Nhà cộng đồng thôn Suối Rè – Lương Sơn, Hòa Bình

 
Ngày 19-12-2010, tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã diễn ra Lễ khánh thành công trình Nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè do KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Nguyễn Duy Thanh và Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 thiết kế, đầu tư xây dựng. Công trình tích hợp những không gian chức năng đa dạng trong một kiến trúc sinh thái độc đáo, đậm bản sắc Việt – Mường. Cho đến nay, Nhà cộng đồng thôn đã đi vào hoạt động, ban ngày là lớp mẫu giáo, thư viện, buổi tối dân làng tụ họp, tổ chức làm nghề phụ, khoảng sân thoáng là nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời… Đây cũng hy vọng là điểm đến – xưởng học thực tế cho sinh viên các ngành kiến trúc, quy hoạch, môi trường…

Nếu cuộc mưu sinh, quá trình bùng nổ đô thị và phát triển kinh tế khiến mối liên hệ cộng đồng của người dân vùng núi phía Bắc ngày càng lỏng lẻo, những không gian sinh hoạt cộng đồng ngày càng ít, tạm bợ, không bản sắc; thì mô hình Nhà cộng đồng được KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Nguyễn Duy Thanh (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2) thiết kế xây dựng tại thôn Suối Rè đã góp phần gắn kết cộng đồng – không chỉ ở tổ hợp không gian đa chức năng mà còn ở phương thức vận hành công trình: kết nối địa phương và dân làng với các nguồn lực xã hội ở đô thị. KTS, các chuyên gia cùng người dân tự gia công vật liệu, tự tay dựng nhà cộng đồng cho thôn mình bằng các phương pháp truyền thống có cải tiến… Chính người dân Suối Rè sẽ được thụ hưởng hiệu quả không gian và tiện ích của những yếu tố thân thuộc: đất, đá, tranh, tre, nắng, gió và những âm thanh trong trẻo của núi rừng….
Công trình có phong thủy đắc địa, dựa vào núi, nhìn thẳng ra thung lũng. Cấu trúc không gian tổng thể theo lớp: lớp trước là khoảng sân thoáng, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời; không gian sinh hoạt chính ở lớp giữa, gồm hai tầng, tầng trên là nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp không gian thư viện, hội họp thôn; hàng hiên rộng gắn liền vạt cỏ xanh giữ vai trò lớp đệm; tầng trệt không gian mở ra phía sau, hướng lên núi và rừng tre. Hình thái công trình vừa kế thừa cấu trúc nhà năm gian đồng bằng Bắc Bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn dân tộc Mường.
KTS Hoàng Thúc Hào cho biết: “Đây là mô hình thí điểm, hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm nhân rộng cho các vùng nông thôn đồi núi phía Bắc. Ở công trình Nhà cộng đồng Suối Rè, chúng tôi đã áp dụng một hệ thống những nghiên cứu – thử nghiệm: tạo đường hầm đối lưu gió, khoảng elip thông tầng, những bậc cỏ, triền vát, mái lấy sang, tất cả nhằm kết nối không gian các lớp trước – sau, trong – ngoài, trên – dưới… thành chuỗi không gian mở liên hoàn; hệ thống pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, gió địa hình, đèn led tiết kiệm điện, bể phốt 5 khoang không ô nhiễm môi trường…. Bước đầu giải pháp có hiệu quả nhất định, góp phần tạo lập không gian sinh hoạt thiết thực cho bà con, đồng thời công trình theo xu thế tiết kiệm năng lượng, xanh và thân thiện”

Kết cấu đơn giản, vật liệu và nhân công sẵn có, Nhà cộng đồng thôn Suối Rè trở thành một biểu tượng cho nguyên tắc thiết kế của KTS Hoàng Thúc Hào và các cộng sự: đó là thống nhất trong tương phản đa dạng. Điều này thể hiện rõ nét trong ngôn ngữ kiến trúc của công trình: tầng trệt xây đá thô, kết hợp cửa tre, trần trúc tinh, mảnh – tạo ấm cúng, cân bằng; tầng trên trình đất nâu vàng, những thớt đất mịn tựa vào thớt đá gồ ghề, đá đất nặng ở dưới, vì kèo tre nhẹ, tiết kiệm, logic phía trên… Sự giao thoa văn hoá Việt – Mường, các giải pháp tổ chức không gian hiện đại thông qua vật liệu, nhân công địa phương, phương pháp xây dựng truyền thống và cải tiến…đã làm nên cái thú vị, hấp dẫn, cái duyên cho công trình. Có thể nói tác phẩm là một kết nối thành công con người với tự nhiên, với đồng loại. KTS Hoàng Thúc Hào bày tỏ hy vọng công trình đi vào hoạt động sẽ tăng cường sợi dây liên kết cộng đồng, góp phần củng cố, duy trì, phát triển bản sắc khu vực.


Bích Vượng