Tích hợp các yếu tố bản địa trong thiết kế bệnh viện hiện đại tại Việt Nam

Bệnh viện (BV) thuộc loại hình công trình công cộng có tính đặc thù, phần vỏ xây dựng cùng với hệ thống trang thiết bị và nhân lực y tế là 3 yếu tố chính quyết định thành bại trong việc khám và điều trị bệnh cho con người. Đây cũng là thể loại có tính quốc tế hóa cao lại yêu cầu khắt khe về mặt công nghệ. Khi thiết kế, ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn quy phạm ngành nếu không nghiên cứu đầy đủ để dung hòa các yếu tố bản địa gồm các khía cạnh bản sắc văn hóa phong tục tập quán, khía cạnh tự nhiên sinh khí hậu, dễ dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc và khó lường. Kenzo Tange, một trong những KTS hàng đầu thế giới trong thế kỷ 20 đã quan niệm về truyền thống: “Các tác phẩm sáng tạo trong thời đại chúng ta phải được thể hiện như một sự hợp nhất của công nghệ và tính nhân bản. Vai trò của truyền thống như chất xúc tác, là sự thúc đẩy một phản ứng hóa học, nhưng không thể tìm thấy trong kết quả cuối cùng”. Ken Yeang, KTS nổi tiếng châu Á đầu thế kỷ 21 cũng đưa ra tuyên ngôn về yếu tố tự nhiên: “Phát triển không chỉ để bảo tồn những gì được để lại mà phải đảm bảo sự tồn tại lâu dài của sinh quyển như một tổng thể”. KTS Trần Đình Quyền – một trong số ít chuyên gia thiết kế BV hàng đầu của Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20 cũng đã thể hiện một tầm nhìn sâu sắc: Năm 1960, ông được UNICEF cấp học bổng đi tham quan các bệnh viện tại Mỹ trong 6 tháng để nâng cao năng lực thiết kế, sau 1 tháng, khi UNICEF hỏi có học được nhiều điều để mang về Việt Nam áp dụng hay không, ông đã đáp lại: “Những gì tôi học được ở Mỹ chỉ là con số 0, bởi vì tôi thấy BV Mỹ quá tốt, quá hiện đại và quá khác biệt để có thể áp dụng vào điều kiện Việt Nam”. Ý kiến này đã cho thấy khá rõ mức độ, quan trọng của yếu tố “bản địa” trong thiết kế BV.

Bệnh viện Xanh – Pôn thời Pháp thuộc
Bệnh viện Nhi Đồng 2 thời Pháp thuộc
Bệnh viện Vì Dân – KTS Trần Đình Quyền

Các yếu tố bản địa liên quan đến thiết kế bệnh viện có thể hợp thành từ một số nội dung cơ bản:

  • Phong tục, tập quán: Ảnh hưởng chính đến bố trí mặt bằng công năng và tính toán diện tích sử dụng. Càng chú trọng yếu tố này thì sử dụng càng tiện ích và chất lượng. Cần bắt đầu tổ chức quy hoạch toàn thể đến cấu trúc mọi khoa phòng, bộ phận trong từng hạng mục công trình, quan trọng nhất là khối khám bệnh và khối điều trị nội trú (Riêng khối cận lâm sàng thì nội dung này ít tác động hơn).

Xuất phát điểm là do ở Việt Nam từ xưa đã hình thành tập tục khi có một người đi khám điều trị sẽ có một lượng “người nhà” đồng hành. Cần có diện tích chỗ ngồi và di chuyển tăng thêm cho bộ phận này, bệnh nhân nội trú hầu như đều có ít nhất một người nhà, ở chăm sóc suốt 24/24 giờ mỗi ngày.

  • Bản sắc văn hóa góp mặt trong tổ chức hình thái kiến trúc: Là “chất xúc tác trong phản ứng hóa học” tạo lập hình ảnh thẩm mỹ bền vững, đặc thù loại công trình gắn với khai thác đặc sắc vùng miền, hướng tới hòa nhập tổng quan kiến trúc. Kết hợp với sáng tạo theo hướng bứt phá, làm nhòa hình ảnh “mặc định” kiến trúc BV, mang đến thông điệp mới về cảm nhận là “khách sạn nghỉ dưỡng”, là “công viên giải trí”… nhằm giải tỏa tâm lí người bệnh, và giảm áp cho đội ngũ y tế.

Đối với thể loại công trình có ngôn ngữ tạo hình quốc tế hóa phổ cập như BV, khai thác được yếu tố văn hóa đậm đà càng góp phần hình thành nền kiến trúc có giá trị riêng không bị trộn lẫn, hòa tan.

  • Các yếu tố sinh khí hậu: Thực tế, các điều kiện về tự nhiên có tác động trực tiếp rất lớn và vô cùng quan trọng đối với vấn đề sắp xếp hợp chuẩn mặt bằng, tổ chức hướng – lớp giao thông, tạo lập tiện nghi sử dụng, cân bằng hiệu suất hoạt động, thấu đáo bài toán kinh tế. Bền vững an toàn gắn với thẩm mỹ và tuổi thọ công trình.

Khi thiết kế công trình, ứng biến được càng sâu rộng vấn đề này càng có cơ hội tạo ra sản phẩm tối ưu hội tụ từ nhiều mặt. Nếu giải quyết hời hợt hoặc không toàn diện sẽ để lại những di chứng tệ hại trong suốt vòng đời vận hành của công trình.

  • Thiết chế quốc gia về tổ chức mô hình và phương thức quản lý vận hành mô hình khám chữa bệnh ở Việt Nam phân chia thành 3 loại bệnh nhân: Ưu tiên – khám chữa theo yêu cầu – phổ thông, ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức, phân định mặt bằng. Về thể loại, BV công đòi hỏi diện tích khu hành chính, vận hành khám và cận lâm sàng lớn hơn nhiều so với BV tư. Ngược lại, tiêu chuẩn khu điều trị nội trú lại bó hẹp và ít riêng tư hơn. Cơ chế tính vốn đầu tư cũng không thể bỏ qua với các nhà thiết kế. Cách triển khai bảo hiểm y tế cũng có liên đới. Yêu cầu và cách thức phòng chống dịch bệnh tại BV Việt Nam cũng cần được cập nhật.

Trong thế kỷ 20, giai đoạn đầu BV ở Việt Nam đã được thiết kế xây dựng theo mô hình Pháp, sau đó là theo mô hình Mỹ – Nhật (ở phía Nam) và mô hình Liên Xô – Các nước XHCN và một số nước khác (ở phía Bắc), đồng thời cũng đã có một số bệnh viện quy mô nhỏ do KTS Việt Nam thiết kế.

Bệnh viện Bạch Mai – KTS Nguyễn Vũ Hưng
Bệnh viện Gia Định – Xây dựng thời Mỹ Ngụy – nửa cuối thế kỷ 20
Bệnh Viện Nhi Trung Ương tại Hà Nội – do Thụy Điển thiết kế vào nửa cuối thế kỷ 20

Hệ thống BV Pháp thiết kế xây dựng ở Việt Nam, điển hình là các BV Đồn Thủy (hôpital Lanessan), Bạch Mai (hôpital René robin), Việt Đức (hôpital Indigène du protectorat), Xanh Pôn (hôpital Saint Paul) tại Hà Nội và BV Nhi đồng 2 (hôpital Militare), Chợ Rẫy (hôpital Muricipal de cho lon)… tại Sài Gòn. Với mô hình chung là cấu trúc phân tán, các khu – khoa chữa bệnh thành từng khối, rải khắp nơi, nối với nhau bằng những hành lang có mái che, khu bác sĩ y tá riêng biệt với bệnh nhân. Thuốc men vật phẩm y tế, thức ăn được chuyển đến bệnh nhân hoặc bệnh nhân muốn khám tổng quát đều phải đi bộ rất dài. Các yếu tố bản địa ở đây thực ra đã giải quyết được một phần. Đó là tạo đựơc sự gần gũi thân thuộc với cảnh quê nhà cho bệnh nhân, có nhiều chỗ tạm trú cho người nhà. Tổ chức không gian sân vườn đan xen giữa các khối cùng với hình thức kiến trúc mái dốc cũng đã tạo lập được sự tương đồng về văn hóa xứ nhiệt đới. Tuy nhiên, về mặt vận hành việc kịp thời đáp ứng còn nhiều bất tiện. Ngoài ra, còn lãng phí về đất đai và hệ thống kỹ thuật.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 – Hà Nội (Mặt bằng quy hoạch tổng thể)
Phối cảnh toàn thể
Mặt bằng tầng 1 của khối nhà chính
Giai đoạn 1 – đã xây dựng

BV xây dựng theo mô hình Mỹ và Liên xô và các nước khác nửa cuối thế kỷ 20 đã hiện đại hơn nhiều. Các khối được tập trung gần nhau với lý luận: Đội ngũ y tế di chuyển càng ít, bệnh nhân được phục vụ càng chu đáo, hệ thống trang thiết bị càng tập trung, việc điều trị càng kịp thời, mạng kỹ thuật vận hành tối ưu… Tuy nhiên, còn một số không ít loại BV giống như người mặc áo đông giữa mùa hè với thiết kế liền khối kín mít và phải sử dụng ánh sáng đèn, điều hòa 100% thời gian. Hình khối kiến trúc cơ bản còn đơn điệu nặng nề tỏ ra lạc lõng giữa vùng bản địa thoáng mở. Người Việt với tập quán “đồng cam cộng khổ” cùng người bệnh đông đúc hành trình trong các hộp kín đó trở nên ngột ngạt. Các BV này cũng chưa đề cập rõ rệt sự ảnh hưởng thiết chế quốc gia và bản sắc văn hóa đích thực.

Với các BV do KTS Việt Nam thiết kế, giai đoạn này đã có nhiều tìm tòi dung hòa tính bản địa và yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, do cập nhật về công nghệ chuyên sâu còn hạn chế, chưa đặt ra đầy đủ bài toán cần giải quyết tương tác nên các thiết kế này phần lớn cũng chưa nhiều thành công. Ngoại trừ tác phẩm của một số KTS hàng đầu về thiết kế BV, như BV Vì Dân của KTS Trần Đình Quyền hoặc BV Bạch Mai của KTS Nguyễn Vũ Hưng…

Những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, các BV quy mô lớn tại Việt Nam phần nhiều là do các KTS nước ngoài thực hiện. Các thiết kế này về mặt công năng và đảm bảo kỹ thuật cho hoạt động chuyên sâu đã đáp ứng tốt theo chuẩn mực quốc tế, hầu hết đều ngang bằng hoặc hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Mức độ hiện đại đã tương đương với các BV tiên tiến tại các nước phát triển y học hàng đầu khu vực và thế giới. Nhưng do nhiều yếu tố liên quan đến bản địa chưa đưa vào thành căn cứ tính toán ngay từ đầu, dẫn đến tính phù hợp còn những mặt hạn chế. Đơn cử như một vài BV hạng đặc biệt và hạng một vừa xây dựng xong: Thiết kế công nghệ khám điều trị rất chuyên nghiệp hiện đại, tiện nghi giường bệnh ở mức 4~5 sao với quy trình điều trị – chăm sóc chuẩn mực; hệ thống kỹ thuật hoàn hảo, an toàn và vệ sinh môi trường rất tốt. Tuy vậy, việc đáp ứng ở lại chăm sóc của người nhà bệnh nhân chưa có giải pháp cụ thể. Khả năng ứng phó dịch bệnh, thảm họa cũng còn mức độ, nhất là nếu cần cách ly, khoanh vùng. Hệ thống điều hòa – chiếu sáng hoạt vận suốt ngày đêm cho tuyệt đại đa số các loại phòng cũng chưa khai thác đầy đủ đặc điểm tích cực của vùng khí hậu nhiệt đới. Các cửa đi cửa sổ không thiết kế lớp ô văng logia che nắng chiếu, vì vậy phải đóng kín thường xuyên, việc trao đổi thoáng khí tự nhiên cũng bị hạn chế.

Với các cơ sở đó, kết hợp tìm hiểu mô hình ở nhiều nước, có thể đi đến nhận định: Việc đưa các yếu tố bản địa vào từ đầu để cùng tham chiếu thiết kế xây dựng các BV hiện đại cho hiện tại và tương lai là rất cần. Việt Nam là đất nước với phong tục tập quán đặc sắc đa dạng, mang tính vùng miền rõ nét, có các đặc điểm sinh khí hậu nhiệt đới phong phú đặc trưng, một thể chế chính trị minh bạch – dân chủ – kỷ cương, thì điều này càng có ý nghĩa, nhất là trong thời kỳ chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền kiến trúc theo hướng dân tộc hiện đại với các tiêu chí ưu tiên phát triển xanh – sinh thái – bền vững.

Cụm bệnh viện 175 hạng 1 – TP HCM (Mặt bằng tổng thể)
Bệnh viện 1200 giường với giải pháp xanh toàn diện và mặt đứng linh hoạt
Bệnh viện chấn thương chỉnh hình – Mặt bằng mái khối kỹ thuật nghiệp vụ – diện tích dự phòng phát triển bệnh viện dã chiến chống thảm họa dịch bệnh (là sân thư giãn thường ngày của bệnh nhân
Bệnh viện chấn thương chỉnh hình đã xây dựng xong

Các giải pháp nền tảng về mặt bản địa cần được xem xét, nghiên cứu, tích hợp vào thiết kế kiến trúc bệnh viện tại Việt Nam có thể hình dung cơ bản là:

  • Về bản sắc văn hóa phong tục tập quán:
    • Tính toán để bố trí ngay từ đầu việc tạo chỗ “hợp pháp” cho người nhà bệnh nhân tại khu vực khám, khu vực phụ trợ khối cận lâm sàng, khu vực điều trị nội trú kể cả việc nghỉ lại qua đêm trông bệnh nhân tại các khoa điều trị;
    • Dự trù trước các bộ phận, diện tích có khả năng dồn dịch chống thảm họa dịch bệnh khi tình huống xảy ra. Ngoài tính toán sẵn “một lượng dung sai ít lãng phí nhất” trong BV kiên cố (nên kết hợp làm khu giải trí thư giãn tập trung trong nhà thường ngày cho bệnh nhân), giải pháp lập “BV dã chiến tại chỗ” để tăng cường điều trị có nhiều lợi thế nhất, vì sẽ kết hợp được ngay và luôn trang thiết bị – nhân lực và các khu điều trị chuyên sâu đúng tiêu chuẩn có sẵn. Phương án hiệu quả kép là chuyển đổi chức năng tức thì “khách sạn đa cấp phục vụ người nhà bệnh nhân” (loại hình này theo tập quán nhân bản Việt Nam là rất thiết thực, hiện nay có nhu cầu rất cao nhưng chưa được tính đến khi quy hoạch xây dựng BV, cần đưa vào thành hạng mục độc lập, xây dựng đồng thời cùng BV với nguồn vốn mở, quy mô khoảng 30~50% giường bệnh là thích hợp).
    • Bố trí thỏa đáng dịch vụ giải trí thư giãn cho bệnh nhân: Cả trong nhà và ngoài trời với các vườn hoa, các khu thể thao, các khu đọc sách nghỉ ngơi, khu giao tiếp cộng đồng… Đây cũng là thể hiện bản sắc văn hóa luôn sống gần gũi với thiên nhiên của người Việt, góp phần tạo lập kiến trúc xanh đối với loại hình BV;
    • Linh hoạt cách tính và phân bố diện tích từ tiêu chuẩn hiện hành: Loại bỏ các bộ phận thừa dùng cho bệnh nhân tại các khoa, khoảng 1/3 của bộ phận hành chính khoa, các phòng chuẩn bị, phụ trợ, phục vụ, trực, đón tiếp….bổ sung bộ phận và diện tích thiếu tại các khu vực khám, đợi, các phòng chờ cận lâm sàng, các phòng dự trù bố trí thiết bị mới;
    • Thiết kế với giải pháp ít cố định bó cứng từ tổ hợp khối cho đến ngăn chia tường, vách bên trong, để khi cần có thể linh hoạt chuyển đổi không gian chức năng, mở rộng quy mô. Sử dụng vật liệu nhẹ cách âm cách nhiệt tốt, chống nhiễm khuẩn ngăn chia chủ đạo, thay đổi sử dụng nhanh, không làm gián đoạn hoạt động. Modul hóa càng nhiều càng tốt, hệ thống kỹ thuật đầu cuối ít đặt âm tường mà kiểu trạm kéo, thả rút đổi nhanh chóng. Hạ tầng kỹ thuật bên ngoài và trong nhà dạng mở đáp ứng công năng kịp thời, có thể chuyển đổi ráp nối thuận tiện. Quản trị vận hành áp dụng mô hình Amip (Amoeba Managent), cách quản lý vươn tới hiện đại.
    • Về mặt thẩm mỹ: Xuất phát từ “Công năng quyết định hình thức”, hướng đến hình thái nhẹ nhàng thanh thoát trên cơ sở liên kết tổng thể đến chi tiết với các giải quyết hiệu quả vấn đề sinh khí hậu cho công trình. Với loại hình BV khác nhau xác lập hình thái thẩm mỹ đa dạng. Chuyển đổi tư duy “tạo vỏ” từ ngôn ngữ “đặc thù” sang “biến hóa” trong tạo lập ý tưởng;
    • Về vật liệu: Các loại vật liệu truyền thống Việt Nam thường có nguồn gốc tự nhiên, ít tạo ô nhiễm, tuy nhiên lại tỏ ra ít thích hợp với các tiêu chuẩn công trình BV trừ các công trình phụ trợ và hạ tầng. Do đó cần sử dụng các loại vật liệu công nghiệp là chính, phù hợp với cách thức Việt Nam, càng thân thiện môi trường, tương đồng vật liệu truyền thống càng tốt.
  • Về ứng xử với các yếu tố về sinh khí hậu:
    • Điều tiết hợp lý thông gió, thoáng khí và ánh sáng tự nhiên, giảm bớt nung đốt bức xạ mặt trời mùa nóng tăng cường sưởi ấm vào mùa lạnh, đón gió mát tự nhiên vào mùa hè và ngăn được gió buốt giá vào mùa đông, ưu tiên bố trí nhà hướng Nam – cận Nam cho khối bệnh phòng. Đối với các nhà khu điều trị phổ thông, khu khám điều trị ngoại trú, khu cận lâm sàng thì cần nắng chiếu vào nhiều và có thể đặt các hướng tự do. Tạo không gian đệm nhiều lớp, mái che, tường thoáng, thanh chớp nhằm phủ bóng rộng xuống các mặt nhà bị hướng nắng chiếu, mưa hắt trực diện. Không tổ chức hành lang giữa nhiều lớp nhất là đối với các khối bệnh phòng nội trú;
    • Quy hoạch mặt bằng xếp thứ tự công trình từ sạch sang bẩn thuận chiều gió chủ đạo, đặt nguồn lây nhiễm cuối hướng gió và tạo khoảng cách an toàn tương ứng trong nội bộ và các khu lân cận ngoài hàng rào. Cùng với đó là phân luồng sạch bẩn và bố trí phân khu trong BV theo nguyên tắc 3 vùng 2 kênh;
    • Sử dụng các vật liệu thân thiện, giảm thiểu phát thải các bon và các loại khí bất lợi để không trở thành gánh nặng cho môi trường xung quanh, góp phần giải quyết tốt hòa nhập với thiên nhiên môi cảnh khu vực. Thải nhiệt của vỏ nhà, thải hơi bẩn của bệnh viện cần được loại bỏ bằng giải pháp tự nhiên tối đa. Tận dụng năng lượng tự nhiên đi đôi với giảm bớt dùng năng lượng nhân tạo càng nhiều càng tốt;
    • Tổ chức hài hòa khoảng xanh sinh thái không chỉ ở mặt bằng nằm ngang, mà hãy xem mặt đứng ngôi nhà như là một “mặt bằng” quy hoạch với các đường ngang ngõ dọc được khoét rỗng, đắp nổi hình thành tuyến – mảng xanh để tận dụng tối đa những yếu tố có lợi trong cải thiện hữu hiệu sinh khí hậu bản địa ở Việt Nam.
  • Về thiết chế quốc gia và cơ chế quản lý:
    • Đối với hình thức khám chữa bệnh, cần thiết kế ngay từ đầu phân tách luồng ưu tiên, luồng theo yêu cầu và luồng phổ thông với các nhánh có bảo hiểm và không có bảo hiểm. Việc cấp hay bán thuốc theo đó cũng được tổ chức hài hòa. Các dịch vụ khác dạng “chợ siêu thị” cũng là một vấn đề cần xem xét ở BV Việt Nam;
    • Đối với loại hình BV, phân biệt rõ hai loại hình (BV công và tư) để có cách tổ chức mặt bằng và đưa bộ phận diện tích vào khác nhau. Việc tuân thủ tiêu chuẩn quy phạm cả hai loại hình đều phải đáp ứng. Tuy nhiên, với BV tư, việc áp dụng là hết sức linh hoạt. Thông thường, khối bệnh phòng BV tư tăng hơn BV công khoảng 30% diện tích. Trong khi đó khối khác lại ít hơn khoảng 20~25% diện tích;
    •  Khu tang lễ trong bệnh viện cũng có đặc điểm rất khác nhau ở vùng miền Việt Nam. Thời gian tang lễ phía Nam dài hơn phia Bắc rất nhiều. Do đó khi thiết kế khu này phía Bắc cần diện tích khuôn viên rộng, nhà tang lễ diện tích lớn, nhưng số lượng tại từng bệnh viện không cần nhiều. Ở phía Nam thì ngược lại.

Thay lời kết

Loại hình BV trong kiến trúc công trình công cộng đã hiện hữu và luôn được các KTS trên thế giới trăn trở tìm tòi giải pháp phù hợp từ những thế kỷ trước. Ở Việt Nam, loại hình này cũng đã được hình thành và có những thiết kế chính thống từ thời Pháp thuộc. Với đặc thù là phần vỏ xây lắp dường như luôn phải bắt nguồn từ việc “áp vừa” phần ruột công nghệ, trong khi công nghệ thì luôn biến đổi khiến cho việc thiết kế vừa có tính mô phạm, khuôn mẫu vừa phải vận dụng sáng tạo. Vì vậy, nếu tích hợp được thêm những yếu tố bản địa nhuần nhuyễn và dự định được tương lai theo mô hình Amip (biến đổi bất kỳ) sẽ nhiều cơ hội tạo nên các tác phẩm kiến trúc hiện đại vươn tầm quốc tế mà vẫn đậm đà bản sắc, thích dụng và hợp túi tiền cho Việt Nam. Tất nhiên cùng với điều đó phải là sự tuân thủ đầy đủ, linh hoạt tiêu chuẩn quy chuẩn quy phạm về lĩnh vực xây dựng và của chuyên ngành y tế.

*TS.KTS Phan Đăng Sơn – Hội KTS Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2020)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  • Franz Labryga, Philipp Meuser. General hospital and Clinic Center – 2006;
  • Paul Giran: Tâm lý người An Nam – Nhã Nam và nhà xuất bản hội nhà văn 2010;
  • Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục – Nhã Nam và Nhà xuất bản Hồng Đức 2012;
  • Hội KTS Việt Nam: Nửa thế kỷ Kiến trúc Việt Nam – Nhà Xuất bản Thời đại – 2010;
  • Viện Nghiên cứu Kiến trúc. Kiến trúc và Khí hậu nhiệt đới Việt Nam – Nhà Xuất bản BXD/1997;
  • Phạm Đức Nguyên. Kiến trúc sinh khí hậu Nhà Xuất bản BXD 2002;
  • https://VNexpress.net/ những giải pháp công nghệ cao thay thế vật liệu truyền thống;
  • Phan Trường Giang – Ông KTS chuyên thiết kế BV;
  • Trần Thanh Ý – Thiết kế BV dưới góc nhìn tiêu chuẩn hóa;
  • Huỳnh Bảo Tuấn – Thiết kế BV -Thiết kế đặt trung tâm vào sự thay đổi được, “biến hình nhanh chóng với chi phí thấp nhất”
  • Hà Quang Hùng – Thực trạng kiến trúc BV Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế;
  • Nguyễn Trọng Quỳnh – Kiến trúc BV với các yếu tố tác động.