Kiến trúc – Quy hoạch miền Nam (1975-2025) và tương lai (Phần II)

Nội dung

Bối cảnh phát triển đô thị miền Nam
• Thời kỳ Pháp thuộc (trước 1945)
• Thời kỳ Chiến tranh (1945-1975)
• Thời kỳ Bao cấp (1975-1986)
• Thời kỳ Đổi mới (1986-2025)

Nhận diện các thành tựu kiến trúc quy hoạch
0. Hệ Khung Tư duy CITY DESIGN
1. Phát triển hệ sinh thái số hóa
2. Hợp tác đa ngành trong hành nghề và đào tạo
3. Một số xu hướng kiến trúc quy hoạch mới do nhu cầu cộng đồng
4. Cân đối lợi ích chung hài hòa với lợi ích riêng
5. Thiết kế công trình kiến trúc với tư duy quy hoạch
6. Phát triển thân thiện với môi trường
7. Bảo tồn bản sắc di sản và sáng tạo bản sắc mới
8. Tăng trưởng trong tương quan hội nhập quốc tế
9. Sáng tạo những “bản giao hưởng” Kiến trúc Quy hoạch
10. Sáng tạo không gian đô thị cao tầng với liên kết Xanh

Nhìn về tương lai 2050

Quảng trường Chợ Bến Thành và các cao ốc đã xây dựng trong một đề xuất chỉnh trang (Nguồn: UBND TP. HCM)

6.Phát triển thân thiện với môi trường

(Nguyên lý E – Environment – Văn hóa bảo vệ môi trường như là trách nhiệm xã hội)

Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam bắt đầu chia sẻ mối quan tâm chung của thế giới trước nguy cơ trái đất ngày càng nóng lên, nước biển dâng, nguồn năng lượng tự nhiên dần cạn kiệt, trong khi đô thị càng phát triển lại càng gây tác động xấu đến môi trường. Để góp phần ứng phó với nguy cơ đó, cần phải thực thi các dự án bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển đô thị theo hướng bền vững, có giải pháp thiết kế kiến trúc quy hoạch thân thiện với môi trường.

Thiết kế kiến trúc bền vững tích hợp với không gian xanh, và ưu tiên giải pháp thông gió và ánh sáng tự nhiên (cũng là tiêu chí quan trọng trong thiết kế nói chung), tránh dùng loại vật liệu gây hại cho môi trường, tiết kiệm năng lượng kết hợp với việc dùng năng lượng tái tạo, tiết kiệm sử dụng nước, và tích hợp với công nghệ thông minh nếu có thể, để tối ưu hóa hiệu suất năng lượng và môi trường.

Thiết kế quy hoạch bền vững cần đạt thêm các tiêu chí: Cân nhắc địa điểm xây dựng ít gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, tăng hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm năng lượng,

Phát triển ứng dụng Tiêu chí Công trình xanh cho Việt Nam

Ngoài các tiêu chuẩn quốc tế của các nước (như LEED, EDGE, GREEN MARK, …), tiêu chuẩn LOTUS, được nghiên cứu bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam VGBC, được thiết lập để ứng dụng tại Việt Nam, có xem xét thêm sự phù hợp với điều kiện và tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam.

Kể từ 2012 cho đến nay, ngày càng nhiều dự án tại Việt Nam đã đạt Chứng chỉ Xanh. Riêng với các Công trình đã đạt chứng nhận ở cấp LOTUS Platinum cao nhất của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, có một số công trình tiêu biểu như: Văn phòng Green One UN House tại Hà Nội (GHD & Green Consult Asia, 2017), Văn phòng xanh của GreenViet (KTS Đỗ Hữu Nhật Quang, 2021), …

Tầm nhìn tương lai

LOTUS nên được phát triển, trong mối hợp tác công tư giữa Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ với Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam – Thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, để nâng tầm trở thành tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng và quy hoạch, nhằm ứng dụng trong thực tiễn công tác quy hoạch xây dựng, thiết kế kiến trúc nội ngoại thất, đào tạo chuyên gia, và tạo nền tảng phát triển nền “công nghiệp xanh” nội địa với những sản phẩm phục vụ đời sống theo tiêu chí xanh.

Quảng trường Chợ Bến Thành và các cao ốc đã xây dựng trong một đề xuất chỉnh trang (Nguồn: UBND TP. HCM)

7.Bảo tồn bản sắc di sản và sáng tạo bản sắc mới

(Nguyên lý S – Sense of Place – Văn hóa bảo tồn và phát triển bản sắc)

Trong thế kỷ toàn cầu hóa, đô thị tại các nước trên thế giới đều phải đương đầu với nguy cơ đánh mất bản sắc địa phương, trước xu hướng phá bỏ di sản kiến trúc quy hoạch để thay thế bằng các công trình mới hiện đại theo phong cách “quốc tế hóa”, có nghĩa là xây ở đâu cũng giống như nhau. Do vậy, việc bảo tồn bản sắc di sản kiến trúc quy hoạch, hài hòa với việc sáng tạo bản sắc mới không chỉ là vấn đề khó trong giai đoạn 1986-2025, mà sẽ tiếp tục là thử thách lớn trong tương lai.

Bảo tồn công trình di sản trong đồ án chỉnh trang

Tại Việt Nam, nhiều cuộc tranh luận trong cộng đồng về sự cần thiết phải bảo vệ di sản kiến trúc, bao gồm di sản Pháp và kiến trúc Đông Dương, tiếp tục diễn ra, từ thời kỳ đầu đổi mới, khi đất nước bắt đầu trải qua đợt một của bùng nổ xây dựng, kéo dài cho đến ngày nay, khi còn có một số người muốn đề nghị phá bỏ những “tàn tích” của thực dân Pháp, hoặc thay thế hết những công trình “cũ” bằng những công trình mới và “hiện đại”.

Dinh Thượng Thơ (KTS Alfred Foulhoux, 1875) là một công trình di sản có giá trị còn được sử dụng tốt, nhưng từng bị đề xuất phá bỏ theo một phương án kiến trúc mở rộng UBND TP HCM của Gensler (2018). Sau nhiều tranh luận với chuyên gia và người dân kiến nghị phản đối đề xuất này, lãnh đạo TP đã quyết định giữ lại Dinh Thượng Thơ để bảo tồn.

Đây là một “thắng lợi” rất tiêu biểu của cả chính quyền và nhân dân, trong việc ứng xử với di sản kiến trúc, nói lên sự lắng nghe và đồng thuận về tầm quan trọng và sự cần thiết phải gìn giữ bảo vệ di sản trong các dự án chỉnh trang phát triển đô thị. Từ đó xu hướng quan tâm bảo vệ di sản lan ra đến các tỉnh thành khác tại miền Nam: Chợ Đầm (KTS Lê Quý Phong, 1972) tại Nha Trang từ năm 2018; Khu Nhà thờ Thủ Thiêm (1840) từ năm 2019; Dinh Tỉnh trưởng (1910) tại Đà Lạt từ năm 2020; Nhà Lầu Ông Phủ (1924) tại Đồng Nai từ năm 2024, …

Giữ lại di sản chỉ mới là bước đầu. Kết nối di sản với việc chỉnh trang, cải tạo, và phát triển các công trình lân cận nằm trong không gian di sản vẫn tiếp tục còn là thử thách lớn đối với các nhà quản lý.

Trong đó, có hai cách ứng xử với di sản trái ngược với hai tòa nhà thường được giới chuyên môn xem là hai công trình di sản tiêu biểu nhất của kiến trúc hiện đại miền Nam trong thế kỷ 20: Trong khi Dinh Độc Lập (KTS Ngô Viết Thụ, 1966) được bảo tồn khá tốt khu vực trong khuôn viên, kèm theo một quy hoạch bảo tồn không gian di sản xung quanh Dinh, thì không gian ô phố 4 mặt tiền của Thư viện Khoa học Tổng hợp (KTS Bùi Quang Hanh, Nguyễn Hữu Thiện, Lê Văn Lắm, 1971) vẫn còn đang bị xâm hại bởi những công trình tạm xấu xí từ ba phía mặt tiền.
Xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng hài hòa với công trình di sản
Cao ốc Saigon Metropolitan (NBBJ, 1997) là một dự án cao tầng được thiết kế hài hòa với công trình di sản Nhà thờ Đức Bà (KTS Jules Bourard, 1880) và Bưu điện Sài Gòn (KTS Auguste Vildieu, 1891), khởi đầu cho xu hướng thiết kế công trình hiện đại hài hòa với không gian di sản cho các công trình cao tầng xây cạnh công trình lịch sử, như Dự án cải tạo mở rộng khách sạn Rex (Archetype, 2003), Cao ốc Opera View (KTS Trần Khánh Trung 2006), Kho bạc Nhà nước TP. HCM (KTS Nguyễn Trường Lưu, 2007), …

Xây dựng mới từ những “phế liệu” của công trình di sản bị phá bỏ
Một cách bảo tồn di sản mang tính sáng tạo độc đáo là thu thập những chi tiết cấu kiện còn lại trong khi phá bỏ một công trình di sản, để cho nó một đời sống mới, tích hợp vào không gian kiến trúc và nội thất của một công trình mới, như Khách sạn The Myst Đồng Khởi (KTS Nguyễn Hòa Hiệp, 2017), là công trình có những không gian thiết kế rất đặc biệt, hình thành từ việc tận dụng phế liệu thu được sau khi Nhà máy Ba Son bị đập bỏ.

Tầm nhìn tương lai

Thử thách lớn nhất hiện nay trong công tác Bảo tồn di sản kiến trúc quy hoạch là cần nhanh chóng kiện toàn nền tảng pháp lý cần thiết, đặc biệt là nâng tầm bộ Luật Di sản văn hóa Bảo tồn di sản của cả nước được quản lý bởi Luật Di sản văn hóa vẫn còn nhiều thiếu sót do chỉ tập trung vào bảo tồn di tích, vốn chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ các di sản quy hoạch kiến trúc. Trong thực tế, trên 80% công trình di sản kiến trúc đô thị không phải là di tích, nên có thể chỉ cần bảo tồn nguyên trạng một phần, phần còn lại và khu lân cận có thể được cải tạo, chỉnh trang, hoặc mở rộng, tích hợp các chức năng mới, miễn là hài hòa với không gian di sản của công trình chính.

Thử thách kế tiếp, không kém phần quan trọng, là trách nhiệm của KTS trong việc sáng tạo nên bản sắc mới cho kiến trúc kiến trúc quy hoạch Việt Nam trong thế kỷ 21, trong khi kế thừa những giá trị truyền thống, và đáp ứng được nhu cầu vật chất và tinh thần đa dạng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

8.Tăng trưởng trong tương quan hội nhập quốc tế

(Nguyên lý I – Intelligence & Integration & International – Văn hóa khoa học, công nghệ thông minh, và hội nhập quốc tế)

Trong lịch sử, chưa bao giờ kiến trúc quy hoạch thế giới có thể tiến bộ với tốc độ nhanh như ngày nay, thông qua khả năng lưu giữ và tốc độ xử lý và chia sẻ thông tin thông minh. Vì thế, việc thúc đẩy tăng trưởng nền kiến trúc quy hoạch của Việt Nam phải được đặt trong tương quan giao lưu và hội nhập quốc tế.

Từ năm 1975 đến nay, Hội KTS Việt Nam không ngừng lớn mạnh, với lực lượng trên 6300 KTS hành nghề được đào tạo bài bản tại Việt Nam và tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức chuyên ngành quốc tế như Hội liên hiệp KTS Quốc tế (UIA), Hội đồng KTS Châu Á ARCASIA,…

Các hội viên Hội KTS Việt Nam đã tiếp tục truyền thống hợp tác quốc tế một cách bình đẳng với các đồng nghiệp nước ngoài trong công tác tư vấn thiết kế, từ các công trình trọng điểm trước 1975, như: Khách sạn Caravelle (KTS Nguyễn Văn Hoa & Arthur Kruze, 1959), Trường Y Khoa Sài Gòn (KTS Ngô Viết Thụ và nhóm KTS Việt Nam &Smith, Hinchman và Grylls, 1966), … cho đến các công trình trọng điểm trong nước và nước ngoài kể từ thời kỳ đổi mới, như Quy hoạch Phố Đông và Khu Trung tâm TP Thượng Hải hai bên sông Hoàng Phố (KTS John Kriken, Ngô Viết Nam Sơn và nhóm SOM, 1998); Tòa nhà Fortune Center tại Singapore (KTS Tan Kah Seng & Giang Lê, 2007); Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (TAD &Studio Milou, 2020), …

Nhiều KTS hàng đầu thế giới cũng bắt đầu quan tâm tham gia tư vấn thiết kế các công trình kiến trúc tại Việt Nam, như cao ốc Bitexco (KTS Carlos Zapata, 2010), cao ốc Vietcombank (Pelli Clarke Pelli & ATA, 2015), Ngôi Nhà Đức (GMP, 2017), Dự án Đảo Kim Cương (Arata Isozaki, 2018), Cao ốc Techcombank Saigon Tower (Foster + Partners, 2022), …

Tầm nhìn tương lai

Nên hình thành chính sách quản lý hành nghề của KTS nước ngoài tại Việt Nam theo hướng bình đẳng và hội nhập quốc tế:
(1) KTS nước ngoài phải có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam hoặc hợp tác với KTS Việt Nam có chứng chỉ hành nghề mới được công nhận tư cách hành nghề cho dự án tại Việt Nam;
(2) Hợp tác quốc gia và quốc tế theo định hướng chuyển giao tri thức và công nghệ, tức là mọi dự án thực hiện tại Việt Nam do KTS nước ngoài thiết kế, đều phải liên kết với đồng chủ nhiệm đồ án là KTS Việt Nam có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, để tạo điều kiện nâng cao năng lực KTS Việt Nam trong việc thiết kế các dự án trọng điểm quốc gia;
(3) Cần tạo môi trường sáng tạo kiến trúc bình đẳng cho KTS Việt Nam và nước ngoài (thiết kế phí, điều kiện hành nghề và hợp tác quốc tế,…).

Cao ốc Vietcombank và các khách sạn bao quanh công trường Mê Linh

9. Sáng tạo những “bản giao hưởng” Kiến trúc – Quy hoạch

(Nguyên lý G – Growth – Văn hóa tầm nhìn trăm năm)

Những lần bùng nổ phát triển đô thị tại Việt Nam đã và đang mở ra nhiều cơ hội sáng tạo những “bản giao hưởng” Kiến trúc Quy hoạch tầm cỡ thế giới, mà trong số đó, gần trong tầm tay nhất của chúng ta hiện nay, có lẽ là những là những “bản giao hưởng” đô thị ven sông!
Nhiều đô thị lớn tại Việt Nam phát triển gắn với sông rạch tạo nên bản sắc sông nước đặc trưng: Sông Hồng tại Hà Nội, sông Hàn tại Đà Nẵng, sông Hương tại Huế, sông Sài Gòn tại TP. HCM, …

Quy hoạch đô thị ven sông

Quá trình hình thành và phát triển sông Hương (TP Huế) trong 50 năm qua có nhiều giá trị tiêu biểu, có thể tham khảo cho việc quy hoạch không gian đô thị sông nước tại Việt Nam.

Trước năm 1975, không gian quy hoạch hai bên bờ sông Hương đã được định hình khá bài bản. Bờ Bắc sông Hương là Kinh Thành Huế, tượng trưng cho di sản đô thị thế kỷ 19. Bờ Nam sông Hương là khu trung tâm hiện hữu, bao gồm một phần kiến trúc thời Pháp thuộc (Trường Quốc học và Đồng Khánh, Khách sạn Morin, …), nhiều kiến trúc hiện đại (Đại học Sư Phạm, Khách sạn Hương Giang, Bệnh viện Huế…) được bổ sung sau khi người Pháp rút đi, tượng trưng cho di sản đô thị thế kỷ 20.
Sau năm 1975, công trình quy mô nhất được xây dựng vào thời kỳ đầu đổi mới là Khách sạn Century Riverside (KTS Ngô Viết Thụ, 1993) để giúp kích thích phát triển kinh tế du lịch, lúc đó ông đã dự trù bố trí toàn bộ khu dịch vụ bếp, kho và kỹ thuật nằm gọn trong khối đế, để chuẩn bị cho tương lai mở thoáng không gian xanh công cộng này ra sông, có thể tháo bỏ hàng rào và cho phép tổ chức không gian sinh hoạt cho cộng đồng với tuyến đi bộ và xe đạp hai bên bờ sông.

Toàn cảnh sông Hương ngày nay

Hiện nay, bộ mặt sông Hương đang được tiếp tục chỉnh trang và nâng cấp theo quy hoạch chi tiết sông Hương (Han-A & Dohwa, 2015- ), đã có đường xe đạp và đường đi bộ hai bên sông kết hợp với kiến trúc cảnh quan, dự kiến sẽ còn nối dài đến cầu đi bộ sang Cồn Hến và sang công viên Trịnh Công Sơn bên kia sông. Các công trình chỉnh trang hoặc mới xây dựng hai bên sông đều tuân theo quy hoạch thấp dần về phía sông, tháo bỏ bớt hàng rào, giúp cho nơi đây trở thành không gian xanh phục vụ cộng đồng và tổ chức thường xuyên các sự kiện cuối tuần.

Định hướng chỉnh trang sông Hương này thành không gian xanh dành cho hoạt động văn hóa công cộng thân thiện với người đi bộ cũng đang là xu hướng đang được đề xuất thực hiện tại nhiều khu đô thị ven sông khác trên cả nước như Hà Nội, TP. HCM, Hội An, Đà Nẵng, Tiền Giang, Cần Thơ, …

Tầm nhìn tương lai

Nên quy hoạch khu vực vùng ảnh hưởng ven sông, bao gồm không gian 1200m tính từ bờ sông mỗi bên, tương đương với 15 phút đi bộ, nên dành nhiều quỹ đất cho không gian xanh và công trình văn hóa công cộng, đặc biệt quan trọng đối với những đô thị thiếu không gian xanh, như TP. HCM chỉ có khoảng 0,5m2 không gian xanh trên đầu người, trong khi tiêu chí hướng đến tối thiểu là 10m2. Tuyến đường cảnh quan sát sông không cần rộng, chỉ cần liên thông và tiện lợi cho người đi bộ và đi xe đạp. Tuyến đường kết nối vùng ven sông nên cách bờ sông khoảng 400m để có thể khai thác quỹ đất ven sông hiệu quả hơn.

Do đô thị sông nước tại Việt Nam thường phát triển hai bên sông trong quãng thời gian hàng trăm năm (Huế) cho đến hàng ngàn năm (Hà Nội), những con sông này thường có thể khai thác cơ hội trở thành trục cảnh quan chính của không gian thành phố, trong đó thiết kế biến đổi bản sắc kiến trúc quy hoạch của từng khu vực phát triển qua thời gian, có thể được tổ chức hài hòa trong một tổng thể chung đa màu sắc, như một “bản giao hưởng” đô thị!

10. Sáng tạo không gian đô thị cao tầng với liên kết Xanh

(Nguyên lý N – Network – Văn hóa liên kết vùng)

Trước năm 1975, tuyến đường xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa (RMK-BRJ, 1961) từng là một trong những tuyến đường hiện đại nhất Đông Nam Á, một đầu là TP Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn với khu vực nội thành cho 2,5 triệu dân, với đầy đủ các chức năng hành chính chính trị – tài chính – văn hóa – dịch vụ thương mại … trong vai trò thủ đô của miền Nam, đầu kia là TP Biên Hòa, nơi có các khu công nghiệp quan trọng nhất của miền Nam, ở giữa là Làng Đại học Thủ Đức, Khu hội chợ quốc tế tương lai, và các khu đô thị thấp tầng.

Giai đoạn đầu phát triển trong thời kỳ Bao cấp, TP HCM và các đô thị khác trên cả nước chủ yếu phát triển đô thị qua hình thức phân lô bán nền, với mô hình phát triển Nhà phố – Xe máy.

Việc TP. HCM phát triển thành một siêu đô thị trên 10 triệu dân năm 2025 đòi hỏi sự thay đổi về chiến lược phát triển, chấm dứt mô hình phát triển nhà phố – xe máy, để chuyển sang mô hình Nhà cao tầng – Giao thông công cộng, mở ra cơ hội sáng tạo những trục không gian quy hoạch kiến trúc cao tầng, kết hợp công trình tiện ích xã hội dọc theo liên kết Xanh metro và xe buýt.

Tuy trình độ thiết kế thi công tại Việt Nam tăng trưởng nhanh, từ việc xây tòa nhà Imexco 12 tầng (KTS Nguyễn Ngọc Nhâm, 1974) từng một thời là tòa nhà cao nhất Việt Nam, đến việc xây được tòa nhà Landmark 81 tầng (Atkins, 2018) cao nhất Việt Nam và thứ nhì Đông Nam Á, công tác quản lý phát triển nhà cao tầng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập như:
(1) Nhà cao tầng phát triển tự phát khá lộn xộn trong khi hạ tầng giao thông và kỹ thuật chưa được nâng cấp xứng tầm, gây kẹt xe, ngập lụt, thiếu điện nước,… ;
(2) Nhiều “bức tường cao ốc” hình thành ven sông tại khu trung tâm TP HCM và ven biển TP Nha Trang đã chắn gió mát và chắn tầm nhìn ra sông biển, gây thiệt hại cho các khu dân cư phía sau.

Trục Đô thị cao tầng gắn với metro theo mô hình TOD

Trong bối cảnh đó, sự hấp dẫn của mô hình phát triển mới TOD – Transit Oriented Development, gắn kết phát triển đô thị với phát triển giao thông công cộng sức chở lớn, với hiệu quả rất cao về đầu tư, đánh dấu việc mở ra một chương mới trong việc phát triển nhà cao tầng một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Không những thế, TOD còn giúp mở ra những không gian quy hoạch mới, người dân có thể mua căn hộ tiện nghi với giá rẻ khi giãn ra xa hơn khu vực nội thành, đi metro vào làm việc ở khu trung tâm, trong khi gia đình vẫn có thể đi đến các tiện ích trường học, dịch vụ, thương mại,… trong khoảng cách đi bộ dưới 15 phút từ ga metro.

Những kế hoạch phát triển từ 1960 trước đây được hồi sinh và nâng tầm trong giai đoạn từ 1995 đến nay, dần dần chuyển biến tuyến đô thị hai bên xa lộ Hà Nội (trước kia là xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa) trở thành trục phát triển chiến lược xương sống của Thủ Đức tương lai, trong đó:
• Tuyến đường xa lộ Hà Nội được mở rộng, tích hợp với Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (Hợp tác Nhật – Việt, 2024), để phát triển tuyến đô thị tương lai theo mô hình TOD đầu tiên, với mục tiêu dài hạn sẽ nhân rộng mô hình áp dụng ra toàn TP. HCM và tại các đô thị lớn toàn quốc.
• Quy hoạch Làng Đại học Thủ Đức theo mô hình campus đầu tiên tại Việt Nam (KTS Ngô Viết Thụ, 1960) tiếp tục được nâng tầm thực hiện trở thành ĐH Quốc gia TP. HCM với quy hoạch rộng 643 ha (1995).
• Khu Công nghệ cao Sài Gòn SHTP rộng 300ha (1995- ), một trong những khu công nghệ cao đầu tiên, được quy hoạch kết nối sản xuất công nghệ cao với hạ tầng nghiên cứu R&D và với Khu đô thị ĐH Quốc gia TP. HCM. Xu hướng phát triển này cũng được phát triển tại nhiều tỉnh thành khác, như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (1997- ) rộng 1.586 ha gắn kết với ĐH Quốc gia Hà Nội, và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (2010 – ) rộng 1.129 ha, gắn kết với ĐH Quốc gia Đà Nẵng.
• Trong xu hướng chỉnh trang lại khu công nghiệp trong đô thị theo hướng ít ô nhiễm, Đồng Nai đã phát triển thêm các khu công nghiệp công nghệ cao, trong khi khu Công nghiệp Biên Hòa 1 dự kiến sẽ được chuyển đổi thành trung tâm đô thị mới, được kết nối metro đến tuyến metro số 1, đến sân bay Long Thành, và đến Vũng Tàu.

Tầm nhìn tương lai

Thử thách lớn nhất hiện nay đối với TP. HCM, là rút kinh nghiệm phát triển tuyến metro số 1 (mất gần 20 năm để thực hiện ~20km tuyến metro) để có những chuẩn bị cần thiết cho kế hoạch rút ngắn tiến độ, sắp tới phải hòan thành 355km metro trong 10 năm, đồng thời phát triển các khu đô thị TOD tiềm năng dọc theo các tuyến metro. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả TP HCM sẽ trở thành một công trường xây dựng rất lớn, với nhiều cơ hội mới cho việc phát triển kiến trúc quy hoạch.

C. NHÌN VỀ TƯƠNG LAI 2050

Sau khi nhìn lại những điểm son của 50 năm qua, chúng ta hãy thử nhìn xa hơn về tương lai, về tiềm năng và vị thế có thể vươn đến của ngành kiến trúc Việt Nam trên trường quốc tế:

Phát triển kiến trúc quy hoạch trong hệ sinh thái số hóa

Các ứng dụng trí tuệ thông minh AI đang phát triển với tốc độ rất nhanh, trong đó mọi người sử dụng đều đang ở mốc phát triển ban đầu. Việc tạo điều kiện phát triển tư duy khoa học, tư duy phản biện, phổ cập kiến thức về AI và hệ sinh thái để ứng dụng AI có thể giúp KTS Việt Nam nhanh chóng rút ngắn khoảng cách đối với các đồng nghiệp nước ngoài. Chúng ta đã chuyển thành công từ thiết kế bằng tay sang thiết kế bằng “chuột”, và sắp tới có thể là sang thiết kế bằng “miệng” qua những câu lệnh. Công nghệ thông minh AI chỉ mới khởi đầu trên thế giới, và với khả năng tư duy số vượt trội, người Việt Nam có thể đi đầu trong cuộc đua phát minh ra những ứng dụng AI biết thiết kế trong kiến trúc quy hoạch mà cả thế giới đang cần, người KTS lúc đó chỉ cần kỹ năng tư duy!

Hợp tác đa ngành trong hành nghề và đào tạo

Đây sẽ là yếu tố cốt lõi cho hoạt động đào tạo và hành nghề trong việc thực hiện các dự án kiến trúc quy hoạch tương lai.

 Tạo cơ hội sáng tạo các giải pháp kiến trúc quy hoạch mới

Những sáng tạo mới sẽ được phát huy một cách tự nhiên, song song với sự tăng trưởng về kinh tế, và về trình độ nhận thức và văn hóa của cộng đồng, là những người sẽ đặt ra những yêu cầu và bài toán mới về tư vấn thiết kế cho KTS.

Cân đối giải pháp kiến trúc quy hoạch theo hướng hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng

Cần giáo dục và đòi hỏi KTS, cũng như mỗi cá nhân trong toàn xã hội, ý thức được quyền lợi của bản thân trong tương quan trách nhiệm xã hội đối với lợi ích chung của cộng đồng.

Một bản thiết kế kiến trúc quy hoạch tốt trong tương lai sẽ phải đạt tiêu chí bền vững, nói đơn giản có nghĩa là: Không chỉ tốt cho bản thân người sử dụng công trình, mà còn không được gây tác động tiêu cực cho xung quanh.

Thiết kế công trình kiến trúc với thế mạnh về kiến thức tổng hợp

Đã qua đi thời thiết kế kiến trúc mà chỉ cần vẽ hình khối 3D cho đẹp! KTS ngày nay phải liên tục tìm hiểu, học hỏi suốt đời để có được kiến thức tổng hợp cần thiết: Về con người sống và làm việc trong đó, về lịch sử và điều kiện tự nhiên của khu đất xây dựng, về hiệu quả kinh tế của giải pháp, về công nghệ và kỹ thuật có thể áp dụng, về giá trị văn hóa mà công trình có thể đóng góp cho địa phương, …

Phát triển kiến trúc quy hoạch thân thiện với môi trường

Thiết kế kiến trúc trong thế kỷ 21 không còn giới hạn trong 4 tiêu chí theo tư duy cũ của thế kỷ 20 (Thích dụng, Bền vững (Durable), Kinh tế, Thẩm mỹ) mà cần xem xét rộng hơn 8 yếu tố: (1) Thích dụng; (2) Bền vững (Sustainable); (3) Bản sắc; (4) Hiệu quả; (5) An toàn; (6) Đương đại; (7) Pháp lý; (8) Sáng tạo.

Bảo tồn bản sắc di sản kiến trúc quy hoạch, hài hòa với việc sáng tạo bản sắc mới

Kiến trúc cần thích ứng với những tiến bộ tiên tiến trên toàn cầu, nhưng vẫn gìn giữ được giá trị bản sắc nơi chốn của địa phương (Glocalization).

Metro và Landmark 81

Thúc đẩy tăng trưởng nền kiến trúc Việt Nam trong tương quan hội nhập quốc tế

Cần tạo nền tảng phát triển cần thiết, bao gồm công nghệ và cơ chế hợp tác nhóm quốc tế, để cho thế hệ tinh hoa của KTS Việt Nam sắp tới có thể vươn tầm ngang với các KTS hàng đầu thế giới, được trao trách nhiệm tư vấn thiết kế chính cho các công trình trọng điểm quốc gia tại Việt Nam và tại các nước tiên tiến trên thế giới!.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2025)


Tài liệu tham khảo
1. Đàm Trung Phường, 2005: “Đô thị Việt Nam” – NXB Xây dựng, Hà Nội.
2. Đỗ Tuấn. Ngô Viết Nam Sơn: “Người Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại” – Báo Thanh niên. 9/2/2025.
3. Đoàn Khắc Tình, 2023: “Người góp phần làm rạng rỡ kiến trúc Việt Nam hiện đại”- Tạp chí Kiến trúc số 01-2023.
4. Hòang Đạo Kính, 2012: “Văn hóa kiến trúc” – NXB Tri thức
5. KTS đoàn Quốc gia, 1974: Danh biểu KTS niên khóa 1974-1975.
6. Lê Quang Ninh, Stéphane Dovertsp. 2003: “Sài Gòn – Ba thế kỷ phát triển và xây dựng” – NXB Tổng hợp TP HCM.
7. Mel Schenck, Alexandre Garel, 2022: “Kiến trúc hện đại miền Nam Việt Nam – Chủ nghĩa Bản địa hiện đại giữa thế kỷ XX” – Dịch giả: Bùi Thúc Đạt. NXB Thế Giới.
8. Ngo Viet Nam Sơn, 1997: “Preserving and Designing a Strong Urban Sense of Place for Ho Chi Minh City, Vietnam” – Berkeley: University of California.
9. Ngô Viết Nam Sơn, 2009: “Tầm nhìn trăm năm trong công tác quy hoạch các đô thị biển” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 07/2009.
10. Ngô Viết Nam Sơn, 2011: “Thiết kế Đô thị châu Á – Những thử thách trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa” – Pp 26-33. Tạp chí Kiến trúc. Số 196 – 08-2011. Hội KTS Việt Nam.
11. Ngô Viết Nam Sơn, 2012: “Để Luật hành nghề KTS trở thành nền tảng bền vững cho việc phát triển ngành kiến trúc tại Việt Nam” – Tạp chí Kiến trúc. Số 4/2012. Hội KTS Việt Nam.
12. Ngô Viết Nam Sơn, 2013: “Kinh nghiệm quốc tế trong ứng xử về quy hoạch kiến trúc và quản lý công trình di sản” – Tạp chí Sài Gòn Đầu tư và Xây dựng.
13. Ngô Viết Nam Sơn, 2013: “Một số Định hướng Chiến lược trong việc Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam” – Tạp chí Xã Hội Học số cuối năm 2013.
14. Ngô Viết Nam Sơn, 2013: “Quy hoạch Khu Trung tâm đô thị đặc biệt tại Việt Nam” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Số 1&2/2013). Bộ Xây dựng.
15. Ngô Viết Nam Sơn, 2014: “Luật Hành nghề KTS: Những bổ sung giai đoạn cuối” – Tạp chí Kiến trúc. Số 02-2014. Pp 34-37. Hội KTS Việt Nam.
16. Ngô Viết Nam Sơn, 2014: “Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng tại Việt Nam” – Tạp chí Kiến trúc số 07-2014. Hội KTS Việt Nam.
17. Ngô Viết Nam Sơn, 2015: “Các tiền đề cho sự phát triển Kiến trúc Việt Nam trong tương lai (giai đoạn sau năm 2015)” – Tạp chí Kiến trúc. 10/2015. Hội KTS Việt Nam.
18. Ngô Viết Nam Sơn, 2016: “Nhìn về tương lai ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam” – Tạp chí Kiến trúc số 1+2-2016. Hội KTS Việt Nam.
19. Ngô Viết Nam Sơn, 2016: “Phát triển Trung tâm TP HCM – Tầm nhìn trăm năm. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. VIAR. Bộ Xây dựng.
20. Ngô Viết Nam Sơn, 2016: “Triết lý phát triển về một đô thị bản sắc sông nước miền Tây” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. VIAR. Bộ Xây dựng.
21. Ngô Viết Nam Sơn, 2017: “Định hướng chiến lược cho phát triển nhà cao tầng trong đô thị biển” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. VIAR. Bộ Xây dựng.
22. Ngô Viết Nam Sơn, 2017: “Định hướng chiến lược quốc gia phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam” – Pp28-33. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 207-7/2017. VIAR. Bộ Xây dựng.
23. Ngô Viết Nam Sơn, 2018: “Di sản chưa được xếp hạng, cần cấp bách bổ sung cơ sở pháp lý, quản lý” – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Số tháng 7/2018. VIAR. Bộ Xây dựng.
24. Ngô Viết Nam Sơn, 2019: “Bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị” – Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 35-36/2019. Pp.22-29.
25. Ngô Viết Nam Sơn, 2020: “Giải thưởng Khôi Nguyên – La Mã của KTS Ngô Viết Thụ và việc đào tạo KTS theo trường phái Beaux-Arts” – Tạp chí Kiến trúc số 08-2020. Hội KTS Việt Nam.
26. Ngô Viết Nam Sơn, 2020: “Một số xu hướng và tư duy mới trong quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam” – Tạp chí Kiến trúc. Số Xuân 2021 (12-2020). Pp. 100-103. Hội KTS Việt Nam.
27. Ngô Viết Nam Sơn, 2020: “Những vấn đề hành nghề KTS tại Việt Nam hiện nay: Nhìn từ điển cứu dự án địa ốc khu Hòa Bình (Đà Lạt)” – Tạp chí Kiến trúc số 09-2020. Hội KTS Việt Nam.
28. Ngô Viết Nam Sơn, 2021: “Xác định các Tiêu chí cơ bản của kiến trúc Thế kỷ 21” – Pp28-33. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 234-2021. VIAR. Bộ Xây dựng.
29. Ngô Viết Nam Sơn, 2024: “Nhận diện đô thị Việt Nam Đương đại” – NXB Dân trí & PhanBook (tái bản)
30. Nguyễn Anh Tài, 2006. TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Phía sau sự hỗn độn là những tiềm năng” – Báo Thanh niên ngày 04/03/2006.
31. Nhiều tác giả, 2024: “Hồn phố, Đời người” – NXB Tổng hợp TP HCM.
32. Nhóm biên soạn Hội KTS Việt Nam, 2008: “Thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên” – NXB Văn hóa – Thông tin.
33. Sơn Nam, 1998: “Sài Gòn lục tỉnh xưa” – NXB TP HCM.
34. Thủ tướng CP. 2021. Quyết định Số: 1246/QĐ-TTg, phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
35. Tôn Đại, 2009: “Di sản kiến trúc Pháp – các giá trị và ảnh hưởng” – Tạp chí Kiến trúc số 5.
36. Vũ Hiệp, 2021: “Về các KTS nước ngoài ở Việt Nam sau năm 1975” – Tạp chí Kiến trúc số 08-2021.