Kiến trúc quy hoạch cho Du lịch Biển bền vững

TỔNG QUAN VỀ KIẾN TRÚC QUY HOẠCH DÀNH CHO DU LỊCH BIỂN:
Những giá trị truyền thống:
Nước ta có những địa danh du lịch biển từ thời Pháp thuộc. Những Đồ Sơn, Bãi Cháy, Cửa Lò… ở phía Bắc, Nha Trang, Đà Nẵng,Vũng Tàu.. ở phía Nam. Những nơi này ngoài 1 vài cơ sở quy mô của người Pháp và Hoàng tộc thời phong kiến, hầu hết là dịch vụ tự phát của người dân. Không gian điển hình là 1 đoạn đường ven biển. Kiến trúc dịch vụ là 1 vệt giữa đường và bãi biển – Từ (cách khoảng) thưa thớt cho đến dầy đặc dần theo chiều hướng xấu.
Thời kỳ đầu phát triển du lịch biển trong hòa bình (1975-1995):
Thời kỳ 1975 – 1985 có thể không có nhiều chuyển động vì cả nước đang khó khăn sau chiến tranh và sự vận hành của xã hội bao cấp triệt để. Đến khi đất nước đổi mới, từ năm 1985, du lịch mới bắt đầu đảm trách vai trò của một sản phẩm kinh tế quan trọng. Sự khởi sắc về du lịch là hợp quy luật trong nền kinh tế chuyển mình nói chung. Nhưng lại đặt trong cái vỏ quy hoạch và quản lý còn đậm tư tưởng và tính cách bao cấp. Chủ yếu kế thừa cơ cấu kiến trúc quy hoạch cũ, chỉ đổi chủ phần lớn kiến trúc khách sạn tư nhân thành cơ sở nhà khách nghỉ dưỡng của Công đoàn và các cơ quan đoàn thể nhiều địa phương. Dịch vụ kém cỏi kiểu quản lý bao cấp, làm chủ tập thể và khép kín theo từng đơn vị.
Cơ sở kiến trúc khép kín theo kiểu tự cấp – tự túc – khách du lịch tự lo, thiếu điều kiện chọn lựa khi được xem là nguồn kinh doanh thêm của các nhà khách. Không gian kiến trúc quy hoạch có nét trật tự lặng lẽ.
Thời kỳ 1995-2005:
Cùng với cơ chế mở cửa, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu tiếp cận với cung cách đầu tư và kinh doanh theo tập quán quốc tế – nhiều khách sạn, resort có cơ sở dịch vụ du lịch được xây dựng có sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo kiến trúc. Một số được biết đến ở đẳng cấp quốc tế. Thị trường du lịch trong nước cũng khởi sắc cùng với khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều.
Quy hoạch mới phục vụ cho du lịch đã trở thành mục tiêu nóng ở khắp các địa phương. Cũng là lúc các vấn đề về định hướng quy hoạch được đặt ra cấp bách hơn cùng với sự xuất hiện nhiều bất cập ở hàng loạt vùng du lịch nổi tiếng.
Bóng dáng hấp dẫn của con đường ven mép nước vẫn còn đè nặng rủi ro lên tương lai của các bãi biển du lịch nổi tiếng và sắp ra đời.

TỒN TẠI CỦA QUY HOẠCH DU LỊCH BIỂN:
Du lịch biển khác với việc khai thác du lịch ở 1 địa điểm, 1 công trình nổi tiếng, khách đến thăm và ra về chóng vánh. Du lịch biển là nghỉ dưỡng kéo dài, là sản phẩm giống nhau ở 1 vệt biển trời phú cho địa hình, cảnh quan, khí hậu thuận lợi. “Buôn có bạn, bán có phường” trong trường hợp này rất đúng. Phải có 1 không gian du lịch biển rộng lớn. Nhưng khi nói đến tổ chức không gian lớn thì phải nói ngay đến sự định hướng đúng đắn bằng quy hoạch để có lợi ích lâu dài, thứ mà từng công trình riêng rẽ luôn muốn né tránh để tiết kiệm chi phí, để thu lợi ngay.
Có 1 số câu hỏi mà thực tiễn quy hoạch biển đang đặt ra, không thiếu tính cấp bách. Đó là:
1. Con đường ven mép nước có cần không?
Một thời gian dài, cho đến tận bây giờ con đường ven mép nước là sai lầm mơ ước của rất nhiều đồ án quy hoạch. Vì giải thích về mặt quan điểm phục vụ nhân dân và ấn tượng phát triển trước mắt thì rất hấp dẫn. Đó là chưa nói đến sự phù hợp với quy hoạch hàn lâm (một thời bao cấp). Nhưng nếu xét ở góc độ lợi ích giá trị gia tăng thì là một mất mát quá lớn cho tương lai.
2. Quy hoạch phân lô bờ biển cho dự án du lịch là giải pháp hiệu quả?
Một vài nơi nhận ra tai hại của sự phát triển hình thức ở con đường ven mép nước, đã dịch chuyển nó lên chạy song song và cách bãi cát 1 đoạn.. 300 đến 500 mét rồi phân lô dự án. Mỗi dự án từ vài hecta đến tận 20 ha, với yêu cầu về quản lý quy hoạch giống nhau – kết quả là:
– Hàng loạt tổ hợp du lịch giống hệt nhau sắp hàng ven biển.
– Chiều sâu lô đất lớn, giảm giá trị khai thác quỹ đất cách xa bãi biển.
– Suất đầu tư cao (cho đất rộng và tự lo hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh)
– Cách ly biển với nhu cầu hưởng thụ biển của cư dân địa phương.
3. Quy hoạch sử dụng đất hai bên đường ven biển có cần quá khác biệt?
Như thói quen hiện tại, một bên là dự án du lịch biển cao cấp, một bên là đất tái định cư. Hoặc chen đất tái định cư giữa các dự án du lịch. Đây cũng là một giải pháp “vuốt ve tâm lý” có hệ quả xấu. Một mặt giảm chất lượng môi trường quanh các khu du lịch cao cấp, một mặt phát sinh tâm lý so sánh bất lợi về hình ảnh kiến trúc và sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số dịch vụ du lịch tự phát sẽ phát triển đối diện các khu du lịch cao cấp này, chắc chắn là nhiều bất cập và ngoài tầm kiểm soát.
4. Để phát triển nhanh, các dự án tự xử lý môi trường và dịch vụ?
Hầu hết các vùng du lịch biển được khai thác hấp dẫn nhờ chất hoang sơ. Cũng đồng nghĩa kỹ thuật hạ tầng chưa có, hoặc chưa đồng bộ. Đất đai được sang nhượng vội vã. Hạ tầng cần và đủ là giao thông và điện. Còn lại mỗi dự án tự cung ứng như nước ngọt, thoát nước, xử lý nước, tín hiệu vệ tinh, giặt ủi, xử lý rác…Ngoài những thứ liên quan đến lợi ích thiết thân, nhiều hạng mục liên quan đến môi trường, các dự án đều trốn tránh nếu có thể (như xử lý nước thải, xử lý rác thải..)
Hiển nhiên mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ cũng là một kế hoạch đầu tư lâu dài, chứ không thể xử lý như các dự án độc lập ngắn hạn. Việc bỏ qua sự chuẩn bị từ đầu sẽ khiến công việc khắc phục về sau rất bế tắc và tốn kém.
5. Quy hoạch du lịch các đảo biển là không ngoại lệ?
Các đảo biển, đặc biệt như Côn Đảo, Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Cát Bà… có các bãi biển như mọi vùng biển khác. Nhưng sự biệt lập về giao thông khác nhau, với địa hình rừng núi khác nhau, sự phân bổ tài nguyên du lịch khác nhau…sẽ có đòi hỏi khác nhau về quy hoạch để có giá trị khai thác cao nhất có tính đặc thù duy nhất.

Tuần Châu – Hạ Long

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO KIẾN TRÚC QUY HOẠCH DU LỊCH BIỂN BỀN VỮNG
1. Xác định vùng bãi biển chủ đạo, đóng vai trò hạt nhân đồng thời là mục tiêu phát triển. Đó có thể là một bãi tắm đẹp, an toàn, có thể là địa thế cảnh quan biển độc đáo, có thể là bãi biển gắn liền với giá trị địa danh, công trình bảo tồn nổi tiếng thu hút du khách.
2. Đánh giá quỹ đất khai thác du lịch biển theo:
–  Giá trị khai thác kế thừa.
–  Giá trị đầu tư khai thác có hỗ trợ hạ tầng.
– Giá trị ẩn dấu, khai thác với lợi ích cao nhất về sau.
3. Tổ chức giao thông tiếp cận và xâu chuỗi linh hoạt vệt dự án du lịch ven biển
Tạo quỹ đất thương mại du lịch theo công năng, tránh phân lô đơn thuần
Mở những balcon biển phù hợp để cân bằng  lợi ích cộng đồng và tiện nghi bổ trợ làm phong phú thêm dịch vụ du lịch biển.
Tuyến giao thông này cần đảm bảo tôn trọng các khu vực có giá trị ẩn dấu.

Du lịch biển Vũng Tàu

4. Quản lý quy hoạch  kiến trúc đảm bảo:
Khả năng kết nối một phần hoạt động du lịch của từng dự án với nhu cầu kết nối linh hoạt của các dự án lân cận và nhu cầu thụ hưởng tự thân của địa phương. Điều này tạo sự đồng thuận, hài hòa về lâu dài của khu du lịch với địa phương nơi nó tọa lạc.
– Chú ý quy hoạch sử dụng đất đối diện khu du lịch bờ biển, tạo dự án đối trọng thích hợp và xã hội hóa kinh doanh để hỗ trợ sinh hoạt du lịch và khai thác giá trị cộng hưởng với khu du lịch biển.
5. Ấn định các dự án hạ tầng kỹ thuật đồng thời và có phần ưu tiên hơn các dự án du lịch. Có chính sách kêu gọi và ưu đãi đầu tư cho các dự án này. Nếu vẫn chậm có nhà đầu tư thì chính sách Nhà nước tạo điều kiện thành lập các công ty hạ tầng đó sớm. Điều này đảm bảo dài lâu về hiệu quả đầu tư và môi trường du lịch
6. Tổ chức các tuyến nhánh giao thông từ cộng đồng cư dân tại chỗ.
– Tiếp cận trục ven biển ở những điểm nối thích hợp, tạo mối quan hệ hai chiều giữa vệt du lịch biển và cơ sở hạ tầng xã hội địa phương, bản sắc địa phương, hỗ trợ du lịch được tạo ra từ các kết nối này – mỗi nhánh nối như thế nên có tên của một vệt công năng đặc thù phù hợp là tốt nhất.
7. Những tour du lịch ngắn, đi bộ, xe đạp, hoặc xe địa phương nên được dự trù. Bắt đầu từ vệt du lịch ven biển và quay về chính nó. Sự chồng lớp của càng nhiều tour như thế mà không rối sơ đồ di chuyển sẽ nói lên sự thành công của một quy hoạch du lịch biển cụ thể.
8. Hình ảnh hiệu quả được đề xuất về quy hoạch du lịch biển, nhất là đảo biển, là hình ảnh pháo hoa – không tuyến tính mà là tổ hợp mạng. Những nhánh ánh sáng có thể từ cùng một gốc, vọt lên trời bùng nổ, vài vệt sáng bung xa, lại tiếp tục bùng nổ rực rỡ. Vấn đề là nhanh chóng bùng nổ ở vị trí thích hợp, không phải lần lượt, xếp hàng, và giống hệt như nhau.
9. Giá trị ẩn dấu ở những hòn đảo nhỏ như những nàng công chúa ngủ trong rừng cần có sự cẩn trọng. Khi chưa có đủ điều kiện thì hãy bảo vệ, hãy khoan thô bạo đánh thức nàng dậy để mất đi giá trị lớn lao của “câu chuyện cổ tích có hậu” về du lịch biển trong tương lai.

KTS Nguyễn Văn Tất