Bản sắc Quy hoạch và Kiến trúc của Đà Nẵng và Huế: Thử thách và Cơ hội

Đà Nẵng và Huế là hai đô thị quan trọng nhất của miền Trung Việt Nam. Trong thời gian gần đây, hai đô thị loại 1 này có nhiều phát triển quan trọng  về nhiều mặt, đặc biệt là về mặt kinh tế, du lịch, và phát triển cơ sở hạ tầng. Mỗi đô thị đều có điểm mạnh và yếu của mình, nhưng quan trọng hơn, là nếu nhìn tổng thể các điểm mạnh và yếu đó trong một tổng thể chung để cùng nhau hợp tác để phát triển, thì các điểm mạnh của đô thị này có thể bổ sung cho điểm yếu của đô thị kia và ngược lại. Vì vậy, đã đến lúc các nhà lãnh đạo của hai thành phố cần có một cái nhìn tổng quát hơn về các tiềm năng, thử thách và cơ hội trong việc xây dựng bản sắc quy hoạch và kiến trúc riêng cho mình song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

 Đường Bạch Đằng – Đà Nẵng 

Công trình Lịch sử  

Ứng xử về cặp phạm trù “bảo tồn” và “phát triển” là  vấn đề nan giải trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay.

Đà Nẵng có không nhiều công trình lịch sử còn tồn tại cho đến ngày nay, trong đó đáng chú ý là Nhà thờ lớn (Nhà thờ Con gà) và Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm . Do vậy du lịch Đà Nẵng không nên bỏ qua kết nối chiến lược với du lịch Huế và Hội An. Ngoài ra, thiếu sót về bề dày các công trình lịch sử này, cũng có thể đồng thời là ưu điểm nếu nhìn ở góc độ khác. Đà Nẵng có lợi thế hơn Huế trong việc phát triển kiến trúc hiện đại, khi các kiến trúc mới ít đặt ra yêu cầu khống chế về chiều cao và hình thức cho phù hợp với cảnh quan lịch sử xung quanh, như tại nhiều thành phố lớn khác của Việt Nam. Thử thách lớn nhất cho các kiến trúc sư Đà Nẵng là làm sao xây dựng được nền tảng bền vững cho bản sắc kiến trúc hiện đại trong đó các công trình mới và cũ được bố cục hài hòa với nhau, chứ không lộn xộn như tại phần lớn các đô thị Việt Nam hiện nay. Đó là tiền đề quan trọng cho việc phát triển Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế và du lịch của miền Trung trong tương lai như Miami và Seattle.

Huế là đô thị mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ cần phải bảo tồn. Bờ Bắc Sông Hương của thành phố Huế cần được bảo tồn nghiêm ngặt, đặc biệt là khu vực Thành Nội và lân cận, không những về mặt kiến trúc, mà cả về mặt không gian xanh và sự yên tĩnh rất Huế (Hình 1. –DoThiLịchSuHue.jpg) .  Thiết kế kiến trúc các công trình mới tại thành phố Huế cần được thiết kế song song với kiến trúc bao cảnh, với hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng vừa và thấp, chứ không nên cao. Với cách phát triển đó, Huế sẽ trở thành một đô thị du lịch tầm cỡ quốc tế, như Kyoto và Québec.

Công trình Cao tầng

Đà Nẵng có thể xây dựng nhiều nhà cao tầng mà ít bị ảnh hưởng khống chế bởi công trình lịch sử như tại Huế, Hà Nội, và Tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thành phố không nên cấp phép xây dựng nhà cao tầng tràn lan, mà nên có quy hoạch chiều cao đảm bảo các yếu tố (1) tầng cao không ảnh hưởng hoạt động không lưu; (2) cụm nhà cao tầng phải kết hợp với phát triển tương lai về giao thông công cộng;  (3) Các nhà cao tầng phải tạo nên được hình dáng đô thị (skyline) phù hợp với bao cảnh biển, sông núi hùng vĩ xung quanh; (4) Hình thức kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và khuyến khích giải pháp thông thoáng và ánh sáng tự nhiên thay vì nhân tạo (Hình 2. –NgoVietNamSon-DaNangPanorama.JPG) .

Bờ Nam Sông Hương của thành phố Huế có thể xây dựng hiện đại, nhưng nên hạn chế tầng cao tối đa là 6 tầng và hình thức kiến trúc phải được hướng dẫn cho phù hợp với cảnh quan chung của Bờ Nam lẫn bờ Bắc sông Hương. Hai bên bờ sông nên trồng thêm cây xanh để nhìn từ sông, các công trình chỉ thấy thấp thoáng sau hàng cây (Hình 3.–BoNamSongHuong-Hue.jpg) . Các khu đô thị mới xa trung tâm thành phố và xa các công trình bảo tồn thì có thể xây cao hơn, tuy nhiên nên có giải pháp phát triển phù hợp. Đà Nẵng không nên phát triển mật độ cao và xây dựng nhà phố và nhà cao tầng theo cách của Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay, mà cần yêu cầu chỉ tiêu cây xanh mặt nước cao hơn nhiều.

Kiến trúc Bao Cảnh

Kiến trúc Bao Cảnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho cả Đà Nẵng lẫn Huế. Cả hai đô thị đều cần xác định mạng lưới không gian xanh như là nền tảng cho việc tôn vinh giá trị không gian kiến trúc, trong đó bao gồm:

Các Đại lộ xanh không những  có tác dụng tạo cảnh quan đường phố, mà còn giúp dẫn gió vào sâu trong trung tâm, giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt, và cải thiện đáng kể vi khí hậu thành phố

Tuyến Công viên bờ sông và các công viên nhỏ trong khoảng cách đi bộ từ các khu dân cư, là nơi thư giãn, tập thể dục, và sinh hoạt cộng đồng giữa thiên nhiên.

Các hồ nước (đặc trưng như Hồ Tịnh Tâm ở Huế và Hồ Thạc Gián ở Đà Nẵng) với cách tổ chức cây xanh chung quanh phù hợp, đóng góp đáng kể vào bản sắc khu vực. Các hồ này còn giúp điều tiết việc thoát nước mặt trong thành phố.

Đà Nẵng cần lưu ý vấn đề quản lý quy định hình thức tường rào ngăn cách cho các dự án giáp sông và biển. Khu vực sân golf Đa Phước nên khuyến khích ranh bằng cây xanh tự nhiên thay vì tường rào như khu Đồi Cù Đà Lạt. Không nên cho phép xây dựng tường rào chắn tầm nhìn ra biển tại các resorts dọc theo bờ biển, vừa ngăn cản không cho người dân tự do ra biển. Cứ một khoảng cách nhất định, trung bình từ 400-800m, cần có một dải công viên và lối đi công cộng ra bải biễn.

Cả hai thành phố cần bảo vệ các khu vực thiên nhiên đặc trưng (như Đồi Vọng Cảnh, Bán đảo Sơn Trà) và chỉ nên cho phép xây dựng mật độ thấp, bảo vệ hệ rừng thiên nhiên, và tổ chức các tuyến đi bộ dã ngoại cho người dân trong khu vực giống như bán đảo Stanley Park nổi tiếng tại Vancouver.   

 

 Một góc Đà Nẵng

Không gian Lễ hội công cộng

Khu vực hai bên bờ sông Hàn và sông Hương đều có tiềm năng rất lớn trong việc tổ chức các lễ hội quốc gia và quốc tế trên sông và hai bên bờ sông, trong đó cần lưu ý các việc:

• Tổ chức giao thông bộ và công cộng thuận tiện nối kết hai bên bờ sông với nhau

• Tổ chức các không gian trung tâm lễ hội tại các vị trí phù hợp sao cho tầm nhìn được dễ dàng nhất

• Bố trí các công trình kiến trúc hài hòa với sông nước như một bài thơ.

• Tổ chức giao thông thủy du lịch với các bến đỗ dọc hai bờ sông

Ứng phó với thiên tai

Việc nhìn xa trông rộng đảm bảo việc ứng phó tích cực với thiên tai là một nhiệm vụ quan trọng của phát triển bền vững, trong đó:

• Huế cần có giải pháp tích cực hơn trong việc ứng phó sao cho thiệt hại về nhân mạng và tài sản người dân, cũng như sinh hoạt hàng ngày chịu ảnh hưỡng ít nhất bởi tác nhân bão lụt. Đã đến lúc kiến trúc sư, đô thị gia, và nhà quản lý đô thị cùng nhau phối hợp giải quyết dứt điểm vấn nạn bão lụt hàng năm, với các chiến lược và chiến thuật ngắn và dài hạn.

• Đà Nẵng cần cẩn trọng với các dự án lấn biển (nghiên cứu ảnh hưởng của các dự án này đối với tình trạng xâm thực của các vùng lân cận). Ngoài ra việc nghiên cứu các kịch bản nước biển dâng và ảnh nhưởng khác do biến đổi khí hậu cần được gắn kết với tầm nhìn trăm năm trong công cuộc xây dựng và phát triển đô thị. Đà Nẵng  cần xem xét việc trồng lại dãi cây xanh phòng hộ ven biển.

Công trình giao thông nối kết

Hai thành phố Đà Nẵng và Huế cần bắt tay trong việc phát triển mạng giao thông nối kết chiến lược với nhau, sao cho việc hợp tác cùng phát triển trong mọi lãnh vực, đặc biệt là về mặt du lịch, và dịch vụ thương mại đạt hiệu quả cao nhất, trong đó:

• Sân bay: Sân bay Đà Nẵng nên phát triển thành sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực, trong khi Sân bay Phú Bài chí nên phát triển với mức độ tầm cỡ quốc nội với hiệu suất sử dụng cao và hiệu quả trong mối hợp tác chặt chẽ với Sân bay Đà Nẵng.

• Đường cao tốc: Nên ưu tiên phát triển đường cao tốc nối liền Đà Nẵng và Huế theo tiêu chuẩn quốc tế, rút ngắn thời gian lái xe giữa hai thành phố.

• Đường xe lửa: Nên tổ chức tuyến xe lửa du lịch tốc hành tho7ừng xuyên giữa Đà Nẵng và Huế phục vụ du lịch.

• Xích lô đạp – xe đạp: Bí thư Đà Nẵng đã có sáng kiến cung cấp Xích lô đạp cho người nghèo và cựu chiến binh để giúp cải thiện đời sống. Nên khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông không khói như xích lô đạp và xe đạp để di chuyễn trong thành phố.

• Cần có thiết kế đặc trưng cho khu vực cửa ngõ vào thành phố Huế từ phía Đà Nẵng và ngược lại.

Đào tạo Kiến trúc sư

Đa số các KTS tại Đà Nẵng và Huế đã tốt nghiệp tại các Đại học chuyên ngành tại Hà Nội hoặc Tp Hồ Chí Minh. Ngày nay, mỗi đô thị nên phát triển mô hình đào tạo KTS phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương và sử dụng lợi thế về điều kiện địa phương và nhu cầu phát triển quy hoạch kiến trúc đặc trưng của mình để cung ứng các bài học thực tiễn gắn liền nghiên cứu đa ngành với thực hành, trong đó:

Huế nên phát triển sâu về đào tạo KTS quy hoạch kiến trúc bảo tồn và nghiên cứu phát triển bản sắc kiến trúc hiện đại trên cơ sở tham khảo và lấy cảm hứng từ bản sắc kiến trúc truyền thống. Ngoài ra, Huế nên phát triển khoa học môi trường  để phát huy nghiên cứu thực tiễn giải pháp kiến trúc quy hoạch trước tác nhân thiên nhiên khắc nghiệt như bão lụt hàng năm và ảnh hưởng của gió Lào.

Đà Nẵng nên phát triển sâu về đào tạo KTS quy hoạch kiến trúc đa ngành, đặc biệt là việc nghiên giải pháp kỷ thuật hiện đại và nghiên cứu các vấn đề đa ngành trong phát triển đô thị (như quy hoạch, kiến trúc, kiến trúc bao cảnh, kinh tế tài chính, môi trường, văn hóa xã hội, ….)

Tuy quy mô nhỏ hơn nhiều, nhưng với  lợi thế về thiên nhiên tài nguyên, và việc ít bị ảnh hưởng bởi áp lực phát triển đô thị tự phát như tại đa số các thành phố lớn trong cả nước thời gian vừa qua, cũng như sự chỉ đạo và quan tâm của các nhà lãnh đạo, cụm đô thị liên kết Đà Nẵng & Huế có tiềm năng vươn đến thành công như một mô hình phát triển quy hoạch kiến trúc bền vững với chất lượng sống cao, làm kiểu mẫu cho việc cải tạo và phát triển các Vùng Đô thị Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.

 TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn (*) 

(*)TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là một chuyên gia quốc tế về quy hoạch kiến trúc hiện đang làm việc lưu động giữa Bắc Mỹ và Việt Nam. Ông hiện đang cùng với KTS Kathrin Moore tư vấn quy hoạch tầm nhìn cho Viện Quy Hoạch Đà Nẵng trong việc thực hiện Quy Hoạch Chung Đà Nẵng tầm nhìn đến 2025. Ông cũng là giãng viên Cao học tại các Khoa Quy hoạch, Kiến trúc, và Kiến trúc Cảnh quan của trường Đại học Washington (Hoa Kỳ).

Bài này thuộc Chuyên đề: Kiến trúc Đương đại Miền trung