Medina Azahara, Thành phố Khalip

Medina Azahara nằm ở ngoại ô thành phố Córdoba thuộc vùng Andalucía của Tây Ban Nha. Thông thường có các tuyến xe bus đưa khách du lịch từ trung tâm thành phố Córdoba đến đây. Đoạn đường đến Medina Azahara không có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ diễm lệ nhưng bình dị yên ả vô cùng với những ngọn đồi thoải, những đồng cỏ ngả vàng, và những con bò nhẩn nha cô lẻ.

Di tích còn lại của tường thành và cổng vòm vành móng ngựa

Dưới cái nắng chói lòa rát bỏng của vùng Andalucía, những cổng vòm hình móng ngựa trên những cột trụ có đầu trang trí kiểu Hi Lạp đứng giữa phần còn lại của bức tường thành dài nay chỉ còn là những phiến đá, những mẩu hoa cương lát sàn ít ỏi còn tồn tại lẫn trong đất cát. Thành phố huy hoàng nhiều thế kỉ trước giờ chỉ còn tàn tích, sự hào nhoáng xa xưa bị vùi dưới cát bụi thời gian. Đứng trên những phiến đá mấp mô đó, ta phải vận dụng tối đa trí tưởng tượng để phục dựng hình ảnh tráng lệ của một thành quách, một nền văn mình xưa cũ.

Di tích còn lại của một thời Moorish vàng son (Ảnh trong bài: Đinh Ngọc Tâm)

Medina Azahara (tiếng Ả Rập là Madĩnat az-Zahrã ) là di tích khảo cổ học có ý nghĩa cực kì quan trọng, diện tích khoảng 112 héc-ta, thành phố này thuộc về triều đại Umayyad của Córdoba, xây dựng trong thế kỉ thứ 10 thuộc công nguyên. Khi thời hoàng kim của triều Umayyad qua đi, thành phố bị tàn phá trong hỗn loạn của nội chiến, sau đó bị bỏ hoang và bị quên lãng trong gần 1000 năm cho đến khi được giới khảo cổ phát hiện vào đầu thế kỉ 20. Qua nghiên cứu khảo cổ, người ta tìm thấy ở đô thị phức hợp này từng có sự tồn tại của tất cả các yếu tố hạ tầng bao gồm đường xá, cầu cống, nhà cửa, hệ thống cung cấp và thoát nước, các yếu tố trang trí và mọi công cụ cơ bản của đời sống hàng ngày. Di tích đem đến cái nhìn mới về sự tráng lệ của thời đại Umayyad Córdoba.

Medina Azahara cách trung tâm thành phố Córdoba của Tây Ban Nha 8km về ngoại ô phía tây, không khó để hình dung vì sao vùng đồi thoai thoải này được lựa chọn cho sự hình thành một thành phố quan trọng đến vậy. Thành phố trải dài trên một vùng đồi dốc thoải, phía nam quay mặt về vùng bình nguyên hoang sơ trống trải cho phép cư dân có tầm nhìn thoáng đãng để sớm nhận ra sự tấn công của bất kì kẻ thù nào. Từ trên đỉnh đồi cao, người ta cũng có thể thưởng ngoạn khung cảnh thanh bình bao quanh thành phố, với những đồng cỏ, những vùng cát và cây cối thưa thớt.

Ngược dòng thời gian về năm 750 thuộc công nguyên, Abd al-Rahman I (731-788) là một hoàng thân của vương triều Umayyad cai trị thế giới Islam giáo (Hồi giáo) rộng lớn có thủ đô ở Damascus nay thuộc Syria. Dưới thời trị vì của vương triều Umayyah từ năm 661 đến 750, quốc gia Islam trở thành đế quốc Ả Rập hùng mạnh có lãnh thổ trải dài từ đồng bằng sông Ấn ở phía Đông đến đất Tây Ban Nha ở phía Tây. Đây là triều đại khalip có lãnh thổ rộng lớn nhất. Abd al-Rahman I là cháu nội của khalip Hisham ibn Abd al-Malik, nhà lãnh đạo đứng đầu đế chế. Tuy nhiên vào năm 750, vương triều Umayyad bị lật đổ bởi nhà Abbasid sau một cuộc binh biến đẫm máu. Tất cả các thành viên gia tộc Umayyad đều bị thảm sát không khoan nhượng. Abd al-Rahman I khi đó mới hai mươi tuổi thoát chết nhưng phải cải trang thành dân thường lẩn trốn vào những làng mạc trong cuộc hành trình dài gian truân về phía Nam mà quân Abbasid ráo riết truy đuổi phía sau. Hoàng thân trẻ chỉ hoàn toàn thoát nạn khi bơi một mạch không ngừng nghỉ qua dòng sông Euphrates vào đất Tây Ban Nha. Ở đây, vị hoàng thân trải qua nhiều thử thách chính trị và quân sự để xây dựng địa vị, sáng lập ra nhà Umayyad ở Córdoba với lãnh thổ trải dài trên bán đảo Iberia, nay là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Khi vương triều được củng cố, những người ủng hộ nhà Umayyad từ khắp nơi đáp lại lời hiệu triệu đã tìm đến Córdoba như mảnh đất an toàn khỏi sự truy sát của nhà Abbasid. Có trong tay quyền lực Abd al-Rahman I ngay lập tức muốn tiêu diệt nhà Abbasid đang đóng đô ở Baghdad để trả món nợ máu năm xưa. Tuy nhiên vì nội bộ nhà nước mới còn nhiều rối ren, mục tiêu này bị trì hoãn vô thời hạn. Abd al-Rahman I được suy tôn “êmia” (tiếng Ả rập là أمير‎ ʾAmīr, thường gọi là tiểu vương). Hậu duệ thứ 7 của Abd al-Rahman I là Abd al-Rahman III về sau xưng là “khalip” (tiếng Ả Rập خليفة Khalīfah, lãnh tụ của nhà nước Islam). Quần thề cung điện Medina Azahara được xây bởi Abd al-Rahman III, khalip đầu tiên của vương triều Umayyad Córdoba. Medina Azahara được thiết kế mô phỏng theo cung điện Umayyad cũ ở Damascus. Công trình này như một biểu tượng cho sự kết nối giữa khalip và tổ tiên Umayyad của mình.

Quang cảnh rộng lớn với điểm nhìn mà khalip từng có trong thế kỉ thứ 10

Không giống như cha ông chấp nhận địa vị tiểu vương êmia, khi Abd al-Rahman III tự xưng khalip, ông trở thành nhà bảo trợ hùng mạnh cho cộng đồng Islam giáo trên toàn bán đảo Iberia, cắt đứt sự thừa nhận đối với quyền lực của khalip Abbasid đang trị vì ở Baghdad và tỏ thái độ bất phục tùng với một thế lực lớn khác là khalip của nhà Fatimid ở Bắc Phi. Địa vị mới của khalip Abd al-Rahman III đòi hỏi một lâu đài mới, đủ tráng lệ xa hoa để trở thành biểu tượng quyền lực và khẳng định sức mạnh vượt trội của ông so với các đối thủ chính trị. Một số tài liệu cũng cho rằng Medina Azahara là món quà nhà vua tặng cho người vợ yêu quý nhất, nàng tên Azahara, tuy nhiên giới sử gia chưa đồng thuận về giả thuyết này.

Di tích còn lại của một thời Moorish vàng son

Thành phố Medina Azahara được xây dựng trên 3 cao độ nền như còn được thấy ngày nay, mỗi tầng có một vai trò nhất định. Tầng cao nhất là cung điện hoàng gia, nơi ở chính thức của khalip và gia đình hoàng tộc. Nơi ở của nhà vua được nối với nhà vệ sinh, nhà tắm riêng và các khu vực khác thông qua các dãy hành lang. Ở đây cũng có một khuôn viên khá rộng cho thư viện. Cung điện được xây dựng tại nơi mà từ thế kỉ thứ nhất thuộc công nguyên, ống dẫn nước La Mã đã chạy từ Sierra Morena đến các con lạch ở Córdoba, nhưng ống nước này nằm sâu nhiều mét bên dưới cung điện, do đó, vòi nước mới được xây lại để cung cấp nước lâu dài cho các tầng cao hơn. Đổi lại, hệ thống thủy lợi La Mã cũ được chuyển hướng sử dụng làm cống chính cho một hệ thống kênh nhỏ phức tạp chở theo nước mưa và nước thải. Nhiều thực phẩm và mảnh gốm từng được tìm thấy ở đây. Tầng thứ hai là nơi tọa lạc các tòa nhà chính phủ và những khu vườn lớn. Trong khi đó, tầng thấp nhất là nơi ở của cư dân xen lẫn với đền thờ. Medina Azahara từng có ít nhất 3 khu vườn. Khu vườn nhỏ có tên gọi “vườn của thân vương” nằm ở tầng cao nhất được dùng cho giới quý tộc, những người giàu có và quyền lực thường xuyên lui tới cung điện. Hai tầng thấp hơn là nơi tọa lạc các khu vườn Islam rộng lớn. Khu vườn cực Tây nằm ở điểm thấp nhất của thành phố trong khi khu vườn cực Đông dẫn đến sảnh đón tiếp tên gọi Salon Rico. Khu vườn Islam có một mái che ở trung tâm, bao quanh bởi 4 hồ nước hình chữ nhật. Bốn góc phần tư của khu vườn được tưới nước bởi các kênh đào chạy dọc theo các lối đi nối liền với nhau. Từ vị trí cao nhất, ta có thể thưởng ngoạn quang cảnh rộng lớn với cùng một điểm nhìn mà khalip từng có trong thế kỉ thứ 10. Những gì còn lại ngày nay là nền móng của đền thờ, phần còn lại của những thước cột, các bức tường đá, vòm cong móng ngựa và các họa tiết trang trí trên kiến trúc mặt tiền tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Moorish. Tất cả những gì còn lại đủ để Medina Azahara trở thành một trong những di tích khảo cổ đáng chú ý nhất ở châu Âu cùng với ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng. Ngày 1 tháng 7 năm 2018, địa điểm được UNESCO liệt kê vào danh sách di sản thế giới với tên gọi “Caliphate City of Medina Azahara”. Bất chấp ý nghĩa và sự hấp dẫn của mình, Medina Azahara chưa từng quá đông du khách, một phần có thể vì địa thế xa trung tâm thành phố Córdoba. Nhưng cũng bởi vậy, không khí tương đối yên ả ở đây, cùng với những ngọn gió thổi mạnh trên đỉnh đồi dường như rất thích hợp cho hoài niệm và tưởng tượng.

Quang cảnh nhìn từ trong thành

Khi đến Medina Azahara người ta thường nhắc nhiều về Abd al-Rahman III, khalip đầu tiên của triều Umayyad ở Córdoba. Abd al-Rahman sinh ra ở Córdoba, cháu trai của êmia Abdullah ibn Muhammad al-Umawi, người thừa kế độc lập thứ bảy của nhà Umayyad xứ Andalucía. Ông là hoàng tôn có dòng máu lai của nữ hoàng Toda xứ Pamplona, được miêu tả có nước da trắng, mắt xanh, khuôn mặt quyến rũ dù chân rất ngắn. Abd al-Rahman lúc ngoài hai mươi tuổi được thừa hưởng ngôi báu trực tiếp từ ông nội ngay khi các hoàng thúc vẫn còn sống. Córdoba mà ông tiếp quản khi đó là một đất nước rối ren trên bờ vực tan rã. Trong hai mươi năm đầu cầm quyền, Abd al-Rahman đã tránh hành động quân sự chống lại các vương quốc Kitô giáo phía Bắc, thay vào đó tập trung đàn áp các phiến quân, sau đó tự xưng khalip, đánh bại nhà nước khalip Fatima ở Bắc Phi bằng cách ủng hộ kẻ thù của họ. Abd al-Rahman III là nhà bảo trợ lớn cho nghệ thuật, tích cực mở rộng thư viện thành phố, thực hiện chính sách khoan dung tôn giáo. Người ta nói rằng trong thời đại Abd al-Rahman III, Córdoba có tới 3000 nhà thờ Islam giáo và 100000 cửa hiệu cùng nhà cửa. Dưới thời trị vì của ông, Córdoba là trung tâm kinh tế quan trọng và bán đảo Iberia là một thế lực chính trị mạnh mẽ. Đến Medina Azahara ngày nay, hào quang của khalip lẫn hào quang của thành phố tráng lệ đã lùi sâu vào dĩ vãng, những gì còn lại là kí ức về một thời Moorish vàng son.

KTS Đinh Thị Ngọc Tâm
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2021)