Lớn lên cùng kiến trúc nước nhà

70 năm, nhìn vào lịch sử thì thấy mối nhân duyên này cũng thật thú vị – Bởi vì kiến trúc là nghệ thuật thiết kế công trình, làm đẹp cho đời và phục vụ cho con người theo sự biến thiên của thời gian.

Từ khi ra đời, trong những năm tháng trường chinh chống Pháp, có lẽ công trình kiến trúc đẹp đẽ nhất và Việt Nam nhất chính là công trình nhà sàn của Bác và Khu Hội trường phục vụ Đại hội Đảng được làm toàn bằng tre nứa được dựng ở chiến khu Việt Bắc. Vật liệu tre nứa còn tiếp tục được phát triển trong thời chống Mỹ, ở miền Bắc là những giảng đường nhà hầm nơi sơ tán, dọc Trường Sơn là những binh trạm, những sở chỉ huy tồn tại cho đến ngày Thống Nhất. Đến bây giờ, có nhiều KTS cũng vẫn muốn dùng vật liệu này tạo nên những công trình thời đại với mong muốn tạo dựng những công trình mang “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Từ khi lập lại hòa bình ở miền Bắc, chỉ trong một thập niên (từ 1955 đến 1965), biết bao công trình xây dựng mọc lên với những kiểu dáng kiến trúc sáng tạo khác nhau của những KTS hàng đầu như những nhà máy dọc đường vào thị xã Hà Đông. Nó biểu hiện sự trẻ trung và sung sức của thời thanh xuân như chính lứa tuổi chúng tôi ngày đó. Ngày đó ở Hải Phòng, chúng tôi đã xiết bao tự hào khi đến tham quan những nhà máy Thủy tinh, Sắt tráng men, Đóng tàu, Nhựa Tiền Phong… và trong khát vọng của nhiều bạn đồng trang lứa, đã có bao nhiêu bạn mơ ước và trở thành KTS. Khi ấy, chúng tôi hát say sưa “Những ánh sao đêm” của Phan Huỳnh Điểu và nhận thấy cấu trúc của giai điệu ấy đẹp như dáng vẻ của những tác phẩm kiến trúc thời bấy giờ, cái đẹp của sức vươn lên tầm cao.
Một người bạn học của tôi ngày đó đã trở thành KTS nổi tiếng ở Hải Phòng – Đó là KTS Đỗ Nam. Bọn tôi học với nhau từ hồi cấp I cho đến tận cấp III. Khi ấy, tôi và Nam có một sở thích giống nhau là yêu âm nhạc. Có bài gì mới là cùng nhau tập hát nghêu ngao.

Đến khi biết nhạc thì hai đứa đóng một quyển sổ chép nhạc to cỡ 19×25. Rồi thì hì hục dùng dao cạo cắt vỏ bao diêm “Thống Nhất” làm bút kẻ nhạc. Nam đã vẽ rất đẹp từ ngày đó. Nhà Nam rất nhiều mầu nước, mực mầu và bút vẽ. Chúng tôi thống nhất rằng kẻ nhạc phải bằng mực đỏ, rồi chép nốt nhạc, lời bài hát bằng mực đen. Các loại mực này đều do Nam cung cấp. Đến khi bài hát được chép xong thì Nam giúp tôi minh họa và kẻ chữ đầu bài. Trong rất nhiều minh họa của Nam đều thấp thoáng bóng dáng những tòa nhà, những lâu đài. Ước mơ thầm kín trở thành KTS đã ở trong Nam tự khi nào và lặng lẽ lớn dần theo thời gian.

Khi vào đại học, tôi học Đại học Thông tin liên lạc, còn Nam thì thỏa nguyện vào học Đại học Kiến trúc. Số phận của chúng tôi vào những năm tháng ấy hoàn toàn ngược nhau. Sau khi ra trường, Nam về Hải Phòng và trực tiếp tham gia vẽ nên bao công trình xây dựng cho đất cảng anh hùng sau chiến tranh phá hoại với ngổn ngang tàn phá. Còn tôi thì vào bộ đội đi theo những đoàn quân, chứng kiến bao nhiêu sự tàn phá ở các miền quê phía Nam. Quyển sổ chép nhạc tôi để lại Hà Nội tại nhà ông anh cả ở dốc Ngọc Hà cũng đã bị cháy thui cùng nhiều kỷ niệm khác bởi máy bay B52 bị bắn cháy rơi xuống hồ bên cạnh nhà. Tôi cũng chẳng bao giờ hỏi Nam về quyển sổ chép nhạc của bạn có còn hay đã thất lạc.

Nam mang nghệ thuật kiến trúc ra làm đẹp cho Hải Phòng quê hương. Tôi về Hà Nội công tác cũng quen biết thêm bao KTS làm đẹp cho Thủ đô và cho đất nước. Có các đàn anh như các KTS Tạ Xuân Vạn, Nguyễn Trọng Huấn… thường say ngất ngưởng và xuất thần những ý tưởng kiến trúc khác thường. Có bạn Hoàng Phúc Thắng vừa sáng tác ca khúc vừa lạ lùng” với “Không gian Alibaba”. Có các đàn em “hậu sinh khả úy” như Hoàng Thúc Hào với những sáng tạo độc đáo tân kỳ hay Thân Hoàng Linh gắn bó với các công trình dân sinh như Nhà ga hàng không T1. Cũng có những người bạn vong niên như GS Hoàng Đạo Kính, KTS Hoàng Minh Phái…

Tôi theo nghề thông tin đến năm 1982 thì nghiệp thơ nhạc kéo tôi sang một chân trời khác, bỏ lại tấm bằng đỏ kỹ sư nằm yên trong ngăn tủ phủ bụi. Nam càng đến tuổi hưu, càng phát lộ khả năng ca hát của mình. Ngoài tôi là bạn cũ, Nam còn rất thân với ca sĩ – nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, không chỉ bởi giọng hát trời cho mà còn vì cái tính hồn nhiên của trai đất mỏ. Năm 2004, VTV làm phim chân dung về tôi, Nam tình nguyện làm “xe ôm” chở tôi từ ga Hải Phòng về nhà, để tạo nên một trường đoạn về bạn bè vô cùng ấm áp trong phim. Trong khi Hội KTS Việt Nam đang chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm lớn lên cùng kiến trúc nước nhà, tôi cũng nghe Nam đang chuẩn bị cho ra một CD kỷ niệm cái ngưỡng “nhân sinh thất thập”. Tôi bồi hồi nghĩ tới người bạn thuở ấu thơ và mối nhân duyên thú vị với nghề kiến trúc và những người làm kiến trúc. Có cảm giác ký ức cũng là một vật liệu rất quý hiếm để xây lên tòa cao ốc tình bạn. Ký ức tràn ra thơ với những ý tứ đong đầy:

“Ùa về ngày xa ấy
Vô tư và ngây thơ
Kỷ niệm còn xanh mãi
Những nụ cười non tơ
Đời lạ lùng vô bờ
Chia ra bao đường nhỏ
Độc hành bước từng đứa
Bạc đầu chợt tụ về…
Ừ! Đời đúng là một giấc mơ.
Mới thế đã bạc đầu rồi.”

Nguyễn Thụy Kha

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)