Nhà không cột

Cách đây nhiều tháng, những hình ảnh và bài viết về căn nhà này đã từng được đăng tải trên một trang báo mạng chuyên nghành quốc tế, khá nổi tiếng. Được sự giới thiệu từ những tác giả thiết kế, nhận thấy đây là một công trình được thiết kế công phu, nhiều sự thể nghiệm khá táo bạo, tạo nên những không gian khác lạ và đẹp… Xin được giới thiệu lại cùng bạn đọc.

Với những công trình dân dụng bình thường – diện tích vài trăm, thậm chí vài ngàn mét vuông – người ta thường thiết kế một hệ khung chịu lực bằng bê tông cốt thép (BTCT) với khoảng cách giữa các cột khoảng vài mét cho đến 5, 6 mét và các khoảng cách lớn thường chỉ áp dụng ở một số vị trí cần thiết. Sở dĩ như vậy là vì người ta muốn các đà, cột có kích thước vừa phải để không quá tốn kém vật liệu và do các công trình thông thường được chia làm nhiều phòng nên cột sẽ nằm “dấu” trong tường. Hệ khung chịu lực kiểu này không phù hợp với những không gian nội thất lớn và cản trở những bố trí nội thất “tự do” do vướng lưới cột.

Đối với công trình được giới thiệu ở đây, những nhà thiết kế đã chọn lựa một giải pháp khung chịu lực khá tốn kém để đổi lấy một không gian nội thất bay bổng hơn. Giải pháp áp dụng ở đây là tạo nên 2 bức tường BTCT chịu lực chính chạy dọc theo 2 đầu hồi nhà với khoảng cách phủ ngoài là 10,5m thay thế cho tất cả các cột ở giữa nhà – nay không còn cần thiết. Mặt sàn các tầng bố trí một cách tự do và được nâng đỡ bởi các đà lớn liên kết vào 2 bức tường chịu lực. Có thể hình dung, một cách đơn giản, cấu trúc này giống như cây cầu nhỏ một nhịp có nhiều tầng.

Với cấu trúc không cột, các nhà thiết kế đã tạo nên một mặt tiền mở, cho phép bố trí hệ cửa kính kéo dài suốt bề ngang nhà. Cũng do nhà không cột, nên khu vực sinh hoạt chung đã trở thành một không gian nội thất được phát triển theo đủ các phương ngang, dọc và cao. Không gian này được tổ chức tự do, không bị ràng buộc bởi hệ cột chịu lực, nên tạo ra những góc nhìn bất ngờ, đầy cảm hứng. Giải pháp tổ chức không gian sinh hoạt chung, theo cách này cũng giúp đưa ánh sáng tự nhiên vào tràn ngập trong nhà và xuống đến tận tầng hầm.

Giải pháp kết cấu này có giá thành cao, thi công phức tạp. Hệ thống điều hòa không khí lớn, chiếu sáng kén chọn thiết bị… Chưa kể tay nghề thiết kế kiến trúc, kết cấu, chiếu sáng… phải giỏi. Theo tôi, cái giá phải trả là xứng đáng.

Theo KTS Hồ Lê Phương (Ảnh: Hiroyuki Oki)/Tạp chí nhà đẹp