Tiếp cận Đô thị Vũng Tàu dưới góc độ phân tích hình thái

Mỗi đô thị đều sở hữu một hình thái riêng biệt. Việc đọc và  hiểu được hình thái của nó cần phải được nhìn nhận trên 2 khía cạnh:
Một là, phải nhận dạng được đặc trưng của cái vỏ vật chất tạo nên không gian đô thị. Cái vỏ vật chất đó được tạo nên bằng hai phần: một phần là thiên nhiên, và một phần là các sản phẩm kiến trúc xây dựng do con người tạo nên. Cả hai phần này lúc thì tách biệt, khi thì hòa trộn vào nhau – việc nhìn nhận phân tích chúng sẽ có ý nghĩa cho định hướng phát triển đô thị trong tương lai. Ở đây, chúng tôi đề cập tới lĩnh vực phân tích hình thái, và xem xét chủ yếu ở khu vực Vũng Tàu.
Hai là, việc nhận dạng Đặc điểm hình thái đô thị Vũng tàu cần phải được xem xét trong quá trình biến đổi của hình thái đô thị qua các giai đoạn phát triển, dưới tác động của những biến đổi chính trị, kinh tế xã hội. Việc nghiên cứu lịch sử của thành phố sẽ liên quan tới sự biến đổi chuyển hóa của hình thức đô thị.  
Vũng Tàu – Cái nhìn về lịch sử
Một số tài liệu sưu tầm từ Tuần báo Indochine 1940 – 1944 đã cho ta một cái nhìn hết sức khái quát những biến đổi về chức năng và hình thái đô thị của thành phố Vũng Tàu.


Với cái tên Ô Cấp (Cấp hoặc Cap Saint Jacque), Vũng Tàu bắt đầu được biết đến như một mảnh đất của người Việt vào thế kỷ XVI. Thời điểm này đã xuất hiện những nhóm cư dân đầu tiên đến đây để sinh sống – vùng đất ở khu vực Bãi Trước (là khu vực chợ Cá sau này) rất thuận tiện cho hoạt động săn bắt hải sản, đã trở thành nơi được lựa chọn đầu tiên như một làng Cá.
Đến thế kỷ XVIII, những người Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc buôn bán với Đông Dương đã mang tới đây rất nhiều hàng hóa. Lúc đó, Vũng Tàu được lựa chọn như một đầu mối thương mại trên biển để phân phối hàng hóa đi khắp nơi. Chức năng của một Cảng thị đã bắt đầu làm lu mờ chức năng làng Cá.
Nhận thức vị trí đặc biệt quan trọng của mảnh đất này, từ năm 1860, hải quân Bồ Đào Nha đã cho xây dựng ở đây nhiều kho chứa quân dụng, để tới năm 1871, họ lại nhường một trong những kho tàng này cho người Anh để làm trạm cáp ngầm dưới biển Âu – Á qua kênh đào Suez. Tiếp theo đó, vào khoảng năm 1900, Bộ chỉ huy quân đội Pháp đã quyết định biến bán đảo này thành một cứ điểm quân sự vững mạnh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của đối phương vào Sài gòn. Lúc đó Vũng Tàu được lựa chọn như một Cứ điểm quân sự, nơi trú chân của các hạm đội, và các chốt quân sự vững chắc.
Trong khoảng thời gian trên, bán đảo Ô Cấp hoàn toàn cô lập với Sài gòn, bởi không có đường giao thông nào nối với đất liền ngoài đường thủy. Nhưng từ năm 1917, Ô Cấp bắt đầu được nối với các thành phố trong đất liền bằng đường bộ nhờ việc xây dựng con đường thuộc địa số 15 (có khả năng là con đường 51A) đi qua đầm lầy với các cây cầu lớn. Kể từ đây việc xây dựng đô thị Vũng Tàu đã có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Cũng trong giai đoạn này, nhờ khí hậu tuyệt vời và cảnh quan lãng mạn, Vũng Tàu đã lôi kéo người Sài Gòn tìm đến nơi đây để nghỉ ngơi an dưỡng, tận hưởng không khí biển. Ngôi biệt thự Bạch Dương (Villa Blanche) được Paul Doumer xây dựng và đặt trùng tên con gái ông ta, quay mặt hướng ra biển, như một minh chứng cho sự lựa chọn tối ưu. Và kể từ đó, Ô Cấp Vũng Tàu lại được khám phá như một nơi nghỉ mát lý tưởng.
 Như vậy, Vũng Tàu đã được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, từ Làng Cá, tới Cảng thị, cứ điểm quân sự và một nơi nghỉ mát lý tưởng. Điều đó cho thấy giá trị của một vùng đất đã dược nhìn nhận từ trong lịch sử, với những chức năng được biến đổi và chuyển hóa hết sức đa dạng.
Vũng Tàu – Bà Rịa ngày nay đã phát triển mạnh mẽ như một thành phố trẻ năng động với môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp, một mảnh đất hấp dẫn để các tài năng trẻ thi thố tài năng trong các dự án đầu tư. Mỗi lần trở lại Vũng Tàu, là mỗi lần nhận thấy những biến đổi và phát triển. Đôi khi, cũng thấp thoáng một chút lo âu, rằng liệu có giữ được cái đặc trưng cảnh quan kiến trúc, có giá trị lịch sử trong thách thức của thời đại mới hay không?
Về điều này, những nhà quản lý cần phải nhận thức rõ hơn ai hết về những tiềm năng thiên nhiên và cảnh quan mà Vũng Tàu đang sở hữu.

Núi nhỏ với thảm thực vật phong phú, nhìn ra Bãi Trước, tạo nên một cảnh quan yên tĩnh, an bình

Cảnh quan thiên nhiên phong phú và đa dạng.
Hai bãi biển đẹp với hai đặc trưng cảnh quan khác nhau
Bãi Trước được hình thành sớm nhất. Như một “tiền sảnh” của thành phố Vũng Tàu. Với hai ngọn núi nằm ở hai bên, tạo một không gian mở hướng ra biển. Tại đây, người ta sẽ tiếp xúc với một bãi biển có hình dạng ngoằn nghèo khúc khuỷu. Sóng nhẹ, êm ả, nước đục và nông, gió nhỏ và nhẹ. Những yếu tố đó tạo ra cho Bãi Trước một khung cảnh yên tĩnh, an bình. Chả thế mà thuyền ghe tấp nập đậu tại đây vào mỗi buổi chiều chạng vạng. Người dân địa phương coi đây như cái ao nhà. Buổi sáng, họ tranh thủ kéo lưới bắt tôm, buổi chiều họ tắm táp bơi lội.
Chính quyền thành phố Vũng Tàu đã rất có lý khi tạo ra ở khu vực này một không gian xanh, một công viên nhỏ phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng. Tại đây không có khách sạn, chỉ có nhà dân, không có bãi biển cho khách du lịch, chỉ có bãi tắm cho cộng đồng. Đây là một bài học cho nhiều thành phố biển của Việt Nam – hầu hết đã tận dụng tối đa mặt biển cho các dự án đầu tư, lãng quên nhu cầu của chính người dân thành phố, và làm ngắt quãng sự kết nối giữa không gian sinh hoạt cộng đồng và bãi biển.
Bãi Sau là bộ mặt thứ hai của Vũng Tàu, tương phản với Bãi Trước. Tại đây, bãi biển có dạng cong đều, chạy dài, phẳng rộng. Biển khu vực này luôn có sóng to, gió lớn, mạnh. Khung cảnh động và ấn tượng. Nếu như Bãi Trước dành cho cộng đồng thì Bãi Sau thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với hệ thống khách sạn, resort và nhà hàng dịch vụ chạy dài theo bãi biển, nơi đây đã trở thành một bãi tắm hấp dẫn cho du khách. Vũng Tàu không giống như Đà Nẵng – hệ thống khách sạn nằm bên kia đường, bãi biển phát lộ theo trục giao thông, chỉ một số nhà hàng được nằm sát biển, khá khiêm tốn về quy mô và khối tích; Khách sạn An Bình nằm sâu bên dưới, không lộ mặt ra đường mà vẫn thu hút người tới thăm và tận hưởng một vẻ đẹp yên tĩnh, khắc sâu vào núi.
Hai ngọn núi và những hình thái đặc biệt của địa hình.
Vũng Tàu có hai ngọn  núi – Núi Lớn và Núi Nhỏ với hai hình dạng khác nhau. Chúng án hai bên tả, hữu thành phố, trở thành biểu tượng của sự kết hợp thiên nhiên – cái gạch nối giữa Trời và Đất. Không chỉ tạo nên vẻ đẹp, hai ngọn núi này rất có ý nghĩa đối với thành phố để cải thiện điều kiện khí hậu – Chúng tạo nên hành lang gió đi sâu vào đất liền, nhưng lại ngăn gió chướng vào khu vực dân cư.
Dãy núi Lớn chạy dài, hướng mặt ra biển. Phần dưới chân núi dốc thoải, trong khi phần trên lại dốc đứng. Chân núi lởm chởm đá vôi, cây cối thưa thớt. Điều kiện tận dụng quỹ đất ở đây khá hạn chế. Nhưng lại nổi bật trên nền trời cao bởi bức tượng Chúa Giê su, và ngọn Hải đăng được xây dung từ thời Pháp thuộc. Cảnh tượng khá hùng vĩ.


Trong khi đó, Núi Nhỏ với thảm thực vật phong phú, nhìn ra Bãi Trước lại tạo nên một cảnh quan thân mật. Tại các sườn núi, thành phố đã cho phép khai thác một phần đất thoải để xây dựng quỹ biệt thự. Các biệt thự này ẩn hiện trong thiên nhiên. Một ga cáp treo được xây dựng dưới chân núi. Tại đây, có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố – một lợi thế đặc biệt mà các đô thị châu Âu luôn tận dụng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, vì cáp treo làm giảm mất sự tinh khiết trong tầm nhìn cảnh quan vốn có của Vũng Tàu. Dù sao, nó cũng đã được xây nên, và cộng đồng đã làm quen với sự tồn tại của nó.
Ngoài hai dãy núi trên như một sản phẩm độc đáo, trong cấu tạo địa cảnh quan của Vũng Tàu còn có một yếu tố đặc biệt nữa: Đó là những đụn cát. Theo người dân địa phương, những đụn cát này là sự tích tụ của sóng và gió biển từ ngàn năm nay, chạy dọc theo bờ biển. Những đụn cát khiến việc trồng cây khó khăn và xây dựng cũng không dễ. Cận kề bên chúng là những vùng ngập mặn, cũng gây khó khăn trong việc tạo dựng quỹ đất. Việc san bằng là điều quá đơn giản, nhưng giữ được chúng mới là điều khó. Thế giới ngày nay rất chú trọng tới văn hóa đô thị, được tạo nên từ những đặc trưng của thiên nhiên, và được con người giữ gìn trân trọng. Mong rằng: trước đây cũng như sau này, Vũng Tàu vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa đô thị.
Cây xanh, thảm cỏ và một môi trường không bụi bặm.
Những ai mới tới Vũng Tàu lần đầu trên tuyến đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có những cảm xúc tốt đẹp khi nhìn thấy những vườn hoa và cây cảnh chạy dọc theo tuyến đường. Vào sâu trong thành phố, sẽ gặp những bùng binh được trang trí bằng cây cảnh, rồi những hàng cây được gọt tỉa theo những hình hài hết sức đa dạng. Bãi Trước trồng nhiều cây xanh, trong khi Bãi Sau cây xanh thưa thớt hơn. Nhìn chung cây xanh xuất hiện nhiều ở cả hai bên đường, kể cả các hàng rào công trình cũng được đóng góp như một phần của không gian xanh.
Ở một thành phố mà thiên nhiên không bị lấn át bởi các công trình xây dựng như Vũng Tàu, màu xanh của cây cối phủ trên các địa hình cao thấp của núi, công viên và các tuyến đường – Một màu xanh mướt, tươi và không bụi bặm. Có thể nói, Vũng Tàu nằm trong số ít các thành phố sạch nhất Việt Nam.

Dãy núi Lớn chạy dài, hướng ra biển

Sự kết hợp hài hòa của các yếu tố thiên nhiên, và Kiến trúc
Thiên nhiên với Thiên nhiên.
Như đã phân tích ở trên, cả 3 yếu tố: Bãi biển, Núi và Cây xanh ở Vũng Tàu đều thể hiện những ưu thế riêng, những đặc điểm riêng mà không phải thành phố nào cũng có. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu mối quan hệ cặp đôi và cặp ba giữa các yếu tố này, chúng ta có thể nhận thấy rằng: không phải tất cả các cặp quan hệ đều hoàn hảo, mà có thể chỉ đạt tới ở những cấp độ khác nhau. Lẽ tất nhiên, để có được sự hài hòa như nét nổi bật trong tổ chức cảnh quan thiên nhiên, thì cần phải có sự điều chỉnh đó là công việc của nhà quy hoạch, kiến trúc và tổ chức cảnh quan.
Thử khảo sát mối quan hệ cặp đôi giữa 3 yếu tố: Biển – Núi, Biển – Cây và Cây – Núi, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
– Núi Lớn và Núi Nhỏ đều chạy sát biển, được uốn quanh bởi một con đường không hoàn toàn thẳng. Núi hướng mặt ra biển với tầm nhìn rộng lớn. Với ưu thế này, những kiến trúc trên sườn núi sẽ vô cùng có giá trị, kể cả khi phải đối đầu với  những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những nhà quản lý xây dựng ở Vũng Tàu cần phải thận trọng và tỉnh táo  trong việc khai thác sườn núi, tuyệt đối không chia lô nhỏ cho các tư nhân xây biệt  thư. Biệt thự chỉ nên thưa thớt với những ô đất rộng trồng cây và hoa.
– Biển và cây xanh có mối quan hệ khá khăng khít ở Bãi Trước, nhưng lại khá rời rạc ở Bãi Sau. Những hàng cây uốn lượn tạo dáng có thể phù hợp trong cảnh quan đất liền, ngoài công viên hoặc trục dọc tuyến phố, nhưng không phù hợp với không gian bờ biển. Bờ biển rộng mênh mông, cảnh quan phải tự nhiên và bao trùm tổng thể.
– Núi và cây xanh có mối quan hệ không hoàn toàn giống nhau. Núi Lớn nhiều đá vôi, cây xanh ít, Núi Nhỏ đất liền với thảm thực vật, cây xanh nhiều. Một phần là cây xanh hoang dại, và một phần là cây xanh trồng tỉa.
Sự kết hợp đa dạng và trái chiều đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đặc sắc của Vũng Tàu. Tin rằng các KTS trẻ Vũng Tàu sẽ đảm nhiệm được trách nhiệm giữ gìn đặc trưng thiên nhiên và cảnh quan của mảnh đất này.
Thiên nhiên và không gian vật chất
Yếu tố vật chất đầu tiên của không gian đô thị là những con đường. Hình dạng và vị trí các tuyến đường ở Vũng Tàu đã thay đổi theo thời gian nhưng gần như không thay đổi trong mối quan hệ với thiên nhiên. Tuyến đường đầu tiên (51A) men theo chân núi to. Sau đó được mở rộng thêm tuyến giữa và sau này thêm tuyến ven biển Bãi Sau. Như vậy, có 3 trục đường chính chạy dọc theo chiều dài mảnh đất, dạng tuyến tính hướng ra biển (Bãi Trước) và hai tuyến đường ngang nối ra Bãi Sau. Các tuyến giao thông có các kiểu hình thái khá đặc biệt:
– Kiểu tập trung hướng ra biển.
– Kiểu tán xạ, bắt đầu từ một quảng trường hay bùng binh.
– Kiểu kẻ ô tạo nên các ô phố sung túc.
Các cấu trúc này đã xen cài vào nhau, càng tạo nên sự phong phú và đa dạng của một đô thị biển.
Yếu tố vật chất thứ hai nằm rải rác ven biển, trở thành một phần của biển. Đó là những ki ốt, nhà hàng, và đặc biệt là những nhà vệ sinh công cộng được tạo hình như những kiến trúc nhỏ, xen cài và tô điểm thêm cho thiên nhiên. Chúng có vẻ khiêm nhường, không che mặt biển, chúng không khô cứng và luôn sinh động. Đó là điều mà phần lớn các bãi biển của các thành phố ở Việt Nam chưa làm được. Vậy thì, trong trường hợp buộc phải dành bãi biển cho các công ty, đặc biệt là công ty nước ngoài thuê, các nhà quản lý của thành phố cần phải đặt ra quy chế khai thác bãi biển cho phù hợp.

Kết luận
Căn cứ vào định hướng phát triển tỉnh BR – VT nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng, căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của Vũng Tàu, và những bài học rút ra từ lịch sử, có thể nhận thức con đường sắp phải trải qua của Vũng Tàu (Logic phát triển của thành phố), sẽ là:
-Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
– Phát triển kinh tế biển.
– Hướng tới khai thác du lịch.
– Một xã hội cộng đồng phát triển bền vững.
Chiến lược phát triển đô thị Vũng Tàu cần phải tiến hành đồng thời và tổng thể các mô hình dựa trên các kịch bản như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, sự nhìn nhận một cách tổng thể, hữu cơ các yếu tố chủ yếu cấu thành cơ thể đô thị, nhằm khai thác chúng một cách cẩn trọng và hợp lý là một trong những nguyên tắc để phát triển đô thị một cách bền vững.

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi