Hé lộ dự án xây dựng Bảo tàng dưới nước lớn nhất Thế giới ở Ai Cập

3
Hình phối cảnh nội thất bảo tàng dưới nước tọa lạc dưới đáy biển Alexandria, Ai Cập trong tương lai

THAM VỌNG KINH TẾ CỦA AI CẬP

Một dự án bảo tàng mới sẽ được xây dựng tại thành phố cảng Alexandria nhằm mục tiêu thu hút du khách kéo tới khám phá các kho báu bị chìm và chưa từng được công chúng khám phá trong suốt hơn 1.400 năm qua. Kể từ năm 1996, kế hoạch triển khai xây dựng một bảo tàng dưới nước tại Hải cảng phía Đông của vịnh Abu Qir thuộc Alexandria đã thật sự nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Mamdouh al-Damaty, Bộ trưởng cổ vật Ai Cập, đã khẳng định nước chủ nhà đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho đề án đầy tham vọng này.
Lần đầu tiên, ý tưởng về bảo tàng dưới nước đã được đặt lên bàn từ 20 năm trước, khi giới quan chức Ai Cập bắt đầu tìm hiểu làm thế nào để bảo vệ tốt nhất các hiện vật nhân tạo quý giá tại Alexandria tránh nguy cơ bị suy thoái thêm nữa. Ngay tại thời điểm này, các di tích đang bị đe dọa bởi nạn ô nhiễm tại vịnh Abu Qir, nạn săn bắn bởi các tay thợ lặn và sự hủy hoại từ các mỏ neo thuyền đánh cá. Ông Mohamed Abd El-Maguid khẳng định: “Bảo tàng dưới nước sẽ giúp giữ an toàn cho các di tích còn tồn tại, nó không chỉ là một cấu trúc vật chất mà còn là khu bảo vệ có thể được giám sát nghiêm ngặt”.

4
KTS Pháp, Jacques Rougerie bên một mô hình kiến trúc

CHI TIẾT BẢO TÀNG DƯỚI NƯỚC

Theo một báo cáo chính sách được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc (CCS) tại Đại học Stellenboch (Nam Phi), thì Hutchison Whampoa và một số công ty Trung Quốc đã sẵn sàng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các dự án tái phát triển cảng Alexandria. Năm 2008, KTS người Pháp-Jacques Rougerie đã thiết kế sơ phác dự án với ý tưởng kết nối Ai Cập với quá khứ. Bản thiết kế của ông Rougerie đề xuất ý tưởng hình thành một hòn đảo trên bờ của hải cảng phía Đông của vịnh Abu Qir, liên kết với một cấu trúc chìm dưới nước. Một chuỗi các đường hầm làm bằng sợi thủy tinh sẽ mang du khách đến đáy biển, cách bề mặt nước biển khoảng 6m, nơi đang có hơn 2.500 hiện vật đang hiện diện.
Một số hiện vật là những khối khổng lồ được cho là tàn tích của ngọn hải đăng Pharos cao 137m, nó được xem là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại trước khi đổ xuống vịnh Abu Qir vào thế kỷ 13 sau Công nguyên (sau CN), và một phần hải đăng bị chôn vùi. Kiến trúc bảo tàng dưới nước với phần nóc là 4 tòa tháp dinh thự trông hao hao như 4 cánh buồm của con thuyền buồm, chèo – một dạng thuyền buồm bằng gỗ truyền thống của vùng sông Nile, bản thiết kế của KTS Rougerie sẽ cho phép du khách nhìn thấy các hiện vật khi chúng đứng ở dưới biển suốt hàng thế kỷ, bao gồm tàn tích của cung điện Cleopatre VII – có tên trong bi kịch của Shakespeare – cũng như những bức tượng bán thân người con trai của bà là Caesarion, và cha của Cleopatre VII là Hoàng đế Ptolemy XII. KTS Rougerie ước tính rằng phải mất 2 năm để hoàn thành công tác nghiên cứu và lập dự án. Trong một đoạn video mô tả về ý tưởng của mình, KTS Rougerie giải thích: “Một tuyến đường đi bộ dài sẽ mở ra một thế giới đại dương bao la, tràn ngập ánh nắng mặt trời và những vũ khúc nhấp nháy của một bộ sưu tập các pho tượng và phế tích tại vịnh Alexandria và Abu Qir”.
Nguồn cảm hứng cho phần lớn ý tưởng của KTS Rougerie gồm môi trường sống dưới nước, các phòng thí nghiệm đại dương và những trung tâm nghiên cứu. Ông cũng đưa ra một số thiết kế khá kỳ quái, bao gồm quần thể thành phố nổi Mérien có hình dáng như con cá Đuối; và SeaOrbier là một kiến trúc có ½ chìm dưới nước và ½ là tháp chọc trời, nó cho phép các nhà nghiên cứu đi lại và nghiên cứu các đại dương suốt 24 giờ/tuần. Những mẫu thiết kế của ông Rougerie khiến người ta gợi lên những vật thể ngoài không gian và khơi gợi tính tò mò khắp toàn cầu. Bằng cách xây dựng các cấu trúc lột tả đời sống đại dương, KTS Rougerie muốn thu hút sự chú ý đến “Vẻ đẹp và sự mỏng manh” của biển cả và vai trò nền tảng trong câu chuyện về nhân loại. Rougerie nói Bảo tàng dưới nước ở Alexandria không chỉ làm tái sinh ngành công nghiệp du lịch trong thành phố, mà còn giúp tạo điều kiện nghiên cứu sâu hơn vào các phế tích cổ đại ở đó. Bản thiết kế cuối cùng sẽ được mời chào và chọn lựa sau những nghiên cứu khả thi xa hơn.

2
Bảo tàng sẽ được xây dựng tại bến cảng phương Đông thuộc vịnh Abu Qir, Alexandria, Ai Cập

TẦM QUAN TRỌNG CỦA BẢO TÀNG DƯỚI NƯỚC

Hiện tại giới học giả vẫn đang tranh cãi rằng khi nào và làm thế nào mà những đại cung điện, những giảng đường học thuật, nhà cửa và đền đài ở Alexandria lại có thể bị chìm. Qua việc nghiên cứu lớp trầm tích ở đáy vịnh và việc khai quật những hài cốt nằm bên dưới hải cảng Alexandria ngày nay, có vẻ như đô thị này đã bị hủy hoại từ từ bởi các trận động đất, sóng thần và tình trạng gặm nhấm xói mòn do biển cả. Có vẻ như vùng phía Đông biển Địa Trung Hải đã dần dần bị dâng ngập nước trong khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 7 sau CN. Những kho báu đó đã được bảo tồn nguyên vẹn trong suốt hơn 14 thế kỷ ngay cả khi vùng nước tại đó bị ô nhiễm và bất chấp một dự án xây dựng con đê chắn sóng vào năm 1993 làm hủy hoại nhiều hiện vật nhân tạo.
Những đợt lặn gần đây của các nhà khảo cổ học dưới nước người Pháp, Franck Goddio, đã hé lộ những bức tượng với các khuôn mặt của Ptolemy và Cleopatra, tượng nhân sư cá sấu đầu chim ưng cùng tượng những vị tư tế tay cầm các lọ đựng di hài. Năm 2011, Công ước về bảo tồn di sản văn hóa dưới nước (CPUCH) – một thỏa thuận của các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc nhằm tăng cường công tác bảo vệ và bảo tồn an toàn các hiện vật vô giá chìm dưới nước tại các vùng biển trên thế giới đã được ký kết. Bà Ulrike Guérin, luật sư của UNESCO khẳng định: “Bảo tàng dưới nước ở vịnh Abu Qir sẽ làm thay đổi cảnh quan nghiên cứu và giáo dục đối với các phế tích khảo cổ vốn là một phần quan trọng trong lịch sử Ai Cập. Bảo tàng sẽ làm thay đổi cách chúng ta nhìn về di sản dưới nước”.

5
Lối vào chính dẫn xuống bảo tàng dưới nước

Thay lời kết

Đến nay, không có bảo tàng dưới nước nào lớn như ở Alexandria ngoại trừ một phiên bản nhỏ hơn đang tồn tại là Bảo tàng thủy cung Baiheliang ở Trung Quốc, bảo tàng này nằm gần đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Những con đường hầm dựng bằng bê tông kiên cố có gắn các ô cửa sổ kính, du khách có thể xem một con cá bằng đá dài 2,1m tại bảo tàng Baiheliang.
Trong khi đó, UNESCO đang tiếp tục các kế hoạch tạo ra vài cuộc triển lãm trực tuyến về các địa điểm dưới nước chẳng hạn như Pavlopetri ở Hy Lạp. Hiện đang có một dự án đang được tiến hành nằm tạo ra một hình ảnh giải trí về phế tích thông qua nhiếp ảnh và quét 3D. Có thể nói, Vương quốc dưới nước là một bí ẩn, và khảo cổ học dưới nước cũng huyền bí không kém. Bảo tàng dưới nước sẽ thu hút mọi sự chú ý trong khi vẫn giữ được nguyên vẹn các di tích – Di tích dưới đáy biển sâu luôn sẵn sàng cho bất kỳ ai muốn tham quan và cố gắng để điền thêm các chương mới vào những cuốn sách lịch sử. 

baotang3
Mô hình phần nổi của bảo tàng. Ảnh: National Geographic

Nguyễn Thanh Hải (Theo hãng tin Smith Sonianmag – Mỹ)

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04/2016 )