Một vài cảm nhận về biểu tượng rồng ở ngã sáu Bắc Ninh

“ …Sáu dải lụa đào
Một vành nón trắng
Sáng bừng lên trong sắc nắng – xuân về”
(Ngã sáu Bắc Ninh – HP)

Là đảo giao thông lớn nhất ở trung tâm thành phố, Ngã Sáu Bắc Ninh rất xứng đáng được sự quan tâm của thành phố, của tỉnh để trở thành một địa điểm văn hoá ấn tượng, hấp dẫn, phù hợp với một đô thị trẻ, năng động. Việc xây dựng biểu tượng ở Ngã Sáu là một việc làm cần thiết để giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng khát vọng cho mỗi người dân Bắc Ninh, góp phần cho đô thị Bắc Ninh khang trang và hiện đại hơn!

Mô hình biểu tượng Rồng tại đảo tròn Ngã Sáu
Mô hình biểu tượng Rồng tại đảo tròn Ngã Sáu

Ưu điểm của việc chọn Biểu tượng ở Ngã Sáu

maxresdefault_1

  • Nằm ở nút giao thông lớn nhất của trục đường Thần đạo mang tên Lý Thái Tổ, phía đầu đường là tượng vua Lý, tay cầm chiếu dời đô, nhìn về Kinh thành xưa mà Người sẽ đổi tên là Thăng Long (rồng bay), theo tầm mắt của Người – đoạn đường thẳng (ngã sáu) – dùng biểu tượng của chín đời vua triều Lý ở đây là hoàn toàn phù hợp!
  • Biểu tượng đã tôn vinh được truyền thống lịch sử dân tộc, cho ta tự hào về sự tồn tại, thịnh vượng của 9 vương triều Lý trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc (Chọn 9 đời vua Lý chứ không phải là 8 bởi: Lý Chiêu Hoàng – vị vua bà duy nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, công của bà như Trần Thái Tông đã từng nói với Lý Chiêu Hoàng: “Ái khanh đã hy sinh rất lớn cho đất nước, cho cơ nghiệp nhà Trần và cho sự nghiệp của Trẫm”. Bà không được thờ ở Đền Đô chỉ vì tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến mà thôi. Nếu nhận định, đánh giá lịch sử thật khách quan, công bằng thì rất nên đưa Lý Chiêu Hoàng về Đền Đô thờ chung với tám vị vua của Vương triều Lý).
Mô hình Biểu tượng Rồng thời Lý với 3 tư thế được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để lấy ý kiến nhân dân
Mô hình Biểu tượng Rồng thời Lý với 3 tư thế được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để lấy ý kiến nhân dân
  • Hình khối, bố cục trang trọng, dễ dàng nhận biết, thể hiện được đặc trưng của sự phát triển thành phố và của tỉnh. Có tính khái quát và thẩm mỹ cao, giàu nghệ thuật, dân tộc, hiện đại. Hình thức đẹp, bắt mắt, gây ấn tượng cho du khách.
  • Là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, tạo cho bộ mặt đô thị Bắc Ninh thêm khang trang, hoành tráng hơn.

Nhược điểm của Biểu tượng Rồng cần lưu ý:

  • Biểu tượng đặt ở vị trí nút giao thông chính của thành phố với vòng xoáy lớn đường kính 80m, đối tượng cảm nhận là những người đi đường với tốc độ cao, nên việc chiêm ngưỡng biểu tượng chỉ diễn ra trong trạng thái động. Vị trí này chỉ phù hợp với những hình khối kỷ hà đơn giản, được cách điệu hiện đại, có mầu sắc trang nhã, không làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng giao thông đường phố; vì thế hình tượng phải thật cô đọng, tránh rườm rà như những chi tiết tả thực trong biểu tượng.
  • Phương án chọn là Rồng thời Lý ở 3 tư thế: Thế Thăng Long (Rồng bay), thế Hạ Long (Rồng uốn lượn khoan thai); thế Tiềm Long (Rồng cuộn tròn, ẩn mình trong nước). Trong ba tư thế đó, ở thế Tiềm long thì chỉ người đi bộ vào tận nơi mới chiêm ngưỡng được. Người đi đường không thể nhìn thấy ở dưới mặt nước. Đấy là chưa kể, nói tới Lý Thái Tổ là nói tới Thăng Long (Rồng bay), Thăng Long nơi Rồng vàng xuất hiện. Hình tượng Rồng thời Lý trở thành biểu tượng cao quý – quyền uy của Vương quyền và linh thiêng của Thần quyền (với đạo Phật là Quốc giáo). Nói tới Rồng là ta nghĩ ngay tới cái dáng vươn lên mạnh mẽ của một địa phương, một dân tộc. Hình tượng Rồng thường được kết hợp với mây (dạng mây bay, mây tụ, mây hình lửa, mây hình hoa…) hơn là hình tượng Rồng kết hợp với nước, nằm cuộn trong nước, mặc dù con Rồng xuất thân từ nước.
  • Rồng ở thế Thăng Long với 3 Rồng bay, mỗi Rồng cao 15,5m trên bệ cao 3,5m tổng là 19m (tương đương với một toà nhà cao 5-6 tầng) và chiều rộng cũng khoảng 15-20m. Với kích thước này lại nằm ở đảo giao thông với mật độ xe rất nhiều của trung tâm thành phố liệu có an toàn cho giao thông khi tầm nhìn bị án ngữ?

2_miqn

  • Chọn lại hình dáng thân rồng thế Thăng Long nằm gọn trong một điểm tựa là cánh lá đề là khá đẹp và hợp lý- nếu được để ở trong không gian hẹp; hình tượng Rồng trong lá đề của chạm khắc cổ của các công trình Cung đình thời Lý (khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long) cũng vậy, chỉ là rất nhỏ ở trên mái ngói mũi hài. Nếu cứ phóng to ở một không gian lớn như Ngã Sáu Bắc Ninh là không thể phù hợp (giống như ta đem tượng sa lông ra làm tỷ lệ cho tượng đài hoành tráng ngoài trời vậy!). Trông biểu tượng ở phần lá đề có dáng bầu bĩnh quá, nhất là khi ta phải nhìn ngước từ dưới lên, trông sẽ nặng nề. Vì thế, về mặt tỷ lệ rất cần nghiên cứu thật chu đáo, để nhẹ nhàng thanh thoát hơn sao cho phù hợp với không gian đô thị – một Ngã Sáu Bắc Ninh rộng rãi và đẹp đẽ.

Kết luận:

Đúng với ý tưởng đề ra khi thiết kế biểu tượng: Là một công trình văn hóa nghệ thuật hoành tráng, phải là ý tưởng lớn, biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên. Với nhận thức như vậy, rất cần các nhà quản lý, các nhà tư vấn tâm huyết hơn nữa với mảnh đất quý giá này. Không thể vội vàng với một không gian lý tưởng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm khai thác tối ưu, tận dụng quỹ đất quý hiếm của đảo, để phát triển được về chiều sâu của ý nghĩa miền đất cổ mà ta đặt biểu tượng, làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị Bắc Ninh – ngàn năm văn hiến.p

 

KTS Nguyễn Huy Phách-TCKT.VN

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2016)