Trò chuyện với các tác giả Giải thưởng Loa Thành 2019: “Trách nhiệm của KTS là giữ gìn bản sắc văn hóa với những công trình cân bằng sinh thái”

Giải thưởng Loa Thành 2019 đã khép lại với những giải thưởng xứng đáng dành cho những ý tưởng sáng tạo, hoài bão lớn và thành công mới của các tân kiến trúc sư: những sinh viên năm cuối chuyên ngành Kiến trúc – Xây dựng. PV TCKT đã có cuộc trò chuyện với các tác giả có Giải thưởng xuất sắc nhất Loa Thành năm nay.
Trân trọng gửi đến độc giả!

PV: Chúc mừng các bạn đã nhận được giải thưởng của Giải thưởng Loa Thành 2019. Bạn có thể chia sẻ với độc giả TCKT về cảm xúc của bạn lúc này được không?

Đặng Vũ Hiệp: Mình đã cảm thấy rất bất ngờ và may mắn. GTLT vốn là ước mơ của mỗi bạn SV ngành Kiến trúc. Nhân đây Mình cũng muốn dành lời cảm ơn tới TS.KTS.Trần Nhật Kiên – GV hướng dẫn cùng với người bạn của mình: Đ.C. Thắng. Đây là hai người đã hỗ trợ mình rất nhiều trong việc hoàn thiện các nghiên cứu về văn hóa – tín ngưỡng truyền thống.

Nguyễn Hoài Nam: May mắn đạt được thành tích Thủ Khoa tốt nghiệp với mình là bất ngờ. Nhưng Giải Nhì Giải Thưởng Loa Thành 2019 làm mình thật sự xúc động. Bởi những cố gắng của bản thân và sự hướng dẫn của Ths.KTS Nguyễn thị Hồng Tươi trong gần nửa năm qua cũng được công nhận bằng một giải thưởng cao quý.

Trần Trung Hiếu: Khi nhận được tin, mình cảm thấy rất vui và hãnh diện. Khi mình được chọn đại diện cho trường tham dự giải Loa Thành, mình cũng có chút áp lực vì mình biết đây là sân chơi lớn, với rất nhiều bài dự thi xuất sắc nhất từ các trường đại học có chuyên ngành kiến trúc khắp cả nước, nên khi biết tin đạt giải, mình khá là tự hào và vinh dự.

Giải Nhất Loa Thành 2019: Đồ án “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nghĩa trang làng đô thị hóa Quan Nhân”

PV: Trong đồ án dự thi, các bạn đều có nhắc đến trách nhiệm của sinh viên kiến trúc với đô thị và quan điểm thiết kế hướng tới cân bằng sinh thái và bản sắc văn hóa. Các bạn có thể nói thêm về điều này không?

Đặng Vũ Hiệp: Mình nghĩ rằng việc được thiết kế những công trình cân bằng sinh thái – văn hóa là một vinh dự, và cũng là trách nhiệm của mỗi KTS. Đồ án tốt nghiệp của tôi được hình thành thông qua việc nghiên cứu hiện trạng để tìm ra các vấn đề đang tồn tại trong đô thị. Tôi đã kết hợp tìm hiểu về các phong tục – văn hóa – tín ngưỡng truyền thống, thông qua đó tìm ra câu trả lời giải quyết các vấn đề hiện trạng một cách phù hợp nhất cho nghĩa trang làng đô thị hóa. Những giải pháp được đề xuất trong đồ án hướng tới giữ gìn các giá trị tâm linh hiện hữu, tăng khả năng gắn kết của cộng đồng dân cư xung quanh với dân cư bản địa. Kết hợp với các yếu tố tạo hình, công nghệ số,… để tạo ra một mô hình nghĩa trang có khả năng tiếp nhận vô hạn, phù hợp văn hóa bản địa.

Nguyễn Hoài Nam: Đây cũng là nguyện vọng của mình trong những dự định sắp tới. Nhưng sự kết hợp sẽ mang tính chất quảng bá mạnh mẽ hơn. Không chỉ ứng dụng nét đặc trưng văn hóa Việt Nam vào công trình bảo tàng, công trình công cộng, mà còn là những công trình mang tính thương mại, dịch vụ, để dễ dàng đưa văn hóa truyền thống Việt Nam đến với Quốc tế nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên vẫn sẽ dựa trên tinh thần cân bằng sinh thái – văn hóa trong kiến trúc. Tinh thần mình đã đặt ra trong đồ án tốt nghiệp: “Khôi phục cái cũ theo một cách mới”.

Trần Trung Hiếu: Từ lúc bắt đầu nghiên cứu sâu về đề tài này, mình cũng bắt đầu nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của yếu tố cân bằng sinh thái-văn hóa, tính xã hội trong công trình kiến trúc. Bên cạnh sự chiêm nghiệm sâu sắc, mình cũng thực sự yêu thích và tâm huyết về hướng đi này. Trong tương lai, mình hi vọng có nhiều cơ hội để theo đuổi về vấn đề này.

Giải Nhì Loa Thành 2019: Đồ án “Trung tâm bảo tồn làng nghề Phú Văn – Kinh đô guốc mộc”

PV: Bạn có muốn chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên cũng đang nuôi ước mơ “chạm tay” tới Giải thưởng danh giá này trong mùa giải sắp tới?

Đặng Vũ Hiệp: Trước hết, tôi muốn dành lời cảm ơn sâu sắc tới Ban tổ chức GTLT đã tạo nên một sân chơi bổ ích, thiết thực và mong muốn giải thưởng này sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng trong những mùa sau. Còn về phần các bạn sinh viên, các bạn hãy ước mơ, đặt mục tiêu và đừng nản chí, các bạn sẽ đạt được nếu đủ cố gắng. Thêm nữa chúc các bạn may mắn, vì đó cũng là một yếu tố rất quan trọng!.

Nguyễn Hoài Nam: Sau những cố gắng, những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp cũng như các đồ án nhỏ. Mình nghĩ, trách nhiệm là yếu tố quan trọng nhất. Trách nhiệm với việc học của bản thân, trách nhiệm với nghề, trách nhiệm với cả giáo viên hướng dẫn của mình,… Khi mình ý thức được trách nhiệm, những ý tưởng, những sáng tạo của mình sẽ có sự chỉnh chu, hoàn hảo hơn. Những khó khăn, bế tắc xảy đến mình cũng sẽ có trách nhiệm cố gắng vượt qua, cố gắng theo đuổi, bảo vệ và phát huy ý tưởng của mình đến cùng. Có được trách nhiệm với bản thân, với nghề, mình nghĩ thành quả chúng ta đạt được không chỉ ở những giải thưởng cao quý, mà còn là những cống hiến tốt đẹp và có ích cho xã hội, cho Việt Nam. Đừng cố nuôi dưỡng những tham vọng mơ hồ, hãy cố nuôi dưỡng bản thân mình thật vững chắc. Khi bạn đủ kĩ năng và bản lĩnh, thì không có gì là không thể cả. Như một câu khẩu hiệu mà mình rất thích: I CAN DO IT, YOU CAN DO IT! (Tạm dịch: Tôi có thể làm được, bạn cũng sẽ làm được!)

Trần Trung Hiếu: Mình không có bí quyết gì đặc biệt, cũng như các bạn khác thôi, mình cũng dành hầu hết thời gian và tâm trí vào bài đồ án cuối cùng này. Có chăng là khi làm mình đã đào sâu nghiên cứu rất nhiều và rất sâu để đồ án không chỉ đạt giá trị về thẩm mỹ và công năng đơn thuần mà còn giải quyết các yếu tố xã hội, văn hóa, môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương cũng như tính khả thi của đồ án. Và bên cạnh đó một bí quyết nhỏ nữa là mình luôn đặt mục tiêu rất cao trong mọi vấn đề mà mình theo đuổi, và phấn đấu bằng mọi giá để đạt được kết quả tốt.

Giải Ba Loa Thành 2019: Đồ án “Bảo tàng chứng tích tội ác Khmer đỏ”

PV: Trân trọng cảm ơn các tác giả!

Bích Thủy (Thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2019)