Sài Gòn sắp di dời hơn 2.000 hộ dân ven kênh, rạch trong năm 2016

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết  TP sẽ di dời hơn 2.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch nhằm chỉnh trang, nâng cấp bộ mặt đô thị cho TP trong năm 2016.

b1015-tapchikientruc-001

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP nhận định cần phải di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 2.000 hộ sống ven và trên kênh rạch vì hiện trạng phát triển bất động sản của TP được lan tỏa theo hướng đông và nam, khu đô thị và khu dân cư mới tập trung ở các vùng ven, tránh tập trung vào khu trung tâm.

Được biết, mỗi năm TP có khoảng 2.000 ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến nay, trên địa bàn đã có khoảng 2.650 dự án được giao đất, trong đó diện tích dành cho dự án nhà ở là 38%, dự án sản xuất kinh doanh là 39%, dự án công trình công cộng là 23%.

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng bộ Xây dựng chiều 6-10, ông Lê Văn Khoa (Phó chủ tịch UBND TP HCM) cho biết hiện TP có 20.000 nhà trên và ven kênh rạch không đảm bảo an toàn và rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, Phó chủ tịch kiến nghị với Bộ Xây dựng và Chính phủ cho phép thành phố được chỉ định, lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án giải tỏa di dời nhà ở ven kênh rạch nhằm chỉnh trang đô thị.

Trong đó khu vực quận 8 với gần 10.000 căn, quận 7 khoảng 2.200 căn… Những căn nhà này chỉ che chắn tạm bợ, nằm trên sông nước rất nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Khu nhà ven kênh Tẻ thuộc quận 7 TP.HCM. Ảnh Tự Trung
Khu nhà ven kênh Tẻ thuộc quận 7 TP.HCM. Ảnh Tự Trung

Khu nhà ven sông tại khu vực bến Phú Định quận 8 TP HCM – Ảnh Tự Trung
Khu nhà ven sông tại khu vực bến Phú Định quận 8 TP HCM – Ảnh Tự Trung

Công ty tư nhân muốn tham gia thực hiện các dự án tái định cư nhà ở ven kênh rạch.

Chẳng hạn như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn muốn tham gia dự án tái định cư các hộ sống trên và ven bờ nam Kênh Đôi ở quận 8 nhằm chỉnh trang đô thị theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng số vốn lên đến gần 9.300 tỉ đồng; Công ty Hà Nội Ngàn Năm xin thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh với số vốn hơn 5.000 tỉ đồng…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong mong muốn Bộ Xây dựng nhanh chóng giúp tháo gỡ những khó khăn về qui định, thủ tục liên quan tới đấu thầu, chỉ định thầu… để TP.HCM kêu gọi được các nhà đầu tư trong việc chỉnh trang đô thị, chống ngập và hoàn thành kế hoạch di dời được 20.000 hộ dân đến nơi ở mới tốt hơn.

Đây là một trong bảy chương trình trọng điểm của thành phố thực hiện từ nay đến năm 2020.

Mục tiêu mà ngành xây dựng phải làm kể từ nay cho đến năm 2020.

  • Trong năm 2016 TP sẽ thực hiện di dời 2.000 căn nhà trên kênh rạch, tập trung vào hai nhóm là: Nhóm các dự án đang thực hiện dở dang (8 dự án với 586 căn, tổng mức đầu tư 905 tỷ) và Nhóm các dự án đã có chủ trương đầu tư, triển khai trong năm 2016 (4 dự án với quy mô 1.832 căn, tổng mức đầu tư 3.749 tỷ).
  • Về thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp, năm 2016 sẽ tiến hành tháo dỡ lô IV, VI chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh, diện tích sàn tháo dỡ 28.000 mét vuông) và khởi công 2 chung cư Soái Kình Lâm (quận 5) và Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) với quy mô 350 căn với tổng mức đầu tư 1.116 tỷ đồng.
  • chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, cụ thể sẽ đầu tư đồng bộ vào các hạng mục công trình Khu C30 (quy mô 40ha) bằng nguồn vốn ngân sách, với tổng mức đầu tư dự kiến 9.245 tỷ đồng.
  • Tổ chức công bố danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, còn tại Khu đô thị Nam TP sẽ tập trung thực hiện Khu A với quy mô 409ha và tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước sẽ đẩy nhanh công tác bồi thường, khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch 1/2000.
  • Một mục tiêu khác Sở đề ra là nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc nâng cấp dần các khu dân cư thu nhập thấp, đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải thiện môi trường, tăng tính hiệu quả và đồng bộ của các dự án thuộc lưu vực thoát nước của 5 hệ thống kênh rạch chính của thành phố.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, để thực hiện các mục tiêu trên, sở Xây dựng cho biết sẽ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài việc coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần giải quyết an sinh xã hội, Sở cũng sẽ xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo cơ chế về tài chính để thu hút vốn từ xã hội hóa, ODA hay Ngân hàng Thế giới…

Do điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc nâng cấp dần các khu dân cư thu nhập thấp, đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải thiện môi trường, tăng tính hiệu quả và đồng bộ của các dự án thuộc lưu vực thoát nước của 5 hệ thống kênh rạch chính của thành phố.

Ngoài ra, Sở cũng xác định thời gian này sẽ cơ bản giải quyết việc xây dựng mới và thay thế các chung cư bị hỏng đã được kiểm định theo quy định (tháo dỡ 120.000 mét vuông sàn chung cư cũ, xây thêm 240.000 mét vuông sàn chung cư mới), kết hợp chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.Về các mục tiêu lâu dài, ông Tuấn cho biết trong giai đoạn 2016 – 2020 TP sẽ là tập trung di dời 10.000 căn để hướng đến năm 2025 sẽ hoàn thành di dời toàn bộ và tổ chức lại cuộc sống của người dân sống trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị dọc hai bờ.

Cuối cùng, Sở cho rằng cần phát triển TP.HCM nhằm cụ thể hóa việc quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ hướng đến kéo giãn dân ra ngoài trung tâm TP. Trong khi đó cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm (quận 2) và khởi động nhanh Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để nơi này trở thành cửa ngõ thông thương của TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo tiền đề để TP phát triển hướng ra Biển Đông.

Theo Đại Kỷ Nguyên