Theo quan điểm truyền thống, sáng tạo không cần đến môi trường xung quanh và điều kiện sống – Người sáng tạo có thể phát kiến ra trong hoàn cảnh nghèo khó, chiến tranh, hơn thế nữa sáng tạo luôn mang dấu ấn cá nhân, do vậy mà người sáng tạo chỉ cần cây bút, mảnh giấy và bộ não là đủ. Đã một thời các trường Đại học lớn trên thế giới như Lomonoxop (Nga), Heidelberg (Đức) cho rằng giữ các nhà khoa học vào trong các tháp ngà, các phòng làm việc độc lập, nhỏ bé, không tiếp xúc nhiều với xã hội phức tạp thì các bộ óc sẽ tập trung cao độ để sản sinh ra các phát minh. Điều này cho đến nay vẫn còn giá trị, tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, người ta nhận thấy một điều cực kỳ quan trọng khác nữa là các phát minh về khoa học cơ bản hầu như đã được giải quyết xong, các phát minh, sáng chế mới xuất hiện sau này đa phần mang tính ứng dụng cao, do vậy để cho các ý tưởng sáng tạo và nhất là hiện thực hoá các ý tưởng, sau đó là thương mại hoá chúng vào đời sống được thì cần phải có môi trường làm việc nhóm và các phòng thí nghiệm, các xưởng thực hành rất hiện đại, cực kỳ đắt tiền và sau đó là một chuỗi các thực nghiệm kinh tế-xã hội khác nữa. Ngày nay, theo quan niệm mới đã được kiểm nghiệm, người ta nhận thấy để cho các ý tưởng sáng tạo nảy sinh thì cần có một không gian sống đủ cung cấp cho người làm việc trong đó một “cảm hứng sáng tạo” mạnh mẽ.
“Đô thị sáng tạo” không phải là một tên gọi, hay danh xưng cho đẹp, mà thực chất là cách thức tổ chức không gian sống sao cho những con người làm việc trong đó có hứng khởi muốn sáng tạo, có điều kiện về vật chất, và thể chế để biến các ý tưởng của họ thành sản phẩm. Do vậy, đô thị sáng tạo thường là đô thị đại học, công viên phần mềm, khu công nghệ cao. Các khuôn viên (campus) của Silicon Valley của Mỹ, Ấn độ, các đô thị đại học như Quảng Châu, Đại học Quốc gia Singapore,… đều được xây dựng theo xu hướng trở thành không gian trí tuệ, tri thức với các tiêu chí khác với các đô thị tài chính, thương mại, du lịch.
Không gian qui hoạch – kiến trúc và cảnh quan được coi là phần vỏ vật chất cực kỳ quan trọng, chính KTS danh tiếng thế giới Le Corbusier đã từng nói “Kiến trúc tạo nên con người”, trong tác phẩm “Trò chuyện cùng sinh viên” ông nói rằng “Con người đô thị là sản phẩm của các thành phố”. Điều đó có nghĩa là tổ chức không gian vật chất (hình khối, đường nét, mầu sắc, bố cục) và cảnh quan (cây xanh, mặt nước, công viên) có công năng sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành con người, làm thay đổi nếp nghĩ, thói quen và cách hành xử của cá nhân. Trong một ý nghĩa tương tự, nhưng mang hàm ý rộng hơn, người Việt Nam có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, câu này được hiểu: Khi chúng ta tạo ra một môi trường sống như thế nào thì con người được nhào nặn ra hình hài và diện mạo như thế. Nói cho cùng thì qui hoạch không gian sống chính là hành động “bố cục, sắp đặt các vật thể hợp lý trong không gian ba chiều để cho con người sống và phát triển trong đó một cách hài hòa”. Chúng ta qui hoạch xã hội và không gian sống như thế nào thì sản phẩm đầu ra sẽ mang dấu ấn như thế. Về điều này Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, PGS.TS. Phan Thanh Bình có nói: “Môi trường giáo dục không phải là đơn tuyến mà là đa diện, không phài là đơn nhất mà là tổng hòa của nhiều nhân tố hợp thành. Trong số đó thì không gian vật chất của đô thị đại học đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Cố nhiên nhân cách văn hóa và năng lực của nhà nghiên cứu được hình thành thông qua trước hết là mối quan hệ tương tác giữa con người với nhau, nhưng như thế vẫn chưa đủ mà cần có một mối quan hệ tương tác khác nữa là giữa con người với mối trường tự nhiên và môi trường nhân tạo”1
Trên quan điểm như thế, chúng tôi cho rằng việc tổ chức không gian sống, làm việc cho các nhà khoa học, các kỹ thuật viên, các chuyên gia và các sinh viên là điều rất quan trọng. Một vài gợi ý dưới đây rút ra được từ các nghiên cứu lý thuyết và các chuyến khảo sát ở các campus đô thị đại học lớn trên thế giới.
Để có được một không gian sáng tạo, trước hết cần có một khuôn viên (campus) yên tĩnh. Trong campus của các đô thị đại học lớn trên thế giới, các khu công nghệ phần mềm không có giao thông nhanh, xe hơi chỉ sử dụng trong những trường hợp cần thiết như xe vận chuyển thực phẩm, rác thải, thiết bị kỹ thuật, vật liệu cung cấp cho các nhà xưởng với điều kiện chạy chậm và không bấm còi. Các nhà khoa học, các nhân viên và sinh viên đi đến trường bằng xe hơi, nhưng bắt buộc phải gửi ở các bãi xe, sau đó tuỳ khoảng cách xa gần mà chọn cách thức di chuyển bằng xe đạp công cộng, hoặc đi bộ. Đô thị sáng tạo không mang chức năng thương mại, dịch vụ mà chỉ có chức năng nghiên cứu, giáo dục đào tạo, huấn luyện, cho nên tất cả mọi sự ồn ào, náo nhiệt, xô bồ là không cần thiết. Đô thị sáng tạo khuyến khích việc đi xe đạp và đi bộ, do vậy ngoài một trục đường xuyên tâm, và một số đường nhánh ra thì các con đường còn lại không thiết kế theo kiểu ô vuông bàn cờ như các thành phố khác thường thấy mà đường đi được cấy lẫn, xen cài vào trong các rừng cây, thảm cỏ, vườn hoa, hồ nước. Chính trên những con đường quanh co uốn lượn, yên tĩnh đó, các nhà khoa học, các nghiên cứu viên sẽ chậm rãi, suy tư, tìm ý tưởng mới.
Đô thị sáng tạo phải là một đô thị xanh. Một đô thị có mật độ xây dựng, hệ số xây dựng quá cao, các khối nhà đồ sộ, cao tầng ken dầy vào nhau, thiếu mảng xanh dễ tạo ra tâm lý ức chế, nhàm chán. Một đô thị tràn ngập mầu xanh của cây xanh, thảm cỏ, hồ nước, công viên, vườn dạo và các tượng đài nghệ thuật, hình khối trang trí sẽ mang lại trạng thái tâm lý thư thái, quân bình cho những người sống và làm việc trong khu đô thị này. Trong một môi trường xanh, sạch, đẹp, mỹ thuật như thế người ta dễ nảy sinh những suy nghĩ sáng tạo tích cực, nhất là về lĩnh vực văn học, nghệ thuật tạo hình. Chính vì nhận thức được điều này mà nhìn các campus của các trường đại học danh tiếng trên thế giới từ trên cao giống như một khu rừng xanh ngát, nhà làm việc, phòng thí nghiệm lẫn vào trong các rừng cây theo phong cách “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng”.
Khuôn viên (campus) của đô thị sáng tạo là không gian làm việc, học tập, tranh luận, thảo luận. Trước kia, người ta cho rằng công việc học thuật chỉ diễn ra trên giảng đường, phòng họp, phòng thí nghiệm, nhưng xã hội hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin theo nguyên lý “Internet of thing” (vạn vật được kết nối) việc học tập, nghiên cứu, sáng tạo vượt ra khỏi khuôn khổ 4 bức tường. Người ta có thể làm việc ở bất cứ đâu bởi internet đã kết nối họ với nhau và với các thư viện. Chính vì điều này mà các đô thị khoa học có xu hướng thiết kết rất nhiều khoảng không gian chuyển tiếp giữa các khối nhà, giữa các không gian chức năng để cho các nhà khoa học cùng nhau làm việc một cách dễ dàng và thoải mái nhất. Đến các trường đại học lớn như Havard, NUS, Chulalong Korn, Quảng Châu sẽ gặp hình ảnh các giáo sư, nghiên cứu sinh, sinh viên tranh luận sôi nổi với nhau trên các thảm cỏ, khoảng trống giữa hai toà nhà có mái che, dưới các mái đón vươn rộng ra bên ngoài.
Dường như các KTS đã bỏ hẳn kiểu kiến trúc công trình đứng độc lập mà kết nối các không gian lại với nhau. Một không gian sáng tạo là sự kết hợp cùng lúc “nhiều trong một”, bao gồm các không gian kiến trúc, không gian văn hoá – xã hội, không gian cộng đồng – tâm linh. Chúng hoà trộn vào nhau tạo ra một không gian gây được cảm hứng làm việc cho cá nhân và tập thể, ở đó họ khát khao được làm việc, được cống hiến và không ngừng đổi mới.
Ở Việt Nam, có một vài không gian sáng tạo như thế, một trong số đó phải kể đến là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành Qui Nhơn (ICISE) nổi tiếng toàn thế giới. Với một cơ ngơi không lớn chỉ chừng 20 ha, thiết kế rất giản dị, thân thiện, các hội trường, phòng làm việc, thư viện, khách sạn rất nhỏ, thấp tầng hoà lẫn vào trong cây xanh, dòng suối và cát trắng, đây đó là công viên, vườn dạo, quán cà phê,…Mặc dù giản dị như vậy nhưng lại có sức thu hút kỳ lạ với các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam. Đây là nơi diễn ra 14 lần gặp gỡ Việt Nam thu hút hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng thế giới, trong số đó có 22 nhà khoa học đoạt giải Nobel và các các giải quốc tế tương đương. Nơi đây đã ra đời rất nhiều ý tưởng mới về Vật lý, Thiên văn học, toán học và kinh tế học. Nó nổi tiếng đến mức bất cứ nhà khoa học nào cũng như sinh viên ao ước được một lần đến “kinh đô sáng tạo này”.
*TS Nguyễn Minh Hoà
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2019)
————————————————————————————
Chú giải
(1) Xem kỷ yếu hội thảo “Hình thành và phát triển KHÔNG GIAN VĂN HÓA ĐẠI HỌC” tại đô thị đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngày 25-09-2009