Tranh Tết – Ngày ấy và bây giờ

1. Người Việt ta rất coi trọng cái Tết Nguyên đán – Tết là ngày tạ ơn Trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa trong năm; là ngày báo cáo kết quả lao động cả năm với Trời đất, tổ tiên; và còn là ngày cầu xin cho năm mới cũng được “bằng năm, bằng mười năm ngoái”. Với mỗi ngôi nhà Việt, việc sang sửa nhà cửa, lau chùi ban thờ… và sắm sanh trang trí trong những ngày này là điều bắt buộc.

Xưa, việc trang trí nhà cửa cũng chẳng cầu kì gì lắm bởi nếp nhà cũng đã vôn giản dị. Ngoài ban thờ là nơi tập trung nhiều mầu sắc hơn cả thì các vách nhà có thêm vài ba bức tranh khắc gỗ màu mua ở Phiên chợ Tết.

Những bức tranh nho nhỏ, dán trên vách ấy, được in từ những bản khắc bằng gỗ mít trên giấy dó với nhiều màu sắc tươi tắn, sống động như: Điệp, cánh sen, đỏ chu sa, vàng màu hoa lý, đỏ hoa hiên…

Đã có một thời, cả ngày đêm, khắp làng Đông Hồ vang lên tiếng giã dó, giấy phơi khắp cánh đồng. Tranh in ra đến đâu bán hết đến đó, nhà nhà đều muốn có vài bức tranh treo trong nhà ngày Tết cho đẹp, mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn. Tranh Hàng Trống cũng được in trên giấy dó nhưng chỉ màu đen là được in từ bản khắc, sau đó nghệ nhân mới dùng màu nước tô vờn màu cho bức tranh. Vì thế nên tranh Hàng Trống có độ sâu, độ rung và uyển chuyển hơn. Có rất nhiều mẫu tranh được ưa chuộng như: Tranh tố nữ, cá vượt vũ môn, tranh bốn mùa, tranh ngũ hổ, cá chép hóa rồng,…

Tranh xưa đầy ẩn ý được tượng trưng bởi động vật, hoa quả, đồ vật… Để hiểu tranh phải hiểu sự quy ước, tính tượng trưng của mỗi hình ảnh trong tranh. Mỗi hình ảnh đồ vật, con vật… tự thân chúng đã là một lời chúc qua hiện tượng đồng âm giữa các sự vật và những điều cầu ước. Ví như: Với tranh cầu phúc, nghệ nhân vẽ hai em bé ôm cá chép, sau có bông sen, đằng sau có chữ Phúc lộc song toàn; Cầu Phúc còn có thể vẽ lợn con quay bên lợn nái; tranh gà trống lại là hình ảnh tượng trưng của minh giới, gọi mặt trời xua đuổi tà, ma; tranh lợn xanh biểu tượng cho sự thịnh vượng, giàu có…

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, thú chơi tranh Tết đến nay dường như bị quên lãng.

2. Những năm 60-70 của thế kỉ 20, do hoàn cảnh chiến tranh và kinh tế bao cấp cũng đã xuất hiện một dòng tranh Tết mới, được các NXB của nhà nước in ra vừa phục vụ nhu cầu sắm Tết của Nhân dân, vừa mang tính chất tuyên truyền cho các Chủ trương đường lối của Nhà nước khi ấy.

Những bức tranh này thường được NXB Văn hóa Thông tin, NXB Phổ Thông… đặt đề tài cho các họa sĩ vẽ. Thời đó, được đặt tranh Tết thì chắc năm đó họa sĩ có một cái Tết khá tươm tất. Nhưng cũng không nhiều họa sĩ có thể đáp ứng được yêu cầu vừa vui tươi, vừa đẹp và vừa đúng chính sách chủ trương của Nhà nước. Có thể kể ra một số họa sĩ đã đóng góp vào mảng tranh này khi đó: Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Huy Toàn, Đỗ Đức…

Họa sĩ Tạ Thúc Bình là một họa sĩ được tín nhiệm trong việc này. Tranh của ông dễ hiểu gần gũi với người xem, nhân vật tươi tắn khỏe mạnh, mầu sắc tươi tắn như tranh dân gian.

Một số các báo cũng có những trang bìa in tranh Tết, báo Thiếu niên Tiền phong là một trong những tờ báo đó. Năm 1971, năm Tân Hợi- cách đây 4 giáp, một bức tranh Tết cũng được in trên trang bìa của tờ Nhi đồng của báo do cố họa sĩ Tô Chiêm vẽ, còn bên tờ Thiếu niên Tiền phong là của Họa sĩ Mai Long.

Tranh tết trên bìa báo ngày nay cũng vẫn được các tòa soạn quan tâm, các nhà sưu tập cũng rất để ý …

3. Ngày nay khi đời sống đã khấm khá hơn, dân trí được nâng cao hơn thì cái thú chơi tranh ngày Tết lại bắt đầu trở lại. Các họa sĩ vẽ tranh Con giáp – để khai bút, để tặng nhau, để chúc tụng. Tranh bây giờ, không bày ngoài chợ, hay cửa hàng bách hóa mà được trưng trên mạng xã hội và có khi được bán bằng ngoại tệ.

Thời gian dịch chuyển, cuộc sống xoay vần… âu cũng là điều dễ hiểu.

4. Một mùa xuân mới lại về, nhà nhà, người người đang chuẩn bị sửa sang nhà cửa đón Tết và mong rằng nhiều năm sau nữa cái thú chơi tranh ngày Tết này vẫn còn tồn tại cùng với dân tộc Việt.

Anh Chi

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)