Tính đa dạng văn hóa và diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP HCM

Nếu quan niệm xu hướng của các đô thị hiện đại là đa văn hoá- đa dân tộc- đa dân cư, thì có thể nói, Sài Gòn – TP.HCM là nơi hội tụ rõ nét các tiêu chí đa dạng đó trên cả các chiều kích văn hóa vật thể lẫn phi vật thể.

Về tổng thể, thành phố này là kết quả từ sự kết hợp của các hằng số: Vùng đất mới với điều kiện tự nhiên thuận lợi; nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông khu vực và quốc tế; nơi hội tụ của nhiều tộc người; nơi giao lưu và tiếp biến văn hoá có chọn lọc. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển đô thị, sự đa dạng văn hoá tại đây đã được tiếp sức bởi thiết chế xã hội mềm dẻo, cùng với tinh thần cộng đồng cởi mở, khoan dung. [3]

Các nhân tố này đã cô đúc nên tính cách văn hoá Sài Gòn-TP.HCM, với những đặc trưng nổi bật mà đến lượt nó sẽ là định hình nên tính đa dạng cho diện mạo kiến trúc đô thị của thành phố.

Dấu ấn phương tây trong diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP HCM
Phong cách Tân Cổ điển (Nguồn: http://vnxuavanay.wordpress.com)

Tính chất đô thị trong văn hóa

Với lịch sử chỉ hơn 300 năm, SG – TP.HCM có tuổi đời non trẻ so với các đô thị cổ khác ở Việt Nam. Nhưng nếu như hầu hết các đô thị cổ Việt Nam trong lịch sử đều đã trải qua tình trạng bất động kéo dài nhiều thế kỷ trong sức trì kéo dai dẳng của nông thôn, nông nghiệp và nông dân, thì Sài Gòn- TP.HCM đã vận động theo chiều ngược lại. Ngay từ buổi bình minh tạo lập, thành phố này đã luôn luôn tiến bước trong một tiến trình đô thị hoá gia tốc. [1]

Lực đẩy của tiến trình đô thị hoá đó không đơn giản chỉ dựa vào lợi thế từ các tặng vật vô giá của vùng đất mới, của vị trí và thiên nhiên, cũng không khởi nguồn từ một thứ quyền lực cổ điển của phần “đô” do chính quyền chi phối và kiểm soát. Do đó, thành phố không phải chịu sự khống chế toàn diện của phần “đô” như đa số các đô thị cổ khác.

Bản chất đô thị hoá tại TP.HCM chính là kết quả của sức sống và sức hút từ phần “thị”. Mô hình đô thị “từ dưới lên” đó đã ươm mầm cho một quá trình phát triển năng động, đầy thực tiễn, tạo nên nội lực vững vàng về kinh tế để không phải dựa vào thiết chế hành chính như một lý do để tồn tại. Quá trình đó tạo nên vị thế của một đô thị lớn- trung tâm kinh tế, trung tâm giao lưu quốc tế hàng đầu của cả nước. Quá trình đó đã hun đúc, đắp bồi cho thành phố tính chất đô thị rõ nét, hình thành nên cung cách, lối sống thị dân như là một trong những đặc trưng văn hoá nổi bật. [1]

Tính chất cộng đồng đa dạng

Dấu ấn phương tây trong diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP HCM
Phong cách Kiến trúc Đông Dương
Nguồn: http://vnxuavanay.wordpress.com

Quá trình tích tụ tiềm lực của Sài Gòn- TP.HCM luôn được tăng cường bằng sự bổ sung liên tục những đợt di dân từ xa đến, mang theo trong dòng chảy đó tiềm năng của nhiều vùng văn hoá đã có bề dày phát triển cả ngàn năm.

Những cộng đồng đa dạng đến từ mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới (người Kinh, Hoa, Khmère, Chăm, Ấn, Pháp, Âu…), trong quá trình hoà đồng và tương tác để phát triển, đã đóng góp cho thành phố các dấu ấn văn hoá mới trên cái nền văn hoá năng động và cởi mở sẵn có của nó.

Những thế hệ lưu dân tiên phong người Việt đã khởi tạo tính phóng khoáng như một thành tố của lối sống người đi mở đất. Những cộng đồng di dân tiếp nối đã tiếp tục đắp bồi các dáng nét đa dạng của văn hoá bốn phương. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, thành phố tiếp tục là nơi thu hút mạnh mẽ các cộng đồng người nước ngoài đến đầu tư, sinh sống, học tập và làm việc.

Sự phân bố khu vực dân cư của các cộng đồng dân tộc tại TP.HCM không mang tính khép kín, mà là quan hệ mở và có phần giao thoa lẫn nhau trên những không gian có đường viền địa lý không rõ nét.

Trung tâm Chợ Lớn thường được xem là địa bàn của người Hoa, nhưng đây cũng là nơi tập trung nhiều người Việt sinh sống. Các khu cư trú của người Khmere và người Chăm trong quá khứ trên thực tế chỉ là những định danh mang tính biểu trưng tinh thần hơn là những thực thể địa lý nhất định, và chúng luôn hoà lẫn với không gian cư trú của người Kinh. Các không gian đô thị, công trình kiến trúc phong cách Pháp nay đã trở thành di sản, ký ức đô thị của Sài Gòn – TP.HCM.

Tính chất đa tộc người trong văn hoá, mối quan hệ thân thiện giữa các cộng đồng là một tài sản vô giá mà không phải thành phố nào cũng có được. Đó là một trong những yếu tố rất quan trọng làm cho tính chất cởi mở, năng động ngấm sâu vào cơ thể đô thị TP.HCM như một năng lực nội sinh. Do vậy mà thành phố này không bị bó chặt vào những phương thức cũ, mà luôn luôn thể hiện một khả năng nhạy cảm nhất định với các yếu tố mới trong văn hoá. [4]

Tính chất giao lưu, tiếp biến văn hóa

Như là một kết quả tất yếu của tính chất đô thị và đa tộc người trong văn hoá, TP.HCM đã trở thành một cửa ngõ, nơi mở cửa, nơi tiếp nhận và thúc đẩy quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá sôi động nhất Việt Nam. [2]

Nhiều luồng văn hoá của nhân loại đã du nhập vào đây, được con người nơi đây tiếp nhận, cải biến. Và ở chiều ngược lại, tiến trình đó cũng đồng thời đã tạo điều kiện cho con người nơi đây hội nhập với thế giới.

Sài Gòn-TP.HCM có được diện mạo, trình độ phát triển như ngày nay chính là do tác động không nhỏ của việc áp dụng các thành tựu công nghệ – kỹ thuật trong quá trình giao lưu văn hoá, đặc biệt là với văn hoá phương Tây. Đây là một tiến trình giao lưu diễn ra sớm nhất, nhanh nhất và hoàn thiện nhất so với tất cả các vùng miền khác trên cả nước. Trong đó các yếu tố quan trọng là:

  • Tiếp nhận và ứng dụng mô hình quy hoạch – kiến trúc phương Tây vào quá trình phát triển thành phố;
  • Tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội;
  • Tiếp nhận và ứng dụng cách thức quản lý đô thị phương Tây trong công cuộc hiện đại hoá đô thị tại Sài Gòn giai đoạn từ nửa sau thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20. [3]

Thành phố là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng có nguồn gốc nhập cư khác nhau nhưng về căn bản đã không tự đóng kín, mà có xu hướng hoà đồng xuyên qua quá trình thẩm thấu văn hoá. Đó là vì, để có thể thích ứng với môi trường đô thị và thích ứng với các nền văn hoá khác, đặc biệt là văn hoá Việt của tộc người chủ thể, các cộng đồng khác khi hội tụ ở đây đều phải tiếp tục vận động và chuyển hoá. Các truyền thống văn hoá có bề dày lịch sử đã không bộc lộ dưới dạng tái sản xuất nguyên vẹn các nhân tố gốc, mà đã mau chóng biến hoá để thích ứng với môi trường mới. Bản thân TP.HCM, vì vậy, là một tiểu vùng văn hoá đô thị hình thành do hấp thu, tái tạo các luồng ảnh hưởng văn hoá lớn của Việt Nam và thế giới.

Dấu ấn phương tây trong diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP HCM
Nguồn: www.panoramio.com

Diện mạo kiến trúc đô thị đa dạng

Bức tranh tổng thể văn hoá nhiều màu sắc đã là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, và cũng là nhân tố mang tính quyết định làm hình thành nên tính đa dạng trong bức chân dung kiến trúc đô thị tại Sài Gòn – TP.HCM.

Trong bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hoá, thành tựu kiến trúc của các cộng đồng (trong nước và quốc tế) đã hợp thành một tổng thể mà ở đó xu thế kết hợp được thể hiện rõ nét hơn xu thế thuần nhất về phong cách. Bởi lẽ ở đây, các đặc điểm riêng biệt “nguyên gốc” đã liên tục được cải tiến trong quá trình giao lưu với những yếu tố văn hoá khác, trong bối cảnh hội nhập tại một vùng đất luôn có sự nhạy cảm đặc biệt với những nhân tố mới trong kỹ thuật và nghệ thuật. [1]

Các thế hệ tiên phong đã để lại nơi đây những di tích kiến trúc chùa Việt, “chùa” Hoa hàng trăm năm tuổi. Khu vực trung tâm Sài Gòn khắc họa dấu ấn quy hoạch- kiến trúc phương Tây. Các khu phố chợ Cũ, Bến Thành, Bà Chiểu, Chợ Lớn là những nơi chốn lưu giữ ký ức đô thị dân gian phương Đông truyền thống. Điểm xuyết trong bức tranh đó là những khu phố bazaar, các thánh thất Bàlamôn của người Chetty (Ấn độ), thánh đường Hồi giáo, chùa Khmère…

Kiến trúc Pháp tại Sài Gòn có bề dày phát triển với các biểu hiện đa dạng: kiến trúc doanh trại tiên kỳ, phong cách Tân Cổ điển, kiến trúc Chiết trung, phong cách Đông Dương, phong cách Art Deco.

Hành trình kiến trúc Pháp đã thể hiện sinh động tiến trình hội nhập và giao lưu giữa văn hoá Phương Tây với văn hoá bản địa. Phong cách Tân cổ điển ban đầu với những công trình hoành tráng mang tính biểu tượng về cả nghệ thuật lẫn quyền lực nhưng lạc lõng trong khung cảnh văn hóa địa phương. Phong cách kiến trúc Đông Dương đánh dấu sự chuyển hướng về thiết kế, kết hợp yếu tố công năng và kỹ thuật phương Tây với đặc điểm tự nhiên và mỹ thuật bản địa. Phong cách Art Deco phản ánh xu hướng cách tân, hiện đại hoá, góp phần củng cố tính chất đa dạng trong bối cảnh giao lưu văn hoá của thành phố.

Kiến trúc Hiện đại từ sau năm 1954 tiếp tục phản ánh dấu ấn hội nhập của các trào lưu nghệ thuật hiện đại trên thế giới vào diện mạo kiến trúc Sài Gòn đương thời. Nhiều thành tựu kiến trúc mới do đội ngũ KTS Việt Nam thiết kế vừa đáp ứng tốt những nguyên tắc công năng của trào lưu Hiện đại, vừa chủ động chuyển tải sắc thái địa phương, thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương, hình thành nên đặc điểm kiến trúc hiện đại “nhiệt đới hoá”.
Sự kết hợp các nguyên lý thiết kế hiện đại phương Tây với khai thác các đặc trưng văn hoá truyền thống một cách tinh tế đã tạo nên những tác phẩm đáng được trân trọng, góp phần tạo nên sự đa dạng, bổ sung yếu tố thời đại vào chân dung kiến trúc đô thị của thành phố.

Trong thời gian gần đây, nhu cầu phát triển cùng với sự đa dạng nguồn đầu tư đã đẩy mạnh diễn tiến xây dựng tại TP.HCM. Công trình kiến trúc có quy mô và số lượng tăng vọt. Công nghệ, vật liệu xây dựng, công năng sử dụng, hình thức kiến trúc ngày càng đa dạng.

Quá trình này đã đóng góp cho thành phố những công trình, khu đô thị như những điểm nhấn hiện đại hoá, như toà tháp Saigon Financial Tower, khu căn hộ City Garden, khu đô thị Phú Mỹ Hưng …Tuy nhiên với một cách nhìn khách quan thì những dấu ấn như thế là chưa đủ để khẳng định được chất lượng của kiến trúc mới trong diện mạo kiến trúc đô thị thành phố hôm nay.
Nhìn chung phần lớn công trình mới tuy có nhiều biểu hiện đa dạng, nhưng giá trị hình thức chưa tương xứng với quy mô xây dựng. Diễn tiến xây dựng trong những năm gần đây đã tạo nên một sức ép lớn đối với các cấu trúc lịch sử, dẫn đến một số hiện tượng mang tính cảnh báo đối với nhu cầu bảo vệ giá trị di sản đô thị.

Dấu ấn phương tây trong diện mạo kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP HCM
Nguồn: www.panoramio.com https://www.gmp-architects.vn , https://www.flickr.com

Thứ nhất là hiện tượng hiện đại hoá “bề nổi” trên cái nền cũ kỹ của hệ thống hạ tầng đô thị tạo nên áp lực lớn về giao thông nội đô;

Thứ hai là hiện tượng tháo dỡ các công trình cũ cho các dự án xây dựng mới;

Thứ ba là hiện tượng xây chen công trình cao tầng đã làm biến đổi các không gian kiến trúc đô thị đặc trưng của trung tâm hiện hữu. Khu biệt thự Quận 3, mảng đô thị mang sắc màu “thị phố” vùng Chợ Cũ là những khu vực chịu tác động nhiều nhất của quá trình này. Các tuyến đường cảnh quan tiêu biểu như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ…đã có những biến động lớn về cao độ công trình. Tuyến đường Tôn Đức Thắng vắng bóng những hàng cây xà cừ cổ thụ đầy hoài niệm…

Các hiện tượng trên đây đã dẫn đến nguy cơ hao mòn ký ức lịch sử trong quá trình phát triển. Trong bối cảnh này, việc triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản đô thị đa dạng của Sài Gòn- TP.HCM đã và đang trở thành một nhu cầu rất cấp bách.

*TS.KTS Phạm Phú Cường
Đại học Kiến trúc TPHCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

1. Lý Tùng Hiếu (2013), “Tiểu vùng văn hoá Sài Gòn: Trái tim của vùng đất phương Nam”, Tạp chí Khoa học Văn hoá và Du lịch số 10 tháng 3/2013.
2. Nguyễn Minh Hòa (2008), “Đa dạng văn hóa, nguồn động lực mạnh mẽ nhất cho phát triển của Sài Gòn-TPHCM”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đô thị hóa ở Sài Gòn TPHCM từ góc nhìn lịch sử văn hóa”, TPHCM.
3. Nguyễn Minh Hòa (2008), Tiềm năng cho kỳ tích Sông Sài Gòn, Nxb Tổng hợp TPHCM, TPHCM.
4. Nguyễn Quang Vinh (1987), “Truyền thống cần mẫn tài hoa cởi mở của thợ thủ công Sài Gòn”, Địa chí văn hoá TPHCM, tập III, Nxb Tổng hợp TPHCM, TPHCM.