Tư Duy Lại Về Xây Dựng Bền Vững Trong Thế Giới Biến Động

Tác giả Mitakshi Sirsi, Giám đốc Phát triển Bền vững toàn cầu của Broadway Malyan, chia sẻ những suy ngẫm về sự mong manh của ngành xây dựng của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung khi đối mặt với các biến cố toàn cầu, đồng thời đề xuất năm chiến lược nhằm đưa giá trị dài hạn và trách nhiệm sinh thái trở thành cốt lõi trong thực hành kiến tạo môi trường sống.

Mitakshi Sirsi, giám đốc nhóm phát triển bền vững tại Broadway Malyan.

Gần đây, ngành xây dựng chứng kiến nhiều căng thẳng gia tăng. Các chính sách thuế mới từ Mỹ khiến giá vật liệu, đặc biệt là thép và nhôm, trở nên biến động mạnh, làm gián đoạn tiến độ và ngân sách dự án. Tình trạng thiếu lao động kéo dài càng trầm trọng hơn trong bối cảnh nguy cơ xung đột tại khu vực Nam Á, nơi cung ứng một phần lớn lực lượng lao động xây dựng cho phương Tây, không ngừng gia tăng. Điều này không chỉ tạo ra tác động xã hội sâu rộng mà còn đe dọa những mục tiêu về cắt giảm carbon trong ngành xây dựng vốn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Tương tự, trong lĩnh vực bất động sản, việc nới lỏng quy định công bố thông tin liên quan đến khí hậu tại Mỹ và loại bỏ yêu cầu đầu tư ESG đối với các quỹ hưu trí càng làm suy yếu động lực đầu tư bền vững. Trong vài tuần gần đây, tham vọng của các tập đoàn về phát triển bất động sản xanh đang có dấu hiệu chững lại.

Một câu hỏi đặt ra là: tất cả những thay đổi này liên quan gì đến công việc hàng ngày của kiến trúc sư? Những biến động toàn cầu đang dần trở thành yếu tố định hình các lựa chọn cụ thể trong từng dự án. Những tác động này không còn mang tính lý thuyết mà đã trở thành hiện thực: từ lựa chọn thép kết cấu phát thải thấp, đến hệ thống mặt đứng vượt ngân sách, hoặc chỉ tiêu giá trị cộng đồng bị rút gọn trong hồ sơ đấu thầu.

Lấy ví dụ, một dự án đa chức năng đặt mục tiêu đạt chứng nhận BREEAM Excellent, tiêu chuẩn carbon LETI và hiệu suất năng lượng thấp có thể bất ngờ bị ảnh hưởng bởi giá thép tăng cao. Nhà thầu đề xuất thay thế bằng loại vật liệu rẻ hơn nhưng không được chứng nhận, khiến mục tiêu giảm phát thải bị ảnh hưởng. Thiếu lao động dẫn đến chậm tiến độ, giảm chất lượng thi công và ảnh hưởng đến hiệu quả năng lượng của hệ thống mặt đứng. Từ đó, một dự án từng được định hình là hướng tới cộng đồng và phát triển bền vững, giờ đây đánh mất giá trị dài hạn vì những thay đổi từ bên ngoài.

Vì vậy, chúng ta cần tiếp cận khủng hoảng với chủ đích rõ ràng. Từ những thay đổi nhỏ trong từng dự án, có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực nếu hành động được thực hiện một cách đa dạng, phi tập trung và giảm thiểu rủi ro. Tư duy thiết kế cần thích ứng với biến động, mang tính tái tạo và linh hoạt.

Dưới đây là năm gợi ý từ chính trải nghiệm nghề nghiệp của tôi – như một nỗ lực nhằm tái định hình cách chúng ta thiết kế và ra quyết định:

  1. Cân nhắc về rủi ro khí hậu và sinh thái từ giai đoạn đầu: Cần lồng ghép các yếu tố rủi ro vào dự án từ sớm, đảm bảo đủ thời gian, nguồn lực và năng lực thực hiện. Đây không chỉ là chìa khóa để hoạch định chiến lược ứng phó mà còn giúp kiểm soát các yếu tố liên quan đến bảo hiểm, quy định và rủi ro tài sản. Các công cụ dữ liệu như bản đồ rủi ro khí hậu và mô hình hóa carbon vòng đời có thể hỗ trợ ra quyết định dựa trên hiệu suất.
  2. Ưu tiên cải tạo sâu thay vì phá dỡ: Giữ lại kết cấu hiện hữu giúp giảm phát thải carbon ẩn, tránh lệ thuộc vào thị trường vật liệu bất ổn, đồng thời rút ngắn thời gian và chi phí thi công.
  3. Thiết kế hướng đến tính linh hoạt và vòng đời lâu dài: Thiết kế cần ưu tiên và hướng tới giá trị sử dụng lâu dài. Sử dụng “hộ chiếu vật liệu” và công cụ số để lập kế hoạch tái sử dụng, từ đó tạo ra khả năng thích ứng về sau và tối ưu hóa nguồn lực. Thiết kế thụ động cũng cần được chuẩn hóa, không chỉ để đạt các chỉ số năng lượng, mà còn nhằm đảm bảo tính bền vững trong vận hành.
  4. Cải tiến mô hình hợp đồng và mua sắm: Cần tái cấu trúc các mô hình hợp đồng và quy trình mua sắm, coi đó là công cụ hỗ trợ cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, thay vì chỉ là phương tiện nhằm đạt kết quả đầu ra. Việc thúc đẩy các phương pháp triển khai tích hợp (Integrated Project Delivery – IPD) và các mô hình khuyến khích hợp tác, chia sẻ trách nhiệm cùng sự tham gia sớm của nhà thầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi bền vững.
  5. Thiết kế lại chuỗi cung ứng theo hướng tuần hoàn và bản địa: Tận dụng vật liệu địa phương hoặc thay thế nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường toàn cầu. Ngay cả những hạng mục như đồ nội thất hay vật liệu cách nhiệt cũng có thể đưa vào chu trình tuần hoàn, tạo lợi ích xã hội – kinh tế địa phương, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát chi phí và hiệu suất carbon.

Nhìn chung, đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro không chỉ là chiến lược tài chính mà còn là chiến lược thiết kế. Để triển khai hiệu quả, điều này đòi hỏi tư duy kỹ thuật, sự tham gia xã hội, cơ chế giám sát chặt chẽ và cải tiến liên tục. Các biến cố toàn cầu một lần nữa cho thấy sự mong manh trong cách chúng ta đang vận hành ngành xây dựng. Nhưng chính sự mong manh đó lại mang đến cơ hội để thúc đẩy những chuyển đổi mang tính hệ thống sâu sắc hơn.

Lê Khanh
Biên dịch theo Building Design


Link bài viết gốc:
https://www.bdonline.co.uk/opinion/designing-through-the-storm-rethinking-sustainable-construction-in-an-age-of-crisis/5136351.article