Thành phố Hạ Long là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, phát triển dọc theo bờ vịnh Hạ Long từ hướng Tây sang hướng Đông qua Cửa Lục. Thành phố hiện là Đô thị loại 2 theo QĐ số 199/203/ QĐ- TTg ngày 26- 09-2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc sống trên biển của người dân Hạ Long. Nguồn CLB nhiếp ảnh Hạ Long
Hạ Long có diện tích đất liền 507km2, diện tích mặt nước gồm Vịnh Hạ Long và Vịnh Cửa Lục diện tích 1553 km2 . Tổng diện tích 2060 km2. Phần diện tích Vịnh Hạ Long được xếp hạng 434 km2 với 1069 đảo,
Ngày 26-04-1962: Vịnh Hạ Long được xếp hạng cấp quốc gia theo QĐ số 313/VH/ QĐ của Bộ Văn hóa.
Ngày 17-12-1994: Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiện nhiên thế giới.
Ngày 29- 11- 2000: Vịnh Hạ Long tiếp tục được công nhận lần thứ 2 Di sản thiên nhiên thế giới về Địa mạo, địa chất.
Ngày 26-4-2012: Vịnh Hạ Long đươc công nhận là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm to lớn của thành phố Hạ Long với những cơ hội phát triển mới, đánh thức tiềm năng của một vùng đất “Rồng thiêng hội tụ” .
Thành phố Hạ Long hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ. Từ một thị xã Hòn Gai bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, năm 1976, Hòn Gai đã được nghiên cứu lập đồ án quy hoạch. Đồ án này do Hungari giúp, bao gồm Quy hoạch vùng, Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hòn Gai; Quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm thành phố và Đảo Tuần Châu. Đồ án góp phần định hướng nhiều lĩnh vực phát triển của thành phố sau này. Năm 1983 và 1993, Hạ Long được nghiên cứu lập lại Quy hoạch chung, do Viện Quy hoạch Đô thị nông thôn – Bộ Xây dựng thực hiện. Năm 2004, do tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố có nhiều biến động đồ án đã được điều chỉnh lần thứ 2 cho phù hợp với thực tiễn phát triển. Cho đến nay Hạ Long đã và đang triển khai xây dựng theo nội dung đồ án này, hiện nay thành phố đang được lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung lần 3 đúng vào dịp Vịnh Hạ Long đã được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới với mục tiêu đạt Đô thị loại I vào năm 2015.
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn này cần đạt những yêu cầu sau:

Khu đô thị Cienco. Nguồn CLB nhiếp ảnh Hạ Long
1. Đảm bảo mở rộng được phạm vi phát triển của Đô thị
Về ranh giới nghiên cứu đất liền
Do đặc điểm địa hình và ranh giới hiện tại, Hạ Long mới có sức chứa khoảng 22 vạn dân, để đạt được quy mô dân số Đô thị loại I, Hạ Long cần có dân số tối thiểu 50 vạn dân vào năm 2015. Như vậy, phạm vi Đô thị cần mở rộng thêm: phía Tây Bắc vùng Quảng La, Dân Chủ để toàn bộ vùng hồ Yên Lập nằm trong phạm vi phát triển của thành phố; Phía Tây, Tây Bắc phát triển thêm xã Minh Thành, khu đảo Hoàng Tân.
Về ranh giới nghiên cứu nước:
Phát triển trong diện tích 1559 km2. Trung tâm là vùng Di sản thiên nhiên được công nhận theo Đồ án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đã được phê duyệt theo quyết định số 142/2002/QĐ- TTg ngày 21-10- 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể : Vùng nghiên cứu trực tiếp: 1700ha; Vùng nghiên cứu gián tiếp 2055ha.
Gồm: Trung tâm bảo tồn Công viên Vạn Cảnh (486ha); Trung tâm bảo tồn Công viên Hang động (590ha); Trung tâm bảo tồn văn hóa biển (1131ha); Trung tâm bảo tồn phát triển giải trí biển (1148ha).

Hạ Long đang phát triển từng ngày. Nguồn CLB nhiếp ảnh Hạ Long
2. Mạng kết cấu cơ sở hạ tầng chủ đạo
Về giao thông đối ngoại:
Tuyến cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh là tuyến chủ đạo chính về đối ngoại của thành phố. Ngoài ra chú trọng các hướng: đường 18A đi Bắc Ninh, Hà Nội. Đường 279 đi Bắc Giang, Lạng Sơn.
Khi dự án sân bay Vân Đồn được triển khai thì việc xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài – Hạ Long cần được xem xét kỹ có cần thiết đầu tư hay không hay chỉ cần nâng cấp đường 18A và nâng cấp đường 279 để nối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn; đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh được nghiên cứu nối tiếp với tuyến Hạ Long – Móng Cái tạo mạng liên hoàn Móng Cái – Hà Nội.
Giao thông chính trong thành phố:
Do đặc điểm địa hình, thành phố phát triển dọc theo bờ vịnh từ Hoàng Tân đến giáp Quang Hanh – Cẩm Phả với chiều dài bờ biển khoảng 50km, Thành phố phát triển ở hai phía Đông và Tây Cửa Lục. Liên hệ hai khu vực với nhau bằng các tuyến giao thông : đường qua cầu Bãi Cháy, đường Trần Vũ Oai – Cầu Bang.
Phía Đông đã hình thành đường viền đô thị là đường tiếp giáp mặt nước với phần đất phát triển đô thị. Phía Tây sẽ hình thành tuyến viền đô thị từ bến phà cũ đến Yên Lập theo cơ cấu quy hoạch Khu đô thị Hùng Thắng và Khu đô thị sinh thái văn hóa Hạ Long.
Đường 18A sẽ là trục chính xuyên suốt đô thị kết nối Hạ Long với Uông Bí và Cẩm Phả.
Ngoài các tuyến chính trên, Hạ Long còn đang phát triển tuyến đường tránh phía Bắc, đường phía Nam, kết nối khu vực Khe Cá với Cẩm Phả về phía biển.
Về giao thông thủy:
Cảng Cái Lân và cảng Hòn Gai vẫn là cảng chính của thành phố. Nhưng vai trò phục vụ Du lịch sẽ là hướng chủ đạo trong tương lai. Khi cảng Lạch Huyện Hải Phòng hình thành bước vào khai thác thì lượng hàng hóa sẽ ít qua lại trên vịnh Hạ Long, môi trường Du lịch sẽ được cải thiện hơn.
Cảng Nam Cầu Trắng sẽ được thay đổi chức năng, Hạ Long sẽ có hệ thống cảng như sau: Cảng Cái Lân, Cảng Hòn Gai, Cảng Nam Cầu Trắng, Cảng Làng Khánh, cảng tàu du lịch Cái Dăm, Cảng Du lịch Tuần Châu, Cảng Sông Hốt.
Về giao thông đường sắt:
Tuyến Hà Nội – Cái Lân sau khi dự án hoàn thành, ngoài chức năng vận tải hàng hóa tuyến này sẽ đảm nhận một phần khách du lịch cho Hạ Long và Cụm du lịch tâm linh phía Tây.
Tuyến đường sắt này còn được đấu nối với tuyến Hạ Long – Móng Cái trong tương lai.

TP Móng Cái – Quảng Ninh – Ảnh KTS Nguyễn Phú Đức
3. Thành phố hoàn thiện các khu chức năng hiện có và hình thành các khu chức năng mới:
a. Quy hoạch chỉnh trang các khu chức năng hiện có:
Phía Đông Hạ Long:
– Khu trung tâm chính trị Cột 5 – Cột 8: chỉnh trang hoàn thiện theo quy hoạch đã được phê duyệt.
– Trung tâm văn hóa cột 2: đang xây dựng theo quy hoạch được duyệt
– Khu trung tâm thương mại Hòn Gai: là trung tâm đang được quy hoạch chỉnh trang. Để có được bộ mặt đô thị khang trang hơn cần thiết phải giải tỏa toàn bộ khu nhà ở tập thể cũ , tạo Quảng trường trung tâm trước Bưu điện tỉnh.
– Khu trung tâm chính trị của thành phố: đã được quy hoạch chỉnh trang, cần nghiên cứu thêm cảnh quan từ phía biển.
– Nút giao giữa đường Bến Đoan qua khu đài tưởng niệm cũ đấu nối với đường 18A trước cửa Liên đoàn lao động tỉnh cần được nghiên cứu thêm. Có thể điều chỉnh ra phía biển trước Cảng vụ. Khu này còn có thể tôn tạo ra phía biển tạo công trình công cộng làm điểm nhấn cho khu Đông Hạ Long . Có thể tạo tháp Hạ Long là công trình chính.
– Các khu đô thị phát triển phía Đông Hạ Long đang hình thành theo quy hoạch: Cần quản lý tốt các qũy đất công trình công cộng trong các khu đô thị vì thực tế các khu chức năng của từng khu đô thị đang thiếu, nhất là các không gian hoạt động văn hóa thể thao. Sức sống văn hóa phải được khơi dậy từ các cơ sở này.
Phía Tây Hạ Long:
Các khu chức năng hiện có đang được chỉnh trang dần như khu Cái Dăm, khu Giếng Đáy, Hà Khẩu, khu Cái Lân, khu đô thị Đông Hùng Thắng, khu du lịch Bãi Cháy, khu du lịch Hoàng Tân.
b. Hình thành các khu chức năng mới
Trong những năm tới phía Tây Hạ Long các khu đô thị sẽ phát triển nhiều hơn như khu đô thị du lịch sinh thái Hạ Long, khu đô thị Minh Thành, khu đô thị hai bên đường Cái Mắm – Đồng Đăng. Các khu du lịch sinh thái mới sẽ hình thành ở Hoàng Tân, khu Đảo Việt
Các trung tâm chuyên ngành mới sẽ hình thành như Trung tâm các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường nghiệp vụ sẽ hình thành ở Minh Thành, Đại Yên,
Khu thể thao vùng Đông Bắc đang được nghiên cứu xây dựng ở Đại Yên. Bệnh viện phụ sản mới đang được xây dựng. Như vậy ở phía Tây thành phố các khu chức năng mới dần được hình thành kết hợp với sự phát triển các khu chức năng hiện có Hạ Long sẽ phát triển sống động hơn.
Đền Trần – Anh Sinh – Đông Triều – Quảng Ninh. Ảnh KTS Nguyễn Phú Đức
4. Sức sống văn hóa và môi trường đô thị
Đây là hai lĩnh vực phát triển mà Hạ Long không thể thiếu trong lộ trình phát triển của đô thị.
Sức sống văn hóa của đô thị được tạo nên bởi các yếu tố:
– Ý thức văn hóa của cộng đồng: được thể hiện ở nếp sống văn minh đô thị. Các hoạt động văn hóa được duy trì và phát huy truyền thống.
– Cơ sở vật chất văn hóa được quy hoạch xây dựng đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của đô thị.
– Công tác quản lý đô thị có tác động tích cực trong việc hình thành đô thị.
– Bố cục các khu chức năng hợp lý, phát huy hiệu quả trong quá trình vận hành của đô thị.
– Môi trường đô thị đảm bảo luôn được quan tâm. Hạ Long cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường nhất là môi trường nước, không khí, tiếng ồn. Hạ Long phải là một đô thị sạch, một đô thị có sức hút về du lịch. Cần xử lý triệt để nước thải trước khi thải ra vùng vịnh, để làm sao trên dải bờ biển của thành phố vị trí nào cũng có thể tắm biển được.
Toàn bộ những vấn đề trên, nếu được quan tâm sát sao trong quá trình quản lý và thực hiện, Thành phố Hạ Long chắc chắn sẽ đạt được mô hình của Đô thị loại I và là Thành phố Di sản có sức hấp dẫn khách du lịch trong nước và thế giới.
KTS: Đặng Xuân Dinh
Hội Kiến trúc sư Quảng Ninh