Tản mạn về bức tranh đô thị xưa và nay

1.

Đô thị là một cơ thể sống, do tính chất luôn vận động của nó. Hệ thống chức năng vận động của đô thị là toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế – xã hội đô thị trên cơ sở hạ tầng đô thị. Giống như một cơ thể sống, bất kỳ một sự “trục trặc” nào trong hệ thống cấu trúc cũng sẽ dẫn tới những rối loạn trong các hoạt động đô thị. Vì vậy, “Sự cân bằng – ổn định – bền vững” là tiêu chí ưu tiên của đô thị.

Đô thị luôn luôn phát triển biểu hiện, đồng thời biểu hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị với con người, thông qua nền kinh tế thị trường. Tác động này vừa là thời cơ, nhưng lại là thách thức cho sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị.

Sự vận động và phát triển của đô thị lại là một “hệ mở”. Con người chỉ có thể điều chỉnh được sự hình thành, hoạt động và phát triển của đô thị theo đúng các quy luật khách quan của nó. Con người có thể định hướng, có thể can thiệp vào sự vận động của đô thị, chứ không thể “bắt” đô thị vận động theo ý chủ quan trái với quy luật của nó.

Nhìn lại bức tranh đô thị từ xưa đến nay luôn thấy được sự muôn màu muôn vẻ, sự sinh động và đầy màu sắc, hình thức không gian thay đổi theo dòng thời gian và có sự dịch chuyển theo giá trị sử dụng của con người. Bức tranh đô thị trước đây là một không gian thông thoáng, qui mô công trình nhỏ thấp tầng, mật độ dân cư thưa thớt, có nhiều cây cao bóng mát, thiên nhiên tràn đầy như che chở bảo vệ cho con người, bầu trời dường như cao hơn và xa hơn.

Cuộc cách mạng Công nghiệp đã làm thay đổi các điều kiện về kinh tế – xã hội – văn hóa và kỹ thuật. Quá trình đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, làm thay đổi sự phân bố dân cư, đồng thời tác động đến tâm lý, lối sống và cách sống của người dân, hệ lụy gây quá tải cho cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng về giao thông, cùng một số vấn đề khác…

Bờ sông Tiền giờ đây được phủ đầy bằng các dự án lấn sông
Kênh Xáng Cụt, rạch Bạch Nha, kênh Nổi,… và những đường sông sau cơn mưa

2.

Giờ đây, bức tranh đô thị đã khác xưa, được khoác lên mình một chiếc áo lộng lẫy hơn, hoành tráng hơn, nhiều màu sắc hơn và đa dạng hơn. Cái không gian ấy dường như bị thu hẹp lại bởi mật độ xây dựng ngày càng cao, những công trình cứ mọc lên ngày càng nhiều, to lớn đồ sộ hơn và cao mãi để vươn tới trời xanh, cư dân lại sống chen chút, giao thông ùn tắt, giao thương tất bật, trong khi hệ thống hạ tầng cơ sở ở các khu vực nội ô bị hạn chế.

Những hàng cây xanh rợp bóng mát trước đây như để che chở bảo vệ cho ngôi nhà dưới những tác động của thiên nhiên dường như đã trở thành dĩ vãng. Các công trình như để chứng tỏ sức mạnh kinh tế cứ thế cao to mãi và như muốn ôm ấp tự nhiên vào lòng, tự thân chống chọi với thiên nhiên, không gian cho thiên nhiên dường như bị thu hẹp, bầu trời dường như gần hơn và trở nên oi bức hơn.

Do đất đai ngày càng đắt đỏ, nên không gian dành cho cây xanh cũng khiêm tốn hơn. Ở không gian các đường phố đô thị, cây xanh thường bị giam hãm trong những lô đất ô vuông tròm trèm khoảng mét vuông, xung quanh là những mảng bê tông vô hồn, thường bị các tòa nhà cao che bóng mát và ít được tiếp xúc với tự nhiên, mạch nước ngầm nuôi dưỡng bộ rễ lại bị cạn kiệt.

Những con kênh xanh xanh đã đi vào thơ ca làm say đắm biết bao lòng người, giờ đây đã chuyển màu vì gánh nặng trên đôi vai của dòng chảy cuộc sống. Và cứ thế những dòng kênh này dần dần trở thành gánh nặng cho môi trường sinh thái, vì mang trong mình dòng đời đen bạc thoảng mùi hương sặc nồng. Sự bức tử những dòng kênh này trở thành những con đường mang nặng những lô đất vàng hai bên là điều hiển nhiên. Và cứ thế cái đặc trưng sông nước của đô thị miệt vườn dần dần tan biến, nhường chỗ cho những con đường sông tự phát ngập tràn lầy lội sau những cơn mưa.

Kênh Xáng Cụt, rạch Bạch Nha, kênh Nổi,… và những đường sông sau cơn mưa

3.

Mỹ Tho từng được ví như một cô Tiên hiền dịu xinh đẹp trong quá khứ, nàng Tiên xinh đẹp ấy mặc dù đã ra đi những sự vương vấn dành cho không gian đô thị một chút gì để nhớ để thương như vẫn còn lưu lại. Giờ đây mái tóc “nàng tiên” đô thị đó với sợi vắn sợi dài, sợi to sợi nhỏ vẫn cứ treo lơ lửng giữa những hàng cột điện sáng ngời, quấn quanh từng con hẻm, khu phố và trên những tuyến đường. Cuộc cách mạng số ngày càng khiến cho mái tóc đô thị đó ngày càng dày đặc hơn, và hiển nhiên cũng chất chứa nhiều ẩn nguy cho cuộc sống.

Kinh tế càng phát triển, mức sống ngày càng được nâng cao thì sự thay da đổi thịt của đô thị ngày càng nhiều hơn. Những ký ức, kỷ niệm ngược dòng thời gian trở về quá khứ dường như ngày càng bị xóa mờ. Ở những khu vực trung tâm, nơi một số vị trí đắc địa thuận tiện cho việc sinh hoạt văn hóa vui chơi của người dân, sự dịch chuyển một số môi trường công cộng, môi trường tư nhiên trở thành các công trình dịch vụ phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế ngày càng phổ biến hơn. Không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, giao thương ngày càng mở rộng, trong khi hệ thống hạ tầng vẫn chung thủy không đổi thay. Các không gian đã từng gắn bó với con người qua các thập niên ấy với bao kỷ niệm của quá khứ sẵn sàng hy sinh lùi bước vì tương lai để nhường chỗ cho những không gian sinh lợi. Và cứ thế bức tranh không gian đô thị dần dần các sắc màu tự nhiên được chuyển đổi thành các sắc màu nhân tạo để thể hiện sự hoành tráng và lộng lẫy của đô thị.

4.

Chúng ta luôn thấy sự vận động của đô thị qua những dòng dịch chuyển để tạo nên sự thay đổi cho đô thị: Đó có thể là những dòng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, đồng thời cũng gây áp lực quá tải cho đô thị; hay những dòng dịch chuyển từ thành thị vào nông thôn của các tầng lớp trung lưu muốn tìm những không gian sống chất lượng cho cuộc sống của mình. Đó có thể là sự dịch chuyển môi trường tự nhiên trở thành các công trình dịch vụ phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, hay sự dịch chuyển của môi trường tự nhiên vào trong công trình kiến trúc để tạo nên những kiến trúc xanh. Tất cả những sự dịch chuyển này đều do yếu tố con người can thiệp và là tiền đề cho các sự chọn lựa: Mục đích phát triển kinh tế hay mục tiêu nhân văn xã hội.

Bên cạnh những gì đạt được trong quá trình phát triển đô thị. Tình trạng khan hiếm không gian công cộng, công viên, cây xanh, mặt nước, công trình công cộng làm giảm nhịp thở đô thị, chất lượng sống khô khan, không gian sống bức bối hơn. Tình trạng xây nhiều nhà cao to trong một không gian sống hữu hạn làm không gian sống đô thị ngày càng bị thu hẹp, mật độ xây dựng ngày càng tăng, tiện ích xã hội ngày càng giảm. Tình trạng những dòng nước ngẫu nhiên không thoát ra được sông ngày càng nhiều tạo nên sự ô nhiễm nhất là trong mùa mưa. Tình trạng hạ tầng cơ sở ngày càng bị quá tải gây áp lực cho đô thị và còn nhiều hệ lụy khác… Sự chấp nhận lùi bước ra đi, biết hy sinh từ bỏ các kỷ niệm ký ức và tiện ích xã hội, để nhường bước cho các mục tiêu phát triển kinh tế đô thị đầy trăn trở và nhiều tiếc nuối.

Vậy bức tranh đô thị trong tương lai sẽ như thế nào? Nhìn nhận đúng đắn bức tranh đô thị hôm nay để định hướng cho bức tranh đô thị mai sau là một vấn đề mà mỗi người trong chúng ta cần phải suy nghĩ, chỉ có “Sự cân bằng – ổn định – bền vững là mục tiêu để đô thị có thể tự thân vận động theo quy luật của mình”.

ThS.KTS Trần Anh Minh  – Hội KTS Tiền Giang
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)