Tiềm năng và định hướng bảo tồn Khu trung tâm Hòa bình – Đà Lạt

Được hình thành từ khoảng nửa đầu thế kỷ 20, Khu Trung tâm Hòa Bình là một trong nơi định cư đầu tiên của người Việt tại Đà Lạt. Sự kết hợp giữa những giải pháp quy hoạch kiến trúc của người Pháp và kiểu nhà phố đặc trưng của người Việt trên địa hình dốc đã tạo nên một khu vực trung tâm sống động với hình thái kiến trúc cảnh quan độc đáo khác hẳn các thành phố khác của Việt Nam. Từ điểm nhìn định cư, bài báo phân tích mô hình định cư của thành phố Đà Lạt, từ đó tập trung đánh giá tiềm năng bảo tồn và đề xuất định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của Khu trung tâm Hòa Bình – một trong những địa điểm lưu giữ nhiều ký ức đô thị của thành phố trên cao nguyên này.

Mô hình định cư trên cao nguyên

Trong khi phần lớn các đô thị truyền thống ở Việt Nam nằm ở vùng đất thấp, gần các con sông lớn thì sự xuất hiện của Đà Lạt – thành phố trên cao nguyên thật đặc biệt. Trước hết, đó là một thành phố được xây dựng do ý chí của thực dân Pháp, với mục tiêu trở thành trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Đó cũng là thành phố được xây dựng khá bài bản trên cơ sở các đồ án quy hoạch cụ thể, với định hướng phát triển rõ ràng. Từ điểm nhìn định cư, cũng giống như các đô thị khác, sự hình thành của Đà Lạt phụ thuộc vào các yếu tố gốc là nguồn tài nguyên, phương thức khai thác tài nguyên, phương thức giao thông đối ngoại và quản trị, tổ chức sống [5], [6] (hình 1).

Nguồn tài nguyên: Tài nguyên quí giá nhất của Đà Lạt khiến bác sĩ Yersin quyết định đề xuất lựa chọn Đà Lạt trở thành nơi nghỉ dưỡng chính là điều kiện khí hậu và cảnh quan thiên nhiên. Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi cao và rừng cây xanh mát, Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh quan tươi đẹp. Đây cũng là nơi có nguồn nước dồi dào, có thổ nhưỡng thuận lợi cho sự phát triển của các giống cây trồng phong phú, kể cả các loại cây ôn đới. Hơn nữa, không giống với phần lớn các mô hình định cư khác, ngay từ khi tạo lập Đà Lạt đã có sẵn một nguồn tài nguyên nhân văn quí giá là các bản làng dân tộc Lạch và Chill với nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc và phong phú.

Phương thức khai thác tài nguyên: Ngay từ khi mới tạo lập, Đà Lạt đã được xác định là đô thị nghỉ dưỡng, là “thủ đô mùa hè” với các hoạt động dịch vụ đi kèm. Đây là điều hoàn toàn khác với các đô thị của Việt Nam được hình thành trước đó, vốn chủ yếu là các khu phố thị gắn bó chặt chẽ với phần đô ở bên cạnh. Hướng tới phương thức khai thác tài nguyên đó, người Pháp đã từng bước xây dựng Đà Lạt thành một thành phố biết nương mình vào điều kiện tự nhiên để tồn tại. Rất ít thấy sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên, mà ngược lại cảnh quan thiên nhiên được nâng niu và làm giàu thêm để phục vụ cho con người. Ngay cả các công trình kiến trúc – sản phẩm nhân tạo cũng tìm được tiếng nói chung với cảnh quan để cũng nhau tôn thêm giá trị của địa điểm. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cũng được khai thác để trồng các loại rau và hoa quả phục vụ cho nhu cầu không chỉ ở Đà Lạt mà cả ở tận Sài Gòn, Hà Nội.

Phương thức giao thông đối ngoại: Thời phong kiến, các đô thị miền núi ít được quan tâm phát triển bởi giao thông cách trở, khó tiếp cận cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Khu vực thành phố Đà Lạt ngày nay cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên với tiềm lực kinh tế và trình độ kỹ thuật cao, những trở ngại về giao thông đã được người Pháp hạn chế đáng kể bằng cách thiết lập tuyến đường bộ, đường sắt và cả đường hàng không tới Đà Lạt. Cùng với sự tôn trọng địa hình đồi núi, việc không quá phụ thuộc vào các dòng chảy tự nhiên khiến Đà Lạt có hình thái cấu trúc rất khác so với các đô thị khác ở Việt Nam.

Quản trị, tổ chức cuộc sống: Theo các bản đồ quy hoạch, các KTS Pháp dự kiến phân chia Đà Lạt thành 2 địa điểm cư trú riêng biệt, khu vực phía Bắc suối Cam Ly dành cho cư dân Việt, và phía Nam dành cho cư dân Pháp. Tuy nhiên, việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn tới các đề xuất quy hoạch không được thực hiện triệt để. Nhiều người Việt âm thầm đến sinh sống ở khu vực phía nam để dần hình thành các ấp Xuân An và Tân Lạc [3]. Trong khi đó các cư dân gốc bản địa (người Lạch, người Chil) – chủ nhân của vùng đất này ít được tham gia vào các hoạt động đô thị và dần dần trở nên “thiểu số” ngay trên quê hương của mình.

Cùng với sự mai một của nguồn tài nguyên nhân văn gốc là cư dân bản địa và văn hóa của họ, trải qua một thời gian tương đối ngắn, Đà Lạt đã dần bổ sung được những tài nguyên nhân văn mới có giá trị (hình 2). Về vật thể, đó là các không gian kiến trúc quy hoạch mang đậm ảnh hưởng của Châu Âu và nhất là nước Pháp – biết tôn trọng và nương tựa vào thiên nhiên, với các công trình kiến trúc công cộng độc đáo và các ngôi biệt thự đa dạng về kiểu cách, gắn bó một cách hài hòa với khung cảnh tự nhiên và khai thác được tinh thần của kiến trúc bản địa. Đó còn là những không gian đặc trưng của người Việt ở khu ấp Ánh Sáng và khu Hòa Bình, là những làng hoa chuyên canh nổi tiếng như làng hoa Hà Đông, làng hoa Thái Phiên, làng hoa Vạn Thành… – những làng hoa đã góp phần để Đà Lạt trở nên nổi tiếng với danh hiệu “Thành phố ngàn hoa”. Về mặt phi vật thể, sự đan xen của nhiều lớp dân cư đến từ các vùng quê khác nhau trong một khoảng thời gian không dài đã hình thành nên phong cách người Đà Lạt “có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà thành mà không phải Hà thành, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi…” khiến bản sắc con người Đà Lạt trở nên dễ cảm nhận và phân biệt” [1].

Từ quan điểm định cư bền vững, một mô hình định cư sẽ cân bằng nếu có sự ổn định của các yếu tố gốc làm cơ sở cho sự tồn tại của mô hình định cư đó [5]. Tuy nhiên, đối với Đà Lạt, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển những yếu tố gốc đã có nhiều thay đổi.

Trong khi phương thức khai thác tài nguyên vẫn chủ yếu là du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng và trồng rau và hoa thì nguồn tài nguyên đã có thay đổi. Những số liệu quan trắc cho thấy, khí hậu Đà Lạt đang nóng lên. Ngoài những nguyên nhân mang tính toàn cầu, chắc hẳn sự nóng lên này còn bởi quá trình đô thị hóa với sự gia tăng nhanh chóng của khối xây và nạn chặt phá rừng… Bên cạnh đó, môi trường cảnh quan của Đà Lạt cũng đã có nhiều biến đổi. Quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát làm Đà Lạt mất nhiều thảm thực vật quý giá, đặc biệt là rừng thông. Sự phát triển thiếu định hướng của nghề trồng hoa, trồng rau cũng có tác động xấu tới cảnh quan và môi trường.

Không chỉ nguồn tài nguyên tự nhiên, mà cả nguồn tài nguyên nhân văn cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều ngôi biệt thự tuyệt đẹp bị hoang phế, xuống cấp, thậm chí bị hủy hoại. Khu trung tâm Hòa Bình và chợ Đà Lạt bị biến dạng và phá vỡ cấu trúc. Nhiều công trình mới mọc lên không ăn nhập với cảnh quan… Cần lưu ý rằng sự biến đổi của nguồn tài nguyên – yếu tố gốc cơ bản cho sự tồn tại của một mô hình định cư, về lâu dài sẽ gây tác động bất lợi cho mô hình định cư đó, thậm chí khiến nó phải thay đổi phương thức khai thác tài nguyên để có thể tiếp tục tồn tại [6].

Khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt và tiềm năng bảo tồn

Hình 3: Khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt và các giai đoạn phát triển kiến trúc (Nguồn: Vũ Quỳnh Như)

Khu trung tâm Hòa Bình có vị trí khá đắc địa, nằm giữa 2 yếu tố phong thủy quan trọng bậc nhất của Đà Lạt là đồi Dinh và hồ Xuân Hương. Nó bao gồm khu rạp Hòa Bình, khu chợ Đà Lạt và các dãy nhà phố lân cận (hình 3). Thời Pháp thuộc, khu vực này dành cho người Việt – đối trọng với “khu phố Tây” ở Nam suối Cam Ly. Từ điểm nhìn định cư, khu trung tâm Hòa Bình có thể được coi là tài nguyên nhân văn của Đà Lạt với lối tổ chức không gian tầng bậc và sự hiện diện của các công trình kiến trúc giá trị đặc trưng cho các giai đoạn phát triển của thành phố. Nổi bật trong số đó là chợ Hòa Bình cũ (nay là rạp Hòa Bình) do KTS Pineau thiết kế (Rạp Hòa Bình là một trong những kiến trúc đầu tiên trong khu vực đóng vai trò điểm mốc, lưu giữ ký ức đô thị), là hệ thống bậc cấp và chợ Đà Lạt với những dấu ấn của KTS Ngô Viết Thụ, là các dãy nhà phố xung quanh rạp Hòa Bình đặc trưng cho lối sống và tinh thần Việt. Các kiến trúc này kết nối với nhau qua các không gian liên kết – nơi diễn ra các hoạt động phố phường nhộn nhịp, tương phản hoàn toàn với khu phố tây. Từ trước đến nay, khu trung tâm Hòa Bình luôn là khu vực có sức sống mạnh mẽ nhất của Đà Lạt. Không phải vô cớ mà khu vực này trước đây thường xuyên được lưu lại hình ảnh trong ống kính của các nhà báo hay nhiếp ảnh (hình 4).

Hình 4: Một số hình ảnh về Khu trung tâm Hòa Bình (Nguồn: sưu tầm trên Internet)
Bảng 1: Đánh giá tiềm năng bảo tồn khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt

Sử dụng phương pháp do Nahoum Cohen đề xuất [2], [4] để đánh giá tiềm năng bảo tồn của khu trung tâm Hòa Bình giai đoạn trước khi bị biến dạng (khoảng cuối những năm 1980 trở về trước) và giai đoạn hiện nay, chúng ta có được bảng đánh giá sau:

Phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn giúp chúng ta xác định được tiềm năng bảo tồn của Khu trung tâm Hòa Bình giai đoạn trước và sau khi bị biến dạng như hình 5 và hình 6 dưới đây:

Có thể dễ dàng nhận thấy, Khu trung tâm Hòa Bình đã từng có tiềm năng bảo tồn khá cao, lên tới 75% do những giá trị kiến trúc và đô thị đa dạng mà nó mang lại cho Đà Lạt. Tuy nhiên, tiềm năng đó đã bị suy giảm nhanh chóng, hiện chỉ còn 54%. Chỉ số này nói lên rằng: Khu trung tâm Hòa Bình vẫn còn tiềm năng bảo tồn (>50%), nhưng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nếu không có những giải pháp phù hợp, Đà Lạt có thể sẽ vĩnh viễn mất đi một trong những tài nguyên nhân văn quý giá của mình trong tương lai không xa.

Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị

Với những giá trị và tiềm năng như đã được phân tích trên đây, Khu trung tâm Hòa Bình xứng đáng được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Trên quan điểm bảo tồn bền vững cả về văn hóa, kinh tế và môi trường và lấy con người làm trung tâm, định hướng chung cho bảo tồn khu trung tâm Hòa Bình được xác định như trong bảng 2 dưới đây:

Từ định hướng chung đó, có thể nghĩ tới giải pháp mở rộng không gian đi bộ ra phạm vi xung quanh rạp Hòa Bình và các dãy nhà phố thương mại để gia tăng sức hấp dẫn của địa điểm và gắn kết hoạt động của các công trình kiến trúc thông qua các không gian liên kết mở – nơi có thể được phát huy giá trị nhờ các hoạt động văn hóa, thương mại… ngoài trời thích hợp.

Đối với từng công trình/nhóm công trình cụ thể, có thể tham khảo các gợi ý như sau:

1) Khu rạp Hòa Bình:

  • Bảo tồn thích ứng trên cơ sở lưu giữ và phục dựng những yếu tố đặc trưng đã từng làm nên sắc thái tinh thần của địa điểm, trong đó ưu tiên bổ sung những chức năng có thể làm gia tăng giá trị và cảm nhận về địa điểm (ví dụ giao lưu văn hóa, trưng bày ký ức đô thị…), đồng thời ưu tiên việc gắn kết hoạt động của công trình với hoạt động của các dãy nhà phố lân cận;
  • Khôi phục tỷ lệ gốc của rạp Hòa Bình với không gian xung quanh, không gia tăng mật độ và khối tích. Loại bỏ những thành phần và chi tiết kiến trúc làm thay đổi tỷ lệ ban đầu của công trình;
  • Tạo ra cấu trúc không gian mở, hạn chế ngăn chia để gia tăng tương tác với các không gian ngoài trời và kiến trúc xung quanh.

2) Khu chợ Đà Lạt:

  • Bảo tồn một phần mặt đứng công trình khu A theo hình thức kiến trúc của thập niên 1960 – thời điểm đã được KTS Ngô Viết Thụ cải tạo và chỉnh trang, xem xét loại bỏ những thành phần và chi tiết kiến trúc không phù hợp và bổ sung những yếu tố mới;
  • Cải tạo và tổ chức lại không gian bên trong chợ khu A để gia tăng sức hấp dẫn đối với du khách;
  • Cải tạo chỉnh trang khu B và biến đổi chức năng nếu cần thiết;
  • Cải tạo mặt đứng 2 tòa cao tầng mới xây (Đà Lạt Center và tòa chung cư) để hạn chế tác động xấu đến không gian xung quanh: thay đổi màu sắc mặt đứng, trồng cây leo để tạo mặt đứng xanh, trồng cây trên mái…

3) Các dãy nhà phố thương mại

  • Bảo tồn tối đa các thành phần và yếu tố gốc của các dãy nhà phố thương mại phía bên và phía sau rạp Hòa Bình;
  • Cải tạo chỉnh trang mặt đứng các ngôi nhà nhiều tầng mới xây sao cho ít tác động nhất tới cảnh quan khu vực (sử dụng cây xanh trên mặt đứng, không dùng màu sắc tương phản với màu chủ đạo của địa điểm…);
  • Dãy nhà phố thương mại sau rạp Hòa Bình có thể được khai thác thành trung tâm ẩm thực như phố Tạ Hiện, Hà Nội;
  • Thống nhất các quy định về biển quảng cáo trên mặt đứng các ngôi nhà.

Kết luận

Với những giá trị nổi bật về kiến trúc và quy hoạch, thể hiện thái độ ứng xử độc đáo đối với địa hình đồi dốc, nhưng vẫn mang đặc trưng tinh thần Việt, Khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt xứng đáng được coi là di sản đô thị.

Bảng 2: Định hướng bảo tồn bền vững Khu trung tâm Hòa Bình

Trước đây khu vực này đã từng có tiềm năng bảo tồn rất cao (lên tới 75%), nhưng hiện nay tiềm năng bảo tồn đã bị suy giảm nhanh chóng, chỉ còn 54%, và có nguy cơ bị giảm xuống dưới ngưỡng (< 50%) – tức là rơi vào trạng thái không còn giá trị di sản đô thị, nếu không có biện pháp bảo tồn phù hợp.

Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Khu trung tâm Hòa Bình cần dựa trên quan điểm bảo tồn bền vững, bao gồm cả bền vững về văn hóa, bền vững về kinh tế và bền vững về môi trường, trên cơ sở đánh giá toàn diện các nguồn tài nguyên và phương thức khai thác tài nguyên của địa điểm.

*PGS.TS Khuất Tân Hưng
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2019)

————————————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Văn Bảo, 2013. Bản sắc Đà Lạt. http://www.nhandan.com.vn
2. Cohen, N., 1999. Urban conservation. The MIT Press
3. Nguyễn Thái Hai, 2013. Bảo tồn khu vực cổ của thành phố Đà Lạt.
4. Khuất Tân Hưng. Phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị – Lấy Khu phố cổ Hà Nội làm ví dụ nghiên cứu. Tạp chí Kiến trúc số 08/2013
5. Khuất Tân Hưng. Mô hình định cư truyền thống – bảo tồn và phát triển tiếp nối. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 3+4/2015
6. Khuất Tân Hưng. Mô hình định cư nông thôn Việt Nam – nhận diện, quy hoạch phát triển bền vững. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 10/2015

Xem thêm: Đà Lạt đổi mảng xanh khu đất vàng đồi Dinh lấy khách sạn?