Tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam

Trong cuộc sống đương đại, một cách tự nhiên, chúng ta dễ dàng đồng thuận với việc trân trọng những giá trị truyền thống. Nhưng những giá trị truyền thống có thể hiện diện, biến đổi hay mất đi trong hiện tại và tương lai sẽ không diễn ra một cách tự thân mà tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận và nỗ lực hành động của các thế hệ. Những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực kiến trúc nói riêng nếu nhìn nhận đúng về truyền thống, có năng lực nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi của truyền thống, sẽ tiếp tục tạo ra truyền thống mới của hôm nay và cho tương lai. Truyền thống được giữ gìn và phát triển liên tục, bền vững sẽ tạo ra bản sắc. Nói cách khác, sáng tạo kiến trúc như những sản phẩm văn hóa kế thừa truyền thống và đáp ứng các nhu cầu hiện tại sẽ tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Tính hòa nhập tạo nên sự gắn bó và ăn nhập một cách hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên, kiến trúc hiện hữu trong sự tương tác một cách hòa đồng với môi trường xung quanh. (Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, ảnh: Trần Trung Hiếu)

Truyền thống (tiếng Latin, traditio có nghĩa là “hành vi lưu truyền”) là sự lưu truyền những tập tục, thói quen, lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử… từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ truyền khẩu hay thông qua các sản phẩm mẫu được lưu lại. Theo thời gian, thế hệ trước để lại cho thế hệ sau các di sản vật chất và phi vật chất. Thế hệ hiện tại thừa hưởng di sản của quá khứ, đồng thời đến lượt mình, sẽ để lại di sản cho thế hệ tương lai. Như vậy, truyền thống không phải là một khái niệm bất biến, nó vừa tồn tại vừa chuyển hóa, vừa được bảo tồn vừa bị biến đổi. Đó chính là sự kế thừa biện chứng: Có giữ gìn các yếu tố tích cực, có loại bỏ các yếu tố tiêu cực, có cải biến các yếu tố cũ cho phù hợp, đồng thời có bổ sung các yếu tố mới mà trước đây chưa có điều kiện và khả năng thực hiện.

Trong cuộc sống đương đại, nói đến truyền thống thường là nói đến giá trị của nó. Cụ thể hơn, giá trị của truyền thống được hiểu là những yếu tố của truyền thống còn có giá trị và có thể phát huy ở thời hiện tại. Truyền thống được lưu truyền, phát triển liên tục sẽ tạo ra bản sắc. Tạo lập bản sắc tức là sáng tạo những sản phẩm văn hóa kế thừa truyền thống, đáp ứng các nhu cầu của con người và xã hội đương đại. Nếu như trong quá khứ, giá trị của truyền thống được tạo ra bởi những cốt liệu và nguồn lực của thời điểm đó, thì những sản phẩm văn hóa hiện tại có vai trò tạo lập bản sắc sẽ được tạo ra bởi cốt liệu truyền thống và nguồn lực của hiện tại. Cốt liệu truyền thống nói ở đây bao gồm những nguyên liệu, nền cảnh vốn có, những điều cốt yếu trong quan niệm, tư tưởng, tri thức được hình thành trong quá khứ và đã trở thành tinh hoa văn hóa dân tộc. Cốt liệu truyền thống bao gồm cả các yếu tố bản địa gần như là bất biến theo thời gian như điều kiện và môi trường tự nhiên, địa hình, khí hậu, tộc người… Nó cũng bao gồm các sản phẩm đã được tạo ra trong quá khứ theo dòng chảy truyền thống và vẫn có giá trị trong thời điểm hiện tại. Nguồn lực hiện tại là những điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng của con người hiện tại với những kiến thức mới hiện đại, sự tiếp thu những thành tựu trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Việt Nam. Các yếu tố của nguồn lực hiện tại đều có xu hướng phát triển ngày càng tốt hơn và tạo ra khả năng duy trì, loại bỏ, cải biến và bổ sung các yếu tố truyền thống, tiếp tục tạo ra truyền thống mới. Quá trình duy trì và phát triển liên tục ấy tạo ra bản sắc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Tính triết luận tạo ra kiến trúc mang nhiều ý nghĩa của đời sống tinh thần, giàu tính biểu tượng, vượt ra khỏi giới hạn của cuộc sống thường nhật, mang dáng vẻ độc đáo và hàm chứa năng lực truyền cảm hứng mạnh mẽ đến con người. (Từ Lương Xâm, Hải Phòng, ảnh: Viện Bảo tồn di tích)

Áo dài là trang phục truyền thống của người Việt Nam, được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Nó là sản phẩm truyền thống lại có giá trị hiện tại vì luôn tôn lên vẻ đẹp và sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Khi được chọn làm trang phục của nữ tiếp viên hàng không Việt Nam, áo dài đã được cải biến gọn gàng hơn, tà áo ngắn lại để thích hợp với hoạt động của các tiếp viên trên máy bay. Trong trường hợp này, trang phục truyền thống vừa được duy trì, vừa được cải biên và có tác dụng tôn vinh truyền thống văn hóa và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với thế giới. Vở diễn “Làng tôi” đã khai thác những cốt liệu truyền thống và bản địa là cuộc sống của những người nông dân ở làng quê Việt Nam, là cây tre rất đặc trưng của nông thôn Việt Nam và cả những âm hưởng trong những câu ca dao, những áng thơ, văn của Nguyễn Bính, Thạch Lam, Vũ Bằng viết về làng quê Việt, đồng thời sử dụng những kĩ thuật mới của nghệ thuật xiếc, múa kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại. Sự kết hợp cốt liệu truyền thống và nguồn lực hiện tại ấy đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật truyền thống mới có sức hút mạnh mẽ với hàng trăm buổi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Những bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay từ những ngày đầu sáng tác được ca sĩ Khánh Ly thể hiện đã tạo nên nét độc đáo riêng có. Các thế hệ ca sĩ sau đó như Hồng Nhung, Hoàng Trang đã hát nhạc Trịnh Công Sơn theo một cách biểu hiện khác, vẫn giữ được đặc trưng của nhạc Trịnh mà lại tạo ra những hiệu ứng mới mẻ. Gần đây, ca sĩ Hà Lê lại trình diễn các bài hát của Trịnh Công Sơn theo một cách khác nữa, kết hợp cả các phương thức biểu hiện hoàn toàn mới của Rap hay R&B, và một lần nữa nhạc Trịnh lại mang một sắc thái mới lạ mà vẫn không mất đi nét đặc trưng vốn có của nó. Rõ ràng, khi biết khai thác các cốt liệu và giá trị truyền thống, đồng thời sử dụng nguồn lực của hiện tại một cách phù hợp, nhuần nhuyễn thì các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật sẽ được tái sáng tạo những giá trị mới trong sự duy trì những tinh hoa của truyền thống.

Trở lại với lĩnh vực kiến trúc, công thức sản phẩm văn hóa truyền thống đương đại được tạo bởi cốt liệu truyền thống và nguồn lực hiện tại đòi hỏi các KTS vừa phải thấu hiểu văn hóa và kiến trúc truyền thống Việt Nam, vừa phải không ngừng trang bị và nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình để có thể tham gia tích cực vào quá trình duy trì, kế thừa những giá trị truyền thống và tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam. Để thấu hiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, cần nhận diện những giá trị đích thực có nguồn gốc từ văn hóa dân tộc của kiến trúc truyền thống. Có thể nêu ra bốn đặc trưng cơ bản nổi bật của kiến trúc truyền thống Việt Nam như sau:

Tính dân gian đồng nghĩa với tính nhân văn, bắt nguồn và phản ánh đời sống văn hóa của một cộng đồng tạo nên những giá trị riêng biệt của kiến trúc. (Đình Tây Đằng, Hà Nội, ảnh: Trần Trung Hiếu)

Tính dân gian: “Quá trình phát triển kiến trúc dân tộc Việt Nam thực chất là lịch sử của nền kiến trúc dân gian Việt Nam” (Ngô Huy Quỳnh, Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam, NXB Xây dựng, Hà Nội 2000). Có nghĩa là tính dân gian là đặc tính nổi trội của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đặc tính này xuất hiện xuyên suốt từ những ngôi nhà ở, các kiến trúc làng xã, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo đến các cung điện, lăng tẩm. Hầu hết các vấn đề cốt yếu trong xây dựng như quy cách, mực thước xây dựng, cấu trúc ngôi nhà gỗ, cách sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, cách tạo ra và lồng ghép công trình kiến trúc trong một môi trường sinh thái… đều xuất phát từ các kinh nghiệm dân gian truyền thống, gắn bó và phục vụ đời sống, sinh hoạt của cộng đồng một cách hữu hiệu. Những sản phẩm dân gian được sáng tạo ra trong khả năng sẵn có và lưu truyền rộng rãi trong xã hội. Kiến trúc xuất phát từ kinh nghiệm dân gian có thể ít chuẩn mực, xa qui tắc chặt chẽ, nhưng nó có tính linh hoạt cao, là “đất diễn” cho sự “tùy cơ ứng biến”. Bắt nguồn và phản ánh đời sống văn hóa của một cộng đồng, qua thời gian nó được mài dũa, điều chỉnh, chắt lọc những tinh hoa, trở thành sản phẩm của “trí tuệ tập thể” hướng đến sự hợp lí, khả biến và hữu dụng. Tính dân gian luôn tạo ra những đặc điểm riêng có trong sản phẩm văn hóa của mỗi cộng đồng. Chính đặc tính này đã tạo nên giá trị riêng biệt của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Như ta vẫn thấy, di sản kiến trúc Việt Nam thường không to lớn, đồ sộ mà vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ; không tráng lệ, nguy nga mà vẫn có giá trị cao về thẩm mỹ và nhân văn.

Tính chân thực: Kiến trúc truyền thống Việt Nam thể hiện sự chân thực trong cấu trúc công trình, ngôn ngữ biểu hiện và cách sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên. Tiếp cận không gian kiến trúc được tạo ra bởi hệ khung cột gỗ cổ truyền, ta có thể nhận biết được toàn bộ cấu trúc của công trình với chức năng làm việc rõ ràng, khúc chiết của các cấu kiện từ hệ cột, xà đến toàn bộ cấu trúc mái. Các thành phần kiến trúc được chế tác từ gỗ tự nhiên thành các cấu kiện độc lập, hoàn chỉnh, không ghép nối, ít gia công, không bao bọc bằng vật liệu khác, sơn phủ hạn chế. Các cấu kiện là đá tự nhiên hay đất nung đều được chế tác thành các cấu kiện đặc thù theo chức năng sử dụng, đưa vào công trình với nguyên thể hình hài, màu sắc, bề mặt, không che phủ. Thẩm mỹ kiến trúc tạo nên bởi thực thể cấu trúc, tạo vẻ đẹp tự thân, thuần nhất. Các thành phần trang trí gắn bó hữu cơ với cấu kiện kiến trúc do được chạm khắc trên chính các cấu kiện đó, không mang tính hình thức đơn thuần. Giá trị thẩm mỹ của kiến trúc truyền thống Việt Nam được tạo thành từ chính đặc điểm kiến tạo của công trình kiến trúc với quy mô khiêm tốn, không phô trương, hình thức mà giản dị, chân thực. Chúng toát lên “vẻ đẹp mộc”, một đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Tính hòa nhập: Trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, các công trình dù là đơn lẻ hay một quần thể đều luôn luôn gắn bó và ăn nhập một cách hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên, không tạo ra sự thách thức hay lấn át môi trường tự nhiên vốn có và do đó rất gần gũi và tồn tại một cách bền lâu với đất trời và cuộc sống của cộng đồng. Hòa nhập với khung cảnh thiên nhiên là đặc điểm phổ biến của các kiến trúc truyền thống của nhiều dân tộc phương Đông, nhưng đặc biệt rõ nét ở kiến trúc truyền thống Việt Nam với nguồn gốc xuất phát từ tư tưởng “Hòa” của người Việt. Trong nếp nghĩ của mình, người Việt coi việc đồng nhất các mối liên hệ tương hỗ của sự vật, việc điều hòa mọi mâu thuẫn là mục tiêu để giải quyết vấn đề. Với cách thức đó, các thành phần và không gian kiến trúc được tạo ra với những tỉ lệ gần gũi, thân thiện với con người, công trình kiến trúc hiện hữu trong sự tương tác một cách hòa đồng với thiên nhiên và khung cảnh xung quanh nó. Không những thế, những nơi cư trú của người Việt còn là một thành phần trong sự cân bằng sinh thái của một tổng thể bao quanh nó, khiến cho từ các ngôi nhà ở cho đến cả một cụm cư trú ở làng xã đều tồn tại một cách ổn định, bền vững với đất trời theo năm tháng.

Tính chân thực làm cho kiến trúc có vẻ đẹp tự thân, thuần chất, tạo nên bởi thực thể cấu trúc, không hình thức, giả tạo. (Đình Chu Quyến, Hà Nội, ảnh: Sheppard Ferguson)

Tính triết luận: Các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam được xây cất theo các bước của một tập quán tạo dựng, xuất phát từ các quan niệm về nguyên lý vũ trụ của cổ nhân Á Đông. Các luận thuyết về cấu trúc vũ trụ gồm Tam tài là Thiên-Địa-Nhân (nguyên); bản thể của vũ trụ là Âm-Dương (thể); quy luật tác động của vũ trụ theo Ngũ hành (dụng) đã chi phối quá trình xây dựng từ việc chọn đất, chọn vị trí, chọn hướng công trình; cách bố cục mặt bằng, phân bố các thành phần trong một tổng thể đến cách xác định số lượng, kích thước, và sự tương quan giữa các kích thước của các thành phần trong công trình. Tập quán này một mặt có thể tạo ra những sự ràng buộc, hạn chế nhất định nhưng mặt khác nó lại giúp cho các công trình kiến trúc được kiến tạo theo một cách đặc biệt với những hiệu quả không gian, thẩm mĩ độc đáo. Quan trọng hơn, phương thức này khiến cho kiến trúc mang nhiều ý nghĩa của đời sống tinh thần, giàu chất nhân văn, có tính ẩn dụ, biểu trưng, tạo ra những không gian văn hóa, kiến trúc có sắc thái riêng biệt, độc đáo với sự kết hợp và chuyển hóa nhuần nhuyễn giữa các yếu tố Hình – Lí – Khí trong một thực thể không gian sống động.

Những đặc trưng nêu trên đã tạo nên giá trị, sắc thái, vẻ đẹp riêng biệt của kiến trúc truyền thống Việt Nam, nói cách khác, đó chính là bản sắc của kiến trúc Việt Nam trong quá khứ, tạo dấu ấn riêng, có thể nhận diện và phân biệt kiến trúc Việt Nam với các nền kiến trúc khác trong khu vực. Nhìn một cách biện chứng, sự ưu việt của nó vẫn giúp ích cho việc tạo nên những giá trị của hiện tại và tương lai: Tính dân gian đồng nghĩa với tính thích dụng, tính nhân văn, sự gần gũi với con người, những đòi hỏi quan trọng của kiến trúc; Tính chân thực đưa tới vẻ đẹp tự thân, thuần chất không hình thức, giả tạo; Tính hòa nhập gần với xu hướng của “kiến trúc xanh”, kiến trúc bền vững; Tính triết luận tạo ra kiến trúc giàu tính biểu tượng, vượt ra khỏi giới hạn của cuộc sống thường nhật, mang dáng vẻ độc đáo và hàm chứa năng lực truyền cảm hứng mạnh mẽ đến con người. Những đặc trưng, giá trị được chắt lọc từ kiến trúc truyền thống, cùng với các tinh hoa của nền văn hóa dân tộc chính là cốt liệu truyền thống để KTS sáng tạo nên kiến trúc của thời đại mình, duy trì và kiến tạo truyền thống mới, góp phần tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam. Đó là nhiệm vụ và sứ mệnh lớn lao của các thế hệ KTS đương đại Việt Nam.

“Để nêu cao sức mạnh bất diệt của linh hồn kiến trúc của một đất nước thì không có nơi nào tốt hơn Việt Nam”, đó là phát biểu của KTS Vassilis Sgoutas, khi là chủ tịch Liên hiệp Hội KTS thế giới (UIA) trong hội thảo “Toàn cầu hóa và bản sắc trong kiến trúc” do Hội KTS Việt Nam tổ chức tháng 9/2001. Phát biểu đó có thể có phần khích lệ các KTS Việt Nam, nhưng hoàn toàn có cơ sở thực tế. Nếu các KTS Việt Nam thấu hiểu kiến trúc truyền thống và những tinh hoa trong văn hóa của đất nước mình, không ngừng nâng cao năng lực và bản lĩnh sáng tạo thì hoàn toàn có thể kế thừa những giá trị truyền thống, tạo lập nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc.

KTS Lê Thành Vinh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)