Đánh giá chung
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) là giải thưởng danh giá nhất trao cho các công trình thuộc mọi thể loại, từ quy hoạch, cảnh quan cho tới công trình công cộng, nhà ở… trong đó có nội thất. Tại mùa giải 2024 – 2025, Hội đồng GTKTQG đã chọn ra: 01 giải Vàng, 01 giải Bạc và 03 giải Đồng cho hạng mục Nội thất. Qua quá trình chấm chọn lọc kỹ lưỡng, các tác phẩm đạt giải lần này cho thấy một thành công chung trong việc khai thác các “chất liệu bản địa”. Có thể thấy rằng nội thất Việt Nam đã và đang lựa chọn được hướng đi “tất yếu” và bắt đầu hình thành phong cách. Các thiết kế được vinh danh lần này đã có sự gắn kết, phát triển hài hoà, góp phần hoàn thiện công năng của kiến trúc và định hình về thẩm mỹ khi khai thác tốt các “chất liệu bản địa”.
Chất liệu bản địa và các giải pháp đa dạng
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, làn sóng du nhập văn hoá nội thất từ các nước phát triển bao gồm cách thức tổ chức không gian cho tới, đồ đạc nội thất, trang thiết bị, vật liệu… mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng gây không ít nguy cơ mất bản sắc. Kiến trúc Nội thất Việt Nam nhiều nơi, nhiều lúc bị lấn át, “xâm lược” bởi các phong cách quốc tế, được cổ vũ bởi tâm lý sính ngoại của đa số chủ đầu tư Việt.
Trong bối cảnh đó, ta vui mừng nhận thấy may mắn thay có sự xuất hiện của các nhà thiết kế tiên phong, những chủ đầu tư “thông thái” ngoài việc tiếp thu tinh hoa của thế giới đã tập trung khai thác các “chất liệu bản địa” trong việc hình thành “không gian” cũng như xúc cảm thẩm mỹ của không gian nội thất. Khái niệm “chất liệu bản địa” trong bài viết này nhằm chỉ ra các phương tiện được khai thác trong tổ chức không gian nội thất cũng như kiến tạo dấu ấn thẩm mỹ riêng cho mỗi công trình. Chất liệu bản địa, trước hết là các yếu tố văn hoá đặc trưng của mỗi địa danh, là vật liệu truyền thống của địa phương, là khai thác nương theo các điều kiện tự nhiên như nắng, gió, cây xanh… Chất liệu này bao gồm những vật liệu cha ông ta đã sử dụng trong truyền thống, những công nghệ được phát triển làm mới hiện nay và cả những tinh hoa thế giới được chọn lọc. 5 tác phẩm thuộc hạng mục Thiết kế nội thất đoạt GTKTQG năm 2024 – 2025 với các giải pháp sáng tạo phong phú là minh chứng chân thực cho các luận điểm nêu trên, hãy cùng điểm qua các tác phẩm đó.
Grand Mercure Hà Nội – Gỉai Vàng
Nằm giữa lòng khu phố cũ Hà Nội, gần kề Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Grand Mercure Hanoi là một khách sạn thuộc tập đoàn quản lý cao cấp Accor, được thiết kế bởi nhóm tác giả: KTS. Lê Trương, KTS. Nguyễn Hoàng Đức, KTS. Trần Ngọc Anh và cộng sự (công ty TTA- Partners). Công trình không chỉ mang lại trải nghiệm nghỉ dưỡng sang trọng mà còn là một tuyên ngôn thiết kế mang đậm tinh thần bản địa- nơi di sản Việt được kể lại bằng ngôn ngữ hiện đại, tinh tế và đầy cảm xúc.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh cây lúa- hạt thóc, biểu tượng gần gũi trong đời sống văn hóa- tâm thức người Việt, nhóm tác giả đã phát triển một mạch ngôn ngữ thiết kế xuyên suốt. Hình tượng cây lúa không chỉ là cảm hứng tạo hình mà còn là sợi chỉ đỏ kết nối các chi tiết nội thất- từ hình khối, vật liệu cho đến ánh sáng- gợi nên sự mộc mạc, tinh tế và sâu lắng.
Không gian nội thất tại Grand Mercure Hanoi được kiến tạo như một “bảo tàng sống” của văn hóa Việt: nơi từng chi tiết đều được lựa chọn và thiết kế công phu, tỉ mỉ. Các yếu tố truyền thống như cửa bức bàn, sắc đỏ đặc trưng của Văn Miếu; chất liệu gò đồng làng Đại Bái, sơn mài Hạ Thái, gốm Bát Tràng hay các món đồ lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc rọ đó của người nông dân Bắc bộ… đều được chắt lọc, tái hiện bằng ngôn ngữ thiết kế đương đại, tạo nên một tổng thể thẩm mỹ hài hòa giữa truyền thống và đương đại.
Phong cách Đông Dương- Boutique được thể hiện một cách linh hoạt và tinh tế qua từng lớp không gian: từ sảnh, nhà hàng, ballroom cho tới từng phòng nghỉ. Kiểu dáng của các đồ vật, chất cảm, màu sắc, sự tỉ mỉ, sự phối hợp giữa các chất liệu đã tạo nê một tổng thể sang trọng, khác biệt và thẩm mỹ.
Với sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc địa phương và tiêu chuẩn thiết kế toàn cầu, Grand Mercure Hanoi đã khẳng định vị thế như một công trình tiêu biểu của nội thất Việt Nam đương đại. Không chỉ giành Giải Vàng hạng mục Nội thất tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, công trình còn liên tiếp được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế danh giá.
Grand Mercure Hanoi đã vượt qua khuôn khổ của một khách sạn đơn thuần, trở thành một tác phẩm không gian- nơi lưu giữ, kể lại và truyền cảm hứng về văn hóa Việt Nam bằng ngôn ngữ thẩm mỹ đương đại, sang trọng và đậm bản sắc Việt.
FPT F-Ville 3 Campus – Khi nội thất kể chuyện – từ làng lớn lênĐối với tác phẩm đoạt giải Bạc Công trình FPT – F – Ville 3 Campus các tác giả đã kể một câu chuyện bằng không gian khắc hoạ sự hình thành và phát triển của FPT shopware. Ý tưởng “Từ làng lớn lên” dẫn lối cho cả hành trình sáng tạo chính là việc khai thác chất liệu bản địa ở khía cạnh tinh thần. Theo các tác giả, làng là không gian thiết yếu để bảo trì giá trị văn hoá dân tộc, là nguồn cảm hứng thiết kế. Các không gian làm việc cũng như sinh hoạt cộng đồng của phương án đề xuất được xây dựng theo mô hình làng quê Bắc Bộ, phản ánh bản sắc văn hoá trong tư duy hơn là tả thực. Bố cục không gian của 6 sảnh tầng trong toà nhà với các giải pháp tạo hình “lớn lên từ làng” từ “sự khởi đầu” cho tới “giải phóng mọi giới hạn” gợi lại sự phát triển “sự lớn lên” của một tập đoàn công nghệ mang trí tuệ Việt. Những vật liệu của trần, sàn, tường cho thấy sự kết hợp giữa một số ít vật liệu truyền thống làm nền cho các vật liệu hiện đại, tạo hình trẻ trung phù hợp cao độ với tính chất và hoạt động sáng tạo của một doanh nghiệp phần mềm. Liều lượng giữa vật liệu truyền thống như granito, gỗ tự nhiên đã không bị lạm dụng mà được tiết chế để kết hợp với những vật liệu mới đã mang lại cảm thụ sáng tạo, năng động cho không gian. Khai thác chất liệu bản địa trước hết phải phục vụ con người và tính chất của công trình, không đơn thuần là nhắc lại các chất cảm truyền thống. Việc khơi gợi giá trị tinh thần trong văn hoá người Việt với hình tượng làng quê Bắc Bộ đã được cách điệu cao độ hướng tới sự phát triển toả sáng của người Việt từ những nền tảng truyền thống là một cách khai thác chất liệu bản địa độc đáo đầy thuyết phục trọng ý hơn tả hình phục đã làm nên thành công của thiết kế nội thất này.
Trong các công trình đạt giải Đồng, ngoài việc ứng dụng khéo léo các vật liệu truyền thống chế tác thủ công như mây tre đan, sơn mài hay các hình tượng hoa sen, cánh cò trong nội thất Nhà hàng Pizza 4P Lotte Tây Hồ và Du thuyền Sea Stars Cruise, ta còn thấy một giải pháp sáng tạo khác trong Khách sạn M92 Boutique Đà Nẵng. Tinh thần trẻ trung hiện đại của một công trình nghỉ dưỡng tại thành phố biển với hướng nhà chịu nhiều bức xạ mặt trời đã được các tác giả khéo léo kiến tạo theo cách phát triển của loài cây nhiệt đới. Các tấm che nắng như những tán lá hay các tấm dại trong kiến trúc truyền thống không những làm mát cho các phòng ngủ mà còn tạo nên những điểm nhấn về màu sắc và hiệu ứng khuếch tán ánh sáng cho các phòng ngủ. Việc tính toán chắn nắng nhưng vẫn đảm bảo thông gió tự nhiên kết hợp với các cây xanh địa phương trong cả ngoại thất và nội thất là một giải pháp ứng dụng các chất liệu bản địa một cách tự nhiên nhất, nó tạo nên sự tương phản và tôn vinh thiên nhiên, nương theo thiên nhiên, điều hết sức cần thiết cho công trình nghỉ dưỡng.
Điều đáng ca ngợi và làm nên thành công của cả 5 công trình này là sự tìm tòi tiếp nối truyền thống. Không phải là sao chép các hình thức xưa cũ, các tác giả đã làm cho vẻ đẹp của truyền thống được tái hiện vừa quen vừa lạ khi có sự “pha trộn” giữa cũ và mới. Dường như sự thông thái bản địa của cha ông đã được khai thác phát triển một cách tinh tế về mặt phương pháp. Mỗi công trình mang lại một cảm xúc riêng phù bản địa hợp với tính chất và yêu cầu sử dụng nhưng đều có một tinh thần chung khi cùng được bắt nguồn từ một vấn đề gốc rễ chính là các chất liệu bản địa.
Thay Lời kết
Qua 5 tác phẩm thiết kế nội thất hiện đại được vinh danh, là thành viên Hội đồng GTKTQG, chúng tôi vui mừng nhận thấy một xu hướng, một phương pháp sáng tác đã được hình thành với điểm chung là khai thác khéo léo các chất liệu bản địa, điều này cho phép các tác giả, các tác phẩm có một diện mạo riêng giàu chất Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các tìm tòi theo hướng này thật đáng trân trọng và nó cho chúng ta hy vọng về việc sớm hình thành và khẳng định phong cách kiến trúc nội thất Việt Nam kế thừa truyền thống, coi con người là trung tâm gắn kiến trúc với “địa chỉ” cụ thể. Việc khai thác chất liệu bản địa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển cho kiến trúc – nội thất Việt Nam. Hy vọng rằng thông qua việc phân tích, phê bình những tác phẩm đạt GTKTQG (ở tất cả các thể loại) chúng ta sẽ tổng hợp được những bài học quý báu cùng góp phần xây dựng hệ thống lý luận dẫn đường cho kiến trúc Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2025)