Một vài suy nghĩ về tầm nhìn quy hoạch

Với lợi thế của một tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, Bắc Ninh đang phấn đấu trở thành đô thị trực thuộc trung ương vào những năm 2020, công tác quy hoạch đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện nay liên danh tư vấn TAT-NSC-TVS đang hoàn chỉnh các phương án ý tưởng về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch ý tưởng mong muốn đưa ra được cương lĩnh phát triển dài hạn cho đô thị Bắc Ninh, hướng tới các mục tiêu “Văn minh, hiện đại, sinh thái và bền vững”trên mảnh đất nghìn năm văn hiến. Gọi là ý tưởng quy hoạch, nhưng thực chất đó chính là tầm nhìn quy hoạch, là phạm vi bài viết này muốn đề cập tới.
Bản đồ quy hoạch chung xây dựng Bắc Ninh
Công tác quy hoạch là hoạch định trước những việc cần làm và đặt ra trước những mục tiêu cần đạt tới. Nói một cách khác, quy hoạch chính là tầm nhìn.
Tầm nhìn quy hoạch về thực chất là tầm nhìn phát triển, nhưng là phát triển có tính dự báo khoa học, một dự báo có tính khả thi cao. Tầm nhìn quy hoạch là tầm nhìn phát triển dài hạn cho miền đất ấy sống và phát triển bền vững hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm sau. Quy hoạch phát triển cố nhiên phải dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế và chính trị, văn hóa, sinh thái của nơi đó mà quy hoạch. Nhưng sẽ không đủ và vẫn có nguy cơ sai lầm nếu không có tư duy mới về phát triển của thời đại, vượt bỏ được những sai lầm trong quá khứ.
Để có tầm nhìn và chất lượng quy hoạch, trước khi xây dựng quy hoạch cần được điều tra, khảo sát kĩ lưỡng, phải có một đội ngũ làm công tác quy hoạch chuyên nghiệp và một Hội đồng thẩm định khách quan, khoa học, công tâm, vì lợi ích chung, không bị chi phối bởi “nhóm lợi ích” hoặc vì lợi ích trước mắt của ngành, của địa phương. Cần công khai, minh bạch quy hoạch để các tổ chức và nhân dân giám sát, huy động tối đa tiềm năng, thế mạnh của các chuyên gia, đội ngũ các nhà khoa học có kinh nghiệm, các Hội nghề nghiệp…tham vấn, phản biện quy hoạch.
Đô thị Bắc Ninh trước xu hướng đô thị hóa
Các bạn Hà Nội kể rằng: Năm đầu của thế kỷ XXI, thành phố Hà Nội được CH.Pháp trao tặng một tấm bản đồ cuối cùng (1938) mà người Pháp thực hiện về quy hoạch Hà Nội. Có một chi tiết rất ấn tượng, đó là ngay từ thời kỳ chưa ai hình dung thế nào là tắc đường, kẹt xe, thì người Pháp đã tính toán quy hoạch toàn bộ những cửa ô của Hà Nội như Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác…là những ngã bảy, ngã tám. Tấm bản đồ này là minh chứng cho cái gọi là tầm nhìn trong quy hoạch. Trên thực tế, những tuyến phố do người Pháp quy hoạch và xây dựng tại Hà Nội cách đây hơn một thế kỷ như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quang Trung…, đến bây giờ hầu như rất ít khi xảy ra ùn tắc.
Cái chính là họ đã có những tầm nhìn rất xa. Còn ở chúng ta, nơi này, nơi kia có những lúc tầm nhìn không vượt quá… 5 năm, mà ai đó đã trăn trở gọi là “tư duy nhiệm kỳ” cùng với cụm từ “quy hoạch treo”, hoặc “dự án treo”… . Với 5 năm có khi chỉ là một khoảng thời gian đủ để gánh và sửa lỗi của nhiệm kỳ trước, như một vòng tròn luẩn quẩn không thể thoát ra được. Đó là chưa kể đến việc những người đi sau nỗ lực chứng minh năng lực của mình bằng mọi cách để ghi chút dấu ấn vào lịch sử, kể cả việc phủ nhận thành quả của những người tiền nhiệm. Nhiều bản quy hoạch thông qua chưa kịp thực hiện đã phải điều chỉnh.
Quy hoạch chi tiết Trường ĐH Bách Khoa – Bắc Ninh
Và để hạn chế tình trạng đó, trước tiên đòi hỏi đồ án quy hoạch (kiến trúc xây dựng) phải thật hợp lý, toàn diện về tất cả các lĩnh vực vĩ mô như: quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội và vi mô như: cấp nước sinh hoạt, an toàn giao thông…
Thực tế cho thấy, vai trò cá nhân trong những tầm nhìn chiến lược vừa rộng, vừa xa là rất rõ ràng, chứ ít khi những tầm nhìn này là sản phẩm của một “sáng kiến tập thể”. Các tầm nhìn trăm năm trên thế giới đều mang dấu ấn của những con người rất cụ thể, tài năng, quyết liệt và dám chấp nhận cả sự hy sinh. Ở nước ta, từ năm 1010, khi quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng long, Lý Công Uẩn đã chú ý đến việc định đô còn tính kế cho con cháu muôn đời sau, đó là sự sinh sôi phát triển không ngừng của dân tộc ta,  phải chọn một mảnh đất địa linh thì mới sinh nhân kiệt được, do vậy chỉ có Thăng Long – Hà Nội mới hội tụ những tinh hoa của đất trời, sự thật đã được minh chứng cho tới ngày nay ?? ngh?n n?m,đã nghìn năm, nơi đây vẫn là một trung tâm kinh tế, chính trị vào hàng bậc nhất của nước ta, hiện đang được mở rộng và phát triển để trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với lòng mong đợi của vua Lý Thái Tổ : “Nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Chỉ nói riêng về giao thông đô thị, cách đây trên 20 năm, Việt Nam được coi là “cường quốc xe đạp” cùng với việc thu nhập tăng lên và việc mở rộng cửa hơn trong quá trình hội nhập, không ai nghĩ rằng Việt Nam đã chuyển từ “cường quốc xe đạp” sang “cường quốc xe máy” nhanh đến như vậy. Xe máy đã lấp đầy đường phố ở các thành phố, thị xã. Cùng tốc độ cao gấp nhiều lần, với mức độ chiếm diện tích lớn hơn so với xe đạp và xả ra một lượng khí thải khổng lồ, xe máy với người điều khiển nó đã trở thành một trong những nguyên nhân lớn nhất làm cho giao thông trong các đô thị lớn bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Trong khi vẫn còn là “cường quốc xe máy”, thì Việt Nam đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là sẽ trở thành một “cường quốc ô tô”. Mặc dù số xe hơi theo thống kê hiện mới chỉ bằng khoảng 10% xe máy nhưng lại chiếm diện tích mặt đường khi lưu thông là 55%, chiếm chỗ đậu 65%. Chính quyền đô thị đã rất vất vả để giải quyết nạn ùn tắc, cực kỳ tốn kém mà hiệu quả hạn chế, nào là đầu tư cải tạo hệ thống đường hiện có bằng cách mở rộng đường chính, mở thêm đường nhánh, xây cầu vượt và hầm chui…kể cả thay đổi giờ làm việc, tăng các loại phí để hạn chế phương tiện, mà không đặt ra vấn đề cải tạo mạng lưới đường cùng lúc với cải tạo các khu đô thị cũ theo hướng hiện đại.
Ngoài nguyên nhân tăng trưởng dân số của đô thị và tiến bộ của công nghiệp chế tạo các phương tiện giao thông, thì đó còn là hậu quả của quy hoạch đô thị theo chủ nghĩa công năng với sai lầm cơ bản là phân chia không gian đô thị thành ba khu với ba công năng: ở, làm việc và vui chơi giải trí tách biệt nhau và liên kết với nhau bằng các con đường, khiến người dân phải di chuyển tất bật hàng ngày, từ không gian nọ sang không gian kia trên các đại lộ dù khá rộng rãi nhưng không thông suốt, vì từng chặng phải đón các luồng người từ các nhánh đổ vào. Hiện nay, chủ trương phát triển các khu đô thị hiện đại đa công năng, có không gian công cộng thân thiện với người đi bộ và đi xe đạp, có hệ thống công viên và các không gian công cộng cho phép người dân có thể sống trong vòng 400m cách công viên nhỏ, trong vòng 800m cách công viên của khu dân cư, đồng thời chú trọng an sinh công cộng, phát triển mạng lưới đường bàn cờ không phân biệt đường chủ, đường nhánh, và không có đường cụt, khiến mỗi địa chỉ đều có hai lối tiếp cận, với quan điểm nên phát triển theo hướng thành phố cho con người hơn là cho ôtô. Các quy hoạch giao thông cần ưu tiên cho đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng.
Đó là một trong những bài học nhãn tiền cho các tỉnh nhỏ và còn nhiều điều khác nữa, ngay cả khi đã hình dung ra bộ mặt của thành phố tương lai là những ngôi nhà chung cư có quy mô lớn cùng với phương thức tổ chức hiện đại thì trong quy hoạch hiện nay cũng chỉ nên cho  xây dựng rất hạn chế những căn nhà chia lô với kích thước lô đất quá hẹp (hình ống)…
Hiện nay, trào lưu phát triển đô thị thông minh (Smart growth) là  một trong những xu hướng phát triển đô thị mạnh mẽ trong vài thập niên qua, nhằm khắc phục các nhược điểm của quá trình phát triển đô thị tràn lan. Thân thiện hơn, tăng khả năng và nhu cầu giao tiếp của người dân, tiết kiệm hơn nguồn lực tự nhiên và xã hội; hệ thống giao thông chống được ùn tắc, hệ thống cấp thoát nước biến ngập lụt thành dĩ vãng, hệ thống quản lý điện giúp người dân tiết kiệm 40 – 50% tiền điện mỗi tháng… Đó là viễn cảnh của một đô thị “thông minh và kết nối” .Việc ứng dụng công nghệ vào quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới được đánh giá là “lối thoát” cho bài toán đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay. Quy hoạch không phải là phép cộng cơ học của những kế hoạch ngắn hạn. Chất lượng quy hoạch gắn với tầm nhìn hoạch định chính sách kinh tế – xã hội và gắn với các dự báo. Thiếu tầm nhìn xa, thiếu tính dự báo, các quy hoạch sẽ rời rạc, chắp vá, thiếu liên kết, kém bền vững, không hiệu quả, gây lãng phí về cơ hội, về tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực…
Quy hoạch kiến trúc có thể xem là lĩnh vực “nghệ thuật sắp đặt” của xã hội tương lai. Ví như, nếu ngành Giáo dục – đào tạo không làm quy hoạch cho ngành mình, chỉ ra được việc cần có bao nhiêu trường học, lượng học sinh ra sao; ngành Y tế không làm rõ việc cần có bao nhiêu bệnh viện, quy mô thế nào; rồi ngành Xây dựng không tính toán được mỗi năm cần bao nhiêu m2 nhà ở để hạn chế sự bùng phát các khu nhà ở mới như hiện nay…, chắc chắn người làm Quy hoạch – Kiến trúc và cơ quan làm quy hoạch cũng phải bó tay! “Bôi mầu xanh, đỏ” cho đẹp một đồ án quy hoạch không khó với một hoạ viên, nhưng giải bài toán tổng thể cho quy hoạch không thể  đơn giản là chỉ vẽ cho đẹp mắt.
Nếu không có thay đổi về tư duy và cách làm quy hoạch thì không thể giải quyết những bùng nhùng của công tác quy hoạch hiện nay. Nó không phải việc của riêng ai. Chứng bệnh nan y của quy hoạch cần được chữa từ nhận thức của mỗi ngành – từ việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện; từ sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong việc xây dựng và quản lý quy hoạch… Chữa được căn bệnh này, chắc chắn chúng ta sẽ không phải “gọt chân cho vừa giày”. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các nhà quản lý, bất cứ một vấn đề gì cũng cần phải có phản biện xã hội. Giá như trước khi cải tạo một căn nhà, một tuyến phố, một dự án lớn …các nhà lãnh đạo chịu khó giành thời gian lắng nghe ý kiến phản biện của các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia giỏi…thì đâu có chuyện chưa làm xong đã bổ sung, sửa chữa! Nên nhớ rằng, ở các nước giầu có, cần phá đi một dãy phố hoặc một ngôi nhà xấu xí (dẫu là quy mô lớn) là rất dễ dàng nhưng ở ta thì không dễ chút nào!
Nhà nước các cấp đã cố gắng dành nguồn tài chính để đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng của đô thị, nhưng đó đây vẫn còn dùng giải pháp “đau đâu chữa đó”: chống ngập bằng cách nâng cao đường. Mở rộng đường mới nối vào đường cũ tạo ra đường thắt cổ chai. Thay cống thoát nước lớn rồi nối vào cống nhỏ. Đầu tư hệ thống cấp nước mới rồi nối vào mạng cấp nước cũ. Còn việc hoàn trả mặt đường sau khi làm hạ tầng nữa chứ, nó nham nhở đến thảm hại, cùng từ đó mà tai nạn giao thông lúc nào cũng rình rập người đi đường! Những việc làm vội vã như thế chỉ khoét sâu thêm sự mất cân đối, không đồng bộ, không hiệu quả lại rất lãng phí và biết đâu lại…“đục nước béo cò”!
Hiện nay vẫn có tình trạng, các địa phương, đều mong muốn mình được phát triển nên khi thấy tỉnh bạn có sân bay, sân golf, thì mình cũng phải có sân bay, sân golf, không cần biết rằng, sân bay ngốn nhiều vốn mà ít hiệu quả nếu vắng khách và sân golf không nên đặt ở những nơi bờ xôi ruộng mật. Kể cả hiện nay, có nhất thiết tỉnh nào- với các điều kiện đặc thù của riêng mình- cũng  cứ phải ra sức phấn đấu để trở thành một tỉnh công nghiệp? Tuy nhiên, có thể thấy rằng, địa phương nào, vùng nào cũng phát triển giống nhau thì rõ ràng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ngay trong chính nội bộ vùng, đồng thời không phát huy được hiệu quả tổng thể, đầu tư sẽ chồng chéo. Hiệu quả cục bộ, đâu đó, có thể làm triệt tiêu hiệu quả chung, hiệu quả tổng thể.
Quy hoạch phát triển sẽ thay đổi theo thời gian, nó phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của con người và trình độ phát triển của khoa học công nghệ. Vì thế, để công tác quy hoạch đem lại hiệu quả cho thực tiễn phát triển là công việc cần được xem xét thường xuyên và nghiên cứu nghiêm túc. Có thể nói, tầm nhìn, chất lượng quy hoạch và quản lí quy hoạch vừa là nguyên nhân, vừa là bài học sâu sắc, đắt giá cho công tác chỉ đạo, điều hành của chúng ta trong thời gian qua và cả trong tương lai.
KTS. Nguyễn Huy Phách