Đề xuất xây dựng không gian Đô thị môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm bắt đầu từ phát triển không gian ngầm

Hình ảnh minh họa xây dựng khu vực hồ Gươm và phụ cận (theo ý tưởng phục vụ cuộc thi)
Hình ảnh minh họa xây dựng khu vực hồ Gươm và phụ cận (theo ý tưởng phục vụ cuộc thi)

1. Hiện trạng và thách thức
Chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh rất nhiều người dân Hà Nội đi dạo quanh Hồ Gươm vào mỗi sáng sớm. Hồ Gươm với những cây phượng vĩ cổ thụ ven bờ và con người tươi trẻ đã trở thành hình ảnh hết sức thân quen. Có thể nói Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, là nơi thân thương nhất đối với người dân ở Việt Nam.

Buổi trưa, quanh Hồ Gươm có rất nhiều khách du lịch. Khu vực phụ cận Hồ Gươm ngoài khu phố cổ cũng hình thành các tuyến phố có giá trị lịch sử văn hóa cao đặc trưng cho Hà Nội, là điểm tham quan quan trọng của Hà Nội. Tại khu vực Hồ Gươm, không chỉ Hồ Gươm mà những tuyến phố lân cận như Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, khu vực nhà thờ đều có nét quyến rũ rất riêng, du khách có thể thưởng thức Hà Nội bằng cách đi dạo và khám phá những nét hấp dẫn của các khu vực đó.

Việt Nam là dân tộc có ý thức cao về môi trường. Trong cuộc điều tra, khi được hỏi về mức sẵn sàng chi trả một phần thu nhập cho môi trường thì số người đồng ý ở Việt Nam nhiều hơn hẳn so với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc (Theo điều tra World Values Survey).

Ngày nay, nếu hỏi cần gì cho Hồ Gươm, thì câu trả lời là cung cấp không gian mở công cộng cho người dân thành phố và cung cấp không gian đi bộ an toàn, thoải mái cho khách du lịch. Ngoài ra, cần phải bảo tồn các tuyến phố có giá trị lịch sử văn hóa cao vốn là nguồn tài nguyên du lịch và tạo ra các khu phố thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, khu vực lân cận Hồ Gươm hầu như đã được phủ kín, rất khó để có thêm các khoảng không gian mới. Hơn nữa lưu lượng giao thông cơ giới có xu hướng ngày càng tăng, trong tương lai gần, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông sẽ là thách thức lớn cho khu vực này. Do vậy, để có thể đảm bảo không gian công cộng và cải thiện môi trường khu vực Hồ Gươm cần có những giải pháp quyết liệt.

Hình ảnh minh họa mặt cắt sử dụng không gian ngầm Hồ Gươm (theo ý tưởng phục vụ cuộc thi)
Hình ảnh minh họa mặt cắt sử dụng không gian ngầm Hồ Gươm (theo ý tưởng phục vụ cuộc thi)

2. Thời cơ tái phát triển
Tuyến đường sắt đô thị số 1 được quy hoạch chạy dọc theo hướng Bắc Nam cắt qua khu phía Đông của Hồ Gươm. Việc xây dựng ga tàu điện ngầm là thời cơ tuyệt vời nhằm thực hiện các giải pháp quyết liệt cho khu vực phụ cận Hồ Gươm.

Có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ tại Nhật Bản đối với các dự án xây dựng nhà ga tàu điện ngầm kết hợp với tái phát triển không gian đô thị khu vực phụ cận nhà ga. Ví dụ như khu vực Midtown Tokyo được tái phát triển khi di dời trụ sở cơ quan hành chính cùng thời điểm và thống nhất với xây dựng ga tàu điện ngầm, đã thực sự tạo ra không gian đô thị phong phú và không gian công cộng mở.
Như vậy, cần phải tái xây dựng không gian đô thị như thế nào để phù hợp với xây dựng ga tàu điện ngầm? Cần phải thực hiện xây dựng đô thị như thế nào để thỏa mãn nhu cầu xã hội đối với khu vực Hồ Gươm? Dưới đây sẽ là 3 giải pháp trả lời cho các câu hỏi trên.

a. Đề xuất 1
Phát triển đô thị đồng thời và thống nhất với nhà ga tàu điện ngầm. Nên thực hiện phát triển đô thị xây dựng các công trình kiến trúc đồng thời và thống nhất với nhà ga tàu điện ngầm.
Dự án MM21 Yokohama tiến hành xây dựng nhà ga tàu điện ngầm và các công trình kiến trúc thành một cấu trúc thống nhất, phát triển phức hợp quy mô lớn các công trình phục vụ thương mại, văn phòng, khách sạn,… Ga tàu điện ngầm được xây dựng trong lỗ thông gió cực lớn của tòa nhà, đã tạo ra không gian động. Việc phát triển này mang lại 3 hiệu quả như dưới đây:
– Đầu tiên, là xây dựng được mạng lưới không gian người đi bộ lập thể nhờ sử dụng không gian ngầm. Nhờ vậy mà tính tiện dụng và an toàn của người đi bộ được cải thiện đáng kể. Hiện nay, số người chết do tai nạn giao thông tại Việt Nam, đã trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng, do vậy việc xây dựng không gian an toàn dành cho người đi bộ ở khu vực đô thị ngày một trở nên cấp bách. Đối với người Hà Nội và khách du lịch thì vấn đề cải thiện môi trường đi bộ sẽ mang lại hiệu quả, đưa khu vực Hồ Gươm trở thành khu phố đi bộ thân thiện.
– Tiếp theo, các công trình đa dạng kết nối trực tiếp với ga tàu điện ngầm là các công trình có tính thuận tiện về mặt giao thông rất cao. Những người sử dụng các công trình này sẽ ưu tiên sử dụng tàu điện ngầm hơn là sử dụng xe ô tô khi di chuyển. Như thế sẽ mang lại hiệu quả thúc đẩy sử dụng tàu điện ngầm. Nếu mất công xây dựng tàu điện ngầm mà người sử dụng lại ít thì hiệu quả đầu tư sẽ thấp. Do vậy, nên áp dụng phương pháp TOD (phát triển theo định hướng giao thông công cộng), là phương pháp xây dựng thật nhiều công trình kết nối trực tiếp với ga đường sắt, qua đó gia tăng số người sử dụng đường sắt, đạt kết quả là hiệu quả đầu tư tăng cao. Việc áp dụng phương pháp TOD cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quy hoạch đô thị thân thiện với môi trường.

– Hiệu quả thứ 3, đó là việc đảm bảo tính khả thi của các dự án tái phát triển đô thị nhờ kết hợp giữa ga tàu điện ngầm và phát triển kiến trúc. Nhờ vào các dự án phát triển quy mô lớn có thể xây dựng được các không gian mở công cộng nhộn nhịp.

b. Đề xuất 2: Ngầm hóa giao thông xe cơ giới
Không chỉ đối với người đi bộ, mà nên đưa cả giao thông xe cơ giới đang ngày một tăng vào không gian ngầm. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần xây dựng từng bãi đỗ xe ngầm riêng biệt, mà cần xây dựng hệ thống đường ngầm để kết nối thành hệ thống các bãi đỗ xe ngầm, đưa xe cơ giới từ trên mặt đất xuống không gian ngầm với quy mô toàn khu vực.

Tại khu vực Motomachi, Hiroshima, Nhật Bản đã xây dựng nhiều tuyến đường ngầm, là lối vào ra của nhiều bãi đỗ xe ngầm, kết nối cửa lên xuống của các tuyến đường ngầm với đường phía ngoài khu vực.
Việc xây dựng những mạng lưới bãi đỗ xe ngầm thế này mang lại 2 hiệu quả sau.
– Đầu tiên, các xe cơ giới sử dụng bãi đỗ xe có thể sử dụng các tuyến đường ngầm từ phía ngoài khu vực, vì vậy mang lại hiệu quả làm giảm lưu lượng giao thông cơ giới của tuyến đường trên mặt đất. Việc giảm lưu lượng xe cơ giới trên mặt đất làm giảm tắc nghẽn giao thông và tăng độ an toàn cho người đi bộ.
– Tiếp theo, không gian trên mặt đất vốn dành chủ yếu của xe cơ giới nay có thể xây dựng thành không gian thoải mái chủ yếu phục vụ người đi bộ. Nhờ vậy có thể đảm bảo không gian mở công cộng trên mặt đất cũng như hiện thực hóa xây dựng tuyến phố đi bộ.

c. Đề xuất 3: Quy chế quản lý thiết kế đô thị
Cần phải có quy chế quản lý thiết kế đô thị. Nhằm bảo tồn các thiết kế kiến trúc, cấu trúc cảnh quan không gian vốn rất đặc trưng của khu vực hồ Gươm thì cần phải xây dựng hệ thống các quy tắc mà các chủ đầu tư cần phải tuần thủ trong quá trình thực hiện tái phát triển.

Tập đoàn Nikken Sekkei đã tham gia cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận” được tổ chức vào năm 2008 do UBND thành phố Hà Nội phát động. Tại thời điểm đó, Nikken Sekkei đã đưa ra đề xuất xây dựng không gian đa dạng dành cho người đi bộ và tích cực sử dụng không gian ngầm dựa trên triết lý xây dựng khu vực Hồ Gươm thành một điểm đến du lịch, một đô thị hấp dẫn hơn, sau này vẫn luôn được người dân Thủ đô yêu mến. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đưa ra đề xuất thiết kế đô thị với định hướng áp dụng các yếu tố thiết kế cần được bảo tồn đối với ngay cả các công trình kiến trúc xây mới trên cơ sở nghiên cứu kỹ các công trình kiến trúc hiện hữu.

Vì vậy, nếu sử dụng tuyến tàu điện ngầm là động cơ để tiến hành tái phát triển thì như đã trình bày ở Đề xuất 1, 2 thì hiệu quả thu về là vô cùng lớn. Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh làm mất giá trị cảnh quan mang tính lịch sử văn hóa – vốn là tài nguyên du lịch quý giá do quá trình tái phát triển. Để thực hiện được điều đó thì cần phải xây dựng các quy chế quản lý bảo vệ lịch sử văn hóa trước khi thực hiện tái phát triển, có những biện pháp ngăn ngừa các hoạt động làm mất giá trị du lịch của toàn khu vực.

3. Kết luận
Hiện nay tại Việt Nam, hệ thống quy định, tiêu chuẩn liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và công cộng cho không gian ngầm chưa được xây dựng. Trong tương lai, việc sử dụng không gian ngầm ngày càng gia tăng, do đó càng cần phải sớm xây dựng các quy định, quy chuẩn liên quan tới không gian ngầm. Vì vậy, dự án tái xây dựng không gian đô thị môi trường nhân cơ hội phát triển không gian ngầm tại khu vực Hồ Gươm sẽ là dự án tiên phong của Việt Nam về phát triển không gian ngầm, được kì vọng sẽ góp phần thúc đẩy quy hoạch đô thị thân thiện với người dân, khách du lịch và môi trường.

Ryosuke Kimura
Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd