Một vài suy nghĩ trong giải pháp thiết kế kiến trúc thích ứng với môi trường thiên nhiên

Kiến trúc thích ứng với môi trường thiên nhiên ngày càng được nhiều KTS quan tâm trong công tác thiết kế công trình, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra thường xuyên như ngày nay. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi một vài suy nghĩ về các luận điểm trong thiết kế kiến trúc thích ứng với điều kiện môi trường tự nhiên của một số KTS traên thế giới.

Trung tâm thương mại Colmar - Pháp. Thiết kế: Văn phòng kiến trúc Dubosc và Cộng sự
Trung tâm thương mại Colmar – Pháp. Thiết kế: Văn phòng kiến trúc Dubosc và Cộng sự

Về bản chất, kiến trúc cũng là môi trường, hay nói cách khác kiến trúc là mối liên hệ tổng hòa giữa con người và thế giới quan. Điều này được thể hiện trên hai góc nhìn:
Thứ nhất, dưới góc nhìn phi vật thể, hệ tư tưởng hay các hình thái siêu hình: Kiến trúc là mỗi liên hệ giữa “Trời” (Le Ciel) (Le “Cosmos” theo cách gọi của Le Corbusier) với “môi trường” thiêng liêng : ví dụ như công trình Sata Maria de Oya (ở Galice), Đức phật Thiên Tân (ở Bắc Kinh), Parthenon (ở Hy Lạp) hay nhà thờ hồi giáo lớn Tombouctou…

Thứ hai, dưới góc nhìn hiện thực và thực hành, kiến trúc là mối quan liên hệ giữa con người với “thiên nhiên” với các yếu tố trong môi trường như : khí hậu, địa hình, địa vật lý…

Chính vì vậy khi thiết kế, các KTS luôn nghiên cứu các tác động cũng như ảnh hưởng giữa tác phẩm của mình với môi trường thiên nhiên. Dưới đây là một số tiêu chí mà các KTS thường vận dụng trong thiết kế của mình để có được những công trình thích ứng với điều kiện môi trường xung quanh.

I. Thiết kế thích ứng với điều kiện khí hậu, tiết kiệm năng lượng và hài hòa :
Thiết kế các công trình kiến trúc theo tiêu chí thích ứng với điều kiện khí hậu, tiết kiệm năng lượng và hài hòa trong sử dụng sẽ tạo ra các hiệu quả như : sưởi ấm công trình miễn phí, làm mát công trình miễn phí, thông gió tự nhiên, sử dụng năng lượng tự sinh và sử dụng nước miễn phí.

Khoảng 20 năm trở lại đây, thế giới phải đối mặt với các hiện tượng hiệu ứng nhà kính và hiện tượng sa mạc hóa trầm trọng, lượng khí thải trở nên quá tải, tầng ozon bị xâm hại ảnh hưởng đến bầu khí quyển… Vì lẽ đó Liên Hợp Quốc đã đưa ra vấn đề phát triển bền vững, trong đó sử dụng thiết kế kiến trúc thích ứng với điều kiện khí hậu và môi trường tự nhiên hướng tới phát triển bền vững trong xây dựng cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Từ đó, nhiều quốc gia đã xây dựng và ứng dụng chiến lược phát triển đô thị bền vững nhằm đảm bảo một môi trường sống trong lành và xanh hóa các công trình kiến trúc. Vấn đề kiến trúc thích ứng với môi trường tự nhiên đã được nhiều nước nghiên cứu về lý luận, xây dựng thực nghiệm, lập tiêu chí đánh giá và phát triển thành xu thế kiến trúc bền vững.

Trung tâm Pompidou - Metz - Pháp. Thiết kế: Shigeru Ban và Jean de Gastines
Trung tâm Pompidou – Metz – Pháp. Thiết kế: Shigeru Ban và Jean de Gastines

II. Thiết kế kiến trúc và xây dựng công trình sử dụng vật liệu bền vững và có thể tái tạo được:
Quản lý môi trường đang là yêu cầu cấp bách với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhiệt độ trái đất đang nóng lên từng ngày, và hậu quả đã được thấy rõ bởi những vụ động đất, bão lũ… vì vậy tất cả mọi người, mọi ngành đều phải hành động. Trong đó lĩnh vực xây dựng đóng vai trò to lớn.
Xây dựng bản chất không phải là một hoạt động thân thiện với mô trường sinh thái. Đơn cử như hoạt động sản xuất ra xi măng, đá, cát … đến quá trình phá dỡ công trình cũ tạo ra lượng khí nhà kính lớn, phá hỏng bầu khí quyển.

Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia: Làm sao để ngành xây dựng vẫn phát triển mạnh mà ảnh hưởng ít nhất đến môi trường? Đã có rất nhiều phương án được đưa ra, nhưng trong đó một phương pháp được cho là hiệu quả nhất đó là sử dụng vật liệu xây dựng tái chế.
Tác dụng của việc sử dụng vật liệu tái chế: Làm giảm nhu cầu vật liệu mới. Cắt giảm chi phí vận tải và sản xuất, Giảm chi phí cho việc chôn lấp, xử lý chất thải.

IV. Thiết kế kiến trúc “xanh”:
Thiết kế kiến trúc xanh là một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng. Việc này nhằm hướng tới các yếu tố về bảo tồn sinh thái, môi trường, hiệu quả sử dụng không gian, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng cùng các tiện ích tiện nghi cuộc sống.

Thiết kế kiến trúc xanh nhằm đảm bảo các yếu tố: Giảm năng lượng sử dụng; giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường; giảm năng lượng và tiêu hao tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tổn hại sức khoẻ con người. Bởi vậy, kiến trúc xanh đòi hỏi phải giảm áp lực lên môi trường, giảm và xử lý chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Hay nói một cách khác, kiến trúc phải thân thiện với môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của môi trường sống trên trái đất.

TS.Kts D.P.L.G Nguyễn Việt Huy