Tầm nhìn 100 năm phát triển Đà Nẵng – Một thành phố toàn cầu

Đà Nẵng nhìn từ Sông Hàn - (ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
Đà Nẵng nhìn từ Sông Hàn – (ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Trong khi hai thành phố quan trọng nhất Việt Nam có lịch sử khá lâu đời (Hà Nội trên 1000 năm, TP HCM trên 300 năm), thì Đà Nẵng, tuy chỉ có lịch sử trên 100 năm, lại có nhiều điều kiện thuận lợi riêng để phát triển trở thành một thành phố toàn cầu của Việt Nam trong thế kỷ 21 – Với vai trò hàng đầu trong việc giao lưu dịch vụ thương mại và tài chính quốc tế, trong việc phát triển kinh tế quốc gia, và trong việc phát triển Vùng Đô thị miền Trung…

Tuy nhiên, trên thực tế Đà Nẵng hiện nay vẫn chưa phải là thành phố lớn thứ ba trên toàn quốc về quy mô cũng như dân số. Để đạt được vị thế, mong muốn đó, Đà Nẵng cần có sự chuẩn bị dài hạn với tầm nhìn trăm năm, tận dụng tối đa các tiềm năng và ưu thế tiềm ẩn, không những phải nhanh chóng phát triển vượt bậc với tỷ lệ tăng trưởng GDP, và còn phải phát triển bền vững hơn và có chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Bài viết gợi mở những định hướng chiến lược Đà Nẵng với tầm nhìn quy hoạch trăm năm, với góc nhìn đa chiều cho Đà Nẵng phát triển như một thành phố toàn cầu, đa trung tâm, đa chức năng. Trong đó Đà Nẵng cần sớm xây dựng nền tảng để có thể phát triển trong sự kết hợp hài hòa đa bản sắc của đô thị biển du lịch và giao thương hàng hải, đô thị giao lưu văn hóa xã hội ven sông, đô thị đại học, công nghệ, và công nghiệp, đô thị kinh tế tài chính quốc tế, đô thị sân bay phục vụ du lịch biển và giao thương quốc tế, đô thị trung tâm của Vùng Đô thị Miền Trung, đô thị TOD đầu tiên của Việt Nam, và đô thị xanh bền vững…

Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định phê duyệt 2357/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ)
Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định phê duyệt 2357/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ)

Phát triển đô thị biển du lịch và giao thương hàng hải

Đà Nẵng trước hết cần phát huy tiềm lực của một đô thị biển – với một trong những cảng biển quan trọng nhất trên toàn quốc, và những bãi biển được xếp vào hạng đẹp nhất hành tinh.
Quy hoạch cho giao thương và lưu thông quốc tế tiện lợi thông qua cảng biển cần được cân đối hài hòa với quy hoạch du lịch, tận dụng được tài nguyên thiên nhiên từ biển.
Quần đảo Hoàng Sa là cửa ngõ đường biển quan trọng về phía Đông và có tiềm năng lớn về hải sản, cần được quy hoạch trong mối tương quan chặt chẽ với hoạt động trên biển và với đất liền.

Phát triển đô thị giao lưu văn hóa xã hội ven sông

Đà Nẵng còn phải phát triển thành một đô thị giao lưu văn hóa xã hội ven sông – Với lịch sử phát triển đô thị trên một trăm năm hai bên sông Hàn.
Con sông Hàn nối ra Vịnh Đà Nẵng, là nơi thuận tiện để thuyền bè tránh bão, có chiều rộng vừa phải, thuận tiện cho việc kết nối và phát triển đô thị hai bên sông, tạo nên khung cảnh đô thị sầm uất trên bến dưới thuyền.
Khu Trung tâm đô thị hiện hữu gắn liền với sinh hoạt văn hóa xã hội ngày và đêm trên không gian sông nước, sinh hoạt lễ hội hàng năm, sẽ đem lại một bản sắc vừa thống nhất, vừa mang đặc trưng riêng cho Đà Nẵng.
Đà Nẵng không nên cho phép tự do phát triển nhà cao tầng dọc theo ven sông, các tòa nhà này nên được quy hoạch thành cụm, có tư duy chiến lược về kết nối cảnh quan và kết nối các tuyến giao thông công cộng ở trung tâm thành phố. Đây là điều chưa được nhấn mạnh trong các đề án dự thi quy hoạch ven sông Hàn tổ chức cuối năm 2016 vừa qua. Khu Trung tâm đô thị kinh tế tài chính hành chính, và dịch vụ thương mại đa chức năng tương lai (xem phần dưới) cần phải kết nối với sông và ra biển, để tạo nên dải không gian xanh công cộng, thân thiện với người đi bộ, không chỉ về mặt kiến trúc cảnh quan, mà còn về mặt sinh hoạt đường phố.

Phát triển đô thị đại học, công nghệ, và công nghiệp, kết nối hoạt động nghiên cứu thực hành với phát triển công nông lâm ngư nghiệp

Đà Nẵng nên tận dụng lợi thế xây dựng đô thị đại học – công nghệ và công nghiệp, kết nối hoạt động nghiên cứu thực hành (practical research) và giảng dạy của các trường đại học đẳng cấp quốc tế trong tương lai; phát triển công nông – lâm – ngư nghiệp thông qua việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ cao và tiên tiến của thế kỷ 21 để tạo nên tiềm lực kinh tế mạnh trong khu vực.
Các cụm đô thị đại học, khu công nghiệp, và khu công nghệ cao, do đó, cần được quy hoạch trong mối tương quan không chỉ về không gian, mà còn về giao thông, và hoạt động phối hợp…

Phát triển đô thị kinh tế tài chính quốc tế

Với địa thế đô thị phát triển trải dài theo hướng Nam – Bắc, song song với Biển và sông Hàn, khi trở thành một siêu đô thị tương lai, Đà Nẵng có thể chỉ cần chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu và xây mới đến 3 cụm trung tâm cao tầng nối kết với nhau dọc theo tuyến Nam Bắc, tương tự như 3 khu trung tâm cao tầng (downtown, midtown, và uptown tại Manhattan, New York). Trước mắt, trung tâm An Đồn và khu lân cận, bao gồm tổng thể cao ốc kinh tế tài chính và dịch vụ thương mại đa chức năng mới, một trung tâm giao thông vận tải công cộng kết nối với sân bay và với các khu vực quan trọng của thành phố, và hai đầu là hai quảng trường đô thị, một quảng trường mở thoáng ra sông Hàn, và một quảng trường mở thoáng ra biển.
Đà Nẵng không những cần chú trọng nâng cao trình độ tri thức và thu nhập kinh tế của người dân địa phương, mà còn cần tạo lập một môi trường an cư lạc nghiệp, trở nên đô thị đáng sống – sống tốt tiêu chuẩn quốc tế, đem lại cơ hội sống và làm việc hấp dẫn hàng đầu Á Châu, thu hút cư dân từ các tỉnh thành trên toàn quốc cũng như từ các nước tiên tiến trên thế giới đến định cư hoặc tạm trú dài hạn.
Để thu hút các cơ quan tài chính và dịch vụ thương mại của những nước tiên tiến trên thế giới đến mở văn phòng đại diện hoặc cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng, giống như Hong Kong và Singapore, ngoài việc tạo ra môi trường làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, cần lưu tâm giáo dục phổ cập tiếng Anh miễn phí cho mọi người dân Đà Nẵng, hướng đến việc thiết lập hệ thống thông tin chỉ dẫn song ngữ.

Phát triển đô thị sân bay phục vụ du lịch biển và giao thương quốc tế

Lộ trình từ một đô thị chỉ khoảng 1 triệu dân vươn thành một siêu đô thị tương lai với hàng chục triệu dân, để phục vụ cho mục tiêu trở nên thành phố toàn cầu, Đà Nẵng hoàn toàn có thể có hai sân bay, theo kinh nghiệm tương tự của Paris, New York, những TP hàng đầu thế giới.
Trước hết, sân bay hiện hữu có thể khống chế ở mức dưới 20 triệu hành khách một năm, phục vụ cho tuyến quốc tế – khu vực Đông Nam Á và nội địa, với khoảng cách chỉ vài km đến trung tâm và ra khu du lịch biển, đây là thế mạnh hiếm có cho một thành phố du lịch biển.
Trong tương lai, khi trở thành siêu đô thị với hàng chục triệu dân, Đà Nẵng có thể phải cần thêm một sân bay quốc tế với khả năng tiếp nhận 60-100 triệu hành khách quốc tế và trong nước mỗi năm. Sân bay quốc tế mới phải có đủ diện tích và không nên xa quá 50 km tính từ khu trung tâm. Như vậy, sân bay Chu Lai sẽ không phù hợp, không chỉ vì nó không thuộc Đà Nẵng, mà còn vì khoảng cách 100 km sẽ không phục vụ hiệu quả cho trung tâm đô thị Đà Nẵng.
Cho dù là nâng cấp sân bay hiện hữu hay xây dựng sân bay mới, Đà Nẵng cần có kế hoạch chuẩn bị phối hợp đa ngành để chuẩn bị quy hoạch đô thị sân bay cho cả hai vị trí, bao gồm quy hoạch sân bay, quy hoạch hệ thống giao thông vành đai sân bay, giao thông cao tốc và công cộng kết nối tiện lợi với các trung tâm đô thị khác của Đà Nẵng, với các khu đô thị trong Vùng Đô thị miền Trung, kết nối với khu đô thị sân bay giáp ranh để phục vụ các nhu cầu ở, làm việc hiệu quả, tiện lợi cho cá nhân và đơn vị hoạt động thường xuyên tại sân bay. Việc quy hoạch đô thị – sân bay từ thiết kế cho đến xây dựng – còn ít được quan tâm (cho đến nay hầu như vẫn chưa hề được phối hợp thực hiện tại Việt Nam). Đây là điều rất cần thiết, tránh được tình trạng ách tắc giao thông hàng không và giao thông đô thị như tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua.

Phát triển Đô thị Trung tâm của Vùng Đô thị Miền Trung – Trở thành đầu mối chính trong việc kết nối và hợp tác phát triển

Đà Nẵng cần hướng đến tầm nhìn xa, tận dụng được sức mạnh liên kết Vùng, vừa giúp Đà Nẵng phát triển, vừa giúp Vùng Đô thị Miền Trung phát triển, có thể sánh vai với Vùng Thủ Đô Hà Nội và với Vùng Đô thị TP HCM.
Mỗi tỉnh thành của của miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, …) và Đà Nẵng đều có điểm mạnh và yếu riêng, nhưng nếu có thể tập hợp các điểm mạnh và yếu đó trong một tổng thể chung để cùng nhau hợp tác phát triển, thì có thể bổ sung nhau, hỗ trợ và hợp tác cùng phát triển.
Về mặt giao thông vùng, Vùng Đô thị miền Trung cần phát triển mạng giao thông chiến lược nối kết, bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với nhau và với hệ thống giao thông quốc gia, quốc tế.
Về mặt kinh tế, cần có sự phân công và hợp tác để cùng phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là về mặt du lịch, giáo dục, công nông ngư nghiệp, và dịch vụ thương mại…
Về mặt xã hội, cần hướng đến việc xây dựng những cộng đồng sống và làm việc đa bản sắc, hệ thống mạng lưới đô thị lớn nhỏ và đa trung tâm kết nối với nhau, trong đó, mỗi đô thị đều được chú trọng phát triển thế mạnh và bản sắc riêng.

Phát triển Đô thị TOD đầu tiên của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với giao thông công cộng và tạo môi trường sống thân thiện cho người đi bộ

Đà Nẵng cần sớm đặt nền móng để phát triển thành đô thị TOD (Transit-Oriented Development) đầu tiên của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với hệ thống giao thông công cộng, tạo môi trường sống thân thiện cho người đi bộ.
Đô thị TOD có thể được thiết lập một cách bền vững về mặt quy hoạch, kinh tế, cảnh quan, môi trường, thông qua sự kết hợp hài hòa giữa việc quy hoạch nhà cao tầng và mạng lưới trung tâm lớn nhỏ của đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống đường cho người đi bộ và xe đạp, hệ thống cây xanh mặt nước, đồng thời kết nối với các cộng đồng dân cư đa dạng của thành phố.
Việc phát triển quy hoạch đô thị biển trên hệ thống khung sườn giao thông công cộng, hướng ra biển và đến các không gian cộng đồng, là xu hướng phát triển bền vững cần được xem là chiến lược quan trọng hàng đầu, đảm bảo đa số khách du lịch và người dân có thể di chuyển tiện lợi bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc các phương tiện giao thông cá nhân không khói như xe đạp và xe điện. Như vậy, cho dù mật độ xây dựng và số lượng dân cư cũng như khách du lịch có tăng nhanh, các tác nhân gây ô nhiễm như bụi khói, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường do xăng dầu vẫn ít gây tác hại đáng kể đến môi trường thiên nhiên của đô thị biển, được xem là nguồn vốn đáng giá nhất để phát triển nền kinh tế du lịch.

Đêm Đà Nẵng (ảnh KTS Nguyễn Phú Đức)
Đêm Đà Nẵng
(ảnh KTS Nguyễn Phú Đức)
 TP Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà (ảnh: Lê Phước Chin)
TP Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà
(ảnh: Lê Phước Chin)

Là một thành phố mới với hạ tầng đường sá rộng rãi, Đà Nẵng có thể tham khảo kinh nghiệm của thành phố Curitiba để sớm đặt nền tảng cho việc xây dựng mạng lưới xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit) hiệu quả tương đương metro mà chi phí xây dựng và bảo dưỡng thấp hơn nhiều, người dân và du khách vừa có phương tiện giao thông giá không cao, vừa được hưởng không gian cảnh quan và vi khí hậu song biển của thành phố du lịch. Ngoài ra, khi di dời đường sắt hiện hữu, Đà Nẵng nên chuyển đổi thành tuyến GTCC xe điện mặt đất.
Phát triển Đô thị Xanh – Bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương, gắn liền với không gian thiên nhiên núi đồi, biển đảo, và sông hồ
Với lịch sử phát triển không dài, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển đô thị mới, hiện đại, đặc trưng cho Việt Nam trong thế kỷ 21, mà ít bị khống chế bởi việc phải bảo tồn nhiều di sản không gian cảnh quan và kiến trúc lịch sử như tại Hà Nội và TP HCM.
Bản sắc độc đáo nhất của Đà Nẵng sẽ đến từ công trình và hạ tầng, từ việc tổ chức không gian xanh đô thị thành một hệ thống liên hoàn, kết nối tốt với thiên nhiên.
Việc kết nối thuận tiện với hai đô thị có nhiều di sản quốc tế là Huế và Hội An (cách Đà Nẵng dưới hai giờ lái xe), giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn, hưởng thụ những giá trị du lịch biển và văn hóa xã hội tại Đà Nẵng.
Xu hướng cho phép phát triển các công trình cao tầng nối liền nhau dọc theo hai bên sông Hàn và ở khu lân cận của Ngũ Hành Sơn không những đã tạo nên bức tường bê tông hai bên sông Hàn, mà còn che khuất tầm nhìn thoáng về phía Ngũ Hành Sơn, làm giảm ý nghĩa biểu trưng của Ngũ Hành Sơn, như một linh địa và như một yếu tố bản sắc quan trọng của thành phố Đà Nẵng.
Do đó, quy hoạch cao tầng tại Đà Nẵng cần được xem xét điều chỉnh lại để đảm bảo tuyến nhìn cảnh quan xanh không bị che khuất bởi nhà cao tầng, nhìn từ khu trung tâm lịch sử, và nhìn từ một số vị trí quan trọng khác của Đà Nẵng về phía Ngũ Hành Sơn và về phía Sơn Trà. Quy hoạch cao tầng còn phải gắn kết với quy hoạch giao thông công cộng, tạo nên các công trình hoặc cụm công trình điểm nhấn, không tranh chấp với núi đồi, đồng thời bổ sung cho sự phong phú cảnh quan.

Hình ảnh Ngũ Hành Sơn trên biểu trưng của Đà Nẵng
Hình ảnh Ngũ Hành Sơn trên biểu trưng của Đà Nẵng

Việc giữ gìn Sơn Trà như khu bảo tồn thiên nhiên và sớm quy hoạch để giữ tầm nhìn thoáng từ các trung tâm đô thị quan trọng cũng mang ý nghĩa rất quan trọng.
Việc quy hoạch mặt tiền biển là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển các đô thị biển. Tuy nhiên, Đà Nẵng không nên chỉ tập trung cho phát triển về du lịch và dịch vụ thương mại dọc theo tuyến bờ biển, mà phải phát triển một cách cân đối hài hòa với các chức năng đô thị khác, hướng tới sự phát triển toàn diện, tận dụng được các lợi thế của địa phương. Do đó, cần tránh xu hướng lạm dụng phát triển mặt tiền biển, làm tổn hại cơ hội phát triển của khu vực nằm phía sau sâu hơn trong đất liền. Đặc biệt là cần tránh xu hướng phát triển các dự án du lịch nối liền nhau nhiều km, biến bãi biển thành tài sản tư, ngăn chặn cơ hội tự do tiếp cận bãi biển của cư dân ở các khu đất lân cận nằm sâu hơn trong đất liền.
Với một đô thị phát triển nóng như Đà Nẵng, việc gắn kết trách nhiệm bảo vệ môi trường với công tác phát triển đô thị là rất quan trọng. Đà Nẵng cần hướng đến phát triển Đô thị bền vững, bao gồm quy hoạch bền vững và kiến trúc bền vững, trọng tâm là phục vụ nhu cầu đa dạng và dài hạn của người dân.
Mặt khác, Đà Nẵng cần chuẩn bị tốt cho việc đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và thay đổi môi trường. Việc ứng xử với biến đổi khí hậu cần phù hợp với nhu cầu sử dụng, cải thiện vi khí hậu, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, và giảm thiểu các tác hại có thể xảy ra do nước biển dâng, thủy triều thất thường, hoặc do nhiễm mặn… Tùy theo yêu cầu và hiện trạng thực tế của dự án mà có các giải pháp phù hợp, nhưng tất cả dự án đều cần tính đến việc thiết kế không gian cho nước, không gian xanh, hệ thống giao thông công cộng, và không gian công cộng của cộng đồng. Đồng thời cũng nên tránh xây dựng các đô thị mới tại những khu vực có nguy cơ cao khi nước biển dâng.
Vì là đô thị biển, Đà Nẵng cần có kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn nước ngọt, bao gồm việc bảo vệ rừng và xây dựng những hồ chứa nước ngọt, đủ để đáp ứng cho nhu cầu đô thị hóa. Các hồ nước cũng có được quy hoạch cảnh quan phục vụ cho du lịch.
Song song với phát triển công nghiệp và phát triển đô thị, cần chú ý phát triển hệ thống xử lý nước thải và chất thải với quy mô phù hợp, để đảm bảo sự ô nhiễm môi trường nằm dưới ngưỡng cho phép.
Về mặt môi trường, do tính chất địa lý của Vùng Đô thị Miền Trung thu hẹp , thay vì mở rộng như ở Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Đô thị TP HCM, hiệu quả của việc bảo vệ môi trường của mỗi tỉnh thành đều có sự tác động tương hỗ mật thiết. Do đó, Đà Nẵng và các đô thị miền Trung cần có sự cam kết cùng nhau bảo vệ môi trường biển, sông hồ, không gian xanh đô thị và vành đai xanh nông nghiệp, và môi trường đô thị.
Về mặt kiến trúc, Đà Nẵng cũng nên đưa ra những hướng dẫn và chính sách khuyến khích việc xây dựng các công trình đạt tiêu chuẩn xanh Việt Nam (Lotus) hoặc quốc tế (LEED, Green Star, Greenmark) trên toàn thành phố.

Tài liệu tham khảo
-Andres Duany. 2009. The Smart Growth Manual. McGraw-Hill Education.
-Kathrin Moore và Ngô Viết Nam Sơn. 2011. Báo cáo Nghiên cứu Thiết kế: Quy hoạch Tầm nhìn Xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.
-Ngô Viết Nam Sơn. 2009. Tầm nhìn trăm năm trong công tác quy hoạch các Đô thị Biển. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 07/2009.
-Ngô Viết Nam Sơn. 2010. Bản sắc Quy hoạch và Kiến trúc của Đà Nẵng và Huế: Thử thách và Cơ hội. Tạp chí Kiến trúc số 183, tháng 7 năm 2010, Pp 15-19. Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
-Ngô Viết Nam Sơn. 2011. Thiết Kế Đô Thị Châu Á – Những Thử Thách Trong Kỷ Nguyên Thông Tin Và Toàn Cầu Hóa. Pp26-33. Tạp chí Kiến trúc số 196 – 08-2011. Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
-Ngô Viết Nam Sơn. 2013. Không gian đô thị Đà Nẵng trong thế kỷ XXI. Tạp chí Kiến trúc -số 214 – 2013.
-Ngo Viet Nam Son. 2016. Strategies of Sustainable Development in Vietnam. VGBC Annual Conference 2016. 14 January 2016. Duxton Hotel Saigon, Ho Chi Minh City.
-Steffen Lehmann. 2010. The Principles of Green Urbanism. Transforming the City for Sustainability. Earthscan Publisher London.
-Thủ tướng Chính phủ. 2013. Quyết định số 2357/QĐ-TTG, ngày 04/12/2013, về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn (*)

(*) TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn là chuyên gia về thiết kế, tư vấn chiến lược, và giảng dạy tại Châu Á và Bắc Mỹ. Ông đã nghiên cứu nhiều dự án tại Đà Nẵng. KTS Ngô Viết Nam Sơn và KTS Kathrin Moore là đồng tác giả nghiên cứu Dự án Quy hoạch tầm nhìn cho Đà Nẵng đến 2025. Trước đó ông cũng đã cùng bà Moore cộng tác với SOM (Mỹ) thực hiện quy hoạch Khu đô thị Nam Sài Gòn.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 3 – 2017)