh trính ngắn (trính đoản), trính nách ăn mộng từ một bên cột (hàng 3 đến hàng 4). Kiểu thức nầy chúng ta có thể thấy tại tư gia ông Huỳnh Ri người thợ mộc nổi tiếng của Kim Bồng hôm nay hoặc nhà ông Ngô Giáo ở Duy Trung, Duy Xuyên (ảnh số 13 và 14) nhưng không thấy xuất hiện ở phía Nam Quảng Nam.
8. Trính: là thanh gỗ nối hai cột nhất tiền cột cái tiền, cột nhất hậu cột cái hậu ở vị trí thấp hơn đầu cột từ 30 đến 70cm. Thợ Kim Bồng sử dụng 2 dáng trính thẳng (ngay /ngang) và trính lận (uốn cong 2 đầu). Phổ biến là loại trính thẳng có khoảng cách 2 cột lớn và dĩ nhiên chất liệu gỗ là lim hoặc kiền kiền.
9. Rầm thượng (ảnh 15): Để tận dụng không gian bên trên trính làm nơi chứa đồ. Nhất là ở các vùng thường bị ngập lụt, người ta xếp các tấm ván khít vào nhau đặt trên lưng trính và nối các gian với nhau. Chung quanh được vây bọc bằng những tấm ván. Xem như là một cái hộc hoặc khuôn cụi. Những sản phẩm là thực phẩm như: lúa gạo, hạt, củ được cát giữ trên đây phòng tránh nước ngập làm hỏng. nơi nầy cũng là cái gác xép để ý trong nhà ẩn tạm những ngày nước lụt vào nhà.Vì có công năng trên, nên khoảng cách từ trính đến đòn đông lớn để có đủ không gian để chứa đồ.
B. Phong cách trang trí, chạm trổ.
Các kỹ thuật chạm trổ và đề tài của thợ Kim Bồng phong phú và mỡ rộng hơn khi được tiếp xúc, giao lưu và tiếp thụ trong quá trình thi công các công trình của người Nhật, người Hoa, và cả người phương Tây đến lưu trú ở Hội An và các phường thợ mộc khi thi công nhà ở cung điện Huế. (thợ Mỹ Xuyên – Huế, Văn Hà – Quảng Nam). đây là điều kiện tốt để thợ Kim Bồng phát huy kỹ năng chạm khắc. Những đề tài, mô típ hoa tiết ít nhiều gắn với nghệ thuật cung đình và các tuồng tích mang dấu ấn tín ngưỡng của người Hoa. Ví dụ trong đề tài thú linh như long, lân,quy, phụng người thợ Kim Bồng trong nghệ thuật điêu khắc gỗ hoặc nề ngoã (đắp với tô tượng) thì hình ảnh biểu tượng chi tiết rõ nét gần gũi với cách khắc, đắp tô của cung điện Huế và kiến trúc của người Hoa.
Với nét khắc trau chuốt, sơn thếp tỷ mỷ trên các bức hoành, liễn đối đến các đồ gỗ trang trí nội thất…hiện đang còn lưu giữ ở một số gia đình tại Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn. Rõ nét nhất để thấy sự tài hoa của người thợ mộc Kim Bồng là nhà của cụ Nguyễn Nho Phán, anh Nguyễn Nho Lĩnh ở Điện Minh, Điện Bàn, với các đồ trang trí nội thất và đầu kèo đuôi kèo (ảnh số 16 và 17). Nhiều đồ án chạm trổ tỉ mỷ công phu tại nhà anh Ngô Văn Sĩ thôn Phù Sa – Quế Xuân là toàn bộ các chi tiết đầu đuôi kèo, các ô xuyên bông thượng hạ (liên ba) và tấm hoành phi có khắc bài thơ theo bút pháp chữ thảo (thảo thi) là tác phẩm thư hoa đẹp nhất mà chủ nhân đời sau lưu giữ ( ảnh số 13).
II. Thợ Văn Hà:
Làng mộc Văn Hà, trước thế kỷ 19 thuộc tổng Chiên Đàn, thời nhà Nguyễn thuộc tổng Vinh Quí, huyện Hà Đông, Thăng Bình Phủ, gồm 2 làng Văn Hà và Văn An; trước năm 1975 thuộc thôn 4, xã Kỳ Bình; nay thuộc đội 1, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, nằm cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 8km về hướng Tây Bắc.
Theo các vị cao niên trong làng, ông tổ của nghề mộc Văn Hà có gốc gác từ Thanh – Nghệ – Tĩnh di cư vào (có một ít người lúc đầu vào sinh sống ở những làng kề cận như: Tuần Dương, An Mỹ Tây, … rồi sau đó mới về định cư tại đây. Đa số người làng tập trung sinh sống tại Quán Rường (Tam Đàn, Phú Ninh). Làng này khi mới khai canh, dân cư không nhiều, gồm các tộc họ: Đinh, Nguyễn, Trần, Phạm, Võ …. Họ Đinh là người đến trước, nhưng không hiểu nguyên nhân nào mà ở làng nhiều người cho là “tiền hiền họ Nguyễn, hậu hiền họ Đinh” (?), tính đến nay đã trải qua 13 đời.
Do cuộc sống ở làng khó khăn, nên những người làm nghề ở đây phải tha phương cầu thực. Cũng theo các vị cao niên, số dân làng đến lập nghiệp nơi đây từ buổi sơ khai là vào thời Lê Thánh Tông (thế kỷ 15). Những dòng họ này tuy có khai phá ruộng đất để cầy cấy, những vẫn coi nghề mộc là chính, việc đồng áng đều do bàn tay phụ nữ lo toan. Những người thợ tài hoa vào thời ấy phải kể đến cụ Đinh Văn Khóa, Đinh Luyện, Nguyễn Hoè, Trần Huy,… Hàng năm, vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, những trai tráng trong làng lại bắt đầu cho một chuyến đi làm ăn khắp nơi trong tỉnh: từ Thăng Bình đến tận phía Nam Tam Kỳ (Núi Thành), kể cả các vùng miền núi như Tiên Phước, Quế Sơn và cả các vùng kế cận thuộc Quảng Ngãi. Công cụ lao động của họ là những chiếc cưa, rìu, đục, chàng, khoan .. các loại, khoảng độ từ 20 – 30 chiếc, tất cả được xếp gọn gàng vào trong một chiếc thùng gỗ nhỏ (thùng đục), xách trên tay, có khi vài người chung nhau cho một người quàng trên một chiếc đòn gánh nhỏ. Và cứ thế họ len lỏi vào tận hang cùng ngõ nhỏ, đến các nơi cần đến những bàn tay khéo léo của họ. Họ dựng lên những ngôi nhà, đóng những bộ bàn, ghế…, xinh xắn theo đúng kiểu dáng yêu cầu của chủ nhân. Họ có tài khắc chạm trên những chiếc tránh (trính), chiếc xà … bằng gỗ của những ngôi đình, nhà thờ, những hoa văn trang trí, những kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn mang hơi hướng dân dã, đồng quê. Vào cuối tháng 12 âm lịch (khoảng từ ngày 20 đến 25 tháng chạp), họ lại rủ nhau về quê, sắm sửa, giỗ chạp tiền nhân. Công việc của họ cứ thế diễn ra, năm này qua năm khác như một thời gian biểu đã định sẵn; nhiều thế hệ nối tiếp nhau theo kiểu cha truyền con nối, không có nơi và người đứng ra đào tạo, cũng chẳng có một quy củ hay phong cách riêng, người lớn tuổi truyền thụ cho lớp hậu sinh trong một gia đình, kiểu dáng là do chủ nhân của những vật dụng yêu cầu, hoặc do chính người thợ nghĩ ra trong ý tưởng của mình rồi cứ thế mà chạm khắc. Tuy vậy, những người làm nghề mộc Văn Hà cũng biết tạo ra cho mình một cái gì đấy khác hẳn những người làm nghề nơi khác. Họ có những nét chạm trổ tỉ mỷ (từ địa phương họ dùng là “tế nhị”), những chiếc tránh (trính) có xoi trai cốc, ghim tránh, ghim kèo … khác với thợ Kim Bồng.
Những sản phẩm của thợ Văn Hà hiện còn khá nhiều ở Tam Kỳ, Tiên Phước … như nhà của ông Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Cảnh, Tiên Phước), Khổng miếu, đình Chiên Đàn, đình Phương Hoà, đình Mỹ Thạnh ở thành phố Tam Kỳ là những chứng cứ về sự tài hoa khéo léo của người thợ Văn Hà tạo nên.
Ngày nay, làng mộc Văn Hà chỉ còn lại một ít vị cao niên, họ vẫn chăm chỉ tạo ra những sản phẩm như thuở nào cha ông họ truyền lại, nhưng ở họ có rất nhiều băn khoăn, trăn trở về sự lụi tàn, mai một về ngành nghề, bởi lẽ lớp hậu sinh hôm nay không có ước vọng kế thừa. Phải chăng sản phẩm làm ra đòi hỏi thời gian, công sức, hoặc những nguyên liệu khan hiếm, những ngôi nhà bê tông đang dần được thay thế cho những ngôi nhà gỗ chạm khắc, vật dụng trang trí bằng gỗ quá đắt, hay vốn liếng đầu tư không có để họ tạo nên một lớp nghề giỏi ở nơi làng quê nghèo khó này
.
A. Phong cách làm khung nhà (bộ giàn trò):
Nguồn vật liệu dựng nhà chủ yếu là gỗ mít khai thác từ các vườn đồi phía tây nam của Quảng Nam như, Phú Ninh, Tiên Phước, Trà My. Người thợ Văn Hà khéo léo sử dụng các kiểu thức để khắc phục các điểm yếu của thân mít không có chiều dài lớn.
1. Cột: So với chiều cao nhà, dáng mập, nhà thấp
2. Đế đá kê cột: đơn giản và phổ biến đế hình vuông bằng sa thạch
3. Kèo lưỡng đoạn và tam đoạn: như kỹ thuật mà thợ Kim Bồng đã giới thiệu trên. Nét khác biệt là thợ Văn Hà là những đoạn kèo mập và uốn cong chiều.
4. Kèo nóc: Kiểu thức giao nguyên có bộ phận trỏng quả.
Cũng như kiểu thức đỡ vì nóc có trụ trốn, tuy nhiên phần đỡ nầy gọi là bộ phận trỏng quả gồm: đế tốm, quả bí và lá quả đa số các chi tiết của bộ phận nầy đều có gia công kiểu dáng và chạm khắc tạo nét đặc trưng của Quảng Nam riêng (ảnh số 18 và bản vẽ).
– Kiểu thức gia thu thủ quyển: Cũng với mục đích đỡ vì nóc nhưng ở vị trí đần hồi. Bộ phận trỏng quả được thay bằng hình thức một tấm ván (giống vì ván mê ở miền Bắc) gọi là gia thu và phỏng theo mô típ hình cuốn thư nên gọi là gia thu thủ quyển. Một số nhà ở Tam Kỳ, Núi Thành lập lại hình thức bộ phận trỏng quả tại hai vài đầu hồi, còn tăng thêm một số ván trang trí hoặc song tiện có chạm khắc lấp kín ô tam giác định hình của vì nóc (ảnh số 19).
5. Kèo ngạo/ kèo hiên / kèo hàng tư: Cũng mục đích đỡ hiên nhưng thợ Văn Hà đẽo khắc có dáng cong nhiều, dáng mập nên có nơi gọi là cái ngỏng (Tiên Phước) (ảnh số 20). Có nhà ở Tam Dân, Tam Thành gần làng mộc Văn Hà phổ biến loại kèo có tiết diện hình chữ nhật như một tấm ván được đục chạm lồi lõm, cưa lộng cách điệu … hình cuốn thư hoặc chạm trổ tỉ mỉ hoa lá.
6. Kèo giả tai vãi tai: Ở vị trí thên kèo quyết (Thường là kèo quyết tiền) một thanh gỗ nhắn vươn ra ăn mộng vào cột hè (nơi có cửa hông). Kèo nầy gọi là giả tai vài tai và cột đoạn kèo nầy giữ gọi là cột giả tai (ảnh số 21).
7. Tránh / trính: Hầu như các ngôi nhà ở phía nam được thợ Văn Hà dựng nên trính được gọi là tránh. Nhưng khác nhau cơ bản là đa số người thợ Văn Hà đều làm tránh cong hai đầu hay tránh lận
8. Rầm thượng: thường thi công ở vùng ít lũ lụt nên nhà ít bắt gặp rầm thượng, nếu có chỉ là những tấm ván nối hai trính của gian giữa, như là nơi cất giữ đồ gia dụng hoặc dự trữ các tấm ván dùng cho việc tu bổ, sửa chữa đồ linh tinh; vì vậy khoảng cách từ trính đến đòn đồng ngắn.
B. Phong cách trang trí và chạm trổ:
Sử dụng gỗ mít để chạm trổ, do thân gỗ ngắn, mập nên phần thân kèo, phần bụng kèo cũng được chọn để trang trí chạm khắc. Nét cơ bản về phong cách dựng nhà cuả thợ Văn Hà là luôn có bộ phận trỏng quả và tấm gia thu đỡ kèo nóc nên các thành phần như đế tôm, quả bí, lá quả (ấp quả) được chăm chút tỉ mỉ, trang trí và tạo nhiều dáng đẹp, thẩm mỹ cao.
Những đề tài chạm khắc thường gần gũi với nông thôn, dẫu rằng ít nhiều ảnh hưởng đề tài mang tính tín ngưỡng của Đạo giáo-Nho giáo-Phật giáo từ nghệ thuật cung đình Huế hoặc phố cổ Hội An có gốc của người Hoa. Đề tài trang trí trên gỗ như gốc, cành trúc tre biến thành long, cành mai hoá thành phượng, cây tùng hoá lộc (nai), bình dị hơn sen hoá cá, sen với vịt (liên áp). Các đề tài dễ hiểu như cá với sóng nước, sóc với nho nhưng những cặp đề tài thực vật và động vật đều đa số không theo quy ước, truyền thống. Cụ thể là các thú linh như long, lân, quy, phụng; rõ nét thì thợ Văn Hà chỉ hé mở ở điêu khắc một số đầu kèo của ngôi nhà xưa mà chủ nhân của nó có chức tước lớn như nhà quan án sát Trần Như Nhượng (Tam Xuân I, Núi Thành), nhà Tiến sỹ Trần Dư (Tam An, Phú Ninh), nhà ông Vĩnh Mậu (phường Hoà Hương, Tam Kỳ), … Những đề tài về bát bửu (tám món quý) của Nho, Phật, Lão cũng không phân biệt rõ, ví dụ chiếc đàn thường là đàn nguyệt, quạt mở không xếp được, kiếm – sách. Nhưng “hoạ tiết chữ vạn thì rất giống nhau với kỹ thuật khắc (ám hoạ).
Những ngôi nhà do thợ Văn Hà tham gia chạm trổ trang trí thường nằm ở phía Nam Quảng Nam đến tận Quảng Ngãi, ít chịu ảnh hưởng bởi các luật lệ, tính ước lệ của phong cách nghệ thuật cung đình Huế cũng như kiến trúc của người Hoa tại phố cổ Hội An. Nếu có bắt chước, sao chép thì cũng có biến thể, thay đổi cho phù hợp với tâm thức của người dân vùng nông thôn.
Nhận xét chung: Các ngôi nhà cổ ở phố cổ Hội An và ở vùng nông thôn Quảng Nam tuy giống nhau về mặt kiến trúc, nhưng cũng có những điểm khác nhau: nhà ở phố cổ Hội An thường có mắt cửa gắn trên cửa chính ra vào nhưng lại không thấy xuất hiện ở những ngôi nhà của người thợ Kim Bồng làm tại Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn; mà lại xuất hiện ở những ngôi nhà gần làng mộc Văn Hà như Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh. Chúng ta cũng thường bắt gặp đôi mắt cửa được bố trí ở cửa chỉnh và cửa trong nhà (gần trang thờ) (nhà anh Vinh, thôn An Vĩnh, Tam An; nhà bà Trinh Thị Thống (Tam Xuân1), nhà ông Lê Ngọc Anh (Tam Thành).
Lưu ý rằng các ngôi nhà xưa ở các địa danh này là nơi các người thợ mộc Văn Hà đã dựng nên. Phải chăng chủ nhân nơi này hoặc người thợ cũng đã học cách trang trí từ các mắt cửa của những ngôi nhà cổ người Hoa ở Hội An.
Nguyễn Thượng Hỷ