Thực trạng thiết kế và sử dụng nội thất trong căn hộ chung cư cao tầng (CCCT) tại Hà Nội

Thực trạng nhà ở tại các đô thị lớn Việt Nam nói chung, nhà ở chung cư nói riêng cũng như nhiều lĩnh vực xã hội khác, dường như đang “Âu hoá”, lối sống trong các căn hộ cũng đang dần mất đi bản sắc Á Đông.

Chúng ta đang phấn đấu vì một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đã có rất nhiều nghiên cứu theo hướng này, nhưng vấn đề không gian nội thất, đặc biệt là đồ đạc nội thất, có rất ít những nghiên cứu sâu sắc hoặc mang tính hệ thống. Kiến trúc cũng như nội thất, ngoài mục đích phục vụ con người còn mang tác dụng định hướng nhất định. Mặt khác, một tác phẩm, công trình kiến trúc được xem là thành công nhất thiết phải đạt tới sự đồng bộ, bản sắc phải thể hiện từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài.

Đối với thể loại CCCT, loại nhà ở gồm nhiều căn hộ được du nhập vào Việt Nam chưa lâu (khoảng 1995 trở lại đây), nhất thiết phải có những điều chỉnh theo hướng “địa phương hoá” mới thích hợp được với lối ở mang nhiều bản sắc văn hoá gốc nông nghiệp – được mang từ các làng xóm nông thôn ra. Đồ đạc nội thất, vấn đề nhỏ nhưng không đơn giản, cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Thời kì hội nhập phát triển kinh tế đã tạo điều kiện du nhập nhiều chủng loại đồ đạc nội thất từ các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và một số nước châu Âu.

Nhu cầu đầu tư về nội thất nhà ở của xã hội tăng mạnh cả về lượng và chất nhưng đa số sản phẩm vẫn ở dạng mô phỏng, cải tiến về kích thước từ những đồ nội thất nước ngoài, chưa có được những định hướng chiến lược cho sản phẩm nội thất Việt Nam đương đại. Đối với các căn hộ CCCT, cũng chưa có được phong cách riêng phù hợp loại hình nhà ở đặc thù này. Theo các khảo sát của tác giả tiến hành trên bình diện đồ đạc nội thất của nhà ở nói chung tại Hà Nội, ba nhóm sản phẩm nội thất chủ yếu là:

– Đồ giả cổ (sản xuất từ các làng nghề truyền thống);
– Đồ nhập khẩu (từ Đức, Mỹ, Italia, Singapore, Đài Loan đặc biệt là Trung Quốc…);
– Đồ phổ biến (được sản xuất trong nước dựa theo các mẫu mã nước ngoài).

Đồ giả cổ – Một trong các xu hướng đồ đạc nội thất từ 1998 đến nay
Đồ nhập khẩu – Một trong các xu hướng đồ đạc nội thất từ 1998 đến nay
Đồ phổ biến – Một trong các xu hướng đồ đạc nội thất từ 1998 đến nay

Các nhóm đồ nội thất nêu trên đều là sản phẩm theo lối mòn hoặc vay mượn kiểu dáng ngoại lai, rất ít sản phẩm của nhà thiết kế nội thất hay các KTS được áp dụng rộng rãi trong xã hội. Chúng tự phát và thiếu định hướng từ phía người làm công tác tư vấn thiết kế, quản lý. Thiếu những đồ đạc nội thất linh hoạt, đa năng, hiện đại, có bản sắc riêng được thiết kế phù hợp các điều kiện cụ thể của nhà ở CCCT tại Hà Nội.

Thường là sau khi đã hoàn thiện xong căn hộ, cư dân Hà Nội mới đi mua đồ nội thất việc thiết kế nội thất đơn giản chỉ là sắp xếp đồ đạc vào những không gian cố định có sẵn. Tình trạng này gây ra sự thiếu đồng bộ và rất nhiều bất cập về kích thước, phong cách, điều kiện khí hậu không đạt được hiệu quả về thẩm mỹ cũng như tiện nghi, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Xây dựng các nguyên tắc thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất trong căn hộ CCCT ở Hà Nội

Việc xây dựng các nguyên tắc trong thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất tương thích cho căn hộ CCCT là rất cần thiết. Đó sẽ là cơ sở đưa ra các giải pháp cụ thể, góp phần xây dựng phong cách nội thất căn hộ CCCT ở Hà Nội và Việt Nam.

KTS Francis D.K Ching đã chỉ ra 4 phương châm của thiết kế nội thất:

– Công năng và mục đích: Trước hết, chức năng của thiết kế phải được thoả mãn và mục đích của nó phải đầy đủ;
– Thích dụng và kinh tế: Một thiết kế cần phải thể hiện tính thích dụng, trung thực và tiết kiệm trong việc sử dụng và lựa chọn các loại vật liệu;
– Hình dáng và phong cách: Thiết kế cần phải gây được hứng thú về thẩm mỹ.
– Hình ảnh và ý nghĩa: Một thiết kế cần phải gợi lên hình ảnh làm cho người sử dụng thưởng thức và liên tưởng đến ý nghĩa mang trong nó.

Việc xây dựng các nguyên tắc thiết kế đồ đạc nội thất phụ thuộc vào các yếu tố tác động tới không gian nội thất căn hộ, gồm 4 yếu tố chính là: Khí hậu, văn hóa xã hội, đặc điểm của thể loại CCCT và các điều kiện kinh tế kỹ thuật khác. Quy nạp các yếu tố nêu trên cho phép tổng hợp được 4 nguyên tắc trong thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất trình bày tại Bảng 1 gồm: Hình thức, công năng, vật liệu và cấu tạo.

Bảng 1: Tổng hợp 4 nguyên tắc thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất

Nội dung chính của các nguyên tắc được trình bày như sau:

– Nguyên tắc về kiểu dáng, hình thức: Đảm bảo tính đơn giản, hiện đại có chắt lọc các yếu tố bản sắc Hà Nội cũng như truyền thống Việt Nam.
– Nguyên tắc về công năng: Đảm bảo tính đa năng và tiện nghi trong sử dụng, phù hợp với điều kiện khí hậu.
– Nguyên tắc về sử dụng vật liệu, hoàn thiện: Giảm thiểu hàm lượng vật liệu gỗ tự nhiên, áp dụng tối đa vật liệu nhân tạo thân thiện với môi trường.
– Nguyên tắc về cấu tạo, cấu trúc: Đảm bảo sự đơn giản trong cấu tạo, ưu tiên các phương pháp lắp ghép, modul hoá, tận dụng triệt để các phụ kiện hiện đại nhằm nâng cao tính bền vững và khả năng linh hoạt của đồ đạc.

Một số giải pháp thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất

Các nguyên tắc nêu trên cho phép đề xuất các giải pháp thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất trong căn hộ CCCT về hình thức, kiểu dáng, chất liệu bề mặt cấu tạo cấu trúc cũng như cách bố trí.

a. Giải pháp trong thiết kế hình thức và kiểu dáng

– Đồ đạc phải có hình thức đơn giản, hiện đại, ưu tiên sử dụng các đường nét và bề mặt phẳng, thẳng, hạn chế các đường cong, mặt cong, tạo sự phối hợp chặt chẽ khi bố trí cạnh nhau hoặc thành nhóm.
– Các yếu tố trang trí truyền thống được đưa vào thông qua các chi tiết của đồ đạc, khai thác các mô tuýp trang trí gợi lại những giá trị của bản sắc văn hoá, những quan niệm tốt đẹp của người Hà Nội. Tạo ra sự độc đáo hay cá tính của đồ đạc thông qua những chi tiết trang trí.

Hình 2: Chắt lọc đường nét truyền thống Á Đông trong đồ đạc nội thất phòng ngủ
(Nguồn: Thiết kế thực nghiệm của Tác giả)

– Các chi tiết trang trí trên bề mặt cũng cần có các giải pháp cấu tạo để có thể tháo, lắp dễ dàng thay đổi phù hợp với các yêu cầu khác nhau của người ở.

b. Giải pháp xử lý chất liệu bề mặt

– Hạn chế sử dụng vật liệu gỗ tự nhiên ảnh hưởng tới môi trường;
– Khai thác thế mạnh vật liệu nhân tạo. Sử dụng nhiều vật liệu công nghiệp tái hiện được vẻ đẹp tự nhiên cũng như phương pháp, chất liệu hoàn thiện truyền thống;
– Xử lý các bề mặt tiếp xúc theo hướng cơ động dạng lớp bọc có thể thay đổi hoặc các chất liệu có khả năng chống bám bẩn, bám dính, thân thiện với môi trường. Đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoặc thay đổi được để phù hợp với sự thay đổi thời tiết bốn mùa trong năm;
– Xử lý các bề mặt của nhóm đồ đạc có chức năng cất chứa nhằm đảm bảo chống ẩm mốc, theo hướng chủ động tạo thông thoáng tự nhiên;
– Phát huy các chất cảm của vật liệu, phương pháp hoàn thiện truyền thống trong các chi tiết đưa vào đồ đạc;
– Khuyến khích sử dụng vật liệu địa phương sẵn có để nâng cao độ thích ứng với khí hậu cũng như tạo phong cách của riêng vùng;
Hình 3 cho thấy:
– Các giải pháp cấu tạo ghế đa năng, linh hoạt phù hợp với khí hậu Hà Nội:
+ Đệm ngồi, đệm lưng có thể tháo, cất, thay, giặt khi cần;
+ Mặt ghế ngồi khi cất bỏ đệm có thể nâng lên, đảm bảo tiện nghi;

Hình 3: Ghế “bốn mùa”,
Sự thích ứng điều kiện khí hậu, thẩm mỹ Hà Nội
(Nguồn: Thiết kế thực nghiệm của Tác giả)

c. Giải pháp trong cấu tạo và cấu trúc

– Phát huy tối đa thế mạnh của linh, phụ kiện hiện đại để đa năng, đa hướng, cơ động, tiện dụng và biết tiết kiệm không gian;
– Nâng cao tính tiện nghi, hợp lý trong sử dụng phù hợp với con người, lối sống và khí hậu khu vực Hà Nội. Chú ý tới khả năng chuyển đổi vị trí và chọn hướng của đồ đạc;
– Nâng cao khả năng modul hoá và linh hoạt hoá từ chi tiết tới tổng thể;
– Có cấu tạo chống giãn nở, co, ngót, cong vênh.

Hình 4: Ứng dụng linh phụ kiện hiện đại nâng cao hiệu quả sử dụng tủ bếp

Tóm lại, việc ứng dụng các nguyên tắc thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất cho phép người thiết kế đề xuất giải pháp và người sử dụng có sự lựa chọn phù hợp. Các giải pháp này rất phong phú, không có giới hạn, nó chủ yếu phụ thuộc vào cái tôi, cá tính của người thiết kế. Với những tìm kiếm bước đầu, tác giả bài báo này hy vọng góp phần xây dựng phong cách nội thất Việt Nam đương đại trong các căn hộ CCCT tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn ở Việt Nam.

TS.KTS Vũ Hồng Cương
Trưởng khoa Nội thất và mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)